Thủ tướng thăm và làm việc với hai “đại gia” dầu khí Nga

08:53 | 18/05/2016

2,782 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 17/5, trong khuôn khổ chuyến đi thăm và làm việc tại Liên bang Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao của Việt Nam đã tới hai “đế chế” dầu khí lớn nhất nước Nga là Gazprom và Zarubezhneft.

Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Quốc Khánh và đoàn PVN tháp tùng Thủ tướng.

Từ hơn ba chục năm nay, Zarubezhneft và Gazprom là hai đối tác lớn nhất của ngành dầu khí Việt Nam và không chỉ là đối tác mà đây còn là những người bạn thân thiết, tin cậy. Chính vì vậy mà những lần gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và lãnh đạo PVN bao giờ cũng ấm áp, nồng hậu và ít khi có khoảng cách.

Tại Zarubezhneft: Ông Sergey Ivanovich, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mở Zarubezhneft và Ban lãnh đạo cùng gần 200 cán bộ, nhân viên đã nồng nhiệt đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam.

Cũng phải nói thêm rằng, Zarubezhneft là công ty dầu khí Nga nổi tiếng nhất tại Việt Nam và là đối tác chiến lược lâu đời nhất của Petrovietnam suốt hơn 35 năm qua.

Zarubezhneft - tên có nghĩa là “Dầu mỏ nước ngoài” – tiền thân là Liên đoàn kinh tế hải ngoại Nhà nước Liên bang Nga, được Chính phủ  Liên Xô (cũ) thành lập năm 1967 để thực hiện các dự án dầu khí của Liên Xô (cũ) ở nước ngoài. Công ty này đã thực hiện các dự án ở Algeria, Ấn Độ, Iraq, Libya, Syria và những nước thân Liên Xô cũ.

Năm 2004, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Nghị định số 137, theo đó chuyển đổi Liên đoàn kinh tế hải ngoại Nhà nước Liên bang Nga Zarubezhneft thành công ty cổ phần với 100% cổ phần thuộc sở hữu của chính quyền liên bang.

Cùng năm đó, theo quyết định ngày 10/4/2004 của Tổng thống Putin, Zarubezhneft được đưa vào danh sách các doanh nghiệp có tầm quan trọng chiến lược của Liên bang Nga.

thu tuong tham va lam viec voi hai dai gia dau khi nga

 Từ phải sang: TGĐ Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa, Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Quốc Khánh, TGĐ PVEP Ngô Hữu Hải và Tổng giám đốc Zarubezhneft Sergey Ivanovich trao đổi công việc trước khi Thủ tướng tới

Kể từ năm 2007, Công ty mở rộng đáng kể biên giới hoạt động của mình với việc thực hiện các dự án khai thác và lọc dầu tại khu vực Balkan, Mỹ Latinh và Bắc cực của Nga, đồng thời củng cố vị trí của mình tại Việt Nam.

Dự án hợp tác thành công nhất của Zarubezhneft là việc cùng với Petrovietnam thành lập Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro).

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, Zarubezhneft còn tham gia góp vốn thành lập Công ty Dầu khí Việt - Nga - Nhật (VRJ) cùng các đối tác Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) của Việt Nam và Tập đoàn Idemitsui của Nhật Bản của Nhật Bản, theo tỷ lệ: Zarubezneft góp 50%, PVEP góp 35% vốn và Idemitsui góp 15% vốn. Thời hạn hoạt động của VRJ là 30 năm kể từ ngày hợp đồng được ký kết.

Hiện VRJ đang cùng Vietsovpetro khai thác mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi (được phát hiện năm 2005-2006).

Ngoài ra, ở Liên bang Nga, Zarubezhneft đã cùng Petrovietnam thành lập Liên doanh Rusvietpetro vào tháng 12/2008, với giấy phép 25 năm do Zarubezhneft góp vốn 51%, và Petrovietnam với 49%. Diện tích thăm dò khai thác lên tới 807km2, tại 4 lô, nằm trên đất liền ở Khu tự trị Nhenhetxky bên bờ Bắc Băng Dương.  

Đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung và giữa Petrovietnam với Zarubezhneft nói riêng, nối tiếp thành công của “người anh sinh đôi” - Liên doanh Việt-Nga.

thu tuong tham va lam viec voi hai dai gia dau khi nga
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Tổng giám đốc Zarubezhneft Sergey Ivanovich

Ông Sergey Ivanovich báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chặng đường phát triển của hợp tác dầu khí giữa Zarubezhneft và Petrovietnam, mà hợp tác Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro làm minh chứng cho sự hợp tác rất có hiệu quả và tin cậy.

Từ mỏ Tây Khosedaiu, Phó TGĐ thứ nhất Liên doanh Rusvietpetro Nguyễn Phan Phúc đã báo cáo với Thủ tướng về hoạt động của mỏ Tây Khosedaiu và xin Thủ tướng cho phép đưa Trung tâm xử lý Khí vào hoạt động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro kỷ niệm 35 năm ngày thành lập và cảm ơn sự hợp tác rất thắm tình hữu nghị của các bạn Nga. Thủ tướng cũng mong muốn Zarubezhneft đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong khâu thăm dò khai thác, đặc biệt là ở những vùng nước sâu xa bờ. Thủ tướng cam kết là Chính phủ Việt Nam sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất có thể để Zarubezhneft cùng với Tập đoàn dầu khí Việt Nam mở rộng hơn nữa sự hợp tác vào các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Tại Gazprom: Chủ tịch điều hành Gazprom Miller A.B. và ban lãnh đạo đã rất vui mừng đón tiếp Thủ tiếp Nguyễn Xuân Phúc….

Gazprom là tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga và đứng hàng thứ tư trên thế giới với tổng doanh thu hàng năm khoảng 900 tỷ USD. Gazprom đang nỗ lực để thực hiện tham vọng con số 1.000 tỷ USD vào năm 2017. Tuy nhiên, trong tình hình giá dầu giảm như hiện nay, chắc chắn con số đó là không thể thực hiện được.

thu tuong tham va lam viec voi hai dai gia dau khi nga

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho ông Miller.

Gazprom là mô hình doanh nghiệp nhà nước, được thành lập năm 1989 khi Bộ Công nghiệp Khí của Liên bang Xô Viết chuyển đổi thành mô hình tập đoàn, giữ nguyên vẹn tất cả tài sản.

Công ty sau đó được tư hữu hóa từng phần, nhưng hiện nay chính phủ Nga đang giữ phần lớn quyền kiểm soát tập đoàn này (50,01%).

Trải qua gần 27 năm qua, ngày nay, Gazprom đã trở thành công ty lớn nhất của nước Nga và là một trong những công ty năng lượng lớn nhất trên thế giới.

Với giá trị tài sản trên thị trường khoảng 300 tỷ USD - Gazprom có vị trí ngang hàng với các tập đoàn lớn như Exxon Mobil, Microsoft và General Electric. Gazprom cung cấp gần 95% lượng khí đốt ở Nga, chiếm 1/5 sản lượng khí đốt khai thác được trên thế giới. Khoảng 35 đến 40% nguồn cung khí đốt của châu Âu đến từ Gazprom. Ngay cả khi Liên minh châu Âu tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp và có thêm các nhà cung cấp khí đốt khác thì Gazprom vẫn đóng vai trò chủ chốt trong việc giữ nguồn cung năng lượng của châu Âu được liên tục và ổn định.

Chính vì vậy, Gazprom là một trong những công cụ quan trọng nhất trong hoạt động chính trị của các nhà cầm quyền Nga. Công ty này được giới lãnh đạo Nga sử dụng như một vũ khí đặc biệt để cùng cố quyền lực và lợi ích của mình. Đa số cổ phiếu của công ty do Nhà nước Nga nắm giữ, và tỷ lệ này cho phép Nhà nước Nga - cổ đông lớn nhất - có quyền quyết định bổ nhiệm các vị trí quản lý then chốt, thậm chí còn do đích thân Tổng thống Nga lựa chọn. Điện Kremlin không chỉ sử dụng Gazprom để tài trợ cho chi tiêu của chính phủ, mà còn để giải quyết các vấn đề chính trị trong và ngoài nước.

