Thành công mới của ngành cơ khí chế tạo giàn khoan Việt Nam

09:05 | 16/03/2012

760 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03, công trình cơ khí trọng điểm Quốc gia là sản phẩm giàn khoan tự nâng đầu tiên do Việt Nam tự chế tạo được giao cho Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), làm tổng thầu.

Công trình đang hoàn thiện những công đoạn chạy thử cuối cùng nhằm bàn giao sớm cho chủ đầu tư vào cuối tháng 3 này. Vượt qua nhiều khó khăn về mặt công nghệ chế tạo, giàn khoan Tam Đảo 03 là một minh chứng khẳng định khả năng chinh phục những thách thức của những người thợ cơ khí dầu khí Việt Nam…

Đỉnh cao thách thức

Đặt chân lên giàn khoan tự nâng còn thơm phức mùi sơn mới, chúng tôi bắt gặp từng tốp kỹ sư, công nhân đi đi lại lại như con thoi trong bộ quần áo màu xanh nước biển và màu cánh cam mang dòng chữ PV Shipyard. Những gương mặt trẻ trung lấm tấm mồ hôi, tất bật với công việc nhằm chuẩn bị cho thời điểm bàn giao sắp tới. Dù có những lúc cao điểm cả công trường phải làm việc từ 6 giờ cho đến tận 0 giờ nhưng trong ánh mắt của những người thợ trẻ ấy không hề thấy biểu hiện của sự mỏi mệt mà chỉ ánh lên niềm nhiệt huyết vô cùng!

Giàn khoan khi được nâng lên vị trí 145m (tương đương với tòa nhà... 35 tầng)

Và thành quả đã không phụ lòng mong mỏi của những người thợ cơ khí dầu khí khi tính đến thời điểm đầu tháng 3 này, giàn khoan Tam Đảo 03 đã hoàn tất chạy thử thành công được 92/107 hệ thống. Điều đáng khâm phục khi trong đó có 5 gói chạy thử mang tính quyết định đã được thực hiện thành công hơn cả mong đợi vào nửa cuối tháng 2/2012 vừa qua. Đó là: Cân thử dầm chìa (Cantilever weighing, ngày 15/2); Thử tải dầm chìa và sàn khoan (Cantilever & Drillfloor Load Test, ngày 16/2); Nâng thử giàn khoan (Jacking trial, ngày 17/2); Kiểm tra trọng lượng thực tế của giàn (Lightship Weight Survey, ngày 21/2); Kiểm tra độ ổn định của giàn (Inclination Test, ngày 23/2).

Là người chỉ huy trực tiếp thi công trên công trình giàn khoan Tam Đảo 03 nên kỹ sư Nguyễn Văn Đức (37 tuổi, Giám đốc Nhà máy Chế tạo Giàn khoan của PV Shipyard) không khỏi bận bịu trước khối công việc bộn bề, nhất là thời điểm này. Thu xếp được chút ít thời gian rảnh rỗi vào giờ nghỉ giải lao, kỹ sư Đức chia sẻ với chúng tôi về 5 gói chạy thử được nghiệm thu mới đây: “Đó là giai đoạn “cao điểm nhất” nhằm nghiệm thu việc chạy thử toàn bộ các hệ thống của giàn khoan. Tất cả đều cực kỳ quan trọng và gấp rút. Mặc dù mỗi gói chạy thử đều khó khăn, rủi ro, thậm chí là rất nguy hiểm nhưng bằng trí tuệ và sự nỗ lực của tất cả các kỹ sư, công nhân PV Shipyard nên công việc đã hoàn thành rất tốt, đạt yêu cầu về chất luợng và tiến độ”.

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đức, việc chạy thử của giàn khoan Tam Đảo 03 là “tương đối phê” vì cần sự phối hợp nhịp nhàng của những bộ phận liên quan trên giàn khoan với các đơn vị hàng hải như cảng vụ, hoa tiêu, tàu kéo lai dắt… Mặc dù công tác chạy thử không cần huy động nhiều nhân lực như giai đoạn thi công trước đó, mỗi đợt chạy thử chỉ cần khoảng 100 người cho mỗi công đoạn, nhưng đó phải là những nhân lực lành nghề và có trình độ tốt nhất. Và họ là những kỹ sư và công nhân của PV Shipyard.

Nhìn lại 5 công đoạn chạy thử vừa hoàn tất, các kỹ sư, công nhân PV Shipyard rất tự hào khi họ đã vượt qua nhiều thách thức, khó khăn bằng sự tập trung cao độ, linh động trong xử lý tình huống, tận dụng tối đa những sáng kiến hiệu quả. Bởi vì có thể thấy rằng, những rủi ro của quá trình chạy thử giàn khoan Tam Đảo 03 là hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí rất nghiêm trọng nếu như có sự chủ quan, sơ sót.

