Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2015)

Phát triển nguồn nhân lực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Công tác Đảng có vai trò quyết định

08:50 | 03/02/2015

2,591 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong quá trình hình thành và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, nguồn nhân lực đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng trên tất cả các khâu, lĩnh vực, dự án. Một trong những nguyên nhân xuyên suốt mang tính quyết định là sự lãnh đạo của Đảng với tầm nhìn mang tính chiến lược, nhạy bén và sâu rộng. Lịch sử phát triển ngành Dầu khí luôn có sự lãnh đạo sát sao của Đảng về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Năng lượng Mới số 396

Giai đoạn trước năm 1975, đây là giai đoạn đất nước đang trong hoàn cảnh chiến tranh. Ở miền Bắc, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước muôn vàn khó khăn để vừa đối phó với thù trong giặc ngoài, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân vẫn có sự quan tâm đến ngành địa chất và mỏ. Ngày 1/4/1946, Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ được thành lập, trực thuộc Bộ Quốc dân Kinh tế. Để chuẩn bị nguồn nhân lực, tháng 7/1955, lớp chuyên viên địa chất đầu tiên được Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Công Thương khai giảng.

Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các nhà lãnh đạo và Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đánh giá cao vai trò của ngành dầu khí đối với đất nước. Từ năm 1956, Chính phủ đã có chủ trương gửi một số học sinh đi Liên Xô và Rumani học ở các trường đại học nổi tiếng về dầu khí, đồng thời yêu cầu các trường đại học, trung cấp trong nước đào tạo ngành địa chất, địa vật lý.

Tiết học thực hành của Trường cao đẳng Nghề Dầu khí

Trong giai đoạn này, dù điều kiện còn rất khó khăn và thiếu thốn nhưng với niềm tin tất thắng và tầm nhìn chiến lược về vai trò của ngành Dầu khí đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo chủ động chuẩn bị và từng bước phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực địa chất đã phát triển khá nhanh từ 257 người năm 1955 (chỉ có 3 người có trình độ đại học, 2 người có trình độ trung cấp) thì năm 1960, Cục Địa chất có hơn 5 nghìn người và năm 1972, Tổng cục Địa chất có khoảng 22 nghìn người, trong đó có hàng nghìn người có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp. Đây là lực lượng quan trọng ban đầu, làm nòng cốt cho các giai đoạn về sau.

Từ Năm 1975-1990, ngành Dầu khí Việt Nam hoạt động theo mô hình tổng cục trực thuộc Chính phủ. Với bối cảnh đất nước đã hòa bình và thống nhất hoàn toàn, ngành Dầu khí đã bước sang một giai đoạn mới, hoạt động mở rộng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là hướng ra vùng thềm lục địa giàu tiềm năng với mục tiêu là nhanh chóng tìm kiếm, đánh giá và khai thác dầu, khí phục vụ ổn định và phát triển kinh tế xã hội đất nước. Ngành Dầu khí đã tích cực chuẩn bị, đào tạo cán bộ, công nhân ở nước ngoài và ở các trường đại học và trung cấp trong nước. Một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực dầu khí được chuẩn bị, đào tạo thông qua hợp tác đào tạo với các nước xã hội chủ nghĩa cũ như Liên Xô, Rumani. Đặc biệt được phát triển mạnh từ năm 1981, khi ra đời Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.

Ngay sau ngày cả nước vừa thống nhất, Đảng ta đã chỉ đạo việc tiếp quản, thu thập các tài liệu về dầu khí của chính quyền Sài Gòn. Chưa đầy một tuần sau chiến thắng 30/4/1975, nhóm cán bộ đầu tiên đã bay vào Sài Gòn vào sáng ngày 5/5/1975 để thực hiện nhiệm vụ. Đến ngày 20/7/1975, Bộ Chính trị đã tiến hành cuộc họp đầu tiên tại Sài Gòn để xác định đường lối phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triền khai thăm dò dầu, khí trên cả nước. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò quan trọng của dầu khí “Dầu hỏa và khí đốt là nguồn năng lượng quan trọng của tất cả các nước công nghiệp”. Ngành công nghiệp lọc dầu và hóa dầu “là một thành phần cơ bản và tiên tiến của một cơ cấu công ngiệp hiện đại”. Đồng thời, nghị quyết nêu rõ yêu cầu lập “kế hoạch tích cực chuẩn bị cán bộ, công nhân để đưa đi đào tạo ở nước ngoài, chú ý đào tạo cán bộ quản lý, luật pháp, thương mại quốc tế, cán bộ có trình độ cao và công nhân lành nghề thuộc những phần then chốt trong kỹ thuật thăm dò, khai thác chế biến dầu, khí. Mở rộng việc đào tạo cán bộ dầu, khí ở các trường đại học và trung cấp ở trong nước…”. Điều này đã chứng minh tầm nhìn của Đảng ta, từ rất sớm đã xác định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo cơ sở, định hướng cho việc hình thành và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Dầu khí Việt Nam. Thực hiện nghị quyết này, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã cử nhiều đoàn đi học tập kinh nghiệm ở một số nước có ngành công nghiệp dầu khí phát triển như Iraq, Kuwait, Mexico, Pháp, Trung Quốc...

