Tin tức kinh tế ngày 6/11: Bộ Công thương nêu nguyên nhân nhập siêu 1,45 tỷ USD

21:26 | 06/11/2021

4,538 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ vay 514.297 tỷ đồng; Bộ Công thương nêu nguyên nhân nhập siêu 1,45 tỷ USD; Lãnh đạo Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 6/11.
Tin tức kinh tế ngày 6/11: Bộ Công thương nêu nguyên nhân nhập siêu 1,45 tỷ USD
Bộ Công thương nêu nguyên nhân nhập siêu 1,45 tỷ USD

Giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt tăng

Rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.818 USD/ounce, tăng hơn 26 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này. Tại thị trường châu Á, giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.818 USD/ounce, cũng tăng 24 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Tại thị trường trong nước, sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường trong nước cũng tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 9 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP. Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 58,1 - 58,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 58,1 - 58,82 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Chính phủ vay 514.297 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1869 ngày 5/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 856 ngày 4/6/2021 về phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021.

Cụ thể, về kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021, kế hoạch vay của Chính phủ là 514.297 tỷ đồng, gồm: phát hành trái phiếu Chính phủ và vay các nguồn trong nước 463.000 tỷ đồng và vay nước ngoài 51.297 tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách Trung ương là 33.898 tỷ đồng, vay về cho vay lại 17.399 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch vay đã giảm hơn 109.000 tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra hồi tháng 6.

Cũng theo quyết định điều chỉnh, trả nợ của Chính phủ là 365.932 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ 338.415 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại 27.517 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Sáng 6/11, Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp trên địa bàn trong bối cảnh dịch COVID-19. Hội nghị do UBND thành phố Hà Nội tổ chức; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch là đơn vị chủ trì thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung.

Hội nghị là cơ hội để lãnh đạo Thủ đô và các DN tìm tiếng nói chung, đồng hành cùng nhau trong việc vượt khó, nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Vietjet và Airbus đạt thỏa thuận đối tác chiến lược về 119 tàu bay

Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã đạt được Thỏa thuận đối tác chiến lược về thực hiện hợp đồng 119 tàu bay đã đặt hàng, hợp tác phát triển đội tàu bay thân rộng cùng nhiều hỗ trợ khác sau đại dịch.

Cụ thể, hai bên đồng ý mở rộng đào tạo cho đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật của Vietjet, đồng thời thúc đẩy các dự án hợp tác như xây dựng học viện hàng không bao gồm trung tâm các buồng lái mô phỏng, hỗ trợ các chương trình quản lý an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, điều hành quản lý bay,...

Thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Đoàn lãnh đạo cấp cao của Chính phủ đến Cộng hòa Pháp.

Giá lương thực thế giới đã tăng 30%

Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) vừa công bố cho biết, đã tăng ở tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10 vừa qua, tăng 3% so với tháng 9. Mức tăng này được thúc đẩy bởi giá dầu thực vật và lúa mì tăng mạnh.

Chỉ số giá thực phẩm của FAO theo dõi cũng cho thấy những thay đổi hàng tháng trên một loạt các mặt hàng thực phẩm. Cụ thể là chỉ số này đã tăng hơn 30% trong năm qua và hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2011.

3 cảng biển Việt Nam lọt top 50 cảng biển hoạt động hiệu quả nhất thế giới

Theo bảng đánh giá về hiệu quả hoạt động của 351 cảng container trên toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) và IHS Markit vừa thực hiện, Việt Nam có 3 cảng nằm trong top 50.

Đứng đầu bảng xếp hạng là cảng Yokohama (Nhật Bản), xếp thứ 2 là cảng King Abdullah (Saudi Arabia) và đứng thứ 3 là cảng Chiwan (Thâm Quyến, Trung Quốc).

Đặc biệt, trong top 50 cảng có tên 3 cảng của Việt Nam. Cụ thể, cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đứng ở vị trí thứ 46, cảng Hải Phòng đứng ở vị trí số 47 và cảng Cái Mép (cảng Tân Cảng Cái Mép) đứng vị trí thứ 49.

Bộ Công thương nêu nguyên nhân nhập siêu 1,45 tỷ USD

Xuất siêu trở lại trong tháng 10 với mức 1,1 tỷ USD nhưng luỹ kế 10 tháng Việt Nam vẫn nhập siêu 1,45 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD, Bộ Công thương đã chỉ ra một loạt nguyên nhân khiến cán cân thương mại thâm hụt theo chiều nhập siêu.

Bốn nguyên nhân chính dẫn đến nhập siêu bao gồm: Thứ nhất, kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Thứ hai, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu nước ta. Thứ ba, giá cước vận tải biển tăng cao cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu. Thứ tư, hoạt động xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6.

Tin tức kinh tế ngày 5/11: Hơn 80% sàn giao dịch BĐS không có doanh thu vì COVID-19

Tin tức kinh tế ngày 5/11: Hơn 80% sàn giao dịch BĐS không có doanh thu vì COVID-19

Hơn 80% sàn giao dịch BĐS không có doanh thu vì COVID-19; Khai mạc Tuần lễ Hàng tiêu dùng Việt Nam tại Pháp; Bắc Ninh đón siêu dự án 1,6 tỷ USD… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 5/11.

P.V (Tổng hợp)

DMCA.com Protection Status