Thành quả của ý chí tự cường
Tiền thân của Viện NIPI là Phân viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí, hình thành năm 1982 với biên chế nhỏ, gọn, gồm các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, địa vật lý. Nhiệm vụ của Phân viện là đáp ứng yêu cầu của Vietsovpetro là thực hiện các khảo sát địa chấn thềm lục địa nam Việt Nam, chủ yếu trong vùng trũng Cửu Long. Bên cạnh đó là công tác nghiên cứu, phân tích, xử lý số liệu địa chất và thiết kế, biện luận vị trí các giếng tìm kiếm thăm dò trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam.
Chính Phân viện đã phát hiện dòng dầu công nghiệp tại cấu tạo Bạch Hổ. Chính kết quả này đòi hỏi phải tăng cường công tác nghiên cứu thăm dò mở rộng, đánh giá trữ lượng, lập các phương án xây dựng và phát triển mỏ. Để thực hiện các công việc trên thì cần thiết hình thành một đơn vị nghiên cứu và thiết kế có quy mô lớn hơn, giải quyết khối lượng công việc phức tạp hơn, nhiều hơn nên ngày 26/10/1985, Phân viện được nâng cấp trở thành Viện NIPI như ngày nay.
Thời gian đầu sau khi thành lập, Viện được tổ chức thành 2 khối là Khối khoa học và Khối thiết kế. Khi mỏ Bạch Hổ được đưa vào hoạt động năm 1986, khai thác dầu từ tầng sản phẩm Mioxen dưới. Tiếp theo là dầu trong móng granit của mỏ Bạch Hổ được phát hiện và đối tượng đưa vào khai thác thử cuối năm 1988. Giai đoạn này Viện thực hiện các dự án thiết kế khai thác và xây dựng mỏ đầu tiên với sự trợ giúp hoặc cố vấn của các viện nghiên cứu khoa học có kinh nghiệm của Liên Xô (cũ), cụ thể là Viện Nghiên cứu Khoa học & Thiết kế dầu khí biển thành phố Okha, Xakhalin, Viện Dầu Liên bang VNIINEFT. Sau đó, tháng 7/1989 văn liệu về xây dựng và phát triển mỏ đầu tiên do Viện soạn thảo “Tính toán đánh giá kinh tế kỹ thuật xây dựng vòm Nam mỏ Bạch Hổ” (7/1989) và tài liệu “Thiết kế khai thác thử công nghiệp vỉa dầu móng vòm trung tâm mỏ Bạch Hổ” (năm 1990) là những dữ liệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho quá trình khai thác thành công dầu trong móng về sau của Vietsovpetro.
Từ trái qua, Viện trưởng Viện NIPI qua các thời kỳ: Ông Belianhin G.N, ông Trần Lê Đông, ông Hoàng Văn Quý và Viện trưởng Nguyễn Văn Đức
Và khi công nghệ thông tin bắt đầu phát triển ở Việt Nam thì Viện NIPI cũng là một trong những đơn vị nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Vì thế, từ năm 1990 đến 1996, dần hoàn thiện rồi sau đó 100% các phòng, ban của Viện được trang bị máy tính và phần mềm tính toán như mô phỏng quá trình khai thác, lập mô hình vỉa, mô hình địa chất, xử lý số liệu địa vật lý giếng khoan. Nhờ áp dụng công nghệ mới mà Viện đã tự thực hiện một loạt các thiết kế công nghệ có tính chiến lược trong phát triển khai thác ổn định các mỏ của Vietsovpetro như “Sơ đồ công nghệ khai thác và xây dựng mỏ Bạch Hổ thềm lục địa Nam Việt Nam” (năm 1992), “Bổ sung sơ đồ công nghệ khai thác và xây dựng mỏ Bạch Hổ thềm lục địa Nam Việt Nam” (năm 1993).
Sau khi hoàn thiện việc trang thiết bị công nghệ mới, Viện đã có những bước tiến trong đào tạo đội ngũ chuyên gia nghiên cứu mà giai đoạn 1996-2000 đã có nhiều đột phá về chất. Kể từ đây, các chuyên gia khoa học và thiết kế người Việt Nam trong Viện NIPI đã đủ sức đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo và quản lý. Trong năm 1996 Viện trưởng người Việt Nam được bổ nhiệm. Tiếp đến là hàng loạt vị trí lãnh đạo phòng, ban trước đây của người nước ngoài được chuyển giao cho các chuyên gia Việt Nam. Dần dà, các chuyên gia Việt Nam đảm nhiệm các chức danh chánh đồ án, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học của Viện. Có được kết quả như vậy, có thể kể đến sự lãnh đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Vietsovpetro trong việc nội địa hóa đội ngũ lãnh đạo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, mà Viện NIPI là một trong những đơn vị đã thực hiện thành công.
