Thủy điện Nậm Cắt - một công trình đặc biệt

15:00 | 28/07/2013

3,734 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt - một công trình rất nhỏ nếu so sánh với nhiều dự án có tổng mức đầu tư hàng tỉ USD của ngành Dầu khí. Thế nhưng, công trình này lại là một mốc son, một điểm sáng. Theo như ông Đàm Đức Thông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Điện lực Dầu khí Bắc Kạn (PV Power BacKan), đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đang vận hành Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt thì những câu chuyện xung quanh công trình này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự về sự chuyên nghiệp trong xây dựng; sự đồng tâm, đoàn kết của những người lao động dầu khí. Báo điện tử PetroTimes có cuộc trao đổi với ông Đàm Đức Thông để biết thêm nhiều điều thú vị về công trình này.

PV: Các dự án thủy điện dù nhỏ hay lớn đều có các bước triển khai như nhau, xin ông cho biết cụ thể hơn về điều này?

Ông Đàm Đức Thông: Đối với các công trình công nghiệp, quy định quản lý về chất lượng, quản lý về các thủ tục pháp lý rất chặt chẽ. Trong công trình xây dựng đầu tư dự án điện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thủy điện; bao gồm cả phần xây dựng, phần lắp đặt, quá trình vận hành cũng phức tạp hơn các công trình dân dụng bình thường. Có thể nói rằng, quy trình xây dựng thủy điện là phức tạp nhất. Trong thủy điện, tỷ trọng về phần xây dựng rất lớn chiếm khoảng 70-80%, còn 20% cho phần thiết bị, đây là điều ngược lại đối với nhiệt điện. Phần xây dựng ngoài việc phải triển khai ở vùng sâu, vùng xa và dân trí thấp thì việc xây dựng còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường xung quanh của dự án, ví dụ như nguồn vật liệu, địa bàn để giải phóng mặt bằng… Điều kiện về công trường như vận chuyển, thời tiết đặc biệt ảnh hưởng đến một dự án thủy điện. Giải phóng mặt bằng cũng là một yếu tố quan trọng, như PV Power hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có một số dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này. Đây là khó khăn chung cho tất cả các dự án thủy điện.

Giám đốc PV Power BacKan Đàm Đức Thông (trái) kiểm tra rô-to của nhà máy

Đặc biệt đối với một công trình thủy điện nhỏ vẫn phải trải qua rất nhiều bước như các dự án thủy điện lớn khác như dẫn dòng, lấp sông, chống lũ, đào hố móng nhà máy, lắp máy và chạy thử… Nói chung về mặt thủ tục pháp lý là như nhau hết; trừ một số những dự án dưới 3MW được phê duyệt ở cấp tỉnh. Nhưng dự án trên 3MW như Thủy điện Nậm Cắt là phê duyệt cấp Bộ Công Thương. Công trình thủy điện nhỏ thường do tư nhân làm. Khi mà nguồn vốn Nhà nước sử dụng ít (dưới 30%) thì sẽ không được áp dụng theo Luật Đấu thầu. Như Thủy điện Nậm Cắt là trên 30%, tức là vốn doanh nghiệp có sử dụng vốn Nhà nước thì phải áp dung toàn bộ theo Luật Đấu thầu và Luật Doanh nghiệp. Tuy đây là dự án nhỏ nhưng vẫn phải làm việc đúng trình tự với tất cả bộ, ngành có liên quan, vẫn phải triển khai làm đúng luật. Nếu là tư nhân thì có một số bước có thể làm tắt được nhưng Thủy điện Nậm Cắt thì không làm tắt được.

PV: Tư nhân làm thủy điện thì có thể làm tắt ở những phần việc nào, thưa ông?

Ông Đàm Đức Thông: Việc chọn nhà thầu thì tư nhân có quyền chỉ định thầu, mua sắm… Chứ không như dự án Nhà nước, mua sắm hàng hóa cũng đều phải đăng trên các báo, chào hàng cạnh tranh… Những điều này sẽ làm chậm tiến độ của dự án, đặc biệt là dự án thủy điện nhỏ thì chậm ngày nào “chết” ngày ấy.