Ngày 29/12/1977, Bộ Chính trị ra tiếp Chỉ thị số 30-CT/TW về những việc cần làm để đẩy nhanh công tác dầu mỏ và khí đốt. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng và cần thiết, đã kịp thời cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết 244-NQ/TW, trong đó có những nội dung quan trọng về nguồn nhân lực. Chỉ thị nhấn mạnh: “Phải ra sức đào tạo nguồn nhân lực”. Để đáp ứng nhu cầu trước mắt, Chỉ thị cho phép mời chuyên gia nước ngoài giúp ta về kinh nghiệm, đồng thời “cần điều động một số cán bộ cốt cán về quản lý, về kỹ thuật ở một số ngành; đưa phần lớn cán bộ kỹ thuật và kinh tế về dầu khí đang công tác ở các ngành về Tổng cục Dầu khí công tác”. Xa hơn, để đáp ứng mục tiêu lâu dài, Chỉ thị nêu rõ: “Cần có kế hoạch tích cực đào tạo cán bộ để sớm có lực lượng cán bộ cốt cán về quản lý và kỹ thuật đảm đương được nhiệm vụ, kể cả phần ta tự làm và phần làm với các công ty nước ngoài. Cần có kế hoạch và chính sách thích hợp để sử dụng tốt lực lượng khoa học, kỹ thuật trong Việt kiều ở các nước tư bản”.

Dấu ấn về những quyết sách của Đảng về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Dầu khí Việt Nam trong thời kỳ này còn phải kể đến Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7/7/1988 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000. Nghị quyết đã nêu rõ “Xây dựng và đào tạo được một đội ngũ công nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật; cán bộ quản lý đủ sức từng bước làm chủ được ngành công nghiệp dầu khí, tiến lên tự lực phát triển ngành ở thế kỷ sau”.

Kỹ sư vận hành NMNĐ Vũng Áng 1 công suất 1.200MW

Có thể nói, các văn bản quan trọng trên đã bao hàm các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách với một tầm cao chiến lược, là kim chỉ nam cho việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực dầu khí, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giai đoạn 1990-2006: Ngành Dầu khí Việt Nam hoạt động theo mô hình tổng công ty Nhà nước trong điều kiện toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện công cuộc đổi mới. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành và ngành Dầu khí có bước phát triển quan trọng. Đây cũng là giai đoạn có nhiều chuyển biến về nội dung và hình thức đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật dầu khí đảm bảo đủ trình độ, ngoại ngữ và lý luận chính trị theo yêu cầu để đáp ứng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh dầu khí. Hợp tác quốc tế mở rộng, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo phát triển nhanh, có bước phát triển mới về chất. Nhiều dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí được triển khai như Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau…

Trong giai đoạn này, có thể coi ngày 6/7/1993 là một cột mốc đối với sự nghiệp dầu khí của nước ta, với việc Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 3 thông qua Luật Dầu khí. Đặc biệt, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực dầu khí tiếp tục được thể hiện bằng những quy định của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam. Luật Dầu khí quy định rõ điều khoản sử dụng lao động Việt Nam và nghĩa vụ của các nhà thầu quốc tế phải chuyển giao công nghệ, đào tạo, sử dụng cán bộ, công nhân Việt Nam.

