Tạo điều kiện và nguồn lực cho PVN phát triển bền vững

06:40 | 17/04/2018

1,722 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trước những khó khăn, thách thức mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang phải đối diện, đặc biệt là trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, các bộ, ngành liên quan phải “xắn tay” cùng PVN để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho ngành Dầu khí.

PV: Đầu tiên, xin ông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải định vị, đánh giá vai trò của ngành Dầu khí như thế nào?

tao dieu kien va nguon luc cho pvn phat trien ben vung

TS Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, để định vị, đánh giá đúng vai trò của ngành Dầu khí, chúng ta phải dựa trên những đánh giá lợi ích tổng thể mà các lĩnh vực hoạt động của ngành Dầu khí với nòng cốt là PVN đã, đang và sẽ mang lại cho nền kinh tế. Đó không chỉ là vấn đề nộp thuế vào ngân sách Nhà nước hằng năm là bao nhiêu, tạo ra bao nhiêu việc làm, tham gia bảo đảm an ninh năng lượng như thế nào… mà còn là vấn đề thu hút đầu tư thông qua các liên doanh dầu khí, rồi cả vấn đề ngoại giao, bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế, cũng như vấn đề an ninh, quốc phòng.

Với cách tiếp cận như vậy, chúng ta thấy ngay, đóng góp của ngành Dầu khí những năm gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ trực tiếp sang gián tiếp. Tỷ trọng đóng góp của ngành Dầu khí vào ngân sách Nhà nước hiện có giảm so với trước (chủ yếu do giá dầu giảm mạnh thời gian qua), nhưng rõ ràng vẫn là lớn nhất, như năm 2017, nộp ngân sách của toàn PVN đạt gần 100 nghìn tỉ đồng. Các lĩnh vực hoạt động của PVN như sản xuất điện, khí, phân bón… đã góp phần không nhỏ tạo nền tảng, tiền đề cho các ngành, lĩnh khác của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ… phát triển; chủ động tạo ra một số nguyên, nhiên, vật liệu cho các ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong nước, giảm nhập siêu hằng năm, góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các mặt hàng xăng, dầu, khí và phân đạm.

PV: Nhưng hiện vẫn có những luồng ý kiến cho rằng, khai thác dầu khí đơn giản chỉ là múc lên và bán, đóng góp của ngành Dầu khí và nhiều thế hệ lãnh đạo, người lao động dầu khí đối với nền kinh tế vì thế cũng bị xem nhẹ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Cấn Văn Lực: Tôi không muốn bình luận về vấn đề này, vì đó chỉ là ý kiến chủ quan của một vài cá nhân vì còn thiếu nhiều thông tin.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù là trước đây hay bây giờ, vị trí, vai trò của ngành Dầu khí đối với nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ đúng với Việt Nam mà với cả các quốc gia sở hữu, chi phối và tham gia trực tiếp vào việc kinh doanh nguồn tài nguyên dầu khí. Ngoài giá trị về kinh tế, ngành Dầu khí còn có vai trò quan trọng đối với chính trị, quân sự, ngoại giao toàn cầu. Lịch sử nhân loại đã cho thấy, không ít các cuộc chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, chính trị có nguyên nhân sâu xa từ các hoạt động cạnh tranh sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí.

Ngoài ra, nhiều người cũng chưa hiểu được đầy đủ, chính xác về những vất vả, gian nan của cán bộ, người lao động dầu khí. Tôi được biết, nhiều người trong số họ phải luôn xa gia đình, người thân, làm việc ở nước ngoài, ngoài khơi, vừa thiếu thốn tình cảm, vừa đối chọi nhiều hiểm nguy, rủi ro.

tao dieu kien va nguon luc cho pvn phat trien ben vung
Thử vỉa thành công tại mỏ Mèo Trắng (ảnh: Hiền Anh)