Dự án Thủy điện Nậm Cắt có công suất nhỏ, tưởng chừng sẽ dễ dàng trong tìm kiếm vật liệu nhưng nguồn vật liệu vô cùng khó khăn vì cả tỉnh Bắc Kạn không có một mỏ vật liệu chính thống nào được cấp phép. Đối với Bắc Kạn, làm các công trình lớn không phù hợp vì không có nguồn mỏ, không có nguồn vật liệu sẵn có, tất cả nguyên vật liệu như cát vàng, sắt thép, xi măng đều vận chuyển từ Thái Nguyên về. Vậy nên cái khó khăn của thủy điện nhỏ triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là: thứ nhất về thủ tục pháp lý vẫn phải tuân theo đầy đủ các bước. Thứ hai, các bước trình tự quản lý chất lượng giống như với các công trình thủy điện khác. Thứ ba, về điều kiện tự nhiên, ở Bắc Kạn đặc biệt khó khăn. Khi làm một dự án thủy điện nhỏ thì yếu tố giao thông, đường vào công trình là quan trọng.

PV: Thưa ông, được biết, Thủy điện Nậm Cắt đã phải trải qua nhiều chủ đầu tư trước khi về với ngành Dầu khí. Xin ông kể lại chặng đường vượt khó trong 3 năm qua khi xây dựng nhà máy thủy điện này?

Ông Đàm Đức Thông: Trước khi về dầu khí thì công trình Thủy điện Nậm Cắt là của Công ty Năng lượng Nậm Cắt thuộc Tổng Công ty Sông Hồng. Do tiến độ chậm, đến cuối năm 2010 mới triển khai được 20% tiến độ. PV Power Backan (lúc đó định đầu tư Dự án Thủy điện Thác Riềng) phải sát nhập dự án vào để làm. Khi sáp nhập thì mới biết nhà thầu không làm được do nhiều nguyên nhân như đơn giá tăng, những vấn đề khó khăn mà nhà thầu không lường trước được khi bắt tay vào dự án… và nhà thầu đã bỏ dự án.

Thân đập Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt

Đến cuối tháng 3/2011 thì mới chấm dứt được việc bàn giao nhà máy từ các nhà thầu. Lúc đó, phải làm lại tổng mức đầu tư vì tổng mức đầu tư nhà thầu cũ làm từ lâu đã lạc hậu, bây giờ không thể lựa chọn được nhà thầu mới. Vào thời điểm đầu năm 2011, nền kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn, trượt giá và lạm phát rất lớn, điều này lý giải vì sao công trình thủy điện này chậm tiến độ là ở giai đoạn trước chứ không phải vào lúc sáp nhập. Giá dầu tăng cao, sắt thép cũng tăng; lúc lập tổng mức đầu tư thì đơn giá là tháng 11/2010; đến khi phê duyệt được tổng mức đầu tư đến khoảng tháng 6/2011 thì đơn giá lúc đó không còn là phù hợp nữa, do đó tổng mức đầu tư đã tăng lên. Nhà thầu cũng có khó khăn khi gói thầu lớn nhất cũng chỉ ở mức 18 tỉ đồng. Rất nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực. Vào thời điểm đó, nhà thầu phải đi vay vốn ngắn hạn với lãi suất 24,5-26,5%/ năm do đó còn nhiều e ngại vì nếu làm thì chắc chắn lỗ.

Phần khó khăn tiếp theo là việc nhận lại một công trình thì việc huy động nhân công, vật liệu xây dựng rất phức tạp. Vì nguồn nhân lực, hay nhà thầu cung cấp vật liệu họ muốn có tiền ngay trong khi mình chỉ có thể tạm ứng trước đến 30%. Lúc đó mình phải xử lý bằng nhiều cách như là động viên nhà thầu vận chuyển vật tư lên công trình đúng tiến độ sẽ được chủ đầu tư ứng tiền, như vậy người ta mới có lực và sử dụng đồng tiền đúng mục đích.

Thời điểm đó, nhà thầu ở các đơn vị thuộc Tổng Công ty Sông Đà và công nhân ở Dự án Nậm Chiến 1 cũng rút bớt người để tăng cường cho Thủy điện Nậm Cắt. Nhiều tốp công nhân phải di chuyển từ Sơn La, Nậm Chiến về đến đây là gần 500km. Ngoài ra còn khó khăn là đường sá đi vào bất tiện, không thể đưa xe to, máy lớn (con đường dài gần 20km vào công trình rất xấu, bé và không thể đưa máy xúc to, cần trục vào). Riêng công trình Thủy điện Nậm Cắt không hề có một cần trục nào được sử dụng và khi đó chủ đầu tư và nhà thầu phải hết sức nỗ lực và sáng tạo để có biện pháp thi công hợp lý trong việc lắp dựng cốp pha, cốt thép, đổ bê tông đáp ứng tiến độ nhưng phải đảm bảo thật an toàn và tiết kiệm. Nhân đây tôi cũng xin bổ sung thêm là dự án từ ngày triển khai đến nay đã đảm bảo an toàn lao động gần như tuyệt đối, đây là một điều hiếm gặp ở một dự án thủy điện.

