Sáng tạo từ thực tiễn và đam mê

19:59 | 28/06/2017

780 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sáng kiến, sáng chế xuất phát từ thực tiễn, từ lòng đam mê, khát vọng vượt khó của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Dầu khí. Những tâm sự của kỹ sư, cán bộ, người lao động được vinh danh trong lễ Tổng kết 5 năm phong trào Lao động sáng tạo (2012 - 2017) là minh chứng rõ nhất cho nét “văn hóa Dầu khí” đó.  

Để kỹ sư, người lao động có được những sáng kiến thì bản thân cần phải có sự đam mê, nghiên cứu, gặp vấn đề gì cũng luôn đặt câu hỏi “Tại sao?”. Nếu có câu hỏi “Tại sao?”, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời bằng mọi cách. Tác giả là người suy nghĩ, đưa ra phương án, nhưng rất cần sự hỗ trợ... vì ý tưởng thành hiện thực thì không thể làm một mình, mà cần những người đồng nghiệp, hỗ trợ từ nhiều nguồn, vật tư... quan trọng nhất là lãnh đạo. Bên cạnh đó, cần có cơ chế của tổ chức tạo điều kiện thuận lợi cho người có ý tưởng.

Kỹ sư Nguyễn Văn Sơn - Quản đốc xưởng Phụ trợ, Ban Quản lý Vận hành Sản xuất, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC): Nuôi dưỡng lòng đam mê

sang tao tu thuc tien va dam me

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được tuyển vào Nhà máy Đạm Phú Mỹ và làm việc tại đây 8 năm. Sau đó, năm 2011, tôi chuyển sang làm việc tại Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, lúc này tôi nhận thấy trong quá trình chạy thử phát sinh một số lỗi trong thiết kế. Với những kinh nghiệm đã có cùng bản tính thích tìm tòi nghiên cứu, tôi phát hiện nhà máy có sự cố tại nồi hơi chạy thử phụ trợ, nồi hơi này giúp làm sạch đường ống toàn nhà máy, khởi động các phân xưởng chính. Khi phát hiện nồi hơi chênh lệch nhiệt độ, một bên quá cao, một bên quá thấp, chất lượng hơi không đạt, nếu tăng lên đạt chất lượng hơi thì nhiệt quá cao, tiêu tốn nhiều hơi nhưng hiệu suất không cao, tôi đã cùng một số anh em tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu về chu trình dòng chảy công nghệ, phát hiện ra thiết kế nhà thầu lỗi và yêu cầu cải tiến. Sau khi xử lý xong cân bằng nhiệt, nâng nhiệt độ hơi ra đạt tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn trong vận hành, giúp tiết kiệm 10 tấn hơi/giờ, nâng cao hiệu suất, làm lợi cho đơn vị 79,550 tỉ đồng/năm.

Để kỹ sư, người lao động có được những sáng kiến thì bản thân cần phải có sự đam mê, nghiên cứu, gặp vấn đề gì cũng luôn đặt câu hỏi “Tại sao?”. Nếu có câu hỏi “Tại sao?”, chúng ta sẽ tìm câu trả lời bằng mọi cách. Tác giả là người suy nghĩ, đưa ra phương án, nhưng rất cần sự hỗ trợ... vì ý tưởng thành hiện thực thì không thể làm một mình, mà cần những người đồng nghiệp, hỗ trợ từ nhiều nguồn, vật tư... quan trọng nhất là lãnh đạo. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho người có ý tưởng.

sang tao tu thuc tien va dam me
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch TLĐ LĐVN trao chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho TS Ngô Thường San (Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam) - (Ảnh: Thành Công)

Muốn duy trì phong trào hoặc một tổ chức mà mọi người đều có đóng góp sáng kiến thì điều quan trọng nhất chính là cơ chế chính sách, tạo động lực, kích thích người lao động tìm tòi. Thứ hai, môi trường đó phải có sự công nhận, vinh danh xứng đáng để tạo động lực phát huy sáng kiến. Thứ ba, mỗi cá nhân phải suy nghĩ rằng các ý tưởng, cải tiến sẽ đóng góp cho tổ chức, xã hội, trong đó có mình, để có động lực nghiên cứu, phát huy sáng kiến.

