Tại sao Chính phủ lại đề nghị Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8?

12:11 | 18/04/2024

19,666 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Theo Chính phủ, việc hoàn thiện Luật Điện lực để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, nhất là vấn đề chuyển dịch năng lượng, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Điện lực hiện hành.
Những nội dung UBTVQH sẽ cho ý kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7Những nội dung UBTVQH sẽ cho ý kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7
Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàngĐề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung 6 dự án luật vào chương trình Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, trong đó Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay tại kỳ họp này.

Tại sao Chính phủ lại đề nghị Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8?
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng theo Chính phủ, mục tiêu sửa đổi Luật Điện lực còn là tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nhân dân và sự phát triển của nền kinh tế - xã hội; bảo đảm và nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng cung cấp dịch vụ điện; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, trong đó đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

Nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phù hợp với đặc thù của ngành điện lực, đảm bảo phù hợp với sự cải tiến của khoa học, kỹ thuật, góp phần tích cực trong công tác bảo đảm an ninh cung cấp điện, cũng là mục tiêu của lần sửa đổi này.

Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ đề nghị xây dựng với 6 nhóm chính sách: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.

Chính sách tiếp theo là quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện. An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện, là chính sách thứ 6.

Lý do bổ sung vào chương trình và thông qua chỉ trong 1 kỳ họp (thường các dự án luật thông qua theo quy trình 2 kỳ họp) được Chính phủ giải thích là để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, nhất là vấn đề chuyển dịch năng lượng, hòa chung vào xu thế phát triển ngành năng lượng của thế giới, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thông qua dự án luật còn là để tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới, phát triển lĩnh vực điện lực phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện lực. Tuy nhiên, các cơ quan này cho rằng, phạm vi sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ là sửa đổi tổng thể Luật Điện lực hiện hành, với nhiều nhóm chính sách lớn, quan trọng, nên cần được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, xem xét, cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp.

Nêu ý kiến thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Lê Quang Huy cho rằng, dự án luật này rất phức tạp, đặc biệt liên quan đến nhiều vấn đề về tài chính, kinh tế, trong đó có tài chính điện lực.

“Chỉ một nội dung liên quan đến giá điện đã có biết bao nhiêu vấn đề bên trong. Cho nên, chính kiến của chúng tôi là phải qua 2 kỳ họp, trình vào Kỳ họp thứ 8 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9”, ông Huy phát biểu.

Nhất trí tiến độ trên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị quy định rõ trường hợp dự án luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại 1 kỳ họp.

“Nếu được Quốc hội đồng thuận và chất lượng tốt, thì có thể thông qua trong 1 kỳ họp, nhưng Thường vụ Quốc hội phải báo cáo Quốc hội là 2 kỳ họp để phấn đấu”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định rút lại cuối phiên thảo luận.

[PetroTimesTV] Hội DKVN tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)[PetroTimesTV] Hội DKVN tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Hoàn thiện Luật Điện lực tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lựcHoàn thiện Luật Điện lực tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực
Cần xây dựng luật riêng về năng lượng tái tạoCần xây dựng luật riêng về năng lượng tái tạo
Cần hoàn thiện pháp luật để phát triển điện gió ngoài khơiCần hoàn thiện pháp luật để phát triển điện gió ngoài khơi

Huy Tùng (t/h)

DMCA.com Protection Status