Thực thi thành công Chiến lược phát triển bền vững và chặng đường phát triển

19:11 | 31/05/2022

5,528 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) gắn liền với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả và bền vững, có khả năng cạnh tranh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước, đồng thời nhấn mạnh quan điểm sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.

Chính sách phát triển bền vững của Việt Nam

Chuyển đổi phương thức phát triển để hướng tới xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng của các quốc gia, phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia lựa chọn hướng phát triển kinh tế bền vững là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn môi trường đang diễn ra phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế phát triển bền vững sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn nữa để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát triển bền vững đã tạo ra những tín hiệu tích cực vô cùng to lớn.

Thực thi thành công Chiến lược phát triển bền vững và chặng đường phát triển
Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (2012), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể (2017), Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 (2019) và gần đây nhất ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136 về phát triển bền vững để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Như vậy, có thể thấy phát triển bền vững là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Đặc biệt, trong thời gian qua, phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế, môi trường đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành và triển khai, bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực.

Xu hướng phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam

Năng lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia nói chung và đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo định hướng xanh hơn, sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55) có ý nghĩa to lớn thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 đã nêu 14 mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu: Tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045; Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt 7% năm 2030 và 14% năm 2045; Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt 15% năm 2030 và 20% năm 2045; Năng lực nhập khẩu LNG đạt 8 tỷ m3 năm 2030 và 15 tỷ m3 năm 2045...; Nghị quyết 55 đề ra 10 giải pháp, trong đó giải pháp phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững.

Thực thi thành công Chiến lược phát triển bền vững và chặng đường phát triển
Giàn xử lý trung tâm Sao Vàng.

Ngoài ra, theo như Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) bằng nguồn lực trong nước và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế, trong đó phân bổ cho ngành năng lượng chiếm 5,5% và 16,7% tương ứng theo từng kịch bản cắt giảm.

Để cụ thể hóa định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo Nghị quyết 55, Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII, theo đó tổng công suất nguồn điện sạch bao gồm thủy điện và điện khí sẽ chiếm 73% vào năm 2030 và 88% vào năm 2045 (không bao gồm các nhà máy điện than chuyển đổi nhiên liệu biomass/amoniac); trong đó tính riêng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) chiếm khoảng 26% vào năm 2030 và 54% vào năm 2045.

Định hướng Chiến lược phát triển bền vững của Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW và để phù hợp với bối cảnh chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, Petrovietnam đã xây dựng, điều chỉnh Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trình các cấp thẩm quyền với mục tiêu tổng quát, đó là: “Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Chiến lược phát triển Petrovietnam gắn liền với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả và bền vững, có khả năng cạnh tranh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước, đồng thời nhấn mạnh quan điểm sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Thúc đẩy tìm kiếm và phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong mọi hoạt động của Petrovietnam và được cụ thể hóa theo từng lĩnh vực hoạt động chính.

Thực thi thành công Chiến lược phát triển bền vững và chặng đường phát triển
Ông Hoàng Quốc Vượng Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petrovietnam

Là một công ty dầu khí quốc gia, có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một trong những trụ cột góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bên cạnh chịu sự tác động trực tiếp của sự chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam có trách nhiệm trong việc chung tay cùng Chính phủ vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu – góp phần thực thi thành công chiến lược phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, Petrovietnam sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để nghiên cứu điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng mới/năng lượng sạch, phi truyền thống như: khí hydrate (băng cháy), khí sét, khí than, hydro, nguồn địa nhiệt,… Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên có hàm lượng CO₂ cao trong nước để có thể nhận lợi ích đồng thời từ việc sử dụng nguồn Hydrocabon và CO₂ nhằm giảm phát thải khí nhà kính; song song với việc ứng dụng các giải pháp thu hồi, giảm đốt bỏ và rò rỉ khí ra môi trường và nghiên cứu tích hợp sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo.

Đối với lĩnh vực Công nghiệp Khí, đảm bảo thu gom tối đa sản lượng khí của các lô/mỏ khai thác tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa đốt bỏ khí; phấn đấu trở thành đơn vị đứng đầu trong chuỗi LNG trong đó xem xét ưu tiên đầu tư hạ tầng đi trước. Cùng với đó, tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm từ khí; phát triển lĩnh vực hóa dầu từ khí, tăng cường đầu tư chế biến sâu khí tự nhiên để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khí, ưu tiên sử dụng nguồn khí giá rẻ trong nước để phát triển các dự án hóa hóa dầu.

Thực thi thành công Chiến lược phát triển bền vững và chặng đường phát triển
Hành lang đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.

Tại lĩnh vực Công nghiệp Điện, bên cạnh việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả và giải pháp nhằm xanh hóa các nhà máy điện; Tập đoàn sẽ ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên khai thác trong nước kết hợp với nguồn LNG nhập khẩu, cũng như tham gia đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm triển khai các công trình trên biển. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2030 đạt 8.000-14.000 MW, trong đó nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm từ 5% - 10% tổng công suất của Tập đoàn và đạt 8% - 10% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện Việt Nam; trong đó, công suất nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 10% - 20% tổng công suất của Petrovietnam trong giai đoạn 2031-2045.

Thực thi thành công Chiến lược phát triển bền vững và chặng đường phát triển
Nhà máy Điện Cà Mau.