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, loài người sẽ chuyển từ năng lượng hóa thạch, trong đó có dầu khí, sang năng lượng tái tạo mới như điện gió, điện mặt trời. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Cấn Văn Lực: Đúng là đang có sự chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo mới. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này là khá hạn chế, chỉ rõ nét tại một số quốc gia có nền kinh tế phát triển và có nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại. Còn tại những nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), do áp lực chi phí đầu tư lớn, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, vẫn còn nguy cơ tụt hậu xa hơn về phát triển kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới… thì trong cơ cấu năng lượng, ưu tiên hàng đầu và hợp lý là phát triển các nguồn năng lượng hóa thạch, trong đó ngành Dầu khí vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng.

Dù vậy, về lâu dài, Việt Nam cần có chiến lược, giải pháp, hành động cụ thể để hướng đến năng lượng tái tạo nhiều hơn, vừa bảo đảm yếu tố môi trường, vừa bền vững hơn. Tất nhiên, chi phí đầu tư ban đầu có thể cao hơn, nhưng mang lại hiệu quả lâu dài.

PV: Thăm dò, khai thác được xác định là lĩnh vực cốt lõi, là khâu đầu trong chuỗi giá trị của ngành Dầu khí. Tuy nhiên, có một thực tế, trong mấy năm gần đây, kết quả thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu, khí của PVN lại khá thấp. Ông nhìn nhận tình trạng này như thế nào và đâu là nguyên nhân cốt lõi?

TS Cấn Văn Lực: Đặc thù của ngành công nghiệp dầu khí là sự liên kết chuỗi giá trị, trong đó lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là khâu đầu và cốt lõi. Sự phát triển ổn định của các khâu như dịch vụ, điện, lọc hóa dầu… cũng như hiệu quả của chuỗi giá trị dầu khí phụ thuộc lớn vào sự tăng trưởng bền vững của khâu thăm dò, khai thác. Kết quả thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu, khí đạt thấp vì thế sẽ làm giảm hiệu quả chuỗi giá trị dầu khí cũng như đe dọa sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí.

Nói về nguyên nhân, theo tôi, đây là hệ quả của việc chúng ta chưa quan tâm thích đáng đến việc tìm kiếm, thăm dò nên công tác gia tăng trữ lượng đạt kết quả rất kém.

Thứ nữa, hoạt động dầu khí hiện tập trung ở vùng biển nông dưới 100m. Để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng dầu khí lâu dài cần phải tiến ra vùng biển xa bờ, nước sâu đến trên 1.000m nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Hơn nữa, đây là vùng nhiều rủi ro, bất cập về an ninh, chính trị và chính những rủi ro này đôi khi làm nản lòng các nhà đầu tư. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có sự đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này dẫn tới kết quả tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng thấp.

Đây là một vấn đề mà Chính phủ, ngành Dầu khí cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, nhất là lợi ích và chi phí, với tầm nhìn xa và bền vững, để có những quyết sách đúng và trúng hơn. Ngoài ra, khâu phân tích, đánh giá, dự báo tiền khả thi là rất quan trọng, để chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro, tổn thất.

tao dieu kien va nguon luc cho pvn phat trien ben vung
Giàn khoan PV DRILLING II

PV: Tại nhiều buổi làm việc với Chính phủ cũng như các bộ, ngành, những khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề lập quỹ đầu tư cho công tác tìm kiếm, thăm dò đã được lãnh đạo PVN đặt ra. Ông có đồng quan điểm về vấn đề này?

TS Cấn Văn Lực: Tôi hoàn toàn chia sẻ vấn đề này với lãnh đạo PVN. Bởi như tôi đã khẳng định ở trên, vị trí, vai trò của ngành Dầu khí đối với nền kinh tế rất lớn và vị trí, vai trò đó có tiếp tục được khẳng định hay không phụ thuộc nhiều vào kết quả của công tác tìm kiếm, thăm dò. Mà muốn có kết quả thì phải đầu tư, thậm chí bây giờ phải đầu tư nhiều hơn trước, vì vùng tìm kiếm thăm dò hiện đã khó khăn hơn trước, công nghệ cũng phức tạp hơn và rủi ro cũng cao hơn.

