Xí nghiệp Xây lắp Vietsovpetro

Sao Vàng Đại Nguyệt - Dấu ấn đậm nét

08:00 | 23/01/2020

29,292 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hơn 35 năm phát triển, Xí nghiệp Xây lắp, khảo sát và sửa chữa các công trình khai thác dầu khí (Xí nghiệp Xây lắp) thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã làm nên những dự án đánh dấu những bước tiến mới của ngành công nghiệp cơ khí dầu khí. Đặc biệt, lĩnh vực hạ thủy chân đế giàn khoan đã để lại những dấu ấn khó quên, trong đó có Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt.

Chiến lược vươn ra biển xa, biển sâu không chỉ với mục đích tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí mà còn thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Việc nghiên cứu và tìm ra giải pháp tối ưu hạ thủy giàn khoan siêu trường, siêu trọng trong vùng nước sâu đến 140m là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Xí nghiệp Xây lắp đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường trượt, bến cảng của bãi lắp ráp, cải hoán và nâng cấp sà lan vận chuyển thanh sà lan Launching chuyên dụng, đầu tư mua mới thiết bị nâng... phục vụ cho chiến lược hạ thủy các giàn khoan ở độ sâu đến 140m.

sao vang dai nguyet dau an dam net
Công tác kéo cáp Strandwire trên sà lan phục vụ kéo trượt hạ thủy chân đế

Anh Nguyễn Đạt Thịnh - Chủ nhiệm Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt của Vietsovpetro - cho biết: Với các giàn khai thác ở mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng của Vietsovpetro, các chân đế có chiều cao 68m, trọng lượng 900 tấn, phương án hạ thủy truyền thống là dùng xe trailers di chuyển khối chân đế xuống sà lan vận chuyển, như các chân đế giàn nhẹ RC mỏ Rồng, các giàn BK mỏ Bạch Hổ, giàn ThTC1, 2 và 3, giàn CTC1...

Riêng chân đế giàn khai thác Ðại Hùng 02 tại vùng nước sâu 110m đầu tiên được triển khai tại Việt Nam với 100% vốn của PVN có khối lượng hơn 4.800 tấn do chính Tổng thầu Vietsovpetro và các nhà thầu phụ trong nước thực hiện. Vietsovpetro đã cải tạo đường trượt chịu được tải trọng đến 14.000 tấn/m (trước đây chỉ có 50 tấn/m) để hạ thủy chân đế bằng phương án kéo trượt với sự hỗ trợ của tời tuyến tính để hạ chân đế xuống xà lan chuyên dụng VSP-05 do chính Vietsovpetro cải hoán, nâng cấp từ sà lan vận chuyển 5.000 tấn VSP-05.

Công trình chế tạo giàn xử lý trung tâm Sao Vàng (Sao Vàng - CPP) là một phần của Dự án Phát triển mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt, do Công ty Idemitsu Kosan Co. Ltd (IKC) là chủ đầu tư, nhằm khai thác nguồn khí tự nhiên tại Lô 05-1b, 5-1c bể Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 350km về phía Đông Nam, ở mực nước sâu khoảng 120m ngoài khơi thềm lục địa của Việt Nam.

Vietsovpetro được giao nhiệm vụ thi công chế tạo, hạ thủy và chằng buộc chân đế giàn Sao Vàng - CPP. Đồng hành cùng Xí nghiệp Xây lắp trong quá trình thi công chế tạo là một số nhà thầu phụ như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LILAMA), Công ty CP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS), Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating), nhà thầu phụ hạ thủy PET-ALE Vietnam..., lúc cao điểm huy động tới hơn 600 nhân lực.

Chân đế Sao Vàng - CPP được hạ thủy theo phương pháp kéo trượt xuống sà lan chuyên dụng Holmen Pacific có chiều dài 160m, chiều rộng 40m, chiều cao mạn với mớn nước là 12m, hệ thống Internal Ballast với 4 bơm Ballast công suất 4.500m3/h - một trong những sà lan Launching lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

sao vang dai nguyet dau an dam net
Hạ thủy chân đế BK16 bằng trailer chuyên dụng

Các công đoạn của phương án hạ thủy chân đế Sao Vàng - CPP lên sà lan Holmen Pacific, từ công tác chuẩn bị trên bờ trước khi hạ thủy đến khi hạ thủy xong và chằng buộc chân đế trên sà lan để đi biển, kéo dài khoảng 1 tháng làm việc liên tục.

