Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (27/11-2/12/2023)

11:00 | 04/12/2023

33,252 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
BP đang mất dần vị thế ở Senegal và Mauritania; Aramco dự kiến sẽ giảm giá dầu ở châu Á trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt; Greenpeace cáo buộc các công ty dầu khí Trung Quốc; Zarubezhneft gần như chuyển hướng hoàn toàn dầu từ EU sang Trung Quốc, Ấn Độ… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (27/11-2/12/2023)

Giám đốc điều hành Exxon Mobil Darren Woods hôm thứ Bảy (2/12) đã bác bỏ khẳng định gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) rằng việc dựa vào thu hồi carbon quy mô lớn để chống lại biến đổi khí hậu là một “ảo tưởng không thể tin được”, đồng thời cho rằng điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với xe điện và năng lượng mặt trời.

Vào ngày 2/12, công ty dầu mỏ Equinor của Na Uy đã chính thức bán đi toàn bộ danh mục tài sản dầu khí của họ ở Nigeria cho công ty dầu mỏ địa phương tên Chappal Energies. Giá bán chính thức không được tiết lộ. Dự kiến Equinor sẽ bán đi 53,85% cổ phần của họ trong khu vực OML 129 ngoài khơi, cũng như 20,21% cổ phần trong mỏ dầu ngoài khơi tên Agbami, nằm giữa khu vực thăm dò OML 127 và 128.

Thứ Tư (29/11), một tòa án Đông Phi đã bác bỏ một vụ kiện siêu dự án đường ống của tập đoàn Pháp TotalEnergies ở Uganda và Tanzania, mục tiêu bị các hiệp hội nhân quyền và môi trường chỉ trích mạnh mẽ. Tòa án Công lý Đông Phi, có trụ sở tại thành phố Arusha của Tanzania, đã tuyên bố rằng tòa không đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện dân sự đệ trình vào năm 2020, với lý do là vì đơn kiện được đệ trình quá muộn. Siêu dự án TotalEnergies có tên gọi là EACOP và là đối tượng trong thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỷ USD với Uganda, Tanzania và CNOOC của Trung Quốc. Mục tiêu của dự án bao gồm kế hoạch khoan 419 giếng dầu ở phía Tây Uganda và xây dựng một đường ống dẫn dầu dài tổng cộng 1.443 km nối các mỏ của hồ Albert với bờ biển Tanzania trên Ấn Độ Dương. Dự án này được Tổng thống Uganda Yoweri Museveni ủng hộ nhưng vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ những người bảo vệ môi trường vì có tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái và đời sống của người dân trong khu vực. Các nhóm xã hội dân sự cho rằng quyết định của Tòa án Công lý Đông Phi là bất công.

Tổng thống Nigeria Bola Tinubu đã tái bổ nhiệm Mele Kyari làm người đứng đầu công ty dầu khí nhà nước NNPC Ltd, có hiệu lực từ ngày 1/12, văn phòng tổng thống thông báo hôm thứ Ba, chấm dứt những đồn đoán về tương lai của ông Kyari. Khi ông Kyari còn đứng đầu NNPC, sản lượng dầu của Nigeria đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do nạn trộm cắp dầu thô và phá hoại đường ống dẫn dầu, khí đốt. Năm ngoái, Angola đã vượt qua Nigeria trở thành nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi trong vài tháng.

Hôm 27/11, gã khổng lồ năng lượng BP của Anh tuyên bố rút khỏi mỏ khí đốt tự nhiên Yakaar-Teranga, nằm ngoài khơi bờ biển Senegal. Một quyết định được đưa ra do có sự bất đồng với chính phủ Senegal. Trên thực tế, hai bên chưa thống nhất được mô hình kinh doanh thương mại của khu vực khí tự nhiên. BP muốn xuất khẩu sản lượng từ khu vực trong khi Senegal cứng rắn đòi ưu tiên tiêu thụ nội địa. Một điểm mấu chốt khác là ngày đưa vào sản xuất mỏ khí.

Sau đó vào tối ngày 27/11, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Mauritania đã cho BP thời hạn đến tháng 4/2024 để quyết định xem liệu có tiếp tục phát triển mỏ khí đốt ngoài khơi BirAllah hay không. Đây là mỏ khí được phát hiện vào năm 2019, nằm ở lô C8, cách dự án Greater Tortue Ahmeyim (GTA) của Senegal-Mauritanian khoảng 60 km về phía Bắc.

Dự báo Saudi Aramco sẽ giảm giá loại dầu hàng đầu của mình sang châu Á, lần đầu tiên kể từ tháng 6 do dòng dầu rẻ hơn của Mỹ và châu Âu thúc đẩy cạnh tranh ở khu vực nhập khẩu lớn nhất thế giới. Theo ước tính trung bình trong cuộc khảo sát của Bloomberg với sáu nhà máy lọc dầu và thương nhân, công ty Ả Rập Xê-út thuộc sở hữu nhà nước sẽ giảm giá bán chính thức của Arab Light 1,05 USD/thùng giao tháng 1 so với tháng trước. Đó sẽ là mức giảm lớn nhất kể từ tháng Hai năm nay.

Tổ chức môi trường Greenpeace cho biết hôm thứ Hai (27/11), các công ty dầu khí lớn của Trung Quốc và các nơi khác đang sử dụng các khoản bồi thường carbon chất lượng kém để "xanh hóa" nhập khẩu khí tự nhiên mà không cam kết giảm lượng khí thải. Các công ty như PetroChina và China National Offshore Oil Corp (CNOOC) đã ký hợp đồng dài hạn với Shell để mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) “trung hòa carbon”, bằng cách “bù đắp bằng trồng rừng” để cân bằng lượng khí thải carbon. Greenpeace, tổ chức từ lâu đã phản đối việc các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch tính lượng carbon bù vào mục tiêu giảm phát thải của họ, cho biết thuật ngữ 'trung hoà carbon' đã gây hiểu lầm cho công chúng.

Uniper phải trả 550 triệu euro (600 triệu USD) cho Eni của Ý, theo phán quyết của tòa trọng tài liên quan đến hợp đồng cung cấp LNG – hợp đồng đã hết hạn vào năm 2022, ba nguồn giao dịch cho biết hôm thứ Hai 27/11.

Tổng giám đốc Sergey Kudryashov cho biết công ty Zarubezhneft gần như đã chuyển hướng hoàn toàn nguồn cung dầu từ châu Âu sang thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Phát biểu tại diễn đàn Primakov Readings ngày 27/11, ông Sergey Kudryashov nói: “Chúng tôi gần như rời bỏ châu Âu để đến thị trường Ấn Độ và thị trường Trung Quốc”. Ông Kudryashov cũng lưu ý rằng cho đến năm 2022, công ty kinh doanh dầu xuất khẩu trên cơ sở FOB (free on board) thông qua St. Petersburg International Mercantile (SPIMEX). Người đứng đầu Zarubezhneft cho biết: “Rõ ràng là sau năm 2022, tình hình đã thay đổi. Thành thật mà nói, chúng tôi không đủ năng lực để làm việc trên thị trường giao dịch. Chúng tôi phải nắm vững những thứ liên quan đến cả hậu cần, tàu chở dầu và bảo hiểm”.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (6-11/11/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (6-11/11/2023)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (20-25/11/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (20-25/11/2023)

Nh.Thạch

AFP

DMCA.com Protection Status