Petrovietnam, PVU tổ chức chương trình đào tạo “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”

12:21 | 04/11/2021

3,826 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong các ngày 26-27/10 và 2-3/11/2021, trên 80 cán bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên đã tham gia chương trình đào tạo “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”, do Ban Tổ chức và Quản trị Nguồn nhân lực Tập đoàn phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao (ATC) – Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) tổ chức.

Tham dự chương trình còn có các đồng chí lãnh đạo trong Hội đồng Thành viên và Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn, đại diện các đơn vị thành viên Tập đoàn như Vietsovpetro, PTSC, PV GAS, PVFCCo, BSR, PVCFC, PVPower, PVOIL, PVMR, PVNDB, DQS, PVC...

Chương trình gồm 5 chuyên đề: "Chuyển dịch năng lượng trên thế giới"; "Tổng quan năng lượng Việt Nam giai đoạn 2010-2020"; "Định hướng thúc đẩy và phát triển chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam"; "Giới thiệu chiến lược chuyển dịch năng lượng của một số tập đoàn dầu khí trên thế giới"; "Dự báo và mục tiêu phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; được trình bày và dẫn dắt bởi PGS.TS. Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nhật (VJIIST) và TS. Nguyễn Ngọc Hưng từ Viện Năng lượng Việt Nam.

Petrovietnam, PVU tổ chức chương trình đào tạo “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”
Chương trình đào tạo trực tuyến “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”.

Trong chuyên đề "Chuyển dịch năng lượng trên thế giới", các diễn giả đã chia sẻ về định nghĩa chuyển dịch năng lượng, đưa ra các số liệu năng lượng và môi trường toàn cầu đến 2025 tầm nhìn đến 2050. Các học viên cũng được thông tin về Thỏa thuận Paris 2015, 17 mục tiêu về phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc năm 2015, là những cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ngoài ra, các công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, gồm: sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng sạch (khí, năng lượng điện, năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, hydrogen…), giảm, thu hồi, lưu giữ và sử dụng phát thải khí nhà kính (CCS/CCUS), giảm rò rỉ mê-tan… cũng được trình bày tại phần này.

Về "Tổng quan năng lượng Việt Nam giai đoạn 2010-2020", các diễn giả đã cho biết các số liệu cụ thể về sản xuất và tiêu thụ năng lượng, một số chỉ tiêu kinh tế-năng lượng, so sánh hiệu quả năng lượng ở Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực. Các học viên được tham khảo một số chương trình, dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP1, VNEEP2, dự án WB, UNDP, ADB, v.v); các cam kết của Việt Nam (INDC năm 2015, NDC năm 2020…) về ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết của Chính phủ Việt Nam để thực hiện SDG và các cơ chế và chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Petrovietnam, PVU tổ chức chương trình đào tạo “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”
PGS.TS. Phạm Hoàng Lương trình bày về "Tổng quan năng lượng Việt Nam giai đoạn 2010-2020".

Tại chuyên đề "Chính sách thúc đẩy phát triển và định hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam từ 2010-2020", các học viên được nghe tóm tắt những điểm chính của Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 140/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW và một số các Nghị quyết, quyết định dự thảo khác có liên quan. Ngoài ra, các diễn giả cũng đã cung cấp cho các học viên thông tin về chiến lược chuyển dịch năng lượng (ET) của một số tập đoàn dầu khí trên thế giới như BP, Chevron, Exxon Mobil, TotalEnergies...

Phần cuối của chương trình là "Dự báo và mục tiêu phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", các học viên đã tiếp nhận các kiến thức về Phương pháp dự báo; Số liệu – thông tin phục vụ cho công tác dự báo; Dự báo nhu cầu năng lượng; Dự báo phát triển nguồn năng lượng và đề xuất một số giải pháp công nghệ đáp ứng được mục tiêu phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Petrovietnam, PVU tổ chức chương trình đào tạo “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”
Các diễn giả, khách mời và học viên trao đổi về các vấn đề thực tiễn tại đơn vị.

Trong suốt chương trình, các diễn giả, khách mời và học viên đã trao đổi, thảo luận sôi nổi về các vấn đề thực tiễn tại đơn vị, liên quan đến định hướng, chính sách, thị trường sản phẩm dầu khí truyền thống, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng.

Hiện tại, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đang diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11/2021 tại Glasgow (Scotland), cũng có nội dung thảo luận về đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Trong một diễn biến liên quan, tại diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững" do Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đã thông tin: Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu theo báo cáo về chỉ số rủi ro khó hậu toàn cầu năm 2020. Trong những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21). Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng mà Việt Nam cần thực hiện khi tham gia là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng.

"Với bối cảnh và những yêu cầu cấp thiết đang được đặt ra, trong thời gian tới, Petrovietnam và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo nhằm cung cấp thông tin đến các cấp lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người lao động về xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới. Cung cấp thông tin về những chính sách, chiến lược và các công nghệ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và định hướng phát triển năng lượng Việt Nam cũng như nội dung triển khai cụ thể tại từng đơn vị, nhằm đồng hành với quá trình chuyển dịch năng lượng đang bắt đầu diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của ngành Dầu khí đối với nền kinh tế đất nước" - Phát biểu bế mạc chương trình, bà Lê Thị Lam Trà - Phó Trưởng Ban Tổ chức và Quản trị Nguồn nhân lực Petrovietnam cho biết.

DMCA.com Protection Status