Trong lĩnh vực Chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí, tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí), hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên liệu, vật liệu để phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển nhiên liệu sinh học nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường; đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm cách thức cải tiến/nâng cao chất lượng sản phẩm theo xu hướng thay đổi của thị trường cũng như đáp ứng các chỉ số an toàn toàn môi trường theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải. Ngoài ra, Petrovietnam cũng sẽ tiến tới nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo, tích hợp với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau.

Giải pháp thực thi thành công Chiến lược phát triển của Petrovietnam

Thực thi thành công Chiến lược phát triển bền vững và chặng đường phát triển
Người lao động Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn

Bên cạnh 10 nhóm giải pháp triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được xây dựng về Quản trị - quản lý doanh nghiệp, Tái cấu trúc Petrovietnam, Chuyển đổi số, Khoa học Công nghệ, An toàn môi trường, Thị trường, Đầu tư, Tài chính, Phát triển Nguồn nhân lực, Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại và Văn hóa Doanh nghiệp, để thực thi Chiến lược phát triển thành công nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ, hiệu quả và bền vững, Petrovietnam cũng đã và đang tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ cụ thể:

Xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phân cấp, giao trách nhiệm cho từng lãnh đạo Petrovietnam cũng như người đại diện phần vốn của Petrovietnam tại các đơn vị thành viên.

Xây dựng/phê duyệt/chấp thuận Chiến lược phát triển Petrovietnam theo 5 lĩnh vực kinh doanh chính (Thăm dò, khai thác dầu khí, Công nghiệp Khí, Chế biến dầu khí, Công nghiệp Điện và Năng lượng tái tạo, Dịch vụ dầu khí); Chiến lược phát triển các đơn vị thành viên; Kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm theo từng giai đoạn chiến lược… Để đảm bảo Chiến lược phát triển Petrovietnam được thiết lập/ phân cấp cụ thể đến từng đơn vị thành viên, theo từng giai đoạn 5 năm và hằng năm.

Xây dựng các chính sách hỗ trợ thực thi chiến lược như: Lộ trình/ Chiến lược phát triển về thị trường/ marketing, Chuyển đổi số, Đổi mới sáng tạo, Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, chính sách về tiền lương…

Xây dựng và quản trị danh mục đầu tư trong toàn hệ thống Petrovietnam để tối ưu hóa nguồn lực và kiểm soát hiệu quả đầu tư; trong đó ưu tiên xây dựng giá trị chuỗi của Petrovietnam thông qua việc tổ hợp, tích hợp các nguồn lực để phát triển đồng bộ, chặt chẽ, tăng cường sử dụng nguồn lực nội bộ từ đó đảm bảo gia tăng dòng tiền, lợi nhuận giữa các đơn vị thành viên.

Nâng cao vai trò công tác dự báo, quản trị rủi ro và quản trị Chiến lược, trong đó thành lập Bộ phận Chiến lược trực thuộc Hội đồng Thành viên Petrovietnam nhằm mục đích tham mưu, tư vấn cho HĐTV trong việc định hướng, hoạch định chiến lược phát triển và giám sát, đánh giá, đề xuất điều chỉnh Chiến lược phát triển của Petrovietnam.

Thực thi thành công Chiến lược phát triển bền vững và chặng đường phát triển
Sản phẩm phân bón của Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Có thể thấy rằng, ngành Năng lượng Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện chủ trương phát triển bền vững. Là một công ty dầu khí quốc gia, có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một trong những trụ cột góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bên cạnh chịu sự tác động trực tiếp của sự chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam có trách nhiệm trong việc chung tay cùng Chính phủ vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu – góp phần thực thi thành công chiến lược phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, Petrovietnam đã xây dựng chiến lược phát triển với định hướng phát triển thành tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực, trong đó ưu tiên mở rộng phát triển các nguồn năng lượng sạch bền vững cho đất nước như: khí tự nhiên/LNG, điện gió ngoài khơi, Hydro/amoniac xanh... Để thực thi định hướng chiến lược thành công, Petrovietnam hiện tập trung vào các công tác như: dự báo, quản trị rủi ro, quản trị danh mục đầu tư và quản trị chiến lược; tái cấu trúc phát triển mô hình doanh nghiệp cacbon thấp và đẩy mạnh phát triển và ứng dụng Chuyển đổi số, Đổi mới sáng tạo… Với những chủ trương, định hướng đúng đắn của Chính phủ Việt Nam cùng các giải pháp triển khai quyết liệt cụ thể nêu trên, Petrovietnam tin rằng sẽ thực thi thành công Chiến lược phát triển của Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của đất nước.

Ông Hoàng Quốc Vượng
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngành Dầu khí Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngành Dầu khí
Người lao động Dầu khí đang Người lao động Dầu khí đang "cháy" hết mình tại NMNĐ Thái Bình 2
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng tiếp lãnh đạo Công ty JX NOEX Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng tiếp lãnh đạo Công ty JX NOEX
Tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng và hành động của Petrovietnam Tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng và hành động của Petrovietnam
GWEC sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với Petrovietnam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi GWEC sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với Petrovietnam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi
Quyết tâm thực hiện công tác Chuyển đổi số tại PVFCCo Quyết tâm thực hiện công tác Chuyển đổi số tại PVFCCo
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vẫn còn vô vàn thách thức, cần tổ chức, quản lý tổng thể, chặt chẽ, đồng bộ để an toàn về đích Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vẫn còn vô vàn thách thức, cần tổ chức, quản lý tổng thể, chặt chẽ, đồng bộ để an toàn về đích

DMCA.com Protection Status