PV: Từ những khó khăn đó, chủ đầu tư là PV Power Backan đã làm những gì để dự án được đẩy nhanh tiến độ?

Ông Đàm Đức Thông: Vào tháng 3/2011, khi mà mặt bằng đã sạch thì lại vào mùa mưa; vì vậy việc đi đào hố móng cực kỳ khó khăn. Điện thi công không có, trong khi giá dầu ngày càng tăng cao nên tại dự án phải chạy máy nổ. Nhà thầu phải đào toàn bộ hố móng trong mùa lũ, rồi những khó khăn về nhân công, vật liệu, đường sá… Mặc dù nhiều khó khăn như vậy nhưng đến tháng 2/2012, Dự án Thủy điện Nậm Cắt đã có thể chạy máy. Toàn bộ cán bộ, kỹ sư và công nhân của chủ đầu tư đã chủ động phần lớn trong công tác lắp đặt thiết bị. Có thể thấy, đây là công trình khó khăn nhất nhưng cũng là công trình có tiến độ thi công nhanh nhất. Từ khi, chúng tôi tiếp nhận công trình thì tiến độ rất nhanh.

Năm 2012, Thủy điện Nậm Cắt chạy máy vượt kế hoạch Tập đoàn giao gần 40% (đạt 140% kế hoạch năm). Trong 6 tháng đầu năm 2013 đã vượt 190% kế hoạch Tập đoàn giao, so với tổng công ty giao vượt khoảng 165%. Các kế hoạch giao được tính trên các bài tính toán thủy văn kinh tế năng lượng của thiết kế. Đạt được kế hoạch trên là do vận hành máy tốt, máy chạy hết công suất, thủy văn tốt… Và tôi cũng xin nhấn mạnh là, ngoài các lý do nêu trên thì còn một lý do hết sức quan trọng nữa làm nên thành công trên là dự án đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện hết sức của PV Power và các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn.

PV: Thưa ông, Thủy điện Nậm Cắt là công trình không lớn so với các công trình khác của ngành Dầu khí nhưng công trình này có nhiều điểm sáng. Ông cho biết, những “cái được” của công trình này là đâu?

Ông Đàm Đức Thông: Thứ nhất, tiến độ thi công công trình ngắn nhất và nhanh nhất, tổng mức đầu tư khống chế để không tăng. Đặc biệt là ở khâu giải phóng mặt bằng và có tiết kiệm hơn so với tổng mức đầu tư dự toán ban đầu. Thứ hai là thời gian phát điện và chạy máy đạt gần như 100% tính toán của chủ đầu tư. Sản lượng năm 2012 là 11 triệu kWh; trong khi đầu năm tổng công ty giao là 9 triệu kWh. Thứ ba là thu hồi vốn nhanh, sau 15 ngày chốt chỉ số công tơ tức là phát điện xong là thu hồi được tiền. Đến thời điểm này đã thu hồi được hết tiền điện. Đây có thể là công trình thu tiền nhanh nhất ở miền Bắc. Giá điện áp dụng theo biểu phí tránh được do Bộ Công Thương hằng năm công bố (theo Quyết định 18/2008/QĐ-BCT của Bộ Công Thương). Nếu như mỗi năm Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương tăng giá điện (như năm nay với thủy điện nhỏ tăng khoảng gần 5% giá điện) thì Dự án Thủy điện Nậm Cắt chỉ sau một thời gian ngắn nữa sẽ cho hiệu quả tốt và tôi tin điều này là tất yếu.

Tổng giám đốc PV Power Vũ Huy Quang (giữa) chỉ đạo các phần việc tại Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt

Công trình Thủy điện Nậm Cắt không lấy quá nhiều diện tích rừng (cả dự án lấy khoảng hơn 20ha rừng). Từ giữa năm 2012 đến nay Thủy điện Nậm Cắt nộp ngân sách trên 2,5 tỉ đồng - đây là một sự đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.

PV: Hiện nay, thủy điện nhỏ có được nhiều ưu đãi không, thưa ông?

