Thị trường chứng khoán Việt Nam: Trong nguy có cơ

09:02 | 17/03/2020

3,927 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng khắp thế giới, gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động giao thương, kết nối chuỗi sản xuất giữa các quốc gia bị đình trệ và xáo trộn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong khó khăn và thách thức, vẫn luôn tồn tại những cơ hội.

Tác động của dịch Covid-19

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực, trực tiếp và rõ nét nhất tới 8 lĩnh vực chính của nền kinh tế Việt Nam, như: Chi phí y tế và nguồn nhân lực; du lịch, lữ hành, khách sạn; giao thông vận tải; thương mại; đầu tư; bán lẻ (tiêu dùng cá nhân); các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng; tài chính - ngân hàng. Trong báo cáo công bố ngày 11-2-2020, Viện Đào tạo và nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa ra 3 kịch bản, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

thi truong chung khoan viet nam trong nguy co co
Ngành điện là một trong những ngành điểm sáng trong bối cảnh dịch Covid-19

Kịch bản cơ sở: Dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, kinh tế - xã hội sớm trở lại bình thường từ giữa quý II. Cả năm 2020, doanh thu du lịch giảm khoảng 20-22% so với năm 2019; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 8-12%; du lịch khách quốc tế giảm 15-20%; dịch vụ giao thông vận tải giảm 15-20%; bán lẻ (tiêu dùng cá nhân) giảm 0,5%; dịch vụ tài chính - ngân hàng giảm 2%. Tăng trưởng GDP cả năm 2020 giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý I giảm 1,23 điểm % (tương ứng mức tăng trưởng 5,6-5,7%), GDP quý II giảm 0,71 điểm % (tương ứng mức tăng trưởng 6 - 6,1%).

Kịch bản tích cực: Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trong quý I/2020; các hoạt động kinh tế - xã hội sớm trở lại bình thường từ đầu quý II/2020. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 0,32 điểm %; trong đó, quý I giảm 1,22 điểm % và quý II giảm 0,39 điểm %.

Kịch bản tiêu cực: Dịch Covid-19 bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch ở các nước cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ít hiệu quả, dẫn đến hệ lụy xấu, thậm chí làm kiệt quệ các hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 2,71 điểm %.

Trong bối cảnh dịch bệnh và năm cuối của kế hoạch 5 năm (2016-2020), Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, theo các chuyên gia kinh tế, một số chính sách, giải pháp quan trọng cần được thực hiện:

Thứ nhất, dù mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% và kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2020 là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng Chính phủ chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, do chưa có đủ cơ sở cũng như chưa lường được hết diễn biến dịch bệnh.

Thứ hai, nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay phải là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phương châm là cần bình tĩnh, đúng mức, nhưng không chủ quan, thông tin công khai, minh bạch, chuẩn xác và kịp thời và hành động quyết liệt.

Thứ ba, các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Về lý thuyết kinh tế, trong những trường hợp này, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hòa cả hai nhóm chính sách này thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.

Cơ hội gọi tên ai?

Trong khó khăn và thách thức vẫn luôn tồn tại những điểm sáng và cơ hội, điều này đã được Trung tâm phân tích - Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đưa ra trong Báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 4-2020.

Theo PSI, về tính chu kỳ, giống như dịch SARS, nhiều khả năng Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt khi các khu vực chuyển dần sang mùa hè với nhiệt độ tăng cao vào khoảng tháng 6, tháng 7. Với chính sách quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam là nước được đánh giá kiểm soát dịch rất tốt. Điều này sẽ hỗ trợ cho việc tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Đồng thời với xu hướng các ngân hàng trung ương thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Mới nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện cắt giảm lãi suất 50 bps (bps là đơn vị lãi suất tương đương với 1/100 của 1%), nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới.

Nhiều ngành nghề có thể hưởng lợi ngay lập tức như công nghệ, viễn thông, thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng, sản xuất ôtô, thực phẩm đóng hộp... khi nhu cầu tăng mạnh. Bên cạnh đó, cũng có một số ngành như ngân hàng và xây dựng có thể phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.

Đối với ngành xây dựng, với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch. Việc thực hiện các chính sách tài khóa được ưu tiên do hiệu quả tức thì, ít độ trễ, sẽ góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một ngành khác cũng được xem là điểm sáng trong bối cảnh “trong nguy có cơ” là ngành điện. Khi thị trường có rủi ro biến động mạnh, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các tài sản đầu tư an toàn như vàng hoặc các công cụ tài chính mang lại lợi tức cố định như trái phiếu. Tương tự các tài sản an toàn đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành điện cũng có vị thế “phòng thủ” nhờ các yếu tố như: Là ngành thiết yếu nên hoạt động kinh doanh luôn duy trì ổn định bất chấp ảnh hưởng từ các hiện tượng “Thiên nga đen”; trả cổ tức bằng tiền mặt ổn định hằng năm; rào cản gia nhập ngành lớn. Với những vị thế “phòng thủ” như vậy, nhóm ngành điện luôn thu hút được dòng tiền trên TTCK mỗi khi có rủi ro biến động mạnh. Trong dịch SARS 2003, các cổ phiếu ngành điện là những cổ phiếu duy trì được đà tăng tốt nhất trên sàn chứng khoán S&P.

Bên cạnh vị thế “phòng thủ”, triển vọng của các doanh nghiệp điện tại Việt Nam rất khả quan trong thời gian tới nhờ nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng mạnh mẽ. Cụ thể, theo ước tính của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ vượt nguồn cung 6,6 tỉ kWh vào năm 2021 và sẽ thiếu hụt khoảng 5% tổng nhu cầu dự báo tại thời điểm.

Trên TTCK Việt Nam hiện tại, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã chứng khoán: POW) là doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất của ngành điện. PV Power hiện là doanh nghiệp phát điện lớn thứ 2 trong ngành điện khi sở hữu 7 nhà máy điện với tổng công suất 4,2 GW, chiếm 11% công suất toàn hệ thống. Với nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng, tiềm năng phát triển các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện khí, đang được chú trọng, trong đó có dự án Nhơn Trạch 3, 4 sẽ là cơ sở tạo động lực tăng trưởng cho PV Power.

Với việc kiểm soát dịch tốt, đồng thời với một số yếu tố tích cực như: TTCK Việt Nam sẽ được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 lên 30% khi Kuwait được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market; thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có những cải thiện; kỳ vọng các ETFs mới dành cho cổ phiếu tài chính và cổ phiếu đã hết room ngoại sẽ được ký duyệt trong năm nay... Trung tâm phân tích PSI đánh giá TTCK Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong năm 2020.

Nhóm ngành điện luôn thu hút được dòng tiền trên TTCK mỗi khi có rủi ro biến động mạnh. Trong dịch SARS 2003, các cổ phiếu ngành điện là những cổ phiếu duy trì được đà tăng tốt nhất trên sàn chứng khoán S&P.

Minh Châu

DMCA.com Protection Status