Tuy nhiên, tôi gợi ý là cần có cơ chế hoạt động minh bạch, trách nhiệm rõ ràng đối với quỹ đầu tư đó. Đồng thời cũng cần có cơ chế tạo nguồn để bảo đảm quỹ đầu tư đó bền vững và lâu dài.

PV: Với vị trí, vai trò của ngành Dầu khí đối với nền kinh tế đã được khẳng định, theo ông, trong thời gian tới cơ chế quản lý Nhà nước đối với PVN cần phải thay đổi như thế nào để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí?

TS Cấn Văn Lực: Theo tôi, trước hết, các bộ, ngành liên quan phải “xắn tay” cùng PVN để nắm vững, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách mà ngành Dầu khí đang gặp phải. Và điều quan trọng, Chính phủ cần xem xét cho phép dùng phần thặng dư từ cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc PVN để bù đắp vào quỹ đầu tư phát triển, hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án đang triển khai dở dang có khả năng đem lại hiệu quả sau khi hoàn thành, trong đó có lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò; có chính sách và cơ chế tạo điều kiện để các đơn vị dịch vụ kỹ thuật Việt Nam được tham gia trực tiếp vào các dự án dầu khí này, hạn chế hiện tượng “chảy máu ngoại tệ”…

Xác suất thành công của công tác tìm kiếm, thăm dò phụ thuộc vào mức độ phức tạp về địa chất và tiềm năng dầu khí của một bể trầm tích/một quốc gia. Nhiều công ty nước ngoài mất hàng chục triệu, trăm triệu USD, nhưng phải chấp nhận thất bại. Chi phí tìm kiếm, thăm dò không thành công cũng cần phải được xem là chi phí rủi ro. Dĩ nhiên, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp dầu khí cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể để đưa ra một mức độ rủi ro phù hợp. Đồng thời, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo để sớm vận hành hiệu quả, thực chất Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - một tổ chức được giao đầu mối quản lý trực tiếp 30 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trong đó có PVN.

PV: Với PVN, ông có kiến nghị gì với công tác tìm kiếm, thăm dò và hoạt động khác của Tập đoàn?

TS Cấn Văn Lực: Với PVN, hoạt động khai thác dầu, khí cần điều chỉnh theo hướng giảm hoặc dừng khai thác tại các mỏ dầu khi có giá thành sản xuất cao hơn mức chi phí khai thác dự kiến; tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động; đồng thời rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư đối với các dự án dầu khí cho phù hợp hơn.

Và tôi cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí, nhưng chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế là vùng hoạt động, trữ lượng và hiệu quả trong bối cảnh giá dầu như hiện nay không được như ngày xưa (dự báo giá dầu năm 2018 tăng khoảng 7-10%, nhưng có thể giảm nhẹ trong năm 2019 và đi ngang sau đó, trừ khi có biến cố lớn).

tao dieu kien va nguon luc cho pvn phat trien ben vung
Tàu thăm dò địa chấn Amadeus

Do đó, về mặt chiến lược, song song với việc tiếp tục củng cố lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò thì cần phải phát triển các khâu khác để bảo đảm tính bền vững của ngành Dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực chế biến sâu như phát triển hóa dầu, phát triển hạ tầng sản xuất kinh doanh khí. Đây là những lĩnh vực trong tương lai sẽ giữ vai trò bù đắp vào sự suy giảm của lĩnh vực cốt lõi. Đồng thời, PVN nên chú trọng, tiên phong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Cuối cùng, PVN cần áp dụng các nguyên tắc, thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại (theo chuẩn mực OECD, phù hợp bối cảnh Việt Nam), trong đó, quan tâm, đầu tư vào yếu tố con người và công nghệ mang tính quyết định và bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Ngọc

DMCA.com Protection Status