Ông Đàm Đức Thông: Đối với thủy điện nhỏ không phải là không có nhiều ưu đãi. Ví dụ như được áp dụng theo biểu phí tránh được (nguyên tắc của biểu phí tránh được là cho phát hết công suất trong giờ cao điểm với hồ thủy điện điều tiết ngày đêm) được phát giờ cao điểm và bán điện với giá cao (năm 2012 là 2.424 đồng, năm nay được cộng thêm 58 đồng). Ngoài ra công suất dư thừa thì phải bán với giá thấp hơn.

Thủy điện nhỏ thì một năm chỉ được áp dụng 8 tháng cho giờ cao điểm, 4 tháng mùa mưa (tháng 7,8,9,10) không được áp dụng. Như vậy cần phải kiến nghị ngoài những tháng mùa mưa thì những tháng còn lại cho phép các nhà máy thủy điện được đàm phán giá điện như các dự án điện khác. Cách đàm phán giá điện, thời gian đàm phán dài hay ngắn là do mỗi chủ đầu tư, phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có giá trị đầu tư của dự án. Quan trọng là  nhận thấy mình làm được gì và tồn tại của mình là gì và đối tác cần gì để đàm phán trên cơ sở đó. Đàm phán được khi và chỉ khi hai bên phải hiểu nhau trên nguyên tắc phải đảm bảo hài hòa lợi ích bên mua và bên bán thì sẽ nhanh.

Chúng tôi kiến nghị là thay vì được áp dụng 8 tháng cho mùa khô và 4 tháng mùa mưa thì nên rút từ 4 tháng mùa mưa xuống còn 3 tháng (từ tháng 7 đến hết tháng 9) cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế thời tiết ở miền Bắc và nếu có thể thêm nữa thì được đàm phán giá điện 3 tháng mùa mưa.

PV: Hiện nay các dự án thủy điện kêu rằng mùa khô không có nước nhưng tại sao không đặt vấn đề là nước do rừng mang lại, tại sao không trồng rừng đầu nguồn và lưu vực các sông suối chảy vào hồ thủy điện để tích nước vào mùa mưa và mùa khô có nhiều thuận lợi hơn?

Ông Đàm Đức Thông: Điều này rất khó làm được bởi chủ đầu tư chỉ được giao đất làm thủy điện chứ không phải giao tất cả rừng khu vực xung quanh nhà máy để được trồng rừng tái sinh. Hơn nữa, trồng rừng không chỉ là công việc của một người hay một ít người mà là việc của chính quyền, của toàn dân; doanh nghiệp rất khó làm thay được việc này.

Ý tưởng này cũng đã từng được Chính phủ thông qua là một đơn vị lấy bao nhiêu ha đất thì phải trồng lại bằng bấy nhiêu ha rừng. Thủy điện cho đến nay vẫn là một trong những dự án đầu tư đúng hướng, năng lượng điện không đi trước một bước thì nền kinh tế không thể phát triển được. Nên chăng, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đến rừng đầu nguồn các dự án thủy điện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Một số mốc quan trọng của dự án:

- Cuối tháng 3/2011, nhận bàn giao mặt bằng công trình nhà máy;

- Tháng 4/2011, triển khai thi công;

- Tháng 6/2011, đưa được điện lưới vào công trường phục vụ thi công;

- Tháng 9/2011, nhập khẩu thiết bị và chuyển thiết bị vào nhà máy;

- Tháng 11/2011, tiến hành lắp đặt thiết bị;

- Tháng 2/2012, chạy thử và phát điện tự dùng trong nhà máy;

- Ngày 5/4/2012, hoàn thành hiệu chỉnh, hòa lưới điện Quốc gia và chính thức phát điện thương mại Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt.

Thông tin về tình hình sản xuất của nhà máy:

Sản lượng điện sản xuất của Nhà máy Thủy điện Nậm cắt tính đến hết ngày 31/5/2013 là 4,87 triệu kWh, đạt 125% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2013.

Giá trị sản lượng sản xuất kinh doanh tính đến ngày 31/5/2013 đạt 6,37 tỉ đồng, đạt 125,64% và doanh thu trước thuế đạt 6,34 tỉ đồng, đạt 125% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm.

Năm 2012, PV Power BacKan đã xuất sắc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh trước 86 ngày.

Hiện nay toàn bộ nhân công tại Thủy điện Nậm Cắt là 30 người, trong đó công nhân trực tiếp vận hành nhà máy là 16 người. Trên 90% là lao động người Bắc Kạn.


Đức Chính (thực hiện)

DMCA.com Protection Status