Và nếu như trước năm 2000, Viện NIPI chủ yếu làm công tác nghiên cứu khoa học và công tác thiết kế để phục vụ cho chính Vietsovpetro thì từ sau năm 2000, Viện NIPI mở rộng phạm vi hoạt động hướng vào công tác dịch vụ. Đây cũng là một xu thế chung của các công ty dầu khí trong nước. Các chuyên gia của Viện tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động tư vấn và thẩm định trong cơ cấu các tổng công ty dầu khí. Ngoài ra, Viện NIPI tham gia đấu thầu các dự án phát triển dầu khí và trúng thầu một số dự án lớn như Dự án thiết kế đường ống dẫn khí Rạng Đông - Bạch Hổ, Dự án đường ống PM3 - Cà Mau… Chính uy tín trong công tác dịch vụ từ sau năm 2000, mà từ năm 2005 đến nay, vai trò, vị thế của Viện NIPI ngày càng được nâng cao trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó Viện NIPI đã hoàn thành nhiều công trình quan trọng như tính trữ lượng dầu và khí hòa tan, thiết kế công nghệ khai thác và xây dựng mỏ ở các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Đông Bắc Rồng, Đông Rồng, Đông Nam Rồng, Nam Rồng - Đồi Mồi... Ngoài ra Viện NIPI còn là trung tâm đào tạo nhiều chuyên gia - không những cho Vietsovpetro mà còn cho nhiều công ty dầu khí khác; tổ chức nhiều khóa đào tạo, hội thảo khoa học dầu khí trong nước và quốc tế. Trong đó có Hội nghị Khoa học Quốc tế “Thân dầu trong đá móng nứt nẻ” lần thứ nhất và lần thứ hai được tổ chức thành công tại TP Vũng Tàu, hội tụ các nhà khoa học dầu khí của hầu hết các nước trên thế giới, là thành tựu và uy tín của ngành Dầu khí nước nhà.
Đến cuối năm 2010, với mục đích tìm kiếm các khu vực mới, mở rộng vùng hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí cho Liên doanh, Viện NIPI được Lãnh đạo Vietsovpetro giao nhiệm vụ đánh giá kinh tế - kỹ thuật; lập báo cáo khả khi, báo cáo đầu tư dự án thăm dò khai thác ở các lô mở trong và ngoài nước; đàm phán để ký kết các hợp đồng dầu khí; quản lý, điều hành công tác thăm dò và khai thác theo các hợp đồng dầu khí ở các lô mới. Kết quả của mảng công việc mới này là cơ sở quan trọng để các phía tham gia Liên doanh quyết định đầu tư vào các lô mới trong thời gian vừa qua như 04-1, 04-3, 16-2, 09-3/11, 42, …
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, với những đóng góp to lớn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho nền kinh tế nước nhà, Viện NIPI vinh dự được Nhà nước trao tặng những danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1997), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2006), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2010), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2005, năm 2008), giải Nhất Giải Sáng tạo Khoa học - Công nghệ toàn quốc (năm 2006)… Ngoài ra, Viện cũng đã nhận Huy chương Vàng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (năm 2007), Giải nhất Giải Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (năm 2007), Huy chương Đồng tại Triển lãm Khoa học - Công nghệ thế giới (năm 2008) và Biểu tượng Vàng vì Sự nghiệp Văn hóa Doanh nhân Việt Nam (năm 2008)…
Như vậy, với những thành tích đã đạt được trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, có thể khẳng định, Viện NIPI là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa và thiết kế dầu khí lớn nhất trong cả nước, có vị thế, vai trò to lớn trong khu vực cũng như trên thế giới. Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, thử thách nhưng tập thể cán bộ, công nhân viên - người lao động Viện NIPI sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả hơn nữa, xứng đáng với danh hiệu mà ngành Dầu khí đã trao.
Thiên Thanh