Thử nghiệm và mô phỏng thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon
Theo PGS.TS. Phạm Huy Giao, Giám đốc SGS, ứng dụng CCUS nhằm đạt mục tiêu giảm mức phát thải CO2 bằng zero vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Nghiên cứu CCUS cần được triển khai theo lộ trình hoàn chỉnh và nhiệm vụ đầu tiên cần thực hiện là xây dựng quy trình nghiên cứu CCUS trong phòng thí nghiệm và mô phỏng vận chuyển, lưu trữ CO2dưới lòng đất.
Hội thảo CCUS Experiment and Modeling |
Hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề: Nhu cầu, hiện trạng, tiềm năng và giải pháp thực hiện dự án CCUS tại Việt Nam (TS. Nguyễn Minh Quý và TS. Phạm Quý Ngọc, VPI); Mô hình lưu trữ CO2(chuyên gia Gareth Williams, Halliburton, Australia); Ứng dụng mô hình số, mô phỏng động lực học để đánh giá độ tin cậy về khả năng lưu trữ CO2 và hydrogen trong lòng đất (TS. Truc Trevor Doan, Bear and Brook Consulting, Australia); Vai trò quan trọng của địa cơ học trong đánh giá rủi ro của các dự án CCS dưới lòng đất (chuyên gia Toh Kanitthorn Adisornsupawat, PTTEP); Mô phỏng địa cơ học quá trình bơm ép CO2 qua mẫu lõi ở trạng thái siêu tới hạn nhằm đánh giá biến dạng của đá tại các dự án nghiên cứu CCS (TS. Avirut Puttiwongrak, AIT); Mô phỏng bơm CO2 dựa trên MRST (TS. Đoàn Huy Hiên, SGS/VPI).
Hội thảo cũng chia sẻ các công nghệ mới nhất, các thách thức và kinh nghiệm triển khai dự án CCUS, đánh giá sự cần thiết và lợi ích của mạng lưới CCUS, ứng dụng thử nghiệm và mô hình hóa quá trình CCUS, đề xuất một số nghiên cứu chung về CCUS… với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Australia, Canada, Thái Lan, Việt Nam…
Tiềm năng chuyển đổi CO2 thành các sản phẩm khác |
Theo TS. Nguyễn Minh Quý - Phó Viện trưởng VPI, Việt Nam có tiềm năng phát triển chuỗi giá trị CCUS hoàn chỉnh như thu hồi, vận chuyển, sử dụng và lưu trữ CO2. Các nghiên cứu trước đây về CCS đã cung cấp đánh giá sơ bộ về tính khả thi của việc triển khai CCS, đặc biệt là trong việc tăng cường thu hồi dầu (EOR). Năm 2011, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thực hiện thành công dự án gia tăng thu hồi dầu sử dụng CO2 tại mỏ Rạng Đông, Lô 15-2, bể Cửu Long.
Với cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam xác định tầm quan trọng của CCUS trong việc giảm phát thải khí nhà kính như đã nêu trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Kết quả nghiên cứu gần đây của VPI về các nguồn CO2 và vị trí lưu trữ CO2 tiềm năng cho thấy cơ hội phát triển chuỗi CCUS hoàn thiện bao gồm các khâu thu giữ, vận chuyển, sử dụng và lưu trữ CO2.
Cụ thể, VPI dự báo đến năm 2030 sẽ giảm được 6% khí phát thải CO2 nhờ chuyển đổi CO2 sang các sản phẩm khác (urea, methanol, ethanol…). Theo báo cáo của VPI, tiềm năng lưu trữ CO2 tại các bể trầm tích lần lượt là: bể Sông Hồng ~39 Gigatons (phía Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ), bể Cửu Long ~10 Gigatons (phía Đông Nam và Tây Nam) và bể Nam Côn Sơn ~22 Gigatons.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính đến năm 2050, để giảm phát thải ròng CO2 về 0, cần thu giữ khoảng 7,6 tỷ tấn CO2 mỗi năm, trong đó 95% tổng lượng CO2 thu được vào năm 2050 cần được lưu trữ địa chất vĩnh viễn, 5% sẽ được sử dụng để tạo ra các nguyên liệu tổng hợp hoặc tạo ra các sản phẩm khác. Hiện tại, khối lượng CO2 lưu trữ trên toàn thế giới chỉ đạt khoảng 43 triệu tấn/năm.
Hải Anh