Tin tức kinh tế ngày 17/11: Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam

21:21 | 17/11/2021

4,671 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam; Giá phân bón tiếp tục lập mức cao kỷ lục mới; WTO kêu gọi hợp tác toàn cầu… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 17/11.
Tin tức kinh tế ngày 17/11: Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam

Giá vàng vượt ngưỡng 62 triệu đồng/lượng

Lúc 9 giờ sáng, vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 60,8 - 61,55 triệu đồng/lượng. Đến sau 11 giờ trưa, giá vàng tiếp tục tăng lên thêm 450.000 đồng, mua bán trong khoảng 61,2 - 62 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới tới 10 triệu đồng/lượng - mức kỷ lục từ trước đến nay.

Sau đó đến 13 giờ 30, giá vàng giảm nhẹ còn trong khoảng 61,05- 61,85 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này đang ở mức 1.857 USD/ounce.

Xếp hạng dữ liệu mở Việt Nam tốt hơn Thái Lan, Lào, Campuchia

Trong bảng xếp hạng về dữ liệu mở năm 2020 của Open Data Watch, Singapore hiện đứng hàng đầu trên thế giới, tiếp đó là một số quốc gia châu Âu như Ba Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển…

Hầu hết các quốc gia đều công bố dữ liệu mở về ngân sách. Ở chiều ngược lại, dữ liệu ít được công bố nhất liên quan đến việc sở hữu đất đai.

Việt Nam hiện nằm ở nửa đầu về mức độ bao phủ dữ liệu (xếp thứ 86/187 quốc gia) nhưng nằm ở nửa sau về mức độ mở cả ở mức độ khu vực và toàn cầu (xếp thứ 122/187 quốc gia).

Theo dữ liệu của Open Data Watch, trong khu vực Đông Nam Á, đối với xếp hạng về dữ liệu mở Việt Nam tốt hơn Thái Lan, Lào, Đông Timor và Campuchia.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu trực tuyến

Đứng trước nhu cầu, khó khăn của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã triển khai chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử xuyên biên giới, trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Chương trình được phối hợp thực hiện cùng Google và có sự tham gia đồng hành của các đối tác OSB, Alibaba.com và hội viên VECOM như Sapo và iViet, hướng đến mục tiêu giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhận thức về kinh doanh online và chuyển đổi số; sử dụng các công cụ nền tảng mới, trong việc thúc đẩy bán hàng xuât khẩu trực tuyến từ dó từng bước đưa các doanh nghiệp truyền thống lên trực tuyến và sử dụng các công cụ quảng bá, tiếp cận thị trường, để tối ưu hóa sự xuất hiện và bán hàng của doanh nghiệp.

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam

Theo Bộ NN& PTNT, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm 2021 đạt gần 38,75 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhiều nhóm ngành hàng xuất khẩu tăng như: Nông sản chính đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 12,7%; lâm sản chính đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 22,3%; thủy sản đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm 0,8%; chăn nuôi ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1%...

Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. 10 tháng qua, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt trên 10,8 tỷ USD, chiếm 27,9% thị phần; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 68,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc với gần 7,5 tỷ USD, chiếm 19,3% thị phần, riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm 23,4%. Thứ ba là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,6 tỷ USD, chiếm 6,8%...

Giá phân bón tiếp tục lập mức cao kỷ lục mới

So với cách nay hơn 2 tuần, giá phân bón tại vùng ÐBSCL như Urê, DAP, Kali… hiện tăng mạnh thêm từ 40.000-100.000 đồng/bao (50kg) và đang ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Theo đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón, giá nhiều loại phân bón có khả năng còn tăng và tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới do chi phí sản xuất, vận chuyển tăng và ảnh hưởng bởi giá thế giới tăng. Ðồng thời, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang tăng do các địa phương bước vào vụ sản xuất đông xuân 2021-2022.

Rau quả chế biến của Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu

Với kết quả đạt được trong cả năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch khá thành công sang phân khúc chế biến các sản phẩm sấy khô, nước ép đóng hộp...

Bên cạnh đó, khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hóa gấp 3 - 4 lần so với giá quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được tình trạng dư cung. Dự báo trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu.

WTO kêu gọi hợp tác toàn cầu

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 16/11 đã công bố báo cáo thương mại toàn cầu 2021, trong đó tập trung vào khả năng phục hồi và tình trạng bấp bênh của hệ thống thương mại, cũng như cách thương mại có thể giúp các nước chống chịu tốt hơn trước các cú sốc kinh tế.

Tin tức kinh tế ngày 16/11: Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Australia tiếp tục khởi sắc

Tin tức kinh tế ngày 16/11: Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Australia tiếp tục khởi sắc

Trái phiếu doanh nghiệp “nở rộ” nhờ lãi suất thấp; Gạo xuất khẩu của Việt Nam neo cao ở mức 528 USD/tấn; Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Australia tiếp tục khởi sắc… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 16/11.

P.V (Tổng hợp)

DMCA.com Protection Status