Từ tay bóng chuyền đến tay thợ xuất sắc

13:20 | 02/03/2013

676 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn đẩy mạnh phong trào “Thi đua lao động sáng tạo” nhằm động viên khuyến khích người lao động tìm tòi các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Năm 2012, Tổng công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí đã vinh danh 4 người lao động tiêu biểu, trong đó có anh công nhân Trần Thanh, xưởng Cơ điện, Nhà máy Hóa phẩm miền Bắc đã có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho đơn vị với giá trị kinh tế lớn.

Tay bóng một thời

Tay dính bụi máy, mồ hôi lấm tấm chảy, anh Trần Thanh, công nhân xưởng Cơ điện dẫn khách vào phòng chờ và nhoẻn miệng: “Em chờ anh 10 phút, anh đang dở tay”. Dường như bị cuốn hút bởi giọng nói hào sảng, cái chất tự nhiên của một thanh niên, tôi đã theo anh vào xưởng Hóa phẩm. Anh Thanh và người lái xe cẩu đang múc những con lăn vào vị trí để lắp vào máy nghiền barite và bentonite.

Anh Thanh cho biết, mỗi con lăn này nặng bằng 3 người trưởng thành, nếu thao tác không cẩn thận sẽ va đập vào người, gây chấn thương. Nhìn anh Thanh và anh công nhân còn lại lấy xè beng bênh con lăn để khít đúng vị trí mà mồ hôi không ngừng rơi, mặc dù thời tiết bên ngoài lạnh dưới 20oC.

Đấy không phải là công việc anh làm hằng ngày nhưng ở người thanh niên này là