Ông “tia đất” muốn tìm dầu khí!

14:11 | 15/10/2012

2,142 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Ngày 22/9/2012, tại Hà Nội, Chi hội Địa Vật lý Dầu khí phía Bắc thuộc Hội KHKT Địa Vật lý Việt Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ II nhiệm kỳ 2012-2016. Có một điều đặc biệt, tại hội nghị này, trong phần sinh hoạt học thuật, các đại biểu đã được nghe TS Vũ Văn Bằng, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường trình bày đề án Áp dụng công nghệ bức xạ từ thứ cấp vào việc thăm dò, tìm kiếm dầu khí.

Cơ sở khoa học

TS Vũ Văn Bằng nổi tiếng với công nghệ bức xạ từ thứ cấp mà người ta vẫn gọi nôm na là “tia đất”. Thuyết và công nghệ bức xạ từ thứ cấp được TS Bằng xác lập và hoàn chỉnh trong quá trình thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất của 2 đơn vị: Viện Công nghệ Nước và Môi trường thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Công ty Cổ phần Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ sức khỏe.

Hiểu một cách ngắn gọn về thuyết này là: Có một loại từ trường đặc biệt hình thành khi và chỉ khi các vật thể chuyển động hoặc tiếp xúc tương tác trao đổi lẫn nhau và thông qua nó, ta có thể nhận biết được chính vật thể đã bức xạ ra trường từ đó. Nhiều nhà khoa học cho rằng, đây có thể được xem là sự mở rộng phần trường điện từ của vật lý lý thuyết.

TS Vũ Văn Bằng (bên trái) muốn áp dụng công nghệ bức xạ từ thứ cấp của mình vào việc tìm kiếm dầu khí

Từ cơ sở này, TS Bằng đã nghiên cứu ra cách sử dụng hiệu quả trường từ này trong công tác nghiên cứu khoa học cũng như phục vụ sản xuất, biến nó thành “con tin” để tìm ra chính chủ của nó. Tức là, thông qua trường bức xạ từ thứ cấp có thể biến được chính vật thể đã bức xạ ra chúng, khi vật thể đó ở trạng thái chuyển động hay tiếp xúc tương tác và chuyển hóa lẫn nhau. Điều này không những đúng với cả những vật hoàn toàn bị che khuất dưới mặt đất mà còn cả những vật không nhìn thấy bằng mắt thường. Từ lý thuyết này, TS Bằng đã chế tạo ra thiết bị để phát hiện và đo được trường bức xạ từ thứ cấp, mà các thiết bị điện từ hiện đại hiện có trên thế giới và trong nước không đo được.

Như TS Nguyễn Văn Túc - Viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường nói về công trình này: Về lý thuyết có thể còn cần trao đổi thêm nhưng về công nghệ thì thực sự hiệu quả. Và, trong thực tế, chiếc máy đo trường bức xạ của TS Bằng đã chứng minh được nhận định này.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin điểm lại một số thành quả tiêu biểu mà TS Bằng đã đạt được và những thành quả này đã được các chuyên gia và cơ quan chức năng công nhận.

Cuối năm 2008, bằng phương pháp khảo sát thăm dò đo địa bức xạ TS Bằng đã phát hiện những túi nước lớn trong đá phun trào Ryolit - một loại tầng địa chất vô cùng nghèo nước ở KCN Hòn La, Quảng Bình. Qua khảo sát dự án, nước ngầm tại đây chỉ tồn tại ở các cồn cát ven biển. Tuy nhiên, lượng nước nhỏ giọt không thể cáng đáng cho cả khu công nghiệp rộng lớn. Sau gần một tháng dùng máy đo, TS Bằng đã chỉ ra những vị trí có nước ngầm. Không những thế ông còn vẽ được cả tấm bản đồ về nước dưới đất trong khu công nghiệp này. Kết quả khoan ngày 22/10/2008 đã chứng minh sự chính xác của tấm bản đồ trên.

Ở dự án khoan nước ngầm cấp cho thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước đảm nhiệm và đang khoan với kinh phí Nhà nước cấp. Theo đề cương kỹ thuật, tại đây sẽ khoan 7 điểm khoan, mỗi giếng khoan sâu tới 160m. Vị trí các giếng khoan được quyết định trên cơ sở đo địa vật lý (phương pháp điện) và do hội đồng kỹ thuật của Liên đoàn xét duyệt có tham vấn của các giáo sư Trường đại học Mỏ địa chất. Nhưng khi khoan đến trên 100m không thấy có nước.

