Petrovietnam tổ chức Tọa đàm “Hội nhập kinh tế quốc tế: Xu hướng và giải pháp khôi phục trong bối cảnh hiện nay”

15:49 | 24/03/2022

5,478 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 23/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Hội nhập kinh tế quốc tế: Xu hướng và giải pháp khôi phục trong bối cảnh hiện nay”.

Tham dự tọa đàm có PGS.TS Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Cùng dự tọa đàm có Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng; các Phó Tổng giám đốc Petrovietnam: Lê Ngọc Sơn, Phạm Văn Mậu, Phạm Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo các Ban Tổ chức và Quản trị nguồn nhân lực, Ban Kinh tế - Đầu tư.

Hội nhập kinh tế quốc tế: Xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, giáo dục con người làm trọng tâm
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Văn Lợi đã có bài thuyết trình tổng quan về hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa, đây là quá trình gắn kết, giao lưu, hợp tác giữa nền kinh tế quốc gia vào nền kinh tế quốc gia khác hay tổ chức kinh tế khu vực và toàn cầu, một trong những xu thế lớn và tất yếu trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới.

PGS.TS Phạm Văn Lợi chia sẻ, trên thế giới đã hình thành nhiều khối liên kết khu vực và liên khu vực ở các châu lục. Sự ổn định của tình hình an ninh chính trị thế giới phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ giữa các nước lớn, trong đó, quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc giữ vai trò quan trọng. Bản chất mối quan hệ giữa ba nước đó như thế nào và sự tác động của nó đối với an ninh, chính trị thế giới, khu vực ra sao luôn là vấn đề được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc là mối quan hệ tương đối phức tạp, được thế giới đặc biệt quan tâm. Theo các chuyên gia phân tích chiến lược, thời gian tới, khả năng lớn nhất của mối quan hệ này sẽ là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh; trong đó, yếu tố cạnh tranh vượt trội hơn và có thể xuất hiện cục diện đối đầu. Nếu tình huống này xảy ra, sự đối đầu sẽ diễn ra tương đối dài, phạm vi rộng, mọi lĩnh vực và không loại trừ khả năng “xung đột” ở phạm vi, quy mô nhỏ trong một số vấn đề như: tự do hàng hải trên Biển Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề Đài Loan...

Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới, cũng là hai cường quốc hạt nhân, Mỹ và Trung Quốc đều thận trọng khi áp dụng các biện pháp quản lý, ngăn ngừa khủng khoảng và kiềm chế không để xảy ra xung đột. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hai bên đều coi nhau như kẻ thù, bởi theo Mỹ, “đối thủ cạnh tranh không có nghĩa là kẻ thù”. Mối quan hệ này vừa có tính cạnh tranh, vừa có khả năng hợp tác song phương, thể hiện qua việc hai bên đều muốn duy trì “sự ổn định tương đối” trên các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, an ninh... Việc duy trì cục diện ổn định chiến lược đều có lợi cho cả hai, nếu xảy ra xung đột quân sự, cả hai đều hứng chịu những tổn thất vô cùng lớn, hơn cả những gì đang diễn ra trong cuộc chiến thương mại.

Với mối quan hệ Nga - Mỹ, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, quan hệ Nga - Mỹ mặc dù vẫn có mặt hợp tác, nhưng sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc này chưa bao giờ dừng lại, nhất là nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Putin đã dần lấy lại vị thế cường quốc. Trong 5 năm trở lại đây, mức độ hợp tác Nga - Mỹ không những không tiến triển mà còn bị thu hẹp. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế và cả các chính khách của hai nước đều nhận định quan hệ Nga - Mỹ “đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”. Biểu hiện rõ nhất của sự suy giảm mức độ hợp tác song phương là việc hai nước đã cắt giảm quy mô cơ quan đại diện và nhân viên ngoại giao của mình tại nước kia, cũng như giảm số đại diện của mình trong các tổ chức quốc tế mà hai bên đóng vai trò chủ chốt.

Trên hầu hết các lĩnh vực, cả Nga và Mỹ đều coi nhau như đối thủ cạnh tranh hơn là đối tác, sự mở rộng ảnh hưởng của nước này sẽ thu hẹp lợi ích của nước kia và ngược lại. Đối đầu trực diện quân sự ít có khả năng xảy ra, bởi hai bên đều hiểu rõ cái giá phải trả. Hiện nay, cả Mỹ và Nga đã rút khỏi “Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)”, có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai cường quốc.

Petrovietnam tổ chức Tọa đàm “Hội nhập kinh tế quốc tế: Xu hướng và giải pháp khôi phục trong bối cảnh hiện nay”
PGS.TS Phạm Văn Lợi

Bàn về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, PGS.TS Phạm Văn Lợi cho biết, bước vào thời kỳ đổi mới, tự do hóa thương mại được xem là một hướng đổi mới quan trọng trong chính sách và cơ chế quản lý thương mại và kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tự do hóa thương mại là vấn đề chưa có tiền lệ, không những trong thương mại với nước ngoài mà cả với thương mại nội địa, đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tự do hóa thương mại là một xu thế khách quan, không thể đảo ngược, cần được thúc đẩy mạnh mẽ, song phải có bước đi phù hợp với đặc điểm, điều kiện nước ta và yêu cầu hội nhập với bên ngoài, bảo đảm lợi ích quốc gia.

