Quản trị rủi ro trong công nghiệp dầu khí

07:00 | 19/02/2014

22,822 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Quản trị rủi ro là một trong những vấn đề sống còn của các nhà lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Trong ngành công nghiệp dầu khí, công tác quản trị rủi ro càng được coi trọng, đặc biệt là các loại rủi ro như chính trị, an toàn môi trường, biến động về giá, con người, công nghệ… Rủi ro không chỉ khiến doanh nghiệp khốn đốn mà còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ, phá sản, ví dụ điển hình là sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico của Công ty Dầu khí BP.

Năng lượng Mới số 297

Trong các năm qua khủng hoảng kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã dẫn đến một loạt các doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, thậm chí là phá sản. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì năm 2013 có trên 55.000 DN giải thể, ngừng hoạt động. Ngành Dầu khí cũng không phải ngoại lệ, trong những năm gần đây bên cạnh những DN, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm ăn hiệu quả, cũng còn một số DN hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến các khó khăn như mất khả năng cân đối tài chính, làm giảm vốn chủ sở hữu…

Câu hỏi đặt ra đối với các nhà quản lý, kinh tế là việc làm ăn thua lỗ và phá sản của các DN là do nguyên nhân nào? Khách quan hay chủ quan? Việc thua lỗ này có được dự báo trước hay không? Các giải pháp phòng chống có được áp dụng để tránh các rủi ro này không? Kinh nghiệm của các DN kinh doanh thành công trong giai đoạn khủng khoảng và khó khăn này như thế nào?

Bài viết này nhằm mục đích tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề chính trong quản trị rủi ro của các DN hoạt động trong lĩnh vực Dầu khí.

Quản trị rủi ro gắn liền với quản trị doanh nghiệp

Theo Stephen Wagner, chuyên gia hàng đầu về quản trị rủi ro: “Hoạt động kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, nhưng cũng nhiều cơ hội để trụ vững và phát triển cho người biết nắm bắt”. Hay nói cách khác rủi ro là một sản phẩm phụ tất yếu của mọi hoạt động. Các tổ chức không thể loại trừ hoàn toàn các rủi ro. Rủi ro của DN là thiệt hại do những nhân tố khó kiểm soát, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của DN (mục tiêu lợi nhuận, thị phần, thương hiệu, văn hóa DN, an sinh xã hội…). Quản trị rủi ro là tổng thể những giải pháp mà bộ máy quản trị DN cần phải tiến hành nhằm phát hiện, phòng ngừa hoặc làm giảm các thiệt hại khi có rủi ro.

Việc mở rộng tìm kiếm thăm dò khai thác ra vùng biển nước sâu xa bờ rất tốn kém và chứa đựng nhiều rủi ro

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và cấu trúc quản trị DN thì quản trị rủi ro là một phần không thể tách rời quản trị DN. Nó thể hiện ở ngay 3 tầng kiểm soát nội bộ các rủi ro: 1) Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày (executive), có trách nhiệm kinh doanh an toàn hiệu quả tránh các rủi ro đổ vỡ theo các quy định của Hội đồng Quản trị và pháp luật; 2) Hội đồng Quản trị có trách nhiệm giám sát hoạt động của Tổng giám đốc để DN đạt được các mục tiêu đề ra; 3) Kiểm soát do Chủ sở hữu cử, bổ nhiệm hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước Chủ sở hữu giám sát toàn bộ các hoạt động của DN, Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc. Đó là 3 tầng lớp kiểm soát nội bộ trong DN, ngoài ra còn có kiểm toán độc lập, thanh tra, kiểm toán Nhà nước nếu là DN có vốn đầu tư của Nhà nước.

Nói tóm lại, rủi ro gắn liền với lợi ích. Trong kinh doanh, thường thì rủi ro cao sẽ mang lại lợi ích cao, tuy nhiên trong một số trường hợp rủi ro cao sẽ không mang lại lợi ích thậm trí còn thua lỗ, phá sản. Quản trị rủi ro không chỉ bảo vệ tài sản mà còn giúp gia tăng giá trị và đem lại cơ hội cho DN phát triển.

