PTSC phối hợp tổ chức trao giải “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9

14:13 | 01/06/2018

913 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân, Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã phối hợp với Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức họp báo giới thiệu Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 và chương trình giao lưu, nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”.

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và chương trình nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018).

ptsc phoi hop to chuc trao giai nhung tam guong binh di ma cao quy lan thu 9
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí.

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, trong 10 năm qua kể từ khi phát động cuộc thi viết lần thứ nhất (tháng 4/2008) đến nay, Ban tổ chức đã nhận được gần 4.000 tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước; đã lựa chọn đăng tải gần 1.500 tác phẩm trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân, đã tạo được sức lan tỏa và ảnh hưởng trong xã hội.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn cho hay: Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 đã nhận được gần 200 tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên ở mọi miền đất nước gửi về tham dự cuộc thi, Ban tổ chức đã lựa chọn hơn 149 tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân và Báo Quân đội nhân dân điện tử. Hội đồng chấm chung khảo với sự tham gia của các nhà báo lão thành Hà Đăng, Hồng Vinh cùng nhiều nhà báo uy tín khác đã chọn đã lựa chọn 21 tác phẩm xuất sắc nhất để Ban tổ chức trao giải thưởng (gồm 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba và 15 giải Khuyến khích).

Theo Ban tổ chức: Các tác phẩm dự thi đã phát hiện, đã phát hiện, tôn vinh những cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, luôn gương mẫu, tiên phong trên các lĩnh vực công tác, như: Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, công tác dân vận, giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị, xóa đói giảm nghèo.... Trong đó có những người đã âm thầm cống hiến cho đất nước, cộng đồng, làm được nhiều việc tốt, bình dị nhưng có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, thực sự là những điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Họ có một điểm chung đáng quý là thầm lặng làm việc tốt, việc thiện; sẵn sàng nhận việc khó, phần thiệt thòi về mình; nỗ lực cống hiến cho xã hội, cộng đồng mà không hề nghĩ đến phần thưởng hay trở thành người “nổi tiếng”.

Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 và chương trình giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy” sẽ giúp khán giả hiểu hơn về những tấm gương bình dị mà cao quý này. Họ là những tập thể, cá nhân tiêu biểu luôn đề cao nghĩa vụ công dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, thực sự là “công bộc” của nhân dân. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng chiếu các phóng sự sinh động, hấp dẫn; các nghệ sĩ, ca sĩ như NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Hồng Hạnh, ca sĩ Anh Thơ… và Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội sẽ trình diễn nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước và quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Chương trình được tổ chức vào 20 giờ 30 phút, ngày 8/6/2018, tại tại Nhà hát Lớn, Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Tại lễ trao giải, Ban tổ chức sẽ tiếp tục phát động cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 với thời hạn nhận bài dự thi đến hết tháng 2/2019.

21 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9:

Giải Nhất được trao cho tác phẩm: “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” (tác giả Đặng Thu Hà).

2 giải Nhì gồm: “Tiếng gọi từ trái tim người mẹ” (Nguyễn Thu Hoài); “Nữ “thuyền trưởng" giỏi ở xã điển hình nông thôn mới” (Hà Anh - Thanh Năm).

3 giải Ba gồm: “Dấu ấn anh Bộ đội Cụ Hồ ở Trung Phi” (Phạm Kiên - Hoàng Linh); “Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mang tên “Dr Trần Ngọc Lương” (Việt Phương - Lê Hiền) và tác phẩm “Nhân nghĩa và khát vọng giúp nông dân thoát nghèo” (Nguyễn Minh Hiếu - Nguyễn Kiên Thái).

15 giải Khuyến khích gồm: “Chàng học sinh nghèo và 2 tấm Huy chương Vàng Olympic” (Trần Văn Bình); “Website Lietsi.com và ước mơ của Lê Công Thành” (Hoàng Liên Việt); "Người thầy nơi thâm sơn cùng cốc" (Nguyễn Viết Lam); “Kỹ sư" Mao của đồng bào Khơ Mú” (Hoàng Khánh Trình); “Hơn cả một giáo viên, cô là niềm cảm hứng…” (Huy An - Phương Linh); "Bà giáo hết lòng “gieo chữ” cho trẻ thiểu năng” (Thúy An); “Người xây những cây cầu yêu thương” (Lê Hữu Trưởng); “Nghị lực của nữ thủ khoa hai lần giành học bổng Kova” (Nguyễn Văn Công); “Thầy giáo thương binh “trồng người” bằng tay trái” (Hương Dịu); “Tấm lòng nhân ái thắp lửa yêu thương” (Vũ Duy); “Nhà khoa học của nhà nông” (Đoàn Văn Nam); “Khởi nghiệp từ tình yêu với con gái nhỏ” (Hoàng Trường Giang); “Ông chủ của “sân khấu tình thương” (Phan Thu Sa); “Người bác sĩ trọn đời vì dân bản” (Ngọc Thịnh) và tác phẩm “Ông "thần nông" ở Hồng Quang” (Tô Văn Binh).

Nguyễn Hoan

DMCA.com Protection Status