Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn

Tối ưu hóa & môi trường “no paper”

08:52 | 07/02/2019

1,440 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất thuộc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là một tổ hợp công nghiệp phức tạp bậc nhất Việt Nam. Để quản lý, vận hành một tổ hợp khổng lồ, BSR đã nghiên cứu và áp dụng rất nhiều thành tựu của CMCN 4.0.

Tối ưu hóa nhà máy

Nhận thấy sự quan trọng của việc thay đổi cách thức quản trị cũng như kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ phận trong nhà máy cũng như đối với các nhà cung cấp bản quyền, BSR đã chủ động cải tiến hệ thống, tối ưu hóa nhà máy phù hợp với thực tế quản lý, sản xuất.

Năm 2014, BSR thiết kế hệ thống đánh giá chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI), đã triển khai hơn 500 KPI để tính toán, theo dõi, đánh giá. Đây là một bước tiến mới về việc thay đổi cách thức quản trị tại BSR. 2 năm sau, BSR chính thức đưa KPI lên hệ thống.

toi uu hoa moi truong no paper

Theo dõi hoạt động của nhà máy từ phòng điều khiển trung tâm

Việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật đã giúp ích rất nhiều trong tối ưu hóa nhà máy. Từ khi nhận bàn giao nhà máy, BSR đã triển khai tinh chỉnh các bộ điều khiển, triển khai hệ thống điều khiển đa biến. Anh Võ Chí Long, kỹ sư phụ trách các vấn đề tự động hóa thuộc Ban Nghiên cứu phát triển chia sẻ: Những việc này mang lại hiệu quả kinh tế không ngờ. Tinh chỉnh các bộ điều khiển mang lại hiệu quả kinh tế 3 triệu USD. Việc triển khai hệ thống điều khiển đa biến giúp BSR tiết kiệm khoảng 9 triệu USD.

Ngoài ra, BSR còn triển khai một số hệ thống giám sát năng lượng. Trước đây, việc kiểm soát năng lượng tiêu hao không có hệ thống giám sát toàn bộ năng lượng tiêu thụ của nhà máy và chi phí năng lượng. Nhờ các hệ thống giám sát, những người quản lý có thể đánh giá tổng thể về tình trạng hoạt động của nhà máy để điều chỉnh sớm.

Anh Long cho biết thêm, trong tối ưu hóa nhà máy thì quan trọng nhất là vấn đề kết nối giữa các phân xưởng, các bộ phận trong nhà máy, giúp tối ưu hóa nội bộ. Tối ưu hóa nội bộ sẽ là nền tảng cơ sở để kết nối với bên ngoài thông qua một cơ sở dữ liệu được xây dựng chung từ những công ty hàng đầu thế giới. Trên cơ sở kết nối ấy, các vấn đề về tối ưu hóa, vận hành... sẽ được tư vấn từ xa.

Trước đây, khi có vấn đề gì cần tư vấn, BSR phải mời các chuyên gia công nghệ từ nước ngoài tới trực tiếp nhà máy để xem xét rồi đưa ra giải pháp. Nhưng từ khi tối ưu hóa nội bộ và xây dựng được kênh chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp bản quyền vận hành, hằng ngày, họ sẽ phân tích dữ liệu, đưa ra khuyến cáo sớm cho BSR, hỗ trợ trong công tác tối ưu hóa.

NMLD Dung Quất là tổ hợp của hàng triệu chi tiết phức tạp, nên trong quá trình vận hành, rất cần hệ thống cảnh báo (ALARM) về thiết bị, về công nghệ để giúp việc vận hành tốt hơn. Những kỹ sư ở BSR đã thiết kế hệ thống tổng hợp tất cả các ALARM này lại để quản lý tập trung các cảnh báo của nhà máy.