Việc xác định các rủi ro, đo lường, định lượng mỗi rủi ro một cách chính xác và toàn diện trên cơ sở liên tục điều chỉnh và phản ánh những thay đổi đó trong các quyết định quản lý là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các nhà quản lý các cấp. Các DN không thể loại trừ hoàn toàn các rủi ro mà cần phải tìm hiểu các rủi ro mà họ phải đối mặt, sau đó cần xác định khả năng tự quản lý rủi ro trong nội bộ DN và thiết lập các giải pháp phòng ngừa tối ưu để hạn chế các rủi ro cao hơn, ngăn ngừa và giảm thiểu các tổn thất nghiêm trọng, nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí.

Việc xác định rủi ro phải phân tích dự đoán các nhân tố từ trong DN (internal) hay các nhân tố bên ngoài DN (external). Cụ thể các nhân tố bên ngoài như môi trường kinh doanh, các quy định của pháp luật về thuế, phí, hải quan, lao động…; các dự báo về tốc độ tăng trưởng phát triển của ngành, nhu cầu, thu nhập bình quân đầu người, GDP…; yếu tố chính trị; sự biến động về giá, tỷ giá…. Các nhân tố bên trong như các quy trình, quy định nội bộ trong DN, đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong DN…

Các rủi ro trọng yếu trong ngành công nghiệp Dầu khí

Rủi ro chính trị: Một trong những đặc thù của ngành Dầu khí là đòi hỏi vốn đầu tư lớn, rủi ro cao và chịu ảnh hưởng rất lớn của yếu tố chính trị… các công ty dầu khí lớn thường là các công ty dầu khí quốc gia hoặc đa quốc gia, được sở hữu toàn phần hoặc một phần của Nhà nước. Vì vậy các chiến lược, các chính sách đặc biệt là chính sách về năng lượng, kinh tế, ngoại giao của các quốc gia đều có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN hoạt động trong ngành Dầu khí.

Đối với ngành Dầu khí Việt Nam, thời gian qua, việc mở rộng tìm kiếm thăm dò khai thác ra vùng biển nước sâu xa bờ rất tốn kém, rủi ro và hơn nữa đang bị tranh chấp mạnh từ phía Trung Quốc điển hình là sự kiện tàu thu nổ địa chất Bình Minh 02 của ta mặc dù đã được các tàu bảo vệ nhưng cũng bị tàu Trung Quốc cắt cáp… 

Rủi ro về trữ lượng: Song song với việc dự báo nhu cầu sử dụng, việc đánh giá khả năng cung cấp, dự báo trữ lượng, chứng minh thẩm định trữ lượng, tỷ lệ khai thác thực tế so với các con số đánh giá trữ lượng trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò cũng chỉ là các dự báo trong tương lai và có nhiều rủi ro phía trước. Vì vậy, khi thực hiện một dự án đầu tư về dầu khí, tỷ suất sinh lời (IRR, NPV) của dự án thường phải cao hơn so với các ngành khác (thường khoảng 35%, ít nhất là trên 30%), để có thể tránh được hoặc bù đắp được các rủi ro vì đầu tư lớn, rủi ro lớn nên lợi nhuận phải lớn để bù đắp cho những rủi ro như giếng khô, trữ lượng thực tế không khả quan, tỷ lệ khai thác thấp, chi phí khai thác cao hơn dự kiến do địa hình dưới biển, dưới lòng đất mà chưa thể biết và lường hết được…

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và để gia tăng trữ lượng, PVN không những tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí từ trong lòng thềm lục địa mà đã triển khai các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác ra nước ngoài. Hiện tại PVN/PVEP đã tham gia đầu tư vào 13 dự án thăm dò khai thác dầu khí ở các nước Cuba, Indonesia, Iran, Tuynidi, Myanmar, Lào, Campuchia, Công gô, và ở Madagasca. Ngoài ra còn có các dự án phát triển khai thác ở các nước Nga, Venezuela, Algeria và Malaysia. Việc đầu tư ra nước ngoài cũng có nhiều thách thức rất lớn như cạnh tranh gay gắt, các chính sách, luật phát, quy định của quốc tế và các nước sở tại cần phải nghiên cứu kỹ và có kinh nghiệm trong khi ta mới hội nhập…