Kỹ sư Nguyễn Văn Hà - Phó trưởng phòng Sản xuất, Công ty CP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PVPIPE), Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS): Cái khó “ló”sáng kiến

sang tao tu thuc tien va dam me

Tôi đã làm việc tại PV PIPE 7 năm. Trong thời gian đó, giai đoạn xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền chuyển giao công nghệ là khó khăn nhất, bởi đây là dây chuyền hiện đại nhất lúc bấy giờ. Trong quá trình chạy thử, anh em kỹ sư gặp rất nhiều khó khăn, phần do hạn chế kinh nghiệm, phần cũng do bất cập nảy sinh trong quá trình sản xuất. Chính những khó khăn ấy đã trở thành động lực đưa ra sáng kiến cải tiến, khắc phục khó khăn trong sản xuất để làm việc tốt hơn.

Với đề tài “Cải tiến chức năng tự động tính toán lốc trên máy lốc 3 trục”, tôi nhận thấy khi thiết bị mua về cũng có chức năng tính toán, nhưng chỉ là thông số cơ bản nhất, đòi hỏi người sử dụng có quá trình chạy rà, thử nghiệm, phải tốn lượng vật tư nhất định để chuẩn hóa chương trình. Khi thấy lượng vật tư hao tổn rất lãng phí, tôi mong muốn xây dựng chương trình tốt hơn, hạn chế hư hỏng trong quá trình chạy thử. Vì vậy, tôi đã tiến hành nghiên cứu cùng nhà sản xuất máy, phát hiện một số thông số chưa được cập nhật, vì thế tôi cùng đồng nghiệp đã tiến hành khảo sát thực tế và hiệu chỉnh thông số máy.

Trước đây, nhà máy vẫn phải tốn lượng thép tấm dự phòng nhất định trước khi sản xuất thép ống. Thông thường, ứng với mỗi quy cách ống như độ dày, đường kính, cấp độ vật liệu đều có quá trình thử nghiệm. Từ khi áp dụng cải tiến, nhà máy không cần chạy thử nghiệm mà chỉ cần quy cách ống là đưa vào sản xuất luôn. Chỉ tính riêng đề tài này, khi áp dụng, nhà máy mạnh dạn cắt giảm lượng thép dự phòng, tiết kiệm 5,5 tỉ đồng (số liệu năm 2014).

Không ai tự nhiên nghĩ ra sáng kiến hay nghiên cứu khoa học, mà trong quá trình làm việc gặp khó khăn, sáng kiến sẽ tự “bật ra”. Vì thế, mỗi người lao động cần có ý chí khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc và điều quan trọng là xác định mục tiêu, lập kế hoạch thực hiện và khi làm thì tuyệt đối không bao giờ bỏ cuộc.

sang tao tu thuc tien va dam me

Trong thời gian thực hiện, tôi có may mắn được làm việc trong môi trường thoải mái từ lãnh đạo cấp cao đến anh em bạn bè. Tất cả ý tưởng đều được lắng nghe, ủng hộ. Như trong quá trình thử nghiệm cần sử dụng rất nhiều thép tấm, mà thép tấm thì giá thành cao, nhưng vẫn được sự hậu thuẫn nhất định của Ban Giám đốc công ty, nhà máy.

Trong công việc, mỗi ngành nghề đều gặp khó khăn và thuận lợi nhất định, nếu mình muốn đương đầu, vượt lên, hoàn thành công việc thì tự mình sẽ có giải pháp để hoàn thiện.

Kỹ sư Nguyễn Sỹ Anh - Phó trưởng phòng Cơ điện và Bảo dưỡng, Xí nghiệp Điều hành khoan, Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling): Chữ Tâm của người làm nghề

sang tao tu thuc tien va dam me

Tôi đã làm việc cho PV Drilling gần 20 năm, PV Drilling đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của tôi. Trong số các đề tài, sáng kiến, tôi tâm đắc nhất là “Thiết kế chế tạo hệ thống hỗ trợ kéo thả ống chống - Casing stabbling board trên giàn PV DRILLING III”. Lúc này giàn PV DRILLING III đang phải thuê giàn thủy lực đắt tiền, tuy nhiên mức độ yêu cầu công việc chưa đáp ứng được, thời gian kéo dài, chi phí bảo dưỡng cao, hiệu quả công việc thấp.

