Tin Thị trường: Dầu thô Nga vẫn chảy tới thị trường châu Âu

16:55 | 23/03/2023

10,489 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dầu thô Nga vẫn chảy tới các thị trường tại châu Âu; Nhu cầu khí tự nhiên của Mỹ vượt nguồn cung...
Tin Thị trường: Dầu thô Nga vẫn chảy tới thị trường châu Âu

Dầu thô Nga vẫn chảy tới châu Âu

Một khối lượng lớn dầu thô Nga vẫn đang được chuyển đến thị trường toàn cầu, khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng sản phẩm này đang tìm đường đến thị trường châu Âu qua con đường không chính thống.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây tuyên bố việc châu Âu phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga chỉ còn là "lịch sử". Tuy nhiên, các thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) và những chuyên gia trong lĩnh vực này lại cho rằng chương lịch sử này vẫn đang được viết tiếp.

Theo những quan chức này, một lượng đáng kể hydrocarbon của Nga, vẫn đang né tránh các lệnh trừng phạt và chảy vào thị trường châu Âu. Ông Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng nguồn năng lượng của Nga vẫn chảy qua những lỗ hổng có sẵn để vào châu Âu.

EU đã cấm phần lớn nhiên liệu hóa thạch của Nga kể từ khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ngoại trừ số lượng hạn chế dầu thô và khí đốt vẫn chuyển qua một số đường ống, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm dầu mỏ.

Trên thực tế, khối lượng lớn dầu thô của Nga vẫn đang được chuyển đến thị trường toàn cầu, khiến một số chuyên gia nghi ngờ rằng sản phẩm này đang tìm đường đến thị trường châu Âu thông qua "cửa sau".

Nhu cầu khí tự nhiên của Mỹ vượt nguồn cung

Trong báo cáo Tình trạng thị trường năm 2022, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang Mỹ (FERC) cho biết, nhu cầu xuất khẩu LNG cao và mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong nước cao hơn đã đẩy nhu cầu khí đốt của Mỹ lên mức cao hơn nguồn cung vào năm ngoái, dẫn đến giá giao ngay Henry Hub trung bình cao nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ đã giảm trong những tháng gần đây do thời tiết mùa đông ấm hơn bình thường. Do đó, dự trữ khí đốt tự nhiên đang ở trong kho nhiều hơn khoảng 24% so với mức trung bình 5 năm và cao hơn 36% so với năm ngoái vào thời điểm này. Điều này gây áp lực giảm giá cho Henry Hub, với hai lần liên tiếp hạ dự báo giá trong hai tháng từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Năm ngoái, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt trên toàn cầu sau cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã làm tăng nhu cầu đối với LNG của Mỹ, nước có xuất khẩu tăng 9% lên mức trung bình 10,6 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/d), FERC và EIA cho biết trong báo cáo tổng quan năm 2022.

FERC cho hay: "Nguồn cung LNG khan hiếm đã góp phần làm tăng giá quốc tế, tạo động lực xuất khẩu LNG của Mỹ".

Không giống như những năm trước, châu Âu là điểm đến hàng đầu cho LNG của Mỹ vào năm 2022, với xuất khẩu của Mỹ tăng vọt 141%, EIA cho biết.

Bốn quốc gia, bao gồm Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan chiếm tổng cộng 74% xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu.

Hơn một nửa công suất nhập khẩu LNG của châu Âu có thể bị mắc kẹt

Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) mới đây cho biết, hơn một nửa công suất nhập khẩu LNG của châu Âu có thể trở thành tài sản bị mắc kẹt vào năm 2030 do các kế hoạch LNG hiện tại dự kiến sẽ vượt xa nhu cầu được dự báo đối với khí tự nhiên hóa lỏng vào cuối thập kỷ này.

EU đang tăng cường công suất nhập khẩu LNG và sẵn sàng chào đón nhiều lô hàng LNG hơn nữa trong năm nay và những năm tới, Maros Sefcovic, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho biết vào đầu tháng này.

EU sẵn sàng cho việc tiếp nhận nhiều LNG hơn bằng cách củng cố cơ sở hạ tầng nhập khẩu của mình, Sefcovic nói thêm.

Trong báo cáo của mình, IEEFA cho hay, các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng hiện tại cho thấy công suất nhập LNG của châu Âu có thể vượt 400 tỷ m3 vào năm 2030, tăng từ 270 tỷ m3 vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, theo IEEFA, nhu cầu LNG thực tế vào năm 2030 được dự báo sẽ chỉ dao động trong khoảng 150 tỷ m3, trong khi S&P Global Commodity Insights dự đoán 190 tỷ m3.

Đến năm 2030, IEEFA nhận thấy tỷ lệ sử dụng các trạm nhập khẩu LNG của châu Âu là 36%, kể cả những cảng hiện đang được lên kế hoạch xây dựng.

Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Ý và Đức có nguy cơ cao nhất chứng kiến các tài sản cơ sở hạ tầng LNG bị mắc kẹt vào năm 2030.

Tin Thị trường: Ba Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng ở Trung Âu Tin Thị trường: Ba Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng ở Trung Âu
Tin Thị trường: Nhập khẩu LNG của Nhật Bản giảm Tin Thị trường: Nhập khẩu LNG của Nhật Bản giảm

Bình An

DMCA.com Protection Status