Gazprom là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho người tiêu dùng Nga và nước ngoài. Công ty sở hữu hệ thống truyền dẫn khí đốt lớn nhất thế giới với tổng chiều dài 170.700km. Gazprom bán hơn một nửa lượng khí của mình cho người tiêu dùng Nga và xuất khẩu khí đốt sang hơn 30 quốc gia trong và ngoài Liên Xô cũ.

Ngoài ra, Gazprom đang mở rộng thành công mảng kinh doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của mình trong dự án Sakhalin II hiện hành và thực hiện các sáng kiến ​​mới để tăng cường đáng kể vị thế của mình trong thị trường LNG toàn cầu đang tăng trưởng nhanh.

Không chỉ chiếm “ngôi vương” trong lĩnh vực khí đốt, Gazprom còn là một trong 4 nhà sản xuất dầu hàng đầu của Nga. Công ty con Gazprom Neft chính là cánh tay nối dài của tập đoàn Gazprom hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ.

Ngoài ra, Gazprom còn sở hữu các tài sản sản xuất điện chiếm khoảng 17% tổng công suất lắp đặt của hệ thống năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, Gazprom đứng số 1 thế giới về sản xuất năng lượng nhiệt.

Ở Việt Nam, Gazprom đã tham gia đầu tư thành lập Công ty Liên doanh điều hành Vietgazprom, Công ty điều hành dầu khí Biển Đông.

thu tuong tham va lam viec voi hai dai gia dau khi nga

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn PVN chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Gazprom.

Vietgazprom: Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002 và là công ty dầu khí có hoạt động rộng lớn và tích cực với 9 lô hợp đồng ở thềm lục địa Việt Nam, trong đó có những khu vực nước sâu, xa bờ.

Trong quá trình phát triển, Vietgazprom đã có những phát hiện quan trọng ở mỏ Báo Vàng, Báo Trắng, Báo Đen thuộc lô 112, 113 bể Phú Khánh thềm lục địa Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, Vietgazprom đã triển khai công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô 129, 130, 131, 132. Đây là những khu vực nước sâu, công tác thăm dò gặp nhiều khó khăn.

Công ty điều hành dầu khí Biển Đông (Bien Dong POC): Năm 2012, Gazprom tham gia 49% lô 05-2, 05-3 do Công ty điều hành dầu khí Biển Đông (Bien Dong POC) là nhà điều hành đang khai thác khí ở mỏ Hải Thạch, Mộc Tinh. Đây là dự án khai thác khí có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam và là dự án trọng điểm Quốc gia về dầu khí. Tính đến 1/1/2015, Công ty điều hành dầu khí Biển Đông đã khai thác an toàn, hiệu quả 2 tỷ m3 khí, hiện nay mỗi ngày đưa vào bờ 5 triệu m3 khí.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Petrovietnam và Gazprom mở rộng từ lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí sang các lĩnh vực khác như dự án sản xuất và cung cấp khí tự nhiên cho ngành giao thông vận tải trên lãnh thổ Việt Nam.

Gazprom dự định sẽ xây dựng nhà máy khí hóa lỏng với công suất 250.000 tấn/năm tại khu vực phía Nam để cung cấp nguồn khí tự nhiên cho phương tiện giao thông vận tải và công nghiệp. Song song với xây dựng nhà máy, Gazprom sẽ đồng thời xây dựng hệ thống các trạm sang chiết và cung cấp nguồn khí hóa lỏng tại các tỉnh thành phía Nam.

Chủ tịch Miller A.B đã thông báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc những nét chính trong hợp tác dầu khí giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đông thời nêu ra một số dự định hợp tác với Petrovietnam mà Gazprom đang quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu to lớn mà Gazprom đã đạt được, đồng thời khẳng định quyết tâm của chính phủ Việt Nam là xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Để làm được điều đó thì việc hợp tác với Gazprom là rất cần thiết và mong muốn Gazprom  tích cực hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên có thể sớm thực hiện được dự án về dầu khí.

Chủ tịch HĐTV Nguyễn Quốc Khánh cũng đã nêu ra một số vấn đề cần được hai bên bàn bạc thêm để có cơ sở trình lãnh đạo hai chính phủ xem xét về các dự án dầu khí.

P.V

DMCA.com Protection Status