Tôi chỉ là một viên gạch nhỏ cùng tạo nên tòa lâu đài to lớn

16:56 | 25/05/2017

1,165 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong công tác Dầu khí không ai đi một mình. Những gì chúng ta có được hôm nay là thành quả lao động của bao thế hệ trong suốt 25 năm. Tôi thấy vinh dự và tự hào vì mình đã may mắn được là một viên gạch nhỏ cùng tạo nên tòa lâu đài to lớn mang tên PVEP.
toi chi la mot vien gach nho cung tao nen toa lau dai to lon
TSKH Vũ Ngọc An.

Cái tên Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) xuất hiện chính thức lần đầu tiên trong Quyết định số 328/DK-TC do Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (PVN) Hồ Sỹ Thoảng ký ngày 20/3/1993, đổi tên Công ty Dầu khí Petrovietnam II thành PVEP. Thời điểm này, tôi được Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam bổ nhiệm làm Phó Giám đốc (Quyết định số 342/DK-TC ký ngày 22/3/1993) rồi Giám đốc PVEP giai đoạn 1993-2001.

Vào những năm đầu thập niên 90 (1992-1995), Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PVN) giao cho PVEP triển khai một loạt các đề án khảo sát địa chất, địa vật lý và khoan sâu tại những khu vực nhạy cảm - nơi có nhiều nước tranh chấp như Vịnh Bắc Bộ, khu vực Tư Chính - Vũng Mây… Lúc đó, với tư cách là Phó Giám đốc kỹ thuật địa chất rồi làm Giám đốc PVEP, tôi được phân công trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên. Trong quá trình triển khai công việc, Công ty đã gặp phải những thách thức vô cùng to lớn về cơ chế, kỹ thuật, hậu cần và đặc biệt là về công tác bảo vệ an ninh ngoài biển.

Tình thế lúc này đòi hỏi phải có công ty dầu khí Việt Nam triển khai hoạt động dầu khí tại các khu vực nhạy cảm. Bởi các công ty dầu khí nước ngoài đều từ chối tham gia hoặc tham gia rất hạn chế do sợ va chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của họ. Thêm nữa, thời gian này, một số nước láng giềng luôn cử tàu chiến và các loại tàu cá vũ trang đến do thám, cản phá, đe dọa. Ngoài ra, các khu vực này thường xa bờ hàng trăm cây số nên điều kiện bảo vệ, hậu cần rất khó khăn. Đó là những vùng chưa có nghiên cứu địa chất, địa vật lý hoặc có nhưng rất sơ sài, cộng với kinh nghiệm làm việc (nhất là khoan trong đá vôi) của ta tại các đối tượng này hầu như chưa có.

Và còn một khó khăn nữa là, cho đến lúc đó PVEP chưa tự mình điều hành khoan ngoài biển bao giờ nên hạn chế về kinh nghiệm điều hành cũng như chuyên môn. Để khắc phục những khó khăn và thử thách trên, PVEP đã liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn trong ngành và lực lượng hải quân, an ninh dầu khí làm tốt công tác được giao.

Tôi còn nhớ, để đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động ngoài biển có lúc ta đã huy động tới 8 tàu chiến ra trực chiến 24/24 giờ và huy động lực lượng không quân bay tuần tra thường xuyên tại khu vực dầu khí đang khoan. Nhiều lần, đã quá nửa đêm, tại trụ sở Bộ Chỉ huy Hải quân (phía Nam) tôi vẫn cùng các sĩ quan hải quân mải miết trên hải đồ tác chiến theo dõi di chuyển của các con tàu lạ quanh khu vực giàn khoan và bàn phương án xử lý khi tình huống xảy ra… Cũng từ quãng thời gian ấy mà dù gần 20 năm đã qua, trong tôi vẫn nguyên vẹn tình cảm gắn bó với anh em hải quân.

