Khánh thành cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau:

Sức bật cho vùng đất chín rồng

08:54 | 26/10/2012

702 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Sáng ngày 26/10/2012, vùng đất cuối cùng của tổ quốc - U Minh Hạ (Cà Mau) - chứng kiến một sự kiện trọng đại: Khánh thành Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Không ai ngờ rằng, tại bìa rừng U Minh sình lầy, chỉ có tràm, đước, sẽ lại có dòng điện, càng không thể tin rằng, dòng điện đóng góp đến 20% cho lưới điện quốc gia, cũng khó tin nơi đây có một nhà máy đạm ngang bằng với Đạm Phú Mỹ. Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã đem đến sức bật mạnh mẽ không chỉ cho Cà Mau mà cho cả vùng đất chín rồng…

1. Cà Mau - cái tỉnh tận cùng của đất nước ấy, vào 10 năm trước, vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, người miệt Tây từng ví von “nghèo như Cà Mau”. Trước năm 2006, GDP của Cà Mau nhặt nhạnh lắm cũng chỉ đạt 200 tỉ đồng, hạ tầng giao thông vừa thiếu vừa yếu. Ðiện sinh hoạt lại càng hạn chế hơn với con số khó tưởng tượng, toàn tỉnh chỉ có 14% hộ dân có điện. Cơ cấu kinh tế của Cà Mau tỷ lệ nông nghiệp chiếm từ 70 đến 80%. Ngay cả thế mạnh về nuôi trồng thủy sản thì với 250 nghìn ha nuôi tôm cũng đa phần là quảng canh theo lối tự nhiên nên năng suất rất thấp, chỉ đạt xấp xỉ 1/3 năng suất nuôi trồng theo phương pháp hiện đại. Mặc dù du lịch Cà Mau mang sẵn thế mạnh, tiềm năng về biển đảo, về hai rừng sinh quyển nhưng hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng cơ sở quá nghèo nàn nên không phát huy được. Tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng…

Toàn cảnh Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Thực hiện mục tiêu chiến lược sử dụng nguồn khí vùng biển Tây Nam được khai thác từ giàn BK-B thuộc vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia ngoài khơi vịnh Thái Lan, từ các mỏ thuộc vùng Tây Nam Bộ bao gồm các mỏ khu vực PM3-CAA 46, 50, 51 để sản xuất điện và đạm, tổ hợp của cụm dự án này bao gồm: đường ống dẫn khí, hai nhà máy điện và một nhà máy đạm. Một dự án trọng điểm quốc gia hình thành, biến vùng đất sình lầy với tràm và đước thành một khu công nghiệp hiện đại.

Mục tiêu lớn nhất cụm khí - điện - đạm này là tạo ra một sức bật mạnh mẽ để thay đổi cơ cấu kinh tế Cà Mau, phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế cả vùng Tây Nam Bộ. Sau khi các công trình này đi vào hoạt động thì với những sản phẩm của khí - điện - đạm sẽ làm thay đổi theo chiều hướng đi lên của kinh tế, đời sống Cà Mau và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp khác sử dụng nguồn khí áp thấp sản xuất các sản phẩm hóa học nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Đầu năm 2004, những kỹ sư, chuyên gia bắt đầu khảo sát vị trí xây dựng Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau tại xã Khánh An, huyện U Minh. Người dân Cà Mau nửa tin, nửa ngờ. Họ khó có thể tin một công trình trọng điểm quốc gia được xây dựng tại bìa rừng U Minh. Càng khó hiểu hơn khi những dòng khí từ tận đẩu, tận đâu ở biển khơi xa hàng trăm km được dẫn về đất liền, băng qua rừng tràm đến với bên dòng sông Cái Tàu hiền hòa này. Ông Nguyễn Hoàng Thiển, 70 tuổi nhớ lại: “Lúc đầu tôi nghe nói người ta xây dựng nhà máy lớn dữ lắm. Tôi đâu có tin. Ngỡ họ nói chuyện bác Ba Phi chơi thôi. Ai dè là thật. Một công trình quá lớn. Từ nhỏ tới giờ tôi mới thấy máy móc to như vậy. Bây giờ nhắc lại vẫn còn ngỡ ngàng”.

