Tìm dầu ở Bạch Long Vĩ

10:26 | 25/06/2012

1,179 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 15/4/2012, đúng 7 giờ 15 phút, xen lẫn giữa tiếng gầm gào của động cơ máy khoan, mũi khoan nghiên cứu đầu tiên của ngành Dầu khí đã từ từ cắm sâu vào lòng đất, mở ra lỗ khoan ENRECA3, với chiều sâu lớn nhất từ trước tới nay trên đảo Bạch Long Vĩ.

Qua 45 ngày đêm, khoan xuyên lòng đất tới nửa cây số, mũi khoan đã thu được những tài liệu có giá trị nhất về địa tầng trầm tích phục vụ cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở bể Sông Hồng mà còn các bể trầm tích khác ở thềm lục địa Việt Nam. Các cán bộ kỹ thuật thực hiện mũi khoan cũng đã có những ngày không thể nào quên trên Bạch Long Vĩ.

Mục tiêu của giếng khoan là thu thập toàn bộ mẫu lõi, phục vụ công tác nghiên cứu về địa chất ở đây, cũng như các khu vực lân cận. Giếng khoan sử dụng các phương pháp khoan tiêu chuẩn, dung dịch khoan nước và vị trí khoan sẽ được hoàn trả lại sau khi hoàn thành công tác thi công. Đặc biệt, giếng khoan có thiết kế sử dụng hệ thống chống nổ khí và khoan trong môi trường đá mẹ chưa trưởng thành, chịu ảnh hưởng của quá trình nghịch đảo kiến tạo lâu dài và làm giảm rủi ro do các bẫy dầu khí gây ra.

Có mặt trên công trường trong những ngày hè tháng 4 nắng như đổ lửa, những cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tìm kiếm Thăm dò và Khai thác Dầu khí (EPC), Viện Dầu khí Việt Nam, sát cánh cùng hơn chục cán bộ kỹ thuật, công nhân khoan thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Địa chất và Khoáng sản (CEGEMITE), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, theo sát từng mét khoan, thu thập những thông tin địa chất còn đang ẩn sâu ở trong lòng đất.

Với đa số những người ngoài ngành Dầu khí, Bạch Long Vĩ trong hình dung có lẽ chỉ là một hòn đảo nhỏ nằm giữa vịnh Bắc Bộ, cách đảo Hòn Dấu (Hải Phòng) chừng 110km về phía tây bắc và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) chừng 130km về phía đông nam; có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế và an ninh – quốc phòng của Việt Nam. Biết được như vậy có lẽ cũng là tỉ mỉ rồi. Thế nhưng với những người làm địa chất dầu khí thì Bạch Long Vĩ không đơn thuần chỉ có vậy. Nơi đây còn chứa đựng những câu chuyện thú vị về lịch sử tiến hóa địa chất và những dấu hiệu tồn tại của đá mẹ sinh dầu ở khu vực phía bắc bể trầm tích Sông Hồng.

Chính vì vậy, khi biết tin sẽ có tên trong nhóm công tác triển khai giếng khoan nghiên cứu đầu tiên của ngành Dầu khí trên đảo, trong lòng anh Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Địa tầng – Trầm tích, Trung tâm EPC chợt bừng lên một cảm giác nôn nao khó tả, như sắp được gặp “người tình”. Anh Tuấn giải thích: Dân địa chất chúng tôi vẫn hay gọi những vùng đất chưa đặt chân đến là “người tình”. Vì người tình bao giờ cũng làm ta mê mẩn, người tình bao giờ cũng ngọt ngào. Người tình bao giờ cũng vội vàng, gấp gáp. Và người tình thì chẳng bao giờ chung sống cùng ta mãi trong kiếp đời này…

Ngày 9/4/2012, nhóm công tác xuất phát từ bến cảng Cầu Kiền (Hải Phòng) để đến với Bạch Long Vĩ, trên con tàu mang số hiệu 14-11-64 của Cục Hậu cần Quân khu 3. Đây là con tàu có tải trọng 350 tấn, tuy nhìn bề ngoài có vẻ cũ kỹ, nhưng vẫn đủ sức đem theo một khối lượng lớn hàng hóa cùng thiết bị khoan, phục vụ cho công tác khoan trên đảo.

Mang theo tâm trạng hồi hộp và phấn chấn, sau gần 16 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, mặc cho cảm giác say sóng vẫn còn ngất ngây, cả đoàn háo hức đặt bước chân đầu tiên của mình lên đảo.