Điều này thể hiện sự chỉ đạo xuyên suốt đối với tầm quan trọng của việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Dầu khí Việt Nam của Đảng và Nhà nước ta, tạo cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng và thiết thực để Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam lúc đó tranh thủ thời cơ và điều kiện, yêu cầu các nhà thầu quốc tế chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ và công nhân dầu khí bằng nhiều hình thức.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực dầu khí còn được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Tại Thông báo số 152/TB ngày 21/11/1994 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu rõ: “Tổng công ty cần quan tâm và xúc tiến khẩn trương việc đào tạo, tuyển dụng để hình thành một đội ngũ cán bộ giỏi về công nghệ, quản lý và luật pháp, chẳng những để giúp tổng công ty quản lý tốt công việc kinh doanh của mình, mà còn để tham gia kiểm tra, kiểm soát công việc làm ăn của nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí tại nước ta”. Trong Kết luận của Bộ Chính trị số 41-KL/TW ngày 19/1/2006 và Quyết định số 386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/3/2006 về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã nêu rõ phát triển nguồn nhân lực là một trong những giải pháp để thực hiện thành công chiến lược. Cụ thể là ngành Dầu khí phải “Tập trung đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật hiện có; đào tạo bổ sung cho những khâu còn thiếu, còn yếu; ban hành chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác áp dụng cho các hoạt động tự lực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam ở trong nước và đầu tư ở nước ngoài”.

Các Bí thư chi bộ tiêu biểu tham quan Phòng Truyền thống Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (ảnh: Hiền Anh)

Trong giai đoạn thứ 3, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ cả mặt nhận thức và mặt thực tiễn. Đối tượng đào tạo được mở rộng từ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, công nhân kỹ thuật và sinh viên giỏi có triển vọng ở các trường đại học. Hình thức đào tạo phong phú từ đào tạo dài hạn, đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao cho đến đào tạo theo dự án, kỹ năng, ngoại ngữ... trong và ngoài nước.

Từ năm 2006 đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam hoạt động theo mô hình tập đoàn nhà nước. Ngày 29/8/2006, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được thành lập trong bối cảnh Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới sau 20 năm đổi mới kể từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1986. Ngành Dầu khí cùng cả nước phấn đấu với mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước. Với vị trí tiên phong, đầu tàu đòi hỏi ngành Dầu khí phải có đủ, có đồng bộ các nguồn lực cần thiết. Trong đó, nguồn nhân lực là một nhân tố mà Đảng ta luôn tư duy nhất quán là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định sự phát triển xã hội và sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đại hội X (2006) đã nêu rõ điều kiện để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức là phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy, nhận thức, tư duy chỉ đạo đã định hướng về vai trò và nội dung phát triển nguồn nhân lực ở nước ta không chỉ theo chiều rộng mà quan trọng là chiều sâu, chất lượng của nguồn nhân lực. Ngành Dầu khí với mục tiêu nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp với các tập đoàn dầu khí quốc gia trong khu vực. Khi năng lượng đang trở thành vấn đề ngày càng nóng và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố liên quan, chủ trương của Đảng tạo cơ sở và định hướng cho ngành Dầu khí phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu mới trong giai đoạn mới, giai đoạn tăng tốc và phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Cụ thể, Quyết định 233/QĐ-TTg ngày 18/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải “chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng và đạt chuẩn quốc tế để triển khai thành công các hoạt động nghiên cứu khoa học và điều hành các dự án dầu khí cả trong nước và ngoài nước”. Triển khai chủ trương của Đảng và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xây dựng và ban hành Quyết định 2496/QĐ-DKVN ngày 19/8/2009 phê duyệt “Chiến lược Đào tạo và Phát triển nhân lực Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2025” với mục tiêu tổng quát là “Xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học - công nghệ và công nhân kỹ thuật dầu khí Việt Nam đồng bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật, khoa học công nghệ, nghiệp vụ quản lý và điều hành ngang tầm quốc tế, để tự điều hành các hoạt động dầu khí trong nước và nước ngoài với hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam cho các giai đoạn”. Chiến lược cũng đã định hướng các giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như phương thức tổ chức thực hiện.

Trong giai đoạn này, ngành Dầu khí tập trung triển khai nhiều dự án với quy mô ngày càng lớn trên nhiều lĩnh vực được hoàn thành, chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại như Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, Dự án Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1, Cà Mau 2… Đồng thời triển khai các dự án khác liên doanh quốc tế khác như Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Hóa dầu Long Sơn, Dự án Nhà máy Lọc dầu số 3... Lực lượng lao động của ngành tăng nhanh về quy mô, cơ cấu và chất lượng tiếp tục được phát triển sang nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cùng với thế và lực mới của đất nước, ngành Dầu khí đã tận dụng thời cơ và điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh và bùng nổ trên nhiều lĩnh vực. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có những chuyển biến rõ nét trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và xu thế toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng.

Có thể thấy rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng về nhân tố con người, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển ngành Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững, mạnh mẽ.

Nguyễn Thành Hưởng

(Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2)

DMCA.com Protection Status