Rủi ro bởi nhân tố thị trường: Dầu mỏ là sản phẩm mà giá được quyết định theo giá thế giới, vì vậy mỗi biến động của giá dầu mỏ trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty dầu khí, ảnh hưởng về doanh thu, ảnh hưởng về việc đầu tư các dự án…

Hiện giá dầu biến động khá phức tạp do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công châu Âu và các cuộc chiến liên quan đến dầu mỏ. Việc dự báo giá dầu trong các năm tới cùng với sự phục hồi kinh tế thế giới cũng là một thách thức và là rủi ro khó lường hết được do sự biến động rất lớn. Ngoài ra thì yếu tố về tỷ giá cũng rất quan trọng, do sự trao đổi thương mại bằng các đồng tiền khác nhau nên tỷ giá giữa các đồng tiền cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty dầu khí ví dụ như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải mua nguyên liệu đầu vào (input) là dầu thô bằng tiền USD trong khi đầu ra (output) xăng dầu lại bán bằng tiền Việt Nam đồng và bị quy định bởi Nhà nước, nên mỗi sự biến động của tỷ giá đều ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty, hay việc đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn vào Dự án Junin 2 tại Venezuella, tỷ giá đồng Bolivar của Venezuela so với đồng USD được Chính phủ Venezuela quy định rất thấp so với tỷ giá trao đổi trên thị trường ngoài (thấp hơn nhiều lần), dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của dự án....

Ở Việt Nam, do đòi hỏi vốn lớn trong các dự án dầu khí nên rủi ro về huy động vốn cũng rất lớn, thường một dự án dầu khí thì phải ngân hàng quốc tế lớn hoặc nhiều ngân hàng thương mại trong nước hợp vốn cho vay tài trợ mới thực hiện được. Ngoài ra thì rủi ro về chi phí khai thác biến động theo giá dầu, lãi vay, bảo hiểm… cũng phải tính đến.

Rủi ro bởi nhân tố con người: Đến cuối năm 2013, PVN có khoảng trên 50.000 lao động gồm 8,16% lao động quản lý, 41,99% lao động chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ, 49,85% lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh. Thực tế làm việc cho thấy, đội ngũ nhân lực vận hành và bảo dưỡng ngày càng trưởng thành, đã dần thạo nghề và tiến tới thay thế hoàn toàn chuyên gia nước ngoài như ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro)… Tuy nhiên, so với ngành Dầu khí ở các nước phát triển thường có tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 100%, số lượng lao động trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học đạt từ 72% trở lên thì ở Việt Nam con số này còn tương đối thấp, chỉ mới đạt 53%. Việc cạnh tranh trên thị trường lao động chất lượng cao trong ngành Dầu khí cũng diễn ra rất gay gắt.

Vụ tràn dầu của Công ty Dầu khí BP trên Vịnh Mexico là rủi ro đặc biệt nghiêm trọng trong ngành công nghiệp Dầu khí thế giới

Ngoài những nhân tố trên, ngành Dầu khí còn chịu ảnh hưởng của các nhân tố khác rất quan trọng như ảnh hưởng của môi trường, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quy định về an ninh, an toàn trong ngành của mỗi quốc gia đều có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dầu khí như chính sách về phát thải nhà kính CO2

Cũng như các ngành khác, rủi ro về công nghệ trong ngành Dầu khí cũng có một vai trò rất quan trọng như cách mạng về shale oil/gas (shale gas revolution) ở Mỹ, có thể dẫn đến giá gas trên thị trường giảm mạnh…

Từ việc phân tích kỹ những nhân tố trên, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh thực tế, từng giai đoạn để các nhà quản lý đặt ra các ưu tiên giải quyết các vấn đề và là căn cứ để ra các quyết định quản lý, việc đánh giá rủi ro có tầm quan trọng sống còn của DN. Các nhà quản lý kinh tế phải đánh giá các rủi ro chính, trọng yếu, phân tích các lợi thế cũng như hạn chế của DN so với đối thủ. Đồng thời với việc xác định các rủi ro chính, trọng yếu, các nhà quản lý DN cũng phải đánh giá khả năng chấp nhận rủi ro của các DN. Sau cùng là việc quyết định chọn giải pháp tối ưu để phòng ngừa, kiểm soát các rủi ro theo các thông lệ, quy định.

