Phân bón Cà Mau: Hoạt động 111% công suất, nộp ngân sách nhà nước vượt xa kế hoạch 6 tháng đầu năm
Những kết quả trên được trình bày tại Hội nghị Sơ kết công tác Đảng, công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của PVCFC với sự tham dự của đồng chí Vũ Thị Thu Hương - Phó Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); đồng chí Văn Tiến Thanh - Bí thư Đảng ủy - Tổng Giám đốc PVCFC, đồng chí Trần Ngọc Nguyên - Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT PVCFC, các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ, các Chi bộ trực thuộc.
Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết công tác Đảng, công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của PVCFC |
Báo cáo cho thấy, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của PVCFC ước đạt 8.247,24 tỷ đồng, vượt 82% so với kế hoạch 6 tháng và đạt 91% kế hoạch (KH) năm, vượt 91% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế vượt cao so với KH và cùng kỳ năm 2021. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 297,85 tỷ đồng, đạt 440% so với KH năm 2022. Các nguyên nhân chính đến từ chủ trương “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục, thông suốt; đồng thời cuộc chiến Nga - Ukraine đã gây ảnh hưởng trực tiếp khiến giá phân bón liên tục duy trì ở mức cao.
Mặc dù theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, PVCFC phải xây dựng giá bán theo giá bình quân của 4 thị trường thế giới, tuy nhiên, ban lãnh đạo Phân bón Cà Mau luôn tìm kiếm những giải pháp để hỗ trợ bà con nông dân thông qua các chương trình bỏ phiếu tặng quà, quay số trúng thưởng, hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý… để giảm gánh nặng về vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Với việc thực thi nhiều giải pháp thì dù giá khí tăng theo giá dầu nhưng mức tăng giá phân bón cao hơn nên đã tác động tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận của PVCFC. Ngoài ra PVCFC cũng tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ hàng tự doanh và các sản phẩm mới khác.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Góp phần không nhỏ vào những kết quả trên, trước hết là sự vận hành an toàn ổn định của Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất trung bình lũy kế đến nay đạt 111% so với thiết kế. Thời gian qua, nhà máy cũng đã tích cực triển khai các chương trình/đề án tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng nâng cao hiệu quả sản xuất urê và NPK.
Ngoài ra, ban lãnh đạo PVCFC cũng đặc biệt linh hoạt trong việc triển khai các phương án xuất khẩu trong các thời điểm nhu cầu nội địa giảm sút, lượng tiêu thụ nội địa chậm, tồn kho tăng cao. Từ đó, đã nâng cao khả năng chiếm lĩnh thị trường không chỉ với dòng sản phẩm urê mà với các dòng sản phẩm khác như NPK, OM Cà Mau, góp phần hoàn thành các mục tiêu doanh thu, lợi nhuận. Tổng sản lượng urê xuất khẩu 6 tháng của PVCFC đạt hơn 200 nghìn tấn đi Campuchia, Ấn Độ và Bangladesh - là một số thị trường truyền thống mà Phân bón Cà Mau có thế mạnh.
Tổng sản lượng urê xuất khẩu 6 tháng của PVCFC đạt hơn 200 nghìn tấn (Ảnh minh họa) |
Thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2022, PVCFC đã đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ như: Nghiên cứu đa dạng hóa bộ công thức NPK chuyên dùng cho cây lúa, cây công nghiệp; Nghiên cứu hoạt chất sinh học, phân bón vi sinh, giải pháp tận dụng các nguyên liệu phụ phẩm, nghiên cứu các chất cải tạo đất và môi trường sinh vật trong đất; Nghiên cứu về các giải pháp canh tác và dịch vụ nông nghiệp tiến tới phát triển mảng dịch vụ theo định hướng chiến lược… Mục tiêu ưu tiên của công tác nghiên cứu và phát triển là đưa ra các dòng sản phẩm phân bón mới có giá trị cao hơn, giá thành cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của người nông dân cũng như hệ thống phân phối, đảm bảo hiệu quả kinh tế và quy mô kinh doanh ở từng thị trường.
