Thắp sáng ngọn lửa truyền thống Dầu khí

09:40 | 31/08/2018

2,153 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ôn lại truyền thống đáng tự hào của “người đi tìm lửa” để các thế hệ kế cận hiểu sâu hơn về trí tuệ và bản lĩnh của các thế hệ dầu khí đi trước, nâng cao trách nhiệm, tin tưởng và nỗ lực cùng nhau đưa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn hôm nay. Đó chính là điều mà lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ đều quan tâm, coi trọng.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam Hồ Sỹ Thoảng: Triển vọng của ngành Dầu khí rất lớn

thap sang ngon lua truyen thong dau khi

Tôi từ Viện Khoa học Việt Nam về dầu khí năm 1992.

Nói về trí tuệ và bản lĩnh của người dầu khí, tôi vẫn nhớ vào những năm đầu 90 của thế kỷ trước, tuy dầu trong tầng đá móng đóng góp rất lớn nhưng thời điểm đó bắt đầu sụt giảm sản lượng, bởi áp suất dưới vỉa đã giảm, dầu không lên nhiều nữa. Khi đó, Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đề nghị cho phép thực hiện bơm ép nước. Đến khi đó, chúng ta chưa làm bao giờ, nhưng trên thế giới đã có rất nhiều mỏ thực hiện kỹ thuật này.

Vào thời điểm đó có rất nhiều ý kiến phản biện, bởi căn nguyên là dầu trong tầng đá móng nứt nẻ không phải như ở hai tầng giữa và tầng mặt. Nếu bơm nước vào tầng này xảy ra vấn đề gì về an toàn, ngập mỏ thì… ai chịu? Chúng tôi “cãi nhau” rất căng ở trụ sở 69 Nguyễn Du. Rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu bơm ngập thì giải quyết thế nào? Nhưng không bơm thì không được, vì áp suất mỏ giảm nhanh, sắp đến lúc dầu không thể lên đến mặt nước nữa rồi.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đưa ra giải pháp trung gian là vẫn bơm nước nhưng bơm ở giếng thấp và ở xa trung tâm mỏ để xem thử thế nào. Để lỡ có “chết” thì cũng chỉ “chết” một vài giếng, thiệt hại thấp, ngược lại có kết quả tốt thì bơm tiếp.

Hiện nay đang là giai đoạn khó khăn nhất của ngành Dầu khí, nhưng tôi nghĩ rằng ngành Dầu khí đã vượt qua được khó khăn này thì không có lý do gì không thể phát triển mạnh được. Chúng ta vẫn có đủ cơ hội và điều kiện để phát triển, chúng ta làm được dầu khí từ hai bàn tay trắng thì chẳng có gì mà không làm được cả. Triển vọng của ngành Dầu khí rất lớn, nhưng rất cần sự hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để ngành Dầu khí được giải phóng trí tuệ, sức lao động để vươn lên.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San: Giữ ngọn lửa dầu khí luôn rực sáng

thap sang ngon lua truyen thong dau khi

Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, suy giảm sản lượng, thách thức cạnh tranh trong hội nhập… Sản lượng của các mỏ đang khai thác theo thời gian đang suy giảm, các mỏ lớn phát hiện có thể ít hơn, nhưng những người dầu khí có cơ sở khoa học để tin tưởng tiềm năng dầu khí Việt Nam trong thềm lục địa còn phong phú.

Ngay cả trong tầng đá móng cũng như các phức hệ địa chất, các bể truyền thống còn đang triển khai thăm dò. Quy mô, hình thái, đặc tính… đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới, phương pháp luận, tư duy sáng tạo về khoa học công nghệ mới, hiệu quả cao, tạo giá trị gia tăng về chế biến sâu, tiếp tục duy trì và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong tương lai dài hạn.

Trách nhiệm của thế hệ người dầu khí hôm nay rất nặng nề, nhưng với khát vọng truyền thống của “người đi tìm lửa”, rất mong cán bộ, công nhân lao động trong ngành Dầu khí nâng cao “đức - trí - tài”, đồng tâm hiệp lực, năng động sáng tạo, quyết giữ ngọn lửa dầu khí luôn rực sáng như Bác Hồ hằng mong đợi, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân.

Nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam Nguyễn Hiệp: Đồng lòng, tin tưởng xử lý mọi vấn đề

thap sang ngon lua truyen thong dau khi

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Chính phủ đã cử ngay đoàn nghiên cứu vào thu thập tài liệu dầu khí. Vì vậy, ngay trong lúc an ninh chính trị còn ngổn ngang thì Bộ Chính trị đã họp để triển khai hoạt động dầu khí, khẳng định tầm quan trọng của dầu khí đối với đất nước.