Trước tình hình đó, Ban Giám đốc đã giao nhiệm vụ cho đội ngũ kỹ sư thiết kế hệ thống thay thế hệ thống hiện có, cố gắng nâng cao hiệu suất lao động tốt nhất. Khi đó chúng tôi đã nghiên cứu tìm tòi, thiết kế ra hệ thống mới như hiện nay. So với các sản phẩm nước ngoài, thiết kế này có nhiều cải tiến, mang tính tự động hóa, cả chi phí vận hành và độ an toàn đều đạt chỉ tiêu, thậm chí còn cao hơn các hệ thống nước ngoài. Với thiết kế này, chi phí giảm 1/3 do vật tư hoàn toàn dùng trong nước, đảm bảo quá trình vận hành, bảo dưỡng, nâng cao hiệu quả công việc, thiết kế này đã giúp tiết kiệm 5,4 tỉ đồng/năm cho đơn vị.

Tất cả các sáng kiến đều xuất phát từ nhu cầu thực tế trong công việc, sau khi nắm được thông tin, yêu cầu thực tế ngoài giàn, với mong muốn tạo ra sản phẩm đảm bảo yêu cầu công việc, vừa thực hiện dễ dàng, chính những điều này đã thôi thúc đội ngũ kỹ thuật PV Drilling phải tìm tòi, khám phá.

Trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự nỗ lực của tập thể anh em kỹ thuật và sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, hệ thống đã chạy tốt và đạt hiệu suất cao.

Nếu không có sự hỗ trợ, động viên kịp thời của Ban Giám đốc thì việc thiết kế, áp dụng khó có thể thành công, anh em kỹ thuật, đồng nghiệp cũng nỗ lực hết mình đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thời gian. Đây không phải thành công của cá nhân tôi, mà còn có sự giúp sức của anh em đồng nghiệp và lãnh đạo. Từ ý tưởng đến hiện thực cần có chuyên môn vững vàng, cần nhiệt huyết và cần cái tâm của người kỹ sư.

Kỹ sư Bùi Mai Thanh Tú - Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế (Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro): Đãi ngộ tạo động lực sáng tạo

sang tao tu thuc tien va dam me

Tốt nghiệp Khoa Công nghệ chế biến dầu khí, Trường Đại học Tổng hợp Dầu khí Gubkin - Liên bang Nga năm 2003, sau 3 năm tôi về làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế (NIPI) của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Viện thực hiện các nghiên cứu, đưa ra cơ sở khoa học về mặt kỹ thuật - công nghệ và kinh tế cho công tác tìm kiếm, thăm dò, khoan, khai thác, xây dựng, vận hành các công trình dầu khí và thực hiện giám sát tác quyền trong quá trình xây dựng, sửa chữa công trình…

Đứng trước yêu cầu phân tích mẫu dầu phục vụ cho công nghệ khai thác, thu gom vận chuyển dầu khí phải thuê dịch vụ bên ngoài, vừa tốn kém chi phí, vừa tốn thời gian và đặc biệt khó đáp ứng kịp thời tiến độ công việc, Phòng Nghiên cứu chất lưu vỉa - nơi tôi làm việc đã bắt tay vào nghiên cứu và áp dụng những phương pháp phân tích mới. Từ năm 2012, tôi và đồng nghiệp đã nghiên cứu và và ứng dụng “Phương pháp phân tích N-paraffin mẫu dầu thô, mẫu Bitum hay mẫu dầu cặn đến C70+ bằng sắc ký khí phân giải cao, nhiệt độ cao phục vụ công nghệ khai thác, thu gom vận chuyển dầu khí”.

