Tin tức kinh tế ngày 12/3: Kiều bào kết nối đưa nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

22:03 | 12/03/2022

7,065 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Giá xăng dầu tăng kỷ lục, lung lay mục tiêu kiểm soát lạm phát; Kiều bào kết nối đưa nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản; Xuất khẩu tôm đặt mục tiêu vượt 4 tỷ USD năm 2022… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 12/3.
Tin tức kinh tế ngày 12/3: Kiều bào kết nối đưa nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản
Kiều bào kết nối đưa nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Giá vàng thế giới ngược chiều vàng trong nước

Mở cửa phiên ngày 12/3, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,40 - 70,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/3. Chênh lệch giá mua và bán ở mức 1,8 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 68,40 - 70,20 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên trước.

Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 68,40 - 70,20 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên gần nhất.

Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch tại Mỹ, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.988 USD/ounce, giảm 6 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua.

Kiều bào kết nối đưa nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Sáng ngày 12/3, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức buổi gặp mặt, kết nối thúc đẩy đưa nông sản, du lịch Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Nhiều vấn đề về tiềm năng, thế mạnh cũng như khó khăn, thách thức khi xuất khẩu nông sản Việt sang đất nước mặt trời mọc đã được chia sẻ, gợi mở tại đây.

PGS Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ: Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tích cực cung cấp thông tin, tăng cường kết nối giúp kiều bào có thể tiếp cận, có kênh để đóng góp cho đất nước, mang lại lợi ích cho kiều bào trong các vấn đề xuất nhập khẩu hàng hoá như các mặt hàng về nông sản, hải sản đông lạnh, đồ khô…

Thép xây dựng đồng loạt tăng giá

Sau 4 lần tăng liên tiếp kể từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép xây dựng đã vượt mốc 18.000 đồng/kg. Trong đợt điều chỉnh này, thép Thái Nguyên tăng thêm 810 đồng/kg. Đây là doanh nghiệp có mức tăng giá mạnh nhất. Các thương hiệu khác như thép Hòa Phát, thép Việt Đức, Việt Ý đều điều chỉnh tăng thêm 600 đồng/kg.

Một số chuyên gia nhận định, giá thép liên tục tăng chủ yếu do giá nhập khẩu nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng vọt. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng cao vì cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng… đã khiến giá thành sản xuất của tại các công ty tăng theo.

Xuất khẩu tôm đặt mục tiêu vượt 4 tỷ USD năm 2022

Nhận định tình hình năm 2022, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nguyên liệu tôm đủ cho chế biến nhưng giá tăng hơn do các yếu tố đầu vào sẽ biến động phức tạp trong năm 2022. Các thị trường lớn nhất sẽ nhanh phục hồi nhu cầu, trừ Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian.

Khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng, làm tăng giá bán và làm suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Chiến tranh Nga - Ucraina tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics sẽ là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu tôm.

Mặc dầu vậy, VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 10-12%, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD.

Doanh nghiệp lữ hành đón khách Nga như “ngồi trên đống lửa”

Chiến sự giữa Nga - Ukraine khiến nhiều du khách Nga hủy tour du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành đón khách Nga đang "ngồi trên đống lửa".

Hiện nhiều khách Nga đã hủy tour do đồng Rup mất giá, một số khác đã gác lại ý định đi du lịch vì lo ngại kinh tế sẽ gặp khó khăn vì lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với nền kinh tế Nga.

Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm có thông tin chính thức về kế hoạch chi tiết, quy trình, quy định, điều kiện đối với du khách quốc tế, kèm theo đó là chính sách về visa để doanh nghiệp triển khai với các đối tác nước ngoài. Nếu không, việc mở cửa hoàn toàn du lịch Việt Nam từ ngày 15/3 vẫn chỉ nằm trên giấy, bỏ lỡ mùa hè và cao điểm từ tháng 9 năm nay.

Giá xăng dầu tăng kỷ lục, lung lay mục tiêu kiểm soát lạm phát

Cùng với áp lực lạm phát rất lớn của giá xăng dầu và tổng cầu tăng cao đột biến, áp lực lạm phát chuỗi cung ứng trong nước và thế giới, việc kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt đang là thách thức lớn.

Dự báo về lạm phát trong Quý 1/2022, ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khẳng định, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và một số mặt hàng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 để kích cầu trong bối cảnh hiện nay đã góp phần vào bình ổn giá và kiềm chế lạm phát tăng ở một số ngành. Tuy nhiên, vì giá dầu tăng quá nhanh nên đã che lấp những tác động tích cực của gói hỗ trợ giảm thuế GTGT cho một số mặt hàng dịch vụ, giá dầu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm.

Theo ông Khang, trong bối cảnh áp lực đang tăng, cùng với việc bắt đầu đưa gói phục hồi kinh tế với quy mô lớn vào đời sống chắc chắn sẽ thúc đẩy tổng cầu lớn tạo yếu tố gây áp lực lên lạm phát.

Tin tức kinh tế ngày 11/3: Ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng tỷ giá USD

Tin tức kinh tế ngày 11/3: Ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng tỷ giá USD

Ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng tỷ giá USD; Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn tôm bố mẹ; Khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam tăng mạnh… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 11/3.

P.V (Tổng hợp)

DMCA.com Protection Status