Không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, PVCFC đã nhanh chóng thích ứng, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản trị, bán hàng, các hoạt động tiếp thị truyền thông nhằm tiết giảm chi phí hoạt động và tương tác sâu rộng tới hệ thống phân phối các cấp. Cụ thể là tối đa hóa việc sử dụng, khai thác các nền tảng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh như hệ thống ERP, DMS, app 2Nong, hệ thống CRM…
Bên cạnh những điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, PVCFC còn là doanh nghiệp nổi bật trong việc thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng. Đây cũng là một trong những chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi, thân thiện với bà con nông dân mà PVCFC đang thực hiện rất hiệu quả trong những năm qua. Trong 6 tháng đầu năm, PVCFC đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau lập kế hoạch triển khai hỗ trợ xây dựng xây dựng 200 căn nhà Đại đoàn kết cho người dân tỉnh Cà Mau; xây dựng 6 công trình giao thông nông thôn (cầu, đường) giúp cho người dân và các học sinh di chuyển thuận tiện, an toàn; hệ thống đèn chiếu sáng đường nông thôn; triển khai tặng quà Tết cho người nghèo nhân dịp Tết Nhâm Dần năm 2022 trong chương trình đền ơn đáp nghĩa với tổng kinh phí 15 tỷ đồng; khánh thành bàn giao đưa vào sử dụng Trung tâm Giáo dục cộng đồng tại tỉnh Hải Dương; xây mới và hỗ trợ xây dựng nhiều trường tiểu học tại Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Thanh Hóa… với tổng chi phí đã thực hiện gần 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Quỹ Phát triển Thanh niên triển khai chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Tăng tốc trong 6 tháng cuối năm
Những tháng cuối năm 2022, tỷ lệ lạm phát tăng lên trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế đang xấu đi, đồng nghĩa với việc giá tất cả hàng hóa sẽ tăng lên và sức mua của các hộ gia đình sẽ giảm và chịu tác động nặng nề. Tình hình chiến sự Nga - Ukraine cùng các chính sách trừng phạt kinh tế, cấm vận cũng sẽ tiếp tục đẩy giá dầu, giá năng lượng lên cao làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất. Bên cạnh đó, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu dự báo sẽ gây ra những tác động không thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giá nông sản chưa được cải thiện nhiều trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao tiềm ẩn nguy cơ nông dân giảm canh tác hoặc chuyển đổi sang sử dụng phân bón giá rẻ kém chất lượng.
PVCFC là doanh nghiệp nổi bật trong việc thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng. |
Trước những đánh giá thị trường và tình hình kinh tế vĩ mô nêu trên, ban lãnh đạo PVCFC đã có những dự báo, đánh giá, cập nhật vào mục tiêu kế hoạch, điều hành sản xuất kinh doanh cụ thể trong những tháng còn lại năm 2022. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn là đảm bảo Nhà máy Đạm Cà Mau được vận hành hiệu quả, an toàn, ổn định, tối ưu công suất đối với các loại sản phẩm hiện tại (urê và NPK); triển khai nhanh đưa vào sử dụng các chương trình/đề án tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời chuẩn bị tốt công tác bảo dưỡng tổng thể nhà máy, đảm bảo duy trì nguồn cung sản phẩm thị trường trong nước trong thời gian bảo dưỡng.
Thời gian này, PVCFC cũng sẽ tập trung công tác phát triển thị trường, hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết về NPK Cà Mau tại các thị trường mục tiêu, đặc biệt phát triển hiệu quả ở thị trường Tây Nam Bộ; đưa sản phẩm phân bón hữu cơ xâm nhập thị trường mục tiêu; Hoàn thiện hệ thống quản trị, tăng sức cạnh tranh và giá trị thị trường của Phân bón Cà Mau. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống ERP cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được doanh nghiệp đề ra, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với công tác triển khai chuyển đổi số và ERP của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Đồng thời, Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Petrovietnam để triển khai thực hiện phương án tái cấu trúc PVCFC phù hợp với đề án tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, trong thời gian này, PVCFC cũng như các nhà sản xuất phân bón tại Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam, bám sát các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội để kiến nghị sửa Luật Thuế 71/2014/QH13 nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Trúc Lâm