Đơn cử như trong công đoạn “Nâng thử giàn khoan (Jacking trial)”. Toàn bộ tải trọng của thân giàn nặng hơn 9.000 tấn đã được nâng lên ở độ cao 145m bằng hệ thống tự nâng. Quá trình tự nâng thử được thực hiện bằng nhân sự của 2 nhóm chính là bộ phận đường ống thiết bị và bộ phận điều khiển điện cùng sự phối hợp của các đơn vị hàng hải trong việc đảm bảo an toàn khu vực neo đậu giàn khoan. Mục đích chính là nhằm thử tính năng, mức độ chịu đựng của chân giàn khoan trong quá trình thi công có chính xác, đạt yêu cầu hay không và thử hệ thống “nâng hạ (jacking)” xem có làm việc ổn định hay không. Bởi vì, nếu không chính xác thì phần thân giàn khoan sẽ bị mắc kẹt trong quá trình tự nâng hoặc không nâng lên được vị trí cao nhất.

Thậm chí còn có rủi ro khác nữa là quá trình nâng thử có thể sẽ làm trượt hoặc gãy toàn bộ thân giàn khoan. Chính vì thế đòi hỏi công tác chuẩn bị cho quá trình nâng thử là rất chi tiết với sự phối hợp giữa các thành viên trên bờ và trên giàn khoan, sự nhạy bén trong xử lý sự cố và những tình huống trong quá trình thực hiện. Và cuối cùng, kết quả là việc nâng thử đã thành công với độ ổn định tuyệt đối của toàn bộ giàn khoan khi thân giàn khoan được nâng lên vị trí cao nhất. Chính điều này đã khẳng định sự chinh phục thử thách “đỉnh cao” của người thợ PV Shipyard!

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hưng, Phó tổng giám đốc PV Shipyard đã bày tỏ niềm tự hào của tập thể người lao động PV Shipyard về thành quả lao động sau 24 tháng thi công của công trình giàn khoan tự nâng 90m nước sắp đến ngày bàn giao. Ông cho rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam chế tạo một giàn khoan với khối lượng công việc khá lớn, trình độ công nghệ cao. Điều đó khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của những người cơ khí dầu khí Việt Nam. Bên cạnh đó, tập thể người lao động PV Shipyard cũng ý thức được trách nhiệm là người đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển công nghiệp chế tạo giàn khoan dầu khí.

Chất lượng quốc tế

Theo ghi nhận từ PV Shipyard, đến thời điểm hiện tại, công tác chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước đã đạt những kết quả đáng khích lệ với hàng triệu giờ công lao động an toàn, các hạng mục thi công đã cơ bản hoàn thiện, đạt 99,5% khối lượng công việc của dự án và sẵn sàng cho công tác bàn giao sắp tới. Tất cả các công đoạn chạy thử đều được thực hiện bởi sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư là PVN, Vietsopetro cùng với Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) và Cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ – ABS.

Các kỹ sư chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 trên công trường

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Đào Đỗ Khiêm, Phó giám đốc dự án cho biết: Hiện tại PV Shipyard đã gửi các kết quả chạy thử trên đến công ty cung cấp thiết kế cơ sở cho giàn 90m nước và Cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ – ABS. Trong thời gian chờ phê duyệt, cấp chứng nhận đạt yêu cầu các gói chạy thử quan trọng trên, PV Shipyard đang huy động mọi nguồn lực phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để hoàn thành các gói chạy thử còn lại và các hồ sơ tài liệu nhằm mục tiêu bàn giao giàn khoan cho chủ đầu tư vào cuối tháng 3/2012 sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đã cam kết.

Theo kỹ sư Khiêm, đây là dự án giàn khoan tự nâng di động hiện đại với rất nhiều hệ thống tự động và hệ thống tích hợp nên đòi hỏi phải thực hiện việc quản lý hiện đại và đồng bộ. Việc áp dụng mô hình quản lý dự án theo mô hình chức năng ma trận đã giúp việc kết hợp tất cả trí tuệ, năng lực của tất cả các bộ phận của PV Shipyard, đồng thời tiết kiệm được nhiều chi phí quản lý gián tiếp. Đây cũng là mô hình quản lý dự án tiên tiến được các nhà chế tạo hàng đầu khác trên thế giới đang áp dụng. Với tổng khối lượng của giàn khoan gần 12.000 tấn, hệ thống nâng hạ dùng nguyên lý bánh răng thanh răng nên việc chế tạo chân giàn khoan chỉ cho phép dung sai 6mm trên toàn bộ chiều dài 145m chân. Mặt khác, việc chế tạo, lắp đặt, tích hợp và chạy thử cho 107 hệ thống cũng là công việc hết sức khó khăn. Và cho đến nay, điều đáng ghi nhận là tất cả các công việc trên đều được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam.