Không bất ngờ sao được, khi mà mảnh đất U Minh trước đây vốn là thánh địa của lau sậy, cây tràm ngập nước với muôn vàn dây leo. Đất đai ở bìa rừng tràm quanh năm bị nước phèn đỏ ao. Cây lúa mùa nhọc nhằn mọc lên theo chân của những cây nọc cấy của người nông dân. Năng suất thấp, đời sống khó khăn, dù rằng sản vật U Minh Hạ được ca tụng nhiều vô kể.

Làm nông nghiệp còn chật vật với hai bữa cơm huống chi nói đến công nghiệp hiện đại.

Người dân ở các ấp 3, 6, 7, 8 của xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau hầu hết đều vui mừng dù họ có đất bị ảnh hưởng bởi dự án rộng đến hơn 1.200 ha. Ông Đỗ Văn Sơ, nguyên Chủ tịch UBND huyện U Minh nhớ lại: “Lúc nghe các vị lãnh đạo chọn Khánh An làm điểm xây dựng nhà máy, cán bộ huyện ai cũng vui. Người dân trong huyện sẽ hưởng lợi rất nhiều từ dự án. Đầu tiên là giao thông đường bộ rồi các chương trình dân sinh… Thú thật mình cũng rất lo vì cùng lúc phải di dời lượng dân rất lớn trong khi khu tái định cư chưa được xây dựng xong. Điều đáng mừng là khi họp dân lại triển khai, hầu hết đều đồng tình ủng hộ”.

Con đường đi đến thành công bao giờ cũng gian nan, có khi là khổ ải. Đơn vị thi công đường ống dẫn khí ngoài 270km đường biển, khi tiếp bờ là bìa rừng U Minh Hạ. Những kỹ sư, chuyên gia phải băng rừng thi công không kể mưa gió. Song song đó, những khoảng đất phèn mặn được thổi cát chuẩn bị mặt bằng cho toàn bộ cụm nhà máy khí - điện - đạm. Không khí làm việc khẩn trương với khẩu hiệu “Vinh quang những người về đích sớm”. Trong khi xây dựng khu tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng, Ban Quản lý dự án cho xây dựng khu tái định cư tạm gần khu vực Trại giam Cái Tàu. Người dân U Minh sống trong rừng tràm ngày nào bỗng nhà cửa kề bên nhau. Vậy là hàng quán, cửa hiệu mọc lên. Một khu phố ngay giữa lòng U Minh mọc lên trước khi cụm khí - điện - đạm hoàn thành.

Anh Lê Nguyên Ngữ, khi công trình Nhà máy Điện Cà Mau thi công, anh làm Ban An toàn, vợ mở cửa hiệu bán thuốc Tây ngay khu tái định cư tạm nhớ lại: “Không khí náo nhiệt lắm, công nhân về đây ở nhiều, người dân tái định cư cũng nhiều nên buôn bán khá lên. Nhờ đó mà bây giờ mình có một số vốn kha khá mua được nhà tại thành phố Cà Mau. Nếu không có công trình này, đời mình chắc vất vả lắm mới có nhà tại thành phố”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng, nhớ lại: “Năm 1997, Cà Mau tái lập tỉnh trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Gần 80% dân số sống dựa vào nghề nông, chỉ 14% dân số có điện thắp sáng. Từ thị xã, ôtô chỉ đến được 2 huyện Thới Bình và Cái Nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn mới được hơn 200 tỉ đồng... Song từ khi có Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, cuộc sống của bà con vùng căn cứ địa cách mạng đã có thay đổi rõ nét. Năm 2009, chỉ tính riêng cụm công nghiệp này đã nộp ngân sách địa phương 600 tỉ đồng; năm 2010, dự kiến nộp vượt chỉ tiêu 725 tỉ đồng. Đặc biệt sự ra đời của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã làm chuyển dịch hẳn cơ cấu sản xuất ở địa phương. Hiện nay, nông nghiệp chỉ còn chiếm 36% tỷ trọng, trong khi công nghiệp đã là 37% và 27% còn lại là dịch vụ”. Ông Dương Tiến Dũng khẳng định: “Nếu không có các tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư thì không có doanh nghiệp nào dám đứng ra đầu tư. Nói điều đó để khẳng định vai trò chủ lực, đầu tàu kinh tế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.