Hiện nay, bức tranh tăng trưởng của Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro. Việt Nam mới đơn thuần tận dụng được lợi ích tĩnh - chuyên môn hóa và gia tăng xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế so sánh hiện có, mà chưa tận dụng được các lợi ích động mang tính dài hạn, đặc biệt là việc tạo động lực cho đổi mới và sáng tạo, phát huy tối đa nội lực nhằm tiến tới các vị trí có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

PGS.TS Phạm Văn Lợi cũng chia sẻ về thương mại đa phương với những nguyên tắc cơ bản đã được định hình cùng với quan điểm chính sách tự do, mở cửa đang phải đối mặt với thách thức nảy sinh từ quan điểm dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ của một số quốc gia; quá trình tự do hóa thương mại, cần phải tính toán, cân nhắc nhiều yếu tố (có mặt mâu thuẫn nhau), như bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước; bảo đảm cán cân ngoại thương hợp lý; bảo đảm xuất, nhập khẩu cân bằng trong một thời gian xác định; yêu cầu hội nhập với khu vực và thế giới; Lĩnh vực kinh tế đối ngoại, quá trình tự do hóa...

PGS.TS Phạm Văn Lợi nhấn mạnh, trong mô hình kinh tế thị trường, vai trò của thương mại sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ khi hoạt động thương mại được tự do đối với mọi thành phần kinh tế, nhưng đó không phải là thứ tự do buôn bán bất chấp luật pháp, không chịu sự quản lý của Nhà nước làm cho thị trường trở nên rối loạn. Vì vậy, việc tổ chức sắp xếp, xác định vị trí các thành phần kinh tế tham gia lưu thông hàng hóa cho phù hợp với quá trình xã hội hóa sản xuất, kinh doanh, thực hiện kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động thương mại, đổi mới cơ chế, chính sách quản lý cho phù hợp với mô hình thương mại nhiều thành phần là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn cấp bách, sâu sắc.

Kiểm soát và hạn chế nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, nếu thực thi một cách quyết liệt sẽ tác động rất lớn đến quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc hoàn thiện và đổi mới chính sách nhập khẩu để khuyến khích nhập khẩu cạnh tranh nhằm đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu và hàng sản xuất thay thế nhập khẩu có thể xem là hướng đi - định hướng hợp quy luật trong bối cảnh hiện nay.

Luật Thương mại và các cơ chế, chính sách quản lý rất cần được bổ sung và hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thực hiện thuận lợi hóa thương mại. Luật Thuế xuất khẩu cũng cần được sửa đổi cho thống nhất, đồng bộ với quy định của Hiến pháp và các luật hiện hành, tương thích với các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi mà ở đó, doanh nghiệp có thể hoạt động theo các quy luật của thị trường. Thực tế cho thấy, môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự thông thoáng và do đó, tự do hóa với bên ngoài chưa thực sự đi kèm với tự do hóa các nguồn lực bên trong.

PGS.TS Phạm Văn Lợi cho rằng, có thể nói, chưa bao giờ nền kinh tế thế giới chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp và khó đoán định như hiện nay. Mặc dù các thị trường xuất khẩu được mở rộng thông qua các FTA nhưng chúng ta cũng gặp phải những khó khăn rất lớn trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại của nhiều thị trường nhập khẩu lớn…

Liên kết từ nhiều vấn đề, góc độ kinh tế, lịch sử, địa chính trị trên thế giới được PGS.TS Phạm Văn Lợi khái quát tại tọa đàm, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã đúc rút, chia sẻ thêm nhiều vấn đề trong vai trò CEO của Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước. Nhìn nhận từ thực tiễn, với đặc thù riêng Petrovietnam là một doanh nghiệp luôn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế, song song với việc thu hút đầu tư từ các công ty dầu khí quốc tế để phát triển.

Hội nhập kinh tế quốc tế: Xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, giáo dục con người làm trọng tâm
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng

Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Trong giai đoạn hiện nay, để phát triển bền vững, Tập đoàn đã và đang tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: rà soát chiến lược và củng cố hệ thống quản trị; quản trị nguồn nhân lực và phát triển đội ngũ; quản trị tài chính và đầu tư; quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường; nâng cao việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hệ sinh thái quản trị; quản trị và kiểm soát rủi ro; xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Đây cũng chính là thời kỳ Petrovietnam phải bám sát xu thế phát triển kinh tế - kỹ thuật - công nghệ của thế giới, chiến lược phát triển đất nước, bắt nhịp với xu hướng tất yếu về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng để hướng tới phát triển bền vững, chủ động thích nghi với các hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế mới; tăng cường năng lực dự báo, quản trị rủi ro; ứng phó có hiệu quả các biến động, bất định; đối diện với suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn trên Biển Đông...

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, Petrovietnam đã xây dựng được một đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao, vững vàng, được đào tạo cơ bản, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình phát triển, hội nhập hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực đang trở thành một yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại của ngành Dầu khí Việt Nam.

Thời gian tới, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh việc Tập đoàn tập trung vào công tác phát triển nguồn nhân lực, quản trị trí thức và quản trị nhân tài là trọng tâm và định hướng phát triển chiến lược của công tác đào tạo phát triển nhân lực. Qua đó xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học - công nghệ và công nhân kỹ thuật dầu khí Việt Nam đồng bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật, khoa học công nghệ, nghiệp vụ quản lý và điều hành ngang tầm quốc tế, để tự điều hành các hoạt động dầu khí trong nước và nước ngoài với hiệu quả kinh tế cao…

Minh Châu

DMCA.com Protection Status