Có thể khẳng định, chất lượng của giàn khoan Tam Đảo 03 đã đạt tiêu chuẩn quốc tế và tương đương với chất lượng giàn khoan của các bãi chế tạo khác nổi tiếng trên thế giới tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore. Trong khi các giàn khoan của trước đây thường tính toán tốc độ gió giật lớn nhất trong vòng 50 năm gần đây (là 70 knots) thì đối với giàn khoan Tam Đảo 03 của Việt Nam chế tạo đã tính tới tốc độ gió giật trong vòng 100 năm gần đây (là 100 knots) – một tiêu chuẩn rất khắt khe. Hơn thế nữa, giàn khoan này có thể chịu đựng được sức gió tương đương bão cấp 12, trên cấp 12 và chịu đựng được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như sóng, gió, dòng chảy, ăn mòn, động đất…

Theo đánh giá của các chuyên gia dầu khí, trong khi hàng năm ngành Dầu khí trong nước phải chi một lượng ngoại tệ rất lớn để thuê giàn khoan của nước ngoài, đặc biệt là giàn khoan di động và giàn khoan tự nâng thì việc PV Shipyard tự đóng được giàn khoan đã tiết kiệm được nguồn ngoại tệ khá lớn cho đất nước. Bởi vì đây là giàn khoan tự nâng di động thứ 7 của Việt Nam (Vietsovpetro có 3, PV Drilling có 3, cả 6 giàn này đều mua của nước ngoài), trong khi nhu cầu hiện nay của Việt Nam là hơn 10 chiếc và kế hoạch đến 2025 dự kiến cần từ 15-20 chiếc. Chính vì vậy, PVN sẽ đầu tư các giàn khoan tự nâng tiếp theo để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước, không phải đi thuê giàn khoan tự nâng của nước ngoài, đồng thời hướng tới mục tiêu cung cấp các dịch vụ sửa chữa, nâng cấp, đóng mới các loại giàn khoan di động cho các công ty dầu khí hoạt động trong thềm lục địa Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Làm chủ công nghiệp phụ trợ

Trong những lần đi thăm quá trình chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 trước đây, cho đến lúc hạ thủy giàn vào tháng 9/2011, cũng như giai đoạn hoàn thiện như hiện tại, điều ấn tượng và thán phục đối với chúng tôi chính là việc ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng và ngành cơ khí trong nước nói chung đã làm được những việc mà nhiều năm qua chỉ có trong mơ khi vượt qua những khó khăn thách thức để lần đầu tiên chế tạo thành công gian khoan tự nâng mang thương hiệu “Made in Việt Nam”. Tuy nhiên, điều cũng làm chúng tôi băn khoăn là công nghiệp cơ khí phụ trợ ở trong nước cho công trình này vẫn còn những hạn chế nhất định.

Nhìn từ việc thi công giàn khoan Tam Đảo 03, Phó tổng giám đốc Lê Hưng cho rằng, công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực chế tạo giàn khoan của Việt Nam vẫn còn rất yếu, giản đơn, lạc hậu so với khu vực, thiếu những nhà máy hiện đại chủ lực để làm trung tâm cho việc chuyên môn hóa, hợp tác hóa. Bởi vì đa phần các thiết bị và vật tư chính để chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước đều phải nhập khẩu từ nước ngoài nên PV Shipyard phải kiểm soát rất chi tiết để thời gian giao hàng phù hợp với kế hoạch tổng thể nhằm đưa dự hoàn thành đúng tiến độ. Và chính việc này cũng làm tỉ lệ nội địa hóa chưa được cao như mong muốn khi chỉ mới đạt khoảng 35%, còn 65% còn lại là phải nhập phụ kiện, vật tư, thiết bị, dịch vụ… từ nước ngoài.

“Với trách nhiệm đè nặng trên vai, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình nhằm góp sức cùng PVN phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới, cũng như hợp tác thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phục vụ cho các công trình chế tạo giàn khoan. Để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa đòi hỏi ngành cơ khí cần phải đầu tư phát triển mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm hỗ trợ cho các dự án sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong đó có các dự án chế tạo giàn khoan”, ông Hưng bộc bạch.

Giàn khoan tự nâng 90m nước – Tam Đảo 03 là công trình cơ khí trọng điểm của Nhà nước, được thi công từ tháng 3/2010, với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD do PVN làm chủ đầu tư, PV Shipyard làm tổng thầu chế tạo. Giàn khoan tự nâng có tổng trọng lượng gần 12.000 tấn, chiều dài chân 145m, hoạt động ở độ sâu tới 107m nước và chiều sâu khoan đến 6.100m. Giàn khoan sẽ được PVN chuyển giao cho Vietsovpetro sử dụng. Sau khi tổ chức bàn giao giàn khoan 90m nước vào tháng 3/2012, trong năm nay PV Shipyard sẽ tiếp tục đóng mới giàn khoan tự nâng thứ 2 hoạt động ở độ sâu lớn hơn và hiện đại hơn cho Vietsovpetro và 1 xà lan tiếp trợ khoan hoạt động ở độ sâu 250m, chiều sâu khoan 10.000m cho Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling).

Thế Vinh

DMCA.com Protection Status