Sản xuất - Kinh doanh xăng E5:

Petrovietnam không... "đơn thương độc mã"

15:00 | 23/07/2013

615 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đã 5 năm trôi qua kể từ khi Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025” được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhưng dường như xã hội vẫn còn quá xa lạ với xăng E5.

Mục tiêu rõ ràng

Những lợi ích hiển nhiên của việc sử dụng xăng E5 đã được chứng minh và thông tin rộng rãi nhiều năm qua trên các phương tiện thông tin đại chúng như đảm bảo cân bằng và đa dạng nguồn năng lượng, phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng môi trường.

Đứng trước những nguy cơ về thảm họa môi trường, về sự cạn kiệt của nhiên liệu hóa thạch, việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH) là xu thế thời đại, xu thế của hội nhập, không còn gì phải bàn cãi. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã bắt buộc sử dụng các loại xăng sinh học E5, E10, E20, hiệu quả kinh tế xã hội đã rõ ràng, có lý luận và thực tiễn, kiến thức và công nghệ, nhiều kinh nghiệm và bài học đã được đúc rút sau gần 40 năm NLSH được đưa vào cuộc sống, chúng ta chỉ cần học theo, làm theo, không cần phải qua bước thử nghiệm nữa.

UBND tỉnh Quảng Ngãi và đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bàn kế hoạch ra quân đồng bộ trên địa bàn Quảng Ngãi thực hiện việc đưa xăng sinh học E5 vào cuộc sống

Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt chính sách, khung khổ pháp lý cho việc sản xuất, kinh doanh xăng E5, dầu diezel B5 và bằng Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 (Quyết định 53), Chính phủ đã quy định lộ trình bắt buộc cho việc đưa E5, B5 vào cuộc sống. Như vậy, chỉ còn 16 tháng nữa lộ trình này sẽ có hiệu lực. Cụ thể, từ ngày 1/12/2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5. Từ 1/12/2015 trở đi, cơ chế bắt buộc sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5 là xăng duy nhất phục vụ cho tất cả các loại phương tiện cơ giới đường bộ sẽ áp dụng trên toàn quốc.

Có thể nói, áp lực thời gian đối với các đơn vị sản xuất và kinh doanh xăng dầu là rất lớn. Một áp lực khác cũng không nhỏ, đó là làm thế nào để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội, thuyết phục người tiêu dùng?

Ách tắc đầu ra

Người viết bài này đã thực hiện một khảo sát nho nhỏ với 14 người lái xe taxi của các hãng khác nhau ở Hà Nội, 4 người trong số họ không biết gì về loại xăng này, 8 người "có nghe nói" về xăng E5 và biết đó là nhiên liệu sinh học, chỉ có 2 người biết đại khái về ích lợi và tác dụng của loại xăng này nhưng "công ty tôi chưa có chủ trương sử dụng".

Thử tìm kiếm các bài viết trên mạng Internet về xăng E5, ta có thể dễ dàng tìm thấy những từ ngữ như "bế tắc", "khó khăn", "cầm chừng", "thách thức", "thua lỗ", "vỡ trận" hoặc thậm chí "một dự án đang đứng trước bờ vực phá sản" nói về tình hình sản xuất kinh doanh xăng E5 hiện nay.

Theo thống kê mới nhất, tính đến cuối năm 2012, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của cả nước đạt 535 triệu lít/năm, sản lượng ethanol đủ để phối trộn 8,35 triệu tấn xăng E5 hoặc 4,17 triệu tấn xăng E10, bảo đảm đủ và vượt để cung cấp cho thị trường cả nước.

Tuy nguồn cung thì như vậy, song "đầu ra" thì ách tắc do không có mạng lưới phân phối. Được biết, hiện chỉ có khoảng 180 trong số 13.000 (nghĩa là khoảng hơn 1%) số cửa hàng xăng dầu trên cả nước có bán xăng E5, chủ yếu là các cửa hàng thuộc hệ thống của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Trong số 6 nhà máy sản xuất ethanol hiện có 1 đã phải dừng sản xuất, số còn lại chỉ chạy chưa đến 35% công suất, càng sản xuất càng lỗ vì đầu ra tiêu thụ trong nước chỉ đạt 20% để pha trộn xăng E5. Phần 80% còn lại phải xuất khẩu cho các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines với mức giá thấp, không đủ bù chi phí giá thành.

Như vậy là bài toán về nghịch lý cung cầu còn đang để ngỏ lời giải.

Vì sao một chính sách đúng đắn lại được thực thi chậm đến như vậy? Sau 5 năm, chúng ta dường như mới đi hết 1/5 chặng đường phải đi. Một số ý kiến được cho là khá "sát" khi kết luận rằng: Sự rời rạc trong việc hợp tác giữa các bộ, ngành và sự thờ ơ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.