Sau khi hoàn thiện công tác chuẩn bị, đúng 8 giờ ngày 28-7-2019, chân đế Sao Vàng - CPP được kéo từ vị trí chế tạo đến cách mép bờ cảng 4,5m. Đúng 1 giờ sáng ngày 30-7-2019, chân đế bắt đầu được kéo xuống sà lan và chân đế được kéo hoàn toàn xuống sà lan lúc 15 giờ 30 ngày 31-7-2019, tổng thời gian thực hiện liên tục trong 14,5 tiếng đồng hồ.

Ngày 8-8-2019, Vietsovpetro hoàn thành giai đoạn hạ thủy, chằng buộc chân đế Sao Vàng - CPP. Đại diện các bên gồm chủ đầu tư Idemitsu Kosan, Đăng kiểm hàng hải quốc tế MWS và Công ty PTSC M&C đã cùng Vietsovpetro và nhà thầu phụ tiến hành nghiệm thu, bàn giao sà lan Holmen Pacific cùng chân đế để sẵn sàng đi biển, kết thúc 19 tháng lao động vất vả nhưng tuyệt đối an toàn của dự án tại bãi chế tạo Vietsovpetro.

Anh Đặng Đức Phong - Giám đốc dự án của Vietsovpetro nhấn mạnh: “Công trình chân đế giàn Sao Vàng - CPP một lần nữa chứng minh tiềm lực của người dầu khí Việt Nam rất lớn, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Vietsovpetro trong việc hợp tác, cung ứng dịch vụ”.

Chỉ trong giai đoạn ngắn từ năm 2010 đến nay, Vietsovpetro đã chế tạo rất nhiều chân đế siêu trường, siêu trọng được hạ thủy bằng phương pháp kéo trượt như chân đế Dự án Đại Hùng 02 khối lượng 4.500 tấn; Dự án Biển Đông 01 gồm chân đế Hải Thạch 7.000 tấn, chân đế Mộc Tinh 6.500 tấn; Dự án giàn BK - Thiên Ưng với chân đế 6.300 tấn và gần nhất là chân đế Sao Vàng Đại Nguyệt với khối lượng kỷ lục hơn 12.740 tấn.

Chia sẻ về những kỷ niệm khi làm công tác hạ thủy giàn khoan, anh Trương Thanh Tuyết Trường - Ban Dự án Xí nghiệp Xây lắp - cho biết thêm, anh đã tham gia hạ thủy rất nhiều dự án giàn khoan, mỗi lần hạ thủy là những kỷ niệm khác nhau, là những bài học thực tiễn để anh em dự án trưởng thành hơn. Đó có thể là những sự cố liên quan đến hệ thống tời neo sà lan phục vụ hạ thủy hay đơn giản là việc kiểm soát công việc liên tục 24/24 giờ. Đặc biệt trong thời tiết bất thường, từng sợi dây neo rung lên “bần bật” là anh em dự án lại lo lắng, bộ đàm hoạt động liên tục, các tàu hỗ trợ phải nổ máy liên tục để hỗ trợ ép giữ sà lan cùng khối chân đế hơn chục nghìn tấn. Chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể gây ra những hậu quả khó lường mà nhiều khi anh em dự án cũng không dám nghĩ tới.

Riêng lần hạ thủy chân đế Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt, do khối chân đế siêu trường, siêu trọng nên kéo trượt quãng đường dài khiến anh em dự án rất căng thẳng và mệt mỏi, đòi hỏi phải tập trung cao độ kiểm soát liên tục từng milimét di chuyển để tránh khối chân đế bị lệch hướng. Đến khi cách vị trí “chốt hạ” trên sà lan thì các bên gần như nín thở để chờ đợi khối chân đế khổng lồ vào đúng vị trí thiết kế, vì nó sẽ quyết định đến giai đoạn tự phóng lắp đặt chân đế ngoài biển sau đó. Có thể thấy, tất cả anh em tham gia vào công tác hạ thủy giàn khoan đã rất vất vả nhưng mọi người đều tập trung cao độ, vượt qua khó khăn về thời tiết và hạ thủy thành công chân đế lớn nhất từ trước đến nay trong niềm vui vỡ òa.

Thành công của Vietsovpetro trong việc chế tạo và hạ thủy chân đế siêu trường, siêu trọng cho vùng nước sâu một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của Đảng ủy và ban lãnh đạo Tập đoàn trong việc phát huy nội lực, sự vươn lên mãnh liệt và sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ, kỹ thuật của Vietsovpetro trong việc tổ chức thực hiện các dự án có quy mô lớn về khối lượng, phức tạp về kỹ thuật, đúng mục tiêu “vươn xa tìm dầu, biển sâu tìm dầu” mà Vietsovpetro đang thực hiện

H.Thắm - T.Trường

DMCA.com Protection Status