Tháng 10/2009, Liên đoàn có mời TS Bằng lên Mèo Vạc dùng phương pháp  địa bức xạ kiểm tra giúp xem giếng khoan đang khoan có nước hay không. Chỉ sau vài phút đo đạc TS Bằng trả lời ngay rằng, giếng khoan này không có nước. Tuy nhiên, để yên tâm, chủ dự án vẫn quyết định cho khoan tiếp. Quả nhiên, khoan đến 155m sát nút thiết kế 160m giếng khoan vẫn không hề có một giọt nước.

Tương tự như vậy, ở Côn Đảo, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu quả quyết: “Côn Đảo không có nước ngầm”. Thời điểm ấy, nhóm nghiên cứu của TS Bằng đến Côn Đảo khảo sát đo đạc bằng phương pháp địa bức xạ xác định được ở trung tâm thị trấn Côn Sơn có tới 7 vị trí có nước ngầm với lưu lượng không nhỏ. Theo TS Bằng cho biết, nước ngầm ở đây trữ lượng dự kiến có thể đạt trên 5.000m3/ngày đêm.

Kết quả, sau 1 tuần khảo sát đo đạc bằng phương pháp địa bức xạ và 15 ngày tiến hành khoan 1 mũi khoan kiểm chứng sâu 75,7m ngày 19/7/2011, nước từ sâu trong đá gốc phun trào Gabro đã phun lên mặt đất.

Có tìm được mỏ dầu khí?

TS Bằng cho rằng, với nhiều năm đào sâu nghiên cứu về địa chất, dựa trên quá trình thực nghiệm tìm kiếm vật thể dưới lòng đất bằng thuyết địa bức xạ, ông tin rằng, có thể tìm mỏ dầu khí theo hướng này. Cơ sở của ông đưa ra là: Thân quặng cùng những vỉa đá vây quanh mỏ dầu khí sẽ phát ra từ trường rất mạnh vượt lên mặt đất và lan tỏa trong không gian hàng nghìn cây số. Dựa vào thuyết công nghệ bức xạ từ thứ cấp, sẽ tập trung chế tạo nâng cấp từ chiếc máy cũ của ông một chiếc máy khác có độ nhạy cao hơn, do từ trường ở độ sâu lớn hơn và phát hiện chi tiết vật thể hơn.

Để tiến hành cuộc khảo cứu này, TS Bằng đề xuất phương án thành lập một tổ khảo sát gồm nhiều chuyên gia đầu ngành về địa vật lý dầu khí. Nhóm này sẽ tiến hành đùng máy đo đạc ở những mỏ dầu khí đang khai thác và họ sẽ không có bất cứ thông số nào của mỏ này. Sau khi đo đạc xong, nhóm sẽ so sánh những thông số đo được và thông số gốc của mỏ. Sự chính xác hay không chính xác của công nghệ này sẽ được xác định từ đây. Hiện tại, bằng chiếc máy tự chế của mình, TS Bằng đã xác định được những đứt gãy địa chất kiến tạo ở độ sâu khoảng 1km, xác định được nước ngầm khoảng 250km.

TSKH Trương Minh, Chi hội trưởng Chi hội Địa Vật lý Dầu khí phía Bắc cho biết: Ngày 18/9/2012, Hội đồng Khoa học liên ngành do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập đã đánh giá công trình khoa học của TS Bằng là một phát minh khoa học. Vấn đề đặt ra là, có thể áp dụng công nghệ này trong công cuộc tìm kiếm, thăm dò dầu khí hay không. Đây chỉ là một ý tưởng ban đầu và cần rất nhiều các chuyên gia trong và ngoài ngành tiến hành khảo cứu và thực nghiệm để chứng minh.

Sau khi nghe trình bày về ý tưởng này, đã có rất nhiều chuyên gia về địa vật lý TS Nguyễn Hồng Minh - Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết: “Ý tưởng này là một ý tưởng rất mới và cũng cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt, cần quan tâm đến độ sâu thực tế mà công nghệ này đạt được”.

Đương nhiên, sẽ còn mất nhiều thời gian, nhiều công sức, cần nhiều hơn nữa nhiệt huyết để biết được rằng, công nghệ bức xạ từ thứ cấp của TS Bằng có thực sự tìm dầu được hay không. Tạo điều kiện để chứng minh, phát triển một công trình khoa học mới, lạ là việc cần làm với ngành Dầu khí, một ngành kinh tế đầu tàu của nước nhà.

Vũ Minh Tiến

DMCA.com Protection Status