Tập trung xây dựng đề án Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Dung Quất và xử lý tồn tại của DQS
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Ngãi. |
Tham gia đoàn công tác của Bộ Công Thương còn có các Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thị trường trong nước, Dầu khí và Than; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Công nghiệp, Công Thương địa phương, Xuất Nhập khẩu, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Văn phòng Bộ Công Thương… Về phía UBND tỉnh Quảng Ngãi có bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện các Sở, ban ngành địa phương. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có ông Nguyễn Văn Tư – Phó trưởng Ban Công nghiệp Khí và Lọc hoá dầu. Về phía Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) có ông Bùi Ngọc Dương – Tổng Giám đốc.
Tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Ngãi
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh ước đạt 28.300 tỷ đồng, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 15.279 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm ước giảm 4,32% so với cùng kỳ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền báo cáo về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm 2024. |
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng đầu năm tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh Quảng Ngãi cũng có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm ước đạt 45.029 tỷ đồng, đạt 58,6% so với kế hoạch năm 2024 và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.597 triệu USD, đạt 64% kế hoạch năm và tăng 10,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.475 triệu USD, đạt 67% kế hoạch năm và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong những tháng cuối năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung phối hợp với Bộ Công Thương (Vụ Dầu khí và Than) trong việc xây dựng Đề án Trung tâm LHD&NL quốc gia tại KKT Dung Quất. Song hành cùng với đó là tổ chức triển khai thực hiện và phối hợp thực hiện các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, gồm: Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; Quy hoạch phát triển hạ tầng dữ trự, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia;... phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh.
Nghiên cứu mô hình Trung tâm LHD&NL quốc gia và xử lý những tồn tại của DQS
Qua 7 tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng Đề án Trung tâm LHD&NL quốc gia tại KKT Dung Quất. Hiện tại, UBND tỉnh đang tổng hợp góp ý dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án Trung tâm LHD&NL quốc gia tại KKT Dung Quất theo đề nghị của đơn vị tư vấn là Viện Dầu khí Việt Nam.
Ông Đào Duy Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, ông Đào Duy Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho biết, đề án Trung tâm LHD&NL quốc gia tại KKT Dung Quất là 1 trong 3 trung tâm được định hướng thành lập tại Việt Nam. Đối với trung tâm tại KKT Dung Quất, đây sẽ là trung tâm đầu tiên của quốc gia, do đó, có những khó khăn, thách thức nhất định trong việc triển khai. Thời gian qua, các cấp liên quan cũng đã có những dự thảo về đề án xây dựng Trung tâm LHD&NL quốc gia tại KKT Dung Quất để trình lên Thủ tướng. Bên cạnh đó, ông Đào Duy Anh kêu gọi sự phối hợp, hợp tác của tỉnh Quảng Ngãi trong việc tập trung nghiên cứu các mô hình trên thế giới để xây dựng mô hình phù hợp với nước ta. Đồng thời, tỉnh cũng cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để kêu gọi, thu hút đầu tư vào đề án. Hơn hết, tỉnh Quảng Ngãi cần có những sự chuẩn bị cho nguồn nhân lực hoặc xem xét đào tạo, thu hút lao động phục vụ cho đề án. Đặc biệt, cần có cơ sở hạ tầng phù hợp, đáp ứng những yêu cầu về việc xây dựng Trung tâm LHD&NL quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi.
“Mong rằng, tỉnh Quảng Ngãi sẽ quyết liệt, tập trung triển khai đề án xây dựng Trung tâm LHD&NL đầu tiên của Việt Nam; huy động, kêu gọi các nhà khoa học để có những góp ý, ý kiến về những mô hình phù hợp cho đề án”, ông Đào Duy Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Cũng tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo về phương án xử lý, giải quyết những tồn tại của Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất (DQS). Theo đó, thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UB QLVNN) và báo cáo của Petrovietnam, tỉnh Quảng Ngãi đã có ý kiến bằng văn bản thống nhất thực hiện Phương án tái cơ cấu DQS. Việc này nhằm lành mạnh tình hình tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo các yếu tố về năng lực sản xuất của đơn vị. Qua đó, góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển KTT Dung Quất và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh với Bộ Công Thương để sớm tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp ưu tiên, như: Luật Công nghiệp, công nghiệp trọng điểm, Đề án về liên kết ngành trong sản xuất công nghiệp và năng lượng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chúc mừng tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang. |
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương, chú trọng phát triển những ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, luyện thép chất lượng cao, công nghiệp đóng tàu… Tỉnh cũng cần chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa KKT Dung Quất với KKT mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Trung Bộ và cả nước. Đồng thời, xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm LHD&NL quốc gia.
"Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng và triển khai Đề án Trung tâm LHD&NL quốc gia tại KKT Dung Quất", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thành Linh