2. Đến nay toàn bộ khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã hoàn thành. Một lượng khổng lồ máy móc, trang thiết bị, trong đó nhiều thiết bị siêu trường, siêu trọng được các kỹ sư Việt Nam bên cạnh các chuyên gia nước ngoài lắp đặt thành công, hầu như không có sự cố nào xảy ra. Đó là nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư và các đơn vị thi công. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi dự lễ khánh thành đã biểu dương tinh thần làm việc của các công nhân, chuyên gia tại đây.

Dây chuyền đóng bao của Nhà máy Đạm Cà Mau

Công trình đưa vào sử dụng tạo cho Cà Mau một diện mạo mới. Cơ cấu kinh tế của tỉnh cuối cùng của tổ quốc có sự thay đổi lớn. Từ tỉnh thuần nông, Cà Mau trở thành tỉnh có tốc độ công nghiệp phát triển đứng thứ 3 đồng bằng sông Cửu Long và thứ 17 của cả nước. Cà Mau cũng trở thành 1 trong 3 tỉnh kinh tế động lực của đồng bằng sông Cửu Long. Thu ngân sách từ dưới 800 tỉ đồng vào năm 1997, năm 2011 Cà Mau thu ngân sách trên 3.000 tỉ đồng. Việc xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau tại huyện U Minh đã xóa tan suy nghĩ chỉ những nơi có nhiều khoáng sản mới phát triển công nghiệp; rằng mảnh đất sình lầy, đầy lau sậy khó phát triển công nghiệp.

Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Cà Mau được Chính phủ chọn điểm xây dựng Khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau là một niềm vinh dự lớn. Ý thức được việc này, nhiều năm qua tỉnh nỗ lực hết mình trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - triển khai dự án. Cho đến nay có thể khẳng định rằng, dự án đã thành công tốt đẹp. Chúng tôi đang kêu gọi một số nhà đầu tư đến Cà Mau để đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, dầu khí và các công trình phụ cận khác tại Khu công nghiệp Khánh An”.

Bên cạnh Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Cà Mau cũng quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Hạ, các khu công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế biến tại huyện U Minh, tạo thế liên hoàn trong công nghiệp - dịch vụ - du lịch - thương mại.

Nhà máy Điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 vận hành hơn 4 năm nay góp phần làm giảm áp lực thiếu điện vào mùa khô. Nhà máy Đạm Cà Mau cho lượng sản phẩm đạm đủ cung cấp nhu cầu cho người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ; góp phần làm giảm áp lực nhập khẩu đạm phục vụ sản xuất nông nghiệp. “Đạm Cà Mau - Hạt ngọc màu vàng” là mục tiêu nhà máy vươn tới.

Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau mọc lên, đã làm thay đổi diện mạo một vùng đất vốn còn nhiều lo toan, vất vả bởi tàn tích chiến tranh. Giờ đây có thể nói, U Minh Hạ đang từng ngày chuyển mình để định hình một khu công nghiệp hiện đại, phát triển năng động, làm nên cuộc đổi đời cho bao người dân nơi đây vốn chịu nhiều đau thương, mất mát qua hai lần chiến tranh tàn khốc. Nhìn toàn cảnh Khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau về đêm sáng lung linh giữa những cánh rừng bạt ngàn U Minh Hạ người khó tính nhất cũng phải thừa nhận đây là công trình bề thế, xứng tầm là công trình trọng điểm quốc gia. U Minh đã bừng sáng, thắp sáng tương lai cho mảnh đất cuối trời cực Nam của Tổ quốc.