Trước đây, khi chưa có sự kết nối thì chỉ người quản lý khu vực và người trực tiếp vận hành biết được các cảnh báo, còn bây giờ, khi tất cả các ALARM hiện trên 1 bức tranh tổng thể thì những nhà quản lý sẽ dễ theo dõi các cảnh báo và đưa ra các giải pháp sớm, kịp thời hơn. Sau khi triển khai hệ thống tổng hợp ALARM, số lượng và chất lượng các cảnh báo của BSR đã đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Môi trường làm việc “no paper”

Nhằm tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiểu chi phí trong công tác văn thư lưu trữ, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng các văn phòng điện tử “không giấy - no paper” là xu thế của xã hội hiện đại.

toi uu hoa moi truong no paper
Tối ưu hóa & môi trường “no paper”

Để quản lý và vận hành một tổ hợp phức tạp như NMLD Dung Quất, những bộ phận trực tiếp sản xuất sẽ phải phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các bộ phận kinh doanh, văn phòng... Việc áp dụng công nghệ hiện đại đã giúp BSR từng bước hình thành môi trường làm việc điện tử, tiến tới môi trường làm việc “no paper”.

Để cụ thể hóa được việc này, BSR đã tiến hành “ảo hóa” các máy chủ để lưu trữ dữ liệu theo công nghệ điện toán đám mây. Đến thời điểm hiện tại, dung lượng lưu trữ đạt 159.5 TB với 182 máy chủ ảo hóa. Việc xây dựng hệ thống này giúp BSR quản lý và giám sát tập trung, kiểm soát tốt tài nguyên hơn, đồng thời giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết kiệm nguồn nhân lực, lưu kho; quản lý tập trung, dễ vận hành; tiết kiệm chi phí vận hành và không gian nơi đặt máy chủ; dễ dàng bảo trì, nâng cấp, mở rộng hệ thống...

BSR cũng đưa vào sử dụng chữ ký điện tử và hóa đơn điện tử. Chữ ký điện tử mà CBCNV BSR sử dụng có 2 loại, một loại do nhà cung cấp quốc tế cấp phát (Globalsign) với số lượng là 450 giấy phép và chữ ký điện tử do nhà cung cấp Việt Nam cấp phát (VNPT) với số lượng là 1.500 giấy phép.

Việc sử dụng chữ ký điện tử tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Ví dụ, ở các công ty khác, khi lãnh đạo công ty đi công tác dài ngày thì những văn bản, giấy tờ cần ký sẽ ùn ứ lại chờ đến khi lãnh đạo về xem xét và giải quyết. Còn ở BSR, việc áp dụng chữ ký điện tử sẽ giúp lãnh đạo có thể làm việc, ký duyệt ngay trên xe, không hạn chế khoảng cách.

Anh Nguyễn Đức Hùng, chuyên viên Ban Nghiên cứu phát triển cho biết, chữ ký điện tử và hóa đơn điện tử giúp thay thế quy trình phê duyệt các thủ tục trên giấy truyền thống vốn mất nhiều thời gian và chi phí. Đồng thời, các văn bản phát hành được an toàn hơn thông qua việc định danh người ký bằng thông tin xác thực, việc này sẽ giúp loại trừ được khả năng giả mạo chữ ký; có thể nhanh chóng kiểm tra được thông tin người ký với chi tiết đến từng thời điểm ký với thao tác đơn giản. Hóa đơn điện tử chính thức được đưa vào sử dụng tại BSR từ ngày 1-6-2018. Đây được xem là bước đột phá trong việc thay đổi tư duy để ứng dụng công nghệ thông tin thay thế cho cách làm truyền thống.

Trong thời đại công nghệ, nhiều công việc được ưu tiên giải quyết bằng máy tính bảng và điện thoại di động, BSR cũng chú trọng phát triển các ứng dụng (app) của BSR trên cả 2 nền tảng android và iOS. Hiện nay, người lao động BSR có thể sử dụng 5 app được chính người BSR phát triển để phục vụ công việc. Các app này sẽ cung cấp các bài viết, thông tin của BSR cũng như các bài viết có liên quan; quản lý đăng ký xe điện tử, quản lý đăng ký nhà thầu vào làm việc, quản lý đăng ký phòng họp; kết quả phân tích của phòng thí nghiệm để hỗ trợ công tác vận hành nhà máy, cho phép thực hiện request phân tích mẫu; cung cấp số liệu cho báo cáo ca cho vận hành sản xuất; nghiệp vụ quản lý kho vật tư.

Tất cả những việc này để hướng đến một môi trường làm việc không giấy tờ, tiêu biểu cho mô hình các công ty tiên tiến trong thời CMCN 4.0

Trung Hội - Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status