Không giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, hôm nay buộc, mai đã có thể bắt... phạt. Việc phân phối, sử dụng xăng E5, đến lúc cần có cơ chế phạt cũng không dễ phạt bởi liên quan đến quá nhiều tầng nấc, nhiều luật và cơ chế, đặc biệt là cơ chế thị trường, các luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ... Vì lý do đó, tâm lý dửng dưng là điều dễ hiểu.

Lộ trình sử dụng xăng E5 phải có thời gian chuẩn bị rất công phu, từ xây dựng nhà máy, quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất, tàng trữ, phối trộn, vận chuyển, phân phối, cải hoán trạm xăng ... khâu nào cũng phải đầu tư tốn kém.

Nếu các cơ quan, đơn vị liên quan đến Quyết định 53 của Chính phủ và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bây giờ còn "án binh bất động" thì tới cuối năm 2014 cần "động" cũng khó mà "động" cho kịp.

“Đơn thương độc mã”

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của NLSH đối với vấn đề an ninh năng lượng của đất nước, Petrovietnam đã đi đầu trong việc xây dựng chiến lược phát triển NLSH, thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Quyết định 177 và Quyết định 53. Tập đoàn đã triển khai đầu tư và hợp tác đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất bio-ethanol công suất của mỗi nhà máy là 100.000m3/năm tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước; đầu tư 5 cơ sở pha chế xăng E5 tại Đình Vũ, Nhà Bè, Liên Chiểu, Vũng Tàu và 4 kho đầu mối phục vụ kinh doanh xăng E5; tích cực mở rộng hệ thống phân phối xăng E5 trên toàn quốc với hơn 170 cửa hàng thuộc hệ thống của đơn vị thành viên là PV Oil.

Tuy nhiên, về nguyên nhân chủ yếu cản trở tiêu thụ NLSH, theo thông tin của Bộ Công Thương, ngoài sự tham gia tích cực của Petrovietnam và Saigon Petro, còn 10 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu khác chưa chủ động đầu tư phát triển mạng lưới phân phối, do đó thiếu sự đồng bộ, chưa tương xứng với tốc độ phát triển của các dự án sản xuất NLSH. Đặc biệt, doanh nghiệp chiếm thị phần kinh doanh xăng dầu lớn nhất cả nước (50%) là Petrolimex vẫn "chưa có kế hoạch đầu tư" vì gặp khó khăn lớn về tài chính khi kinh doanh xăng dầu bị lỗ và vì nhu cầu vốn đầu tư cho các hệ thống phân phối sản phẩm E5 trên phạm vi toàn quốc là rất lớn nên Petrolimex vẫn tiếp tục phải "cân nhắc" phương án đầu tư hiệu quả nhất để triển khai.

Chính sách được đề ra nhưng có người thực hiện, có người không. Ngay đến Bộ Công Thương là Bộ được giao chủ trì dự án cũng phải "kêu" lên rằng: "Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan như Tài chính, Khoa học & Công nghệ, Giao thông Vận tải… chứ riêng Bộ Công Thương cũng không làm nổi".

Hầu như tất cả đều đang chờ đợi. Chờ chính sách, chờ cơ chế, đợi thời điểm, đợi hỗ trợ vốn v.v...

Một số cán bộ của Petrovietnam đã nhiều năm qua đôn đáo với chương trình NLSH luôn cảm thấy Petrovietnam đang như chiến binh "đơn thương độc mã" trên "chiến trường" này. Những nỗ lực của Tập đoàn với tư cách là doanh nghiệp tất nhiên tác động rất hạn chế đối với thị trường, khó có thể cải thiện tình hình chung hiện nay. Petrovietnam mặc dù đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ song cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn trong việc sản xuất và phân phối xăng E5, khó từ quy hoạch vùng nguyên liệu đầu vào đến phân phối tiêu thụ đầu ra.

Tháo gỡ khó khăn

Từ tháng 5 đến đầu tháng 7 vừa qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện lộ trình sử dụng xăng sinh học, hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất NLSH.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Như Sô và Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Sinh Khang ký biên bản phối hợp triển khai kế hoạch hợp tác

Theo phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thông qua ưu đãi về thuế, phí và hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác đối với nhiên liệu sinh học thời gian đầu. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn trồng sắn nguyên liệu cho người dân để ổn định canh tác, tăng năng suất, đáp ứng đủ nguyên liệu cho đầu vào sản xuất, đồng thời xem xét đưa mặt hàng sắn lát khô vào diện hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô (năm 2012 Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,3 triệu tấn sắn, tương đương 1 tỉ lít cồn). Một trong những nguyên nhân gây trở ngại tiêu thụ sản phẩm xăng sinh học là do các doanh nghiệp phải đầu tư cải tạo, bổ sung một số thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ phân phối xăng E5 (việc vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ xăng sinh học E5 phải có điều kiện khác so với xăng thông thường) nhưng chưa được hưởng các chính sách ưu đãi như các dự án sản xuất.