Ban QLDA được thành lập theo Quyết định số 1702/QĐ-HĐQT ngày 24/9/2001 của Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, là đơn vị sự nghiệp kinh tế, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý dự án với phần lớn là các kỹ sử trẻ, có năng lực và nhiệt huyết của Petrovietnam;

1. Công trình Đường ống dẫn khí MP3 - Cà Mau

Chủ đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Công suất 2 tỉ m3 khí/năm. Chiều dài đường ống 325km (298km ngầm dưới biển). Công trình khởi công vào ngày 22/6/2005. Hoàn thành giai đoạn một, cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau 1 ngày 24/6/2008; hoàn thành giai đoạn 2, cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau 2 ngày 20/8/2008. Nghiệm thu cấp Nhà nước ngày 25/12/2008; khánh thành vào ngày 27/12/2008.

2. Công trình Nhà máy Điện

Chủ đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tổng thầu EPC: Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA). Công trình bao gồm hai nhà máy nhiệt điện chu trình hỗn hợp sử dụng tuabin khí thế hệ F. Công suất mỗi nhà máy 750 MW khi đốt khí; 669,8MW khi đốt dầu DO. Số giờ sử dụng công suất đạt 6.500 giờ/năm đến 7.000 giờ/năm. Lượng khí tiêu thụ hàng năm khoảng 900 triệu m3/năm/nhà máy, tương đương khoảng 3,1 triệu m3/ngày. Nhà máy Điện Cà Mau 1 có diện tích xây dựng trên 20ha được khởi công vào ngày 9/4/2006, vận hành thương mại 20/3/2007. Nhà máy Điện Cà Mau 2 có diện tích xây dựng 9,5ha được khởi công vào ngày 9/4/2006, vận hành thương mại 13/12/2008. Cả hai nhà máy nghiệm thu cấp Nhà nước ngày 25/12/2008 và khánh thành vào ngày 27/12/2008.

3. Nhà máy Đạm Cà Mau

Công suất khoảng 800.000 tấn/năm, tương đương 2.350 tấn ure/ngày. Lượng khí tiêu thụ khoảng 500 triệu m3/năm. Nhà máy được khởi công tháng 7/2008, có diện tích xây dựng 52,4ha. Nhà máy vận hành thương mại vào ngày 30/1/2012.

4. Các dự án Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hỗ trợ tỉnh Cà Mau xây dựng cơ sở hạ tầng:

Ngoài ra, còn có hàng loạt công trình phụ như: Khu Công nghiệp Khánh An; khu tái định cư, trường học… để phục vụ cho công nhân, người dân bị ảnh hưởng của dự án; Dự án Khu Tái định canh định cư Khánh An (quy mô 39ha), tổng mức đầu tư 99 tỉ đồng; Dự án “Trường THPT Đất Mũi” có tổng mức đầu tư 12,3 tỉ đồng; Dự án Trường THPT Khánh An, huyện U Minh với tổng mức đầu tư 13 tỉ đồng; Dự án Trường tiểu học ấp Bào Nhàn - xã Hồ Thị Kỷ được xây dựng với vốn đầu tư 2,1 tỉ đồng; Xây dựng nhà tình nghĩa và tình thương: Hoàn thành bàn giao cho UBND tỉnh 45 căn nhà tình nghĩa và 95 căn nhà tình thương; Xây dựng đường vào xã Anh hùng Hồ Thị Kỷ: Tổng mức đầu tư 28,6 tỉ đồng; Xây dựng đường giao thông nông thôn xã Hồ Thị Kỷ…


Hoàng Huy - Phương Nam

DMCA.com Protection Status