Thời gian này, về mặt kỹ thuật, PVEP đã tranh thủ tối đa những kinh nghiệm của các đơn vị bạn trong ngành Dầu khí (đặc biệt là Vietsovpetro) có được cho đến lúc đó. Một điều đặc biệt mà trước thời kỳ mở cửa chưa từng xảy ra - đó là các chuyên gia dầu khí tư bản đang làm việc ở Việt Nam (BP, BHP…) đôi lần cũng tham gia tư vấn cho ta những kinh nghiệm quý báu, lúc giếng khoan gặp sự cố khi khoan vào tầng đá carbonat… Dù rằng, lúc đó họ cũng không rõ các giả thuyết tình huống kỹ thuật được đưa ra thảo luận đang xảy ra ở đâu, lúc nào.

toi chi la mot vien gach nho cung tao nen toa lau dai to lon
Giàn khai thác mỏ Sư Tử Vàng.

Trải qua bao khó khăn, thử thách, cuối cùng PVEP đã thực hiện thành công hàng loạt đề án khảo sát địa chất, địa vật lý tại thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ và thềm lục địa phía Nam (khu vực Tư Chính - Vũng Mây). Trong đó, đáng kể nhất là PVEP đã ký hợp đồng với Vietsovpetro khoan thành công 2 giếng thăm dò ngoài biển tại khu vực này. Tuy chưa tìm thấy dầu khí nhưng các kết quả thu được đã góp phần đáng kể trong công tác đánh giá tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là các khu vực nhạy cảm. Các tài liệu thu được là cơ sở quý giá để nước ta đàm phán với các nước lân cận về phân chia ranh giới thềm lục địa sau này.

Một kỷ niệm không thể nào quên trong thời kỳ tôi công tác tại PVEP, đó là những tháng ngày cùng tập thể cán bộ kinh tế - kỹ thuật của PVEP nghiên cứu và bảo vệ thành công quyền lợi của Việt Nam trong mỏ dầu Đại Hùng và các lô 01, 02 , 46 mà phía nước ngoài trả lại. Sau một thời gian tiến hành công tác khoan các giếng thăm dò, thẩm lượng bổ sung và khai thác thử, nhà thầu nước ngoài yêu cầu phía Việt Nam sửa lại các điều kiện trong hợp đồng PSC theo hướng có lợi cho họ với lý do họ đã thăm dò, thẩm lượng xong cho toàn mỏ Đại Hùng và đi đến kết luận là trữ lượng mỏ trên thực tế thấp hơn nhiều so với con số dự kiến ban đầu.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu toàn diện mỏ, tính toán lại trữ lượng bằng chính phương pháp do nhà thầu nước ngoài đang dùng (sau khi đã học hỏi được ở họ về mặt phương pháp và được PVN trang bị phần cứng, phần mềm và đào tạo trị giá hơn 6 tỷ đồng - một số tiền không nhỏ lúc bấy giờ) và sử dụng các số liệu đầu vào mới nhất thu được ở Việt Nam, PVEP kết luận: Thứ nhất: Trữ lượng của mỏ Đại Hùng qua số liệu mới nhận được quả thật có giảm một cách đáng kể, nhưng không phải giảm tới mức như nhà thầu đưa ra. Thứ hai: Mỏ Đại Hùng chưa được thẩm lượng đầy đủ, do đó chưa thể đưa ra con số cuối cùng về trữ lượng. Đặc biệt, vẫn còn những vùng có tiềm năng dầu khí tốt nhưng chưa được khoan và đánh giá đầy đủ như móng nứt nẻ, trầm tích đá vôi của cánh sụt phía Đông. Thứ ba: Nếu họ trả lại thì xin giao cho PVEP tự làm.

Sau này, khi các công ty nước ngoài rút khỏi đề án Đại Hùng (một lý do khách quan nữa là lúc đó giá dầu thế giới quá thấp, 10-15 USD/thùng), theo phân công của PVN, PVEP đã trực tiếp điều hành việc khai thác mỏ Đại Hùng trong 6 tháng một cách an toàn, trước khi trao lại cho Vietsovpetro, mang lại lợi nhuận cho Nhà nước hơn 20 triệu USD theo thời giá lúc bấy giờ.

Đây là một dấu mốc lịch sử trong sự phát triển của PVEP: Lần đầu tiên PVEP tự mình điều hành khai thác thành công một mỏ dầu, tuy trong một thời gian ngắn. PVEP ở thời điểm cách đây hơn 20 năm, khi đất nước vừa mở cửa, lực lượng cán bộ còn rất mỏng, kinh nghiệm “ra biển lớn” còn rất ít thì quả thật đây là một bước đột phá mạnh mẽ. Đột phá về quản lý, về kỹ thuật... nhưng cao hơn cả là đột phá về tư duy tự lực, tự cường của Dầu khí Việt Nam.