Nhằm đưa ra các giải pháp hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm xăng sinh học, Petrovietnam cũng đã đề nghị Chính phủ có chính sách dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào NLSH như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối NLSH trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông (bao gồm cả phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5); hỗ trợ thuế VAT đối với sản phẩm đầu ra cho E100 của các nhà máy NLSH và tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng E100, nhằm bảo hộ thị trường sản xuất trong nước.

Theo chỉ đạo mới đây nhất của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, phải tổ chức đoàn kiểm tra, làm việc với các nhà máy, tháo gỡ những khó khăn cho nhà đầu tư về vùng nguyên liệu, rà soát chính sách thuế, các ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư mạng lưới phối trộn, phân phối, kinh doanh sản phẩm NLSH. Tiếp tục nghiên cứu hạ giá thành sản phẩm để tạo sức cạnh tranh, hoàn thiện các nghiên cứu khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi thói quen sử dụng xăng dầu nhiên liệu truyền thống hiện nay, nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện các chiến dịch truyền thông, tiếp tục nghiên cứu hạ giá thành, đưa giá xăng E5 hấp dẫn và khuyến khích được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, việc tuyên truyền về lợi ích của sử dụng xăng E5 và NLSH cần được lồng ghép vào chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để mang lại hiệu ứng tốt nhất với xã hội, đồng thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn lớn về tài chính.

Về lộ trình của Chính phủ đề ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng khẳng định, không có lý do gì để mà cứ gặp khó khăn lại đề nghị điều chỉnh lộ trình bởi vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả đầu tư, đời sống người trồng sắn... đều phụ thuộc cả vào việc thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu này. Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ liên quan thực hiện tốt và đầy đủ trách nhiệm được giao, tăng cường phối hợp chặt chẽ, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn để thực hiện đúng lộ trình. Bộ Công Thương cũng đang được Chính phủ giao sửa đổi dự thảo Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể kinh doanh xăng E5 thuận lợi.

Người đi tiên phong

Không chờ đợi thụ động và quyết tâm khẳng định vị trí đi tiên phong về phát triển NLSH, bằng hành động cụ thể, ngày 19/7/2013, được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Petrovietnam và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký kết biên bản làm việc về kế hoạch, giải pháp triển khai thỏa thuận hợp tác giữa hai bên về NLSH.

Theo đó, hai bên đã cùng đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác về phát triển NLSH được ký ngày 19/8/2011 giữa UBND tỉnh và Tập đoàn, xác định rõ các nguyên nhân, tồn tại, khó khăn vướng mắc và đề ra kế hoạch, giải pháp để tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới, đặc biệt là về phát triển vùng sắn nguyên liệu, phát triển thị trường tiêu thụ xăng E5.

Lãnh đạo Petrovietnam và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đồng thuận đưa ra một kế hoạch mang tính khai mở, đó là xây dựng mô hình điểm thực hiện lộ trình sử dụng xăng E5 tại tỉnh Quảng Ngãi tiến đến thay thế hoàn toàn xăng truyền thống vào tháng 6/2014 (6 tháng trước thời điểm bắt buộc triển khai tại 7 tỉnh thành phố lớn theo Quyết định số 53).

Quảng Ngãi là địa phương có tỉ lệ cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học cao nhất cả nước tính đến thời điểm này

Quảng Ngãi là địa phương có 29/181 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5 đạt tỷ lệ 17%, cao nhất cả nước tính đến thời điểm này. Người dân ở đây cũng hưởng ứng tốt với sử dụng xăng sinh học.

Bên cạnh việc đề ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể cho cả hai bên nhằm hoàn tất công tác chuẩn bị để triển khai kế hoạch và lộ trình trên toàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi và Petrovietnam cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống phối trộn, sản xuất và phân phối xăng sinh học; ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển vùng sắn nguyên liệu phục vụ sản xuất NLSH gắn với phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Hai bên cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương ủng hộ xây dựng mô hình điểm thực hiện lộ trình sử dụng xăng sinh học E5 tại Quảng Ngãi theo sáng kiến mà UBND tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn đưa ra. Tập đoàn và UBND tỉnh cam kết sẽ tập trung nguồn lực tài chính, con người và thời gian... để thực hiện chương trình này một cách hiệu quả nhất, đồng thời cũng định kỳ tổ chức đánh giá tình hình thực tế, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cũng như bổ sung, điều chỉnh các nội dung mục tiêu, kế hoạch, tiến độ và giải pháp nếu thấy cần thiết trong quá trình thực hiện.

Có thể nói, cùng với những chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Bộ Công Thương, Quyết định 53 đã bắt đầu “tăng tốc” và Petrovietnam đã không còn “đơn thương độc mã”. Sự ra quân đồng loạt của chính quyền, các sở ban ngành và doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cùng các đơn vị thuộc Petrovietnam sẽ mở ra cơ hội thành công lớn cho đề án và lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học mà Chính phủ đưa ra. Hy vọng từ đó chương trình sẽ lan ra các tỉnh lân cận, trở thành bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn để nhân rộng trên toàn quốc.

Nguyễn Tiến Dũng
 

DMCA.com Protection Status