Nỗi niềm của người chuyên... "chữa cháy"
Nếu nói Phan Tử Giang - Tổng giám đốc PETROCONs - là người chuyên đi... “chữa cháy” cũng không có gì quá lời. Bởi lẽ, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Phan Tử Giang được điều đi làm lãnh đạo các đơn vị đang trong tình trạng “dở sống, dở chết”. Đó là Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, thuộc Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) - một “di sản” buồn của Vinashin chuyển về Petrovietnam. Rồi nay là PETROCONs, nguyên là PVC - một doanh nghiệp có quá khứ đáng tự hào nhưng cũng đầy tai tiếng.
Tôi biết Phan Tử Giang từ khá lâu, nhưng anh vốn là người kín tiếng, rất ngại nói về mình và càng không muốn giãi bày, chia sẻ với người ngoài những gì mà anh đang phải đối mặt.
Nhiều người thường hỏi anh: “Sao anh cứ thích tìm việc khó để làm?”, anh Giang trả lời thẳng thắn: “Tôi không thích làm việc khó, nhưng việc gì Petrovietnam giao là tôi sẽ làm”.
Khi PETROCONs gặp khó khăn, Phan Tử Giang tình nguyện nhận nhiệm vụ tiếp quản, không phải tình nguyện nhận để giải quyết cái khó của PETROCONs mà nhận để làm cho xong Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, vì thời điểm đó PETROCONs vẫn đang là Tổng thầu.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Phan Tử Giang vận dụng tất cả những kinh nghiệm của mình có để tiến hành cấu trúc, tổ chức lại bộ máy của PETROCONs.
Hiện nay, PETROCONs không nợ ai, nhưng lại mất 3.600 tỉ đồng vốn điều lệ, trong đó Petrovietnam chiếm 54%. Theo Phan Tử Giang, điều cốt lõi và là nguyên nhân gây ra cho PVC trước kia (PETROCONs bây giờ) là câu chuyện quản trị. Phan Tử Giang phát hiện ra một điều “quái gở” của PVC là hệ thống quy trình, quy chế rất nhiều, nhưng tất cả chỉ là “có cho... vui”, còn việc áp dụng không được tuân thủ. Khi ai vi phạm nội quy, không có chế tài xử phạt và nó trở thành một thói quen rất lâu. PETROCONs có 25 đơn vị thành viên, trong đó 7 đơn vị do PETROCONs chi phối, còn lại là liên kết. Tổng quân số khoảng 1.600 người, giảm so với thời hoàng kim 4.400 người.
Từ khi về PETROCONs, Phan Tử Giang ưu tiên việc chăm lo đời sống, chế độ chính sách đối với cán bộ, công nhân viên và người lao động, để bảo đảm cuộc sống cho mọi người. Năm 2022, bình quân thu nhập của người lao động là 11 triệu đồng/người/tháng. Để có được con số khiêm tốn đó, phải vượt qua “thiên nan, vạn nan”, mà cái khổ nhất, khó nhất, chính là... cơ chế.
Người lao động PETROCONs tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 |
Năm 2022, giá trị sản lượng toàn tổ hợp ước thực hiện 1.494,59 tỉ đồng, đạt 120% kế hoạch năm; doanh thu toàn tổ hợp ước 1.742,12 tỉ đồng, đạt 112% kế hoạch năm và tiếp tục có lãi, mặc dù còn thấp và không phải lãi từ hoạt động chính là xây lắp. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với người lao động được duy trì ổn định, nợ đọng tiền lương, chế độ chính sách, nợ bảo hiểm đã được giải quyết.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định tại Hội nghị Tổng kết năm 2022 của PETROCONs: “Theo phương án tái cơ cấu, Petrovietnam tiếp tục xác định xây dựng PETROCONs từng bước ổn định, trở thành đơn vị chủ lực trong lĩnh vực xây lắp dầu khí. Petrovietnam sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa và luôn đồng hành cùng PETROCONs”.
Hiện nay, PETROCONs đang bươn trải tìm kiếm các hợp đồng đấu thầu bên ngoài. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu quy định rất ngặt nghèo về các tiêu chí năng lực, tài chính... của người tham dự thầu. Trong khi đó, năm 2021, PETROCONs mất 90% vốn điều lệ (năm 2009, vốn điều lệ là 4.000 tỉ đồng, gấp 5 lần Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Lilama). Việc Petrovietnam giao cho PVC thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một việc làm đúng đắn, tạo điều kiện cho PVC có được kinh nghiệm để thực hiện và tham gia đấu thầu các nhà máy lớn (có thể đứng ra làm tổng thầu). Ở Việt Nam chỉ có PVC và Lilama mới có đủ năng lực làm được việc này. Đây thực sự là rào cản cực lớn đối với PETROCONs, không dễ vượt qua. Thực trạng này cũng giống như ở DQS. Do phải gánh món nợ từ thời Vinashin để lại, nên lúc nào DQS cũng phải “còng lưng trả nợ”, mặc dù từ ngày về Petrovietnam, DQS luôn có công việc và thậm chí còn bảo dưỡng thành công con tàu chở dầu lớn nhất thế giới.
Điều làm Phan Tử Giang luôn đau đáu suy nghĩ, đó chính là hiện nay hầu như các dự án lớn ở Việt Nam đều có các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào đấu thầu và làm tổng thầu. Các doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam tràn ngập và làm tổng thầu, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ được làm nhà thầu phụ. Các tổng thầu Hàn Quốc bỏ giá thầu rất thấp để cạnh tranh với các nhà thầu Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... và cái giá thấp ấy sẽ để lại hậu quả là khi tổng thầu Hàn Quốc rút đi, các nhà thầu phụ của Việt Nam đều lỗ vốn.
Hiện tại, PETROCONs đang đề nghị Petrovietnam cho tham gia các chuỗi của Petrovietnam. Với các chuỗi liên quan đến xây lắp công trình, PETROCONs đều có thể tham gia được.
Năng lực vượt trội nhất của PETROCONs mà không có sự cạnh tranh với một đơn vị nào trong Petrovietnam là làm các dự án trên bờ. Đặc biệt, PETROCONs xây dựng theo hình thức: Công ty mẹ chỉ giữ các công việc thiết kế và quản lý dự án, còn các công ty con thi công (trước đây các công ty con thường làm công tác quản lý, còn thuê các đơn vị thi công ngoài). Từ đó PETROCONs sẽ để các công ty hoạt động đúng với năng lực.
Hiện nay, PETROCONs đang đấu thầu một số dự án lớn như Ô Môn 4 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN); dự án cáp điện truyền tải nối từ Sóc Trăng ra Côn Đảo; Dự án thủy điện tích năng Bác Ái của EVN (tại Bình Thuận).
Và mối quan tâm lớn nhất của Phan Tử Giang trong năm 2023 là mong muốn Petrovietnam báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng cơ chế đặc biệt chấp thuận gia hạn thời hạn trả nợ vay ủy thác theo Nghị quyết số 523/NQ-DKVN ngày 19-1-2018 của HĐTV Petrovietnam và miễn toàn bộ các khoản lãi vay, lãi phạt, các khoản phí để PETROCONs có khả năng tiếp tục thực hiện thu xếp nguồn tài chính trả nợ Petrovietnam.
Nếu tháo gỡ được rào cản này, chắc chắn PETROCONs sẽ như “người khổng lồ” được cởi trói và việc để trở thành doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực xây lắp dầu khí không phải là mục tiêu quá xa.
Nguyễn Như Phong