Anh Tuấn kể lại: “Trong mường tượng của tôi, Bạch Long Vĩ gắn liền với những cảnh vật hoang sơ, hay vài mái nhà khiêm nhường nằm dưới chân đồi, căng mình chống chọi với sóng và gió biển. Nhưng thật bất ngờ, ngay khi tàu cập cảng, đứng trên boong tàu, tôi có thể quan sát thấy nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang hiện ra như từng lớp sóng nhấp nhô chạy về phía chân đồi. Một vài người dân trên đảo, có lẽ đã quá quen với những chuyến tàu chở hàng ra tiếp tế, xuống tận cầu tàu để nhận hàng hóa gửi từ đất liền. Hiển hiện trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng và gió là những nụ cười hiền hậu, rạng rỡ. Chợt thoáng qua một cảm giác gần gũi, thân quen, khiến tôi có cảm giác yên tâm hơn khi đặt chân đến nơi này”.

Cái nắng nóng tháng 4 trên đảo thật không dễ chịu chút nào, cho dù chúng tôi đã quen với những công tác ngoài thực địa. Mới chớm hè mà không khí trên đảo đã đặc quánh vị mặn của biển, khiến người ta dễ trở nên uể oải. Mặc dầu vậy, chúng tôi vẫn chia ca để theo dõi sát sao công tác khoan, ngày cũng như đêm. Với 3 ca làm việc liên tục, chúng tôi có mặt tại giếng khoan 24 giờ đồng hồ một ngày, không để lỡ từng nhịp khoan, dõi theo từng khay mẫu, với một niềm say mê và trách nhiệm của những chàng trai đi tìm lửa…

Theo thiết kế, mũi khoan sẽ sâu khoảng nửa cây số, từ 0-250m, đường kính mũi khoan sẽ là 127mm và từ 250-500m, mũi khoan sẽ nhỏ lại chỉ còn 89mm và kết thúc chỉ còn 76,5mm. Nhiệm vụ được định rõ là giếng khoan sẽ đo địa vật lý, lấy mẫu trầm tích toàn bộ giếng và mô tả mẫu chi tiết. Mẫu được xác định tuổi bằng sinh địa tầng với khoảng mẫu trung bình khoảng 10-20m/mẫu. Ngoài ra, một chương trình phân tích mẫu chi tiết cũng sẽ được thực hiện bao gồm các phân tích hàm lượng vật chất hữu cơ của đá mẹ, phân tích dấu vết sinh học…

Ngoài việc cắt cử người theo dõi giếng khoan, có thời gian là chúng tôi lại cùng nhau khảo sát khắp đảo, với chiếc búa, địa bàn, định vị GPS và túi đựng mẫu trong tay, chúng tôi lục lọi, khám phá mọi ngóc ngách. Đảo Bạch Long Vĩ có địa hình rất hạn chế. Khó khăn là nghiên cứu chi tiết trầm tích và quá trình phát triển của đá mẹ chỉ dựa trên cơ sở phân tích các điểm lộ trên đảo là không thể. Chính vì thế, việc khoan lấy mẫu trên đảo là cơ hội hiếm có. Nhiệm vụ của đoàn công tác càng thêm quan trọng.

Kỹ sư Đỗ Mạnh Toàn, cán bộ thuộc Phòng Địa tầng – Trầm tích, Trung tâm EPC kể lại: “Vấn đề an toàn lao động được chúng tôi đặt lên hàng đầu để đề phòng cháy nổ có thể xuất hiện. Chúng tôi không bố trí công nhân làm việc trên tháp, chỉ có những người có chuyên môn mới được vận hành máy móc, chỉ có những người đầy đủ bảo hộ lao động mới được phép vào công trường… Chính vì vậy, trong toàn bộ quá trình khoan, đã không có một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra”.

Có một điều may mắn là, mũi khoan đã không gặp đứt gãy địa chất nào theo như dự đoán ban đầu và thu hồi trên 95% mẫu lõi. Đây là kết quả của thành công hơn mong đợi. Nhóm công tác đã có được mặt cắt địa tầng trầm tích cực kỳ quý báu để nghiên cứu không chỉ ở bể Sông Hồng mà còn các bể khách ở lục địa Việt Nam và toàn bộ Biển Đông Việt Nam để từ đó liên hệ trực tiếp với các khu vực có các phát hiện dầu và condensat lân cận.

Nhiệm vụ đã hoàn thành, những kỹ sư trẻ lại trở về đất liền đem theo những kỷ niệm về Bạch Long Vĩ không thể nào quên. Họ đã sống cùng dân, ăn cùng dân, chịu cảnh thiếu nước, mất điện cùng dân trên đảo. Những điều ấy như anh Đỗ Mạnh Toàn – một kỹ sư địa chất trẻ nói rằng, đó chỉ là một điểm bắt đầu để tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ dầu khí cha anh.

Đức Tú

DMCA.com Protection Status