Để quản lý rủi ro một cách có hiệu quả, DN cần phải có chiến lược, trong đó xác định những rủi ro nào doanh nghiệp phải đối mặt, đặc biệt là các rủi ro trọng yếu có thể dẫn đến sự đổ vỡ của doanh nghiệp ngay khi thực hiện chiến  lược kinh doanh đã lựa chọn và đưa ra các giải pháp phòng ngừa tối ưu nhất để quản lý những rủi ro này.

Thành tựu của quản trị rủi ro của PVN

Tuy ngành Dầu khí còn non trẻ nhưng vị thế và sự đóng góp của ngành đối với đất nước là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn thời gian qua. Ngành Dầu khí đóng góp nhiều ngoại tệ nhất cho quốc gia, cùng với các sản phẩm thiết yếu phục vụ nền kinh tế quốc dân là sản phẩm điện khí, xăng dầu, khí nén cao áp, năng lượng sạch, phân urê và cung cấp khí hóa lỏng cho phát triển công nghiệp và tiêu dùng dân sinh trong cả nước. Ngành Dầu khí đóng góp nhiều nhất vào ngân sách Nhà nước đặc biệt là những năm trước đây. Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu đang giảm dần song ngành Dầu khí Việt Nam vẫn là đơn vị duy trì mức đóng góp khoảng 18-22% tổng GDP cả nước, 25-30% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút sự chú ý của các công ty dầu khí lớn trên thế giới đến hợp tác thăm dò khai thác. Tuy nhiên, PVN là DN Nhà nước  nên khả năng linh hoạt trong hoạt động kinh doanh thấp, tính ỷ lại cao, tính cạnh tranh thấp; nhân lực cũng như công nghệ chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu của ngành.

Tập đoàn cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị rủi ro như giải pháp về khoa học công nghệ, giải pháp về quản trị DN, giải pháp về tổ chức, con người để nhằm giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động của mình. Việc quản trị rủi ro trong Tập đoàn cũng được thực hiện qua các lớp theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp, Hội đồng Thành viên kiểm soát những rủi ro trong việc thực hiện các dự án, công trình lớn… của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Đến nay Chính phủ vẫn chưa bổ nhiệm Kiểm soát viên của Chủ sở hữu để kiểm soát mọi hoạt động của Tập đoàn nên tầng lớp này chưa được thực hiện, nhưng những năm gần đây Tập đoàn đều thực hiện kiểm toán độc lập và mời các đoàn Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tài chính, thuế…

Nhìn chung ở Việt Nam nói chung và ngành Dầu khí nói riêng chưa có sự nhìn nhận đúng về vai trò của quản trị rủi ro, chưa quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của quản trị rủi ro, dẫn đến quản trị rủi ro “bị động” hơn là “chủ động”. Các rủi ro hầu như không được dự báo trước, nhiều khi sự việc đã có hiện tượng, thậm trí là rủi ro đã xẩy ra mới lo giải quyết. Thiếu gắn kết giữa quản trị rủi ro và quản trị DN, kiểm soát, cấu trúc quản trị (cơ cấu tổ chức, vai trò chức năng, nhiệm vụ) chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng, xem nhẹ vai trò của các kiểm soát viên.

Công việc kiểm soát doanh nghiệp cũng là một công việc mới mẻ ở Việt Nam do nước ta mới hội nhập và việc thực hiện Luật Doanh nghiệp cũng mới và việc chuyển các doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần hoặc TNHH MTV cũng chưa có kinh nghiệm.

Để hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả cần xây dựng một chiến lược quản trị rủi ro hoàn chỉnh và có hệ thống theo chuỗi giá trị giá tăng của ngành dầu khí nhằm thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát ngăn ngừa những rủi ro trọng yếu và có khả năng cao xẩy ra theo thứ tự ưu tiên; có chính sách, quy trình, quy chế quản trị rủi ro và bảo hiểm con người và tài sản trong ngành.

TS Nguyễn Xuân Thắng - Th.s Trần Thanh Tùng
 

DMCA.com Protection Status