Đây là phương pháp mới và là chuyên ngành hẹp, hầu như không có tài liệu tham khảo, tôi đã phải kiên nhẫn, tỉ mỉ tự tìm ra cách đáp ứng công việc. Tuy máy móc hiện đại đã có, nhưng trên thực tế, các mẫu dầu rất đa dạng, từng khâu nhỏ như đưa bao nhiêu dầu vào cột tách, dùng tỷ lệ dung môi thế nào, điều chỉnh nhiệt độ cột bao nhiêu… đều có thể dẫn đến sai sót, không phân tích được, gây hỏng cột hoặc cho kết quả không chính xác…

Sau rất nhiều ngày phải giam mình trong phòng thí nghiệm, làm thêm đến tối muộn, rồi làm đi làm lại nhiều lần, tôi và đồng nghiệp đã áp dụng thành thạo phương pháp mới. Kết quả phân tích thành phần N-paraffin đến C70+ sẽ cung cấp các số liệu đầu vào cho tính toán mô phỏng quá trình thu gom vận chuyển dầu khí, xử lý lắng đọng trong đường ống vận chuyển, cần khai thác, là số liệu quan trọng để nghiên cứu lựa chọn hóa phẩm chống đông trong quá trình vận chuyển dầu khí.

Làm việc ở Vietsovpetro có nhiều thuận lợi, vì nơi đây là một đơn vị vừa trực tiếp sản xuất vừa kết hợp công tác nghiên cứu. Đây cũng là nét đặc thù của Vietsovpetro. Chính điều đó tạo động lực cho những người làm công tác nghiên cứu như tôi, vì những kết quả trong phòng thí nghiệm sẽ được kiểm nghiệm trong thực tế sản xuất. Khi tôi và đồng nghiệp tiến hành “Nghiên cứu nạp các loại khí chuẩn có độ chính xác cao thay thế một phần hay toàn bộ khí chuẩn dùng cho phân tích sắc ký khí” thì các mẫu khí chuẩn của chúng tôi tạo ra được thử nghiệm và sử dụng luôn cho các phân tích phục vụ cho xí nghiệp khai thác các công trình khí…

Một thuận lợi nữa, theo tôi đó là các cấp lãnh đạo, tổ chức công đoàn ở Vietsovpetro luôn quan tâm, động viên người lao động. Cùng với đó, ở Vietsovpetro luôn có truyền thống là thế hệ trước sẵn sàng cầm tay chỉ việc, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cho thế hệ sau. Vietsovpetro luôn có những chính sách khuyến khích người lao động tham gia sáng kiến - sáng chế, nếu có thành tích sẽ có chế độ đãi ngộ phù hợp nên rất kích thích sức sáng tạo của người lao động.

Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan: “Phong trào lao động sáng tạo sẽ là tương lai cho cả ngành Dầu khí”

sang tao tu thuc tien va dam me

Trong bối cảnh tác động của giá dầu hiện nay càng thấy tầm quan trọng của phong trào thi đua lao động sáng tạo. Bởi giá dầu thấp thì chúng ta bắt buộc phải cải tiến, phải sáng tạo để giảm các chi phí, mà có giảm được các chi phí đầu vào thì mới có thể tồn tại được.

Không quá lời, nhưng những phong trào lao động sáng tạo sẽ là tương lai cho cả ngành Dầu khí; lao động sáng tạo giờ đây là động lực để ngành Dầu khí tồn tại và có thể phát triển được. Có những sáng kiến, các công trình khi áp dụng vào thực tiễn đã làm lợi hàng chục triệu USD, có khi tới cả trăm triệu USD. Đó mới là cách tiết kiệm thiết thực nhất, chứ không phải việc chúng ta cắt giảm nhân công, tiết giảm các chi phí sinh hoạt… Tôi cho rằng, thi đua lao động sáng tạo cần phải được đẩy mạnh, trở thành phong trào đi đầu trong ngành Dầu khí, đặc biệt giai đoạn hiện nay càng phải đầu tư hơn nữa, bởi đó là sự tồn tại của Tập đoàn.

Tôi có thể khẳng định, với phong trào thi đua lao động sáng tạo, Công đoàn Dầu khí Việt Nam luôn cố gắng giữ vai trò chủ chốt, khơi nguồn, thắp lửa và đồng hành với chính quyền, người lao động. Đây là một trong những cố gắng rất lớn của Công đoàn giúp củng cố, động viên tinh thần, giữ vững niềm tin cho người lao động.

Vương Tâm

DMCA.com Protection Status