Ở đây cần phải nhấn mạnh rằng, ngay cuối tháng 7/1975, Bộ Chính trị họp thì ngày 9/8/1975 đã ra ngay Nghị quyết 244 về công tác thăm dò dầu khí tại Việt Nam. Nghị quyết này là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Ngay lúc đó, Bộ Chính trị đã khẳng định phải xây dựng ngành Dầu khí hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối: Thăm dò - khai thác - vận chuyển - tàng trữ…

Từ năm 1986-1990, chúng ta khai thác được 5,2 triệu tấn dầu, bán được 731 triệu USD. Vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tổng cục Dầu khí, Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự và kể lại câu chuyện: “Vào năm 1986, tôi là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đồng chí Đỗ Mười khi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng hằng ngày vẫn chạy sang Ủy ban Kế hoạch hỏi tôi rằng: Thế nào, gạo có đưa được từ miền Nam ra để cứu đói không? Trong quỹ còn bao nhiêu ngoại tệ để mua vật tư thiết bị?... Thời kỳ đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cũng đi lo lương thực, lo từng đồng để sản xuất kinh doanh. Chính vì nhờ có chính sách khoán 10 trong nông nghiệp để giải phóng sức sản xuất của nông dân, cũng chính nhờ những tấn dầu đầu tiên mà Chính phủ đã có khoản tiền trang trải khó khăn của thời kỳ đó”.

Trải qua hơn 50 năm phát triển, ngành Dầu khí có nhiều bước thăng trầm. Gần đây có nhiều thông tin không vui, thế hệ những người đã về hưu như chúng tôi chỉ nghĩ một điều là Tập đoàn nhìn thẳng vào sự thật, tìm đúng “bệnh”? Chỉ khi tìm được đúng “bệnh” mới có thể chữa được. Đã đồng lòng thì phải tin tưởng, cùng với nhau xử lý mọi vấn đề. Chắc chắn mọi câu chuyện sẽ được giải quyết, lịch sử ngành Dầu khí hơn 50 năm qua đã chứng minh được điều đó.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh: Coi trọng giáo dục truyền thống

thap sang ngon lua truyen thong dau khi

Trong bối cảnh ngành Dầu khí hiện nay, lãnh đạo Tập đoàn thấy cần thiết phải có những hoạt động nhằm ôn lại truyền thống và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta hiểu rõ, hiểu sâu về truyền thống thì mới trân trọng những gì đang có ngày hôm nay.

Trong Tập đoàn, truyền thống các lớp thế hệ cha anh đi trước rất được coi trọng, nhưng làm thế nào để truyền thống đó hằng ngày, hằng giờ đến được với các thế hệ người dầu khí đi sau? Cụ thể, làm gì để các thế hệ đi sau hiểu hết những gian khổ của các thế hệ dầu khí tiền bối vào những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là những quyết định có tính lịch sử, những giá trị cả về vật chất và tinh thần lớn lao không thể nào thay thế. Bởi vậy công tác giáo dục truyền thống trong Tập đoàn phải đặc biệt coi trọng.

Gần đây, Đảng ủy Tập đoàn đã quyết tâm thực hiện tái cơ cấu lại cơ quan Tập đoàn. Đặc biệt, Đảng ủy, Hội đồng Thành viên và Ban Tổng giám đốc đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Truyền thông nhằm khơi dậy, phát huy tốt truyền thống quý báu của người dầu khí, khắc phục những suy nghĩ tiêu cực, sự thoái trào…

Tôi nghĩ rằng, những diễn đàn về truyền thống dầu khí vô cùng có ý nghĩa. Ngay cả những người trực tiếp tham gia trên mặt trận dầu khí trước đây nếu không ôn lại cũng có thể quên. Chúng ta phát huy những mặt tốt đẹp như hăng say lao động, phát huy sức sáng tạo trong công việc, giảm thiểu những ảnh hưởng của kinh tế thị trường, cả về tinh thần lẫn vật chất. Chúng ta phải dùng văn hóa, truyền thống để khôi phục, gìn giữ và phát huy những điều tốt đẹp.

Đất nước ta rất nhiều lần bị xâm lược, nhưng văn hóa Việt Nam vẫn luôn tồn tại. Nếu mất đi bản sắc văn hóa Việt Nam thì có nước nhưng chỉ là cái vỏ. Một tập đoàn kinh tế cũng thế thôi, nếu có rất nhiều tiền mà không có văn hóa, không có tình người, tình đồng chí, đồng đội nữa thì không còn là tập đoàn mạnh nữa.

Chúng ta tự hào, trân trọng về quá khứ nhưng không nên tự kiêu, chúng ta có quyền tự tin nhưng không được tự mãn. Mong rằng người lao động dầu khí luôn cố gắng đồng lòng, đồng sức, kề vai sát cánh, cùng nhau vượt qua thời kỳ vô cùng khó khăn của ngành Dầu khí.

Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phan Ngọc Trung: Trí tuệ, bản lĩnh người dầu khí đã được chứng minh

thap sang ngon lua truyen thong dau khi

“Trí tuệ - bản lĩnh - truyền thống” là 3 điểm đặc trưng của ngành Dầu khí. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu có tên trên bản đồ dầu khí thế giới, nhưng thời điểm quan trọng nhất là năm 1988, tấn dầu thương mại đầu tiên khai thác tại tầng đá móng, Việt Nam trở thành “ngôi sao” dầu khí thế giới. Chúng ta là đất nước đầu tiên đưa dầu từ đá móng vào khai thác thương mại. Sau này, giới học giả đã khẳng định rằng, đến tận những năm 90 cũng chẳng có ai được đào tạo về khai thác dầu trong tầng đá móng. Đây chính là điều thể hiện trí tuệ của người Việt Nam nói chung, trí tuệ của người dầu khí nói riêng.

Việc phát hiện dầu ở tầng đá móng rất vĩ đại, nhưng khai thác dầu trong tầng đá móng cũng vĩ đại không kém, cụ thể là việc bơm ép nước, tôi là nhân chứng thời điểm đó. Tôi vinh dự được là thành viên Phòng Thẩm định nên chứng kiến việc tranh cãi về bơm ép nước. Bởi trong lịch sử khai thác dầu khí chỉ có bơm ép nước ở tầng mặt và tầng giữa (Miocene và Oligocene) chứ chưa bao giờ bơm ép vào kẽ nứt nẻ tại tầng móng.

Hồi đó, các chuyên gia Nga bảo cứ dùng bơm ép nước vào, cán bộ Việt Nam “chiến đấu” lại là bơm phải bơm như thế nào chứ không bơm một cách “mù quáng”... Cuối cùng mọi người đã tìm ra giải pháp là bơm ép từ từ và bơm xen dần để điều chỉnh nhịp độ bơm ép.

Cần phải nói thêm, thời điểm đó, chúng tôi đã từng tranh luận nảy lửa, đập bàn đập ghế với nhau, đỉnh điểm là chuyên gia phía bạn còn dọa “mách” lãnh đạo Đảng và Nhà nước rằng chuyên gia Việt Nam “bất hợp tác”. Cũng may cuối cùng chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung để đi đến thành công.

Về mỏ Sư Tử Đen, chúng tôi cũng gặp sự tranh cãi quyết liệt về công nghệ khai thác với người Mỹ. Khi mọi chuyện chưa ngã ngũ, Đại sứ quán Mỹ đã gửi công hàm tới Thủ tướng Chính phủ nói rằng, chuyên gia Việt Nam không áp dụng được công nghệ mới vào mỏ Sư Tử Đen. Sau này, với sự kiên trì thuyết phục, với bằng chứng khoa học và đặc biệt là hiệu quả thực tế khai thác dầu tại mỏ, chúng tôi đã thành công và nhận được sự nể phục từ các chuyên gia dầu khí nước ngoài.

Có thể thấy rằng, trí tuệ và bản lĩnh của người dầu khí đã được chứng minh trong thực tế. Khai thác dầu ở tầng đá móng đã thực sự mở ra một trang mới cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan: Thắp lửa tự hào về truyền thống Dầu khí

thap sang ngon lua truyen thong dau khi

Chặng đường 43 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầy thách thức, khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất vinh quang và tự hào. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh và phát triển không ngừng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khẳng định được vị thế của tập đoàn kinh tế trụ cột, hàng đầu của đất nước; đóng góp quan trọng cho ngân sách hằng năm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng, tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.

Trong những thành quả đó, chúng ta vinh dự và tự hào bởi một kỳ tích do chính những nhà khoa học dầu khí Việt Nam đã bằng trí tuệ, bàn tay, khối óc và sự cống hiến hết mình để nghiên cứu, hoàn thiện quy trình khai thác dầu trong tầng đá móng và bắt đầu khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên từ móng mỏ Bạch Hổ kể từ ngày 6/9/1988, đến nay đã tròn 30 năm. Đây là thành tựu vĩ đại đóng góp vào khoa học dầu khí Việt Nam và thế giới. Công trình này đã được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN, góp phần làm nên giá trị, thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thành quả đó thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của các thế hệ người lao động dầu khí Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, việc tiếp tục thắp lửa tự hào về truyền thống và tuyên truyền sâu rộng về văn hóa dầu khí là rất cần thiết. Chúng ta cùng nhau, có trách nhiệm gìn giữ, bồi đắp và truyền bá để các giá trị của văn hóa dầu khí đã được hun đúc chắt lọc - “bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp, kỷ cương, nhân ái, trách nhiệm” - lan tỏa và thấm sâu vào tư tưởng, nếp nghĩ, hành động của toàn thể cán bộ, công nhân lao động dầu khí, tất cả vì sự phát triển ổn định, bền vững của Tập đoàn và của đất nước.

Thành Công

DMCA.com Protection Status