Thời gian đã chứng minh những kết luận của PVEP lúc đó là hoàn toàn đúng đắn. Sau này ta đã tìm thấy thêm trữ lượng dầu mỏ ở cánh sụt phía Đông, móng nứt nẻ và các khu vực khác. Từ đó cho đến nay, mỏ Đại Hùng liên tục được Vietsovpetro rồi đến PVEP tự điều hành khai thác và mang lại lợi ích to lớn cho đất nước. Qua câu chuyện bảo vệ thành công dự án mỏ Đại Hùng có thể thấy, vấn đề quan trọng nhất ở đây không phải là chuyện đúng - sai, mà là trong kỹ thuật phải trung thực, khách quan và nghiêm túc, đặc biệt là không bị chi phối bởi các yếu tố, áp lực bên ngoài.

Đối với các lô 01, 02 và 46 tình hình cũng tương tự, sau khi một số nhà thầu nước ngoài đánh giá thấp tiềm năng và giao trả lại cho nước chủ nhà, PVEP đã triển khai những nghiên cứu khách quan, nghiêm túc và đã lập thành những “Luận chứng kinh tế - kỹ thuật” gửi PVN, những kết quả nghiên cứu của PVEP lúc đó là cơ sở quan trọng để sau này PVN triển khai các công ty điều hành chung (JOC) mới, trong đó PVEP là người điều hành hay là cổ đông quan trọng nhất…

Nhớ lại những ngày sôi nổi ở PVEP, tôi hay nhắc đến công lao dìu dắt của các bậc đàn anh với lòng biết ơn chân thành. Đó là các anh Hồ Sỹ Thoảng, Nguyễn Ngọc Cư, Nguyễn Trí Liễn, Ngô Thường San, Đặng Của… Và đặc biệt là tôi không bao giờ quên các cán bộ trẻ ngày nào đã từng sát cánh bên mình nay đều trưởng thành, đã và đang đảm nhiệm những trọng trách của PVEP và của ngành Dầu khí, như: Nguyễn Quang Bô, Phan Ngân, Đỗ Đình Luyện, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Quỳnh Lâm, Cao Hữu Bình, Cù Xuân Hoàng, Trần Bình Minh, Hoàng Gia Điềm, Đỗ Cao Lợi, Hoàng Bá Cường, Nguyễn Du Hưng, Trần Khắc Tân, Vương Hữu Oánh, Nguyễn Quốc Quân, Lê Thuận Khương, Nguyễn Anh Tuấn, Đinh Văn Dĩnh, Đinh Văn Đức, Tô Trường Thắng, Nguyễn Thị Lan Anh… và cả những người đã không còn nữa như Từ Nguyên Nhân, Cao Tất Toại, Vũ Trọng Đức.

Đặc biệt tôi luôn nhớ đến vị sếp đầu tiên của mình ở PVEP, nay đã không còn nữa - anh Nguyễn Ngọc Cư. Đó là một người rất cá tính, bộc trực và luôn toàn tâm toàn ý cho công việc. Công lao của anh Cư đối với PVEP rất lớn, nhất là trong thời kỳ đầu PVEP mới thành lập. Chính nhờ uy tín, mối quan hệ sâu rộng trong và ngoài ngành cùng sự lăn lộn, xốc vác của anh Cư mà PVEP từng bước vượt qua khó khăn trong thời kỳ đầu từ Petrovietnam II chuyển sang PVEP và cả trong suốt quá trình phát triển sau này của Công ty.

Giờ đây, sau 10 năm thành lập Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP, nhìn lại chặng đường đã qua, rất mừng vì những gì thế hệ chúng tôi có ý tưởng, manh nha muốn làm thì giờ đã thành hiện thực. Khát khao PVEP tự điều hành dự án mỏ thay vì chỉ làm công tác giám sát các công ty dầu khí nước ngoài giờ đã thành hiện thực. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng PVEP mà còn của cả ngành Dầu khí nước nhà.

TSKH Vũ Ngọc An - Nguyên Giám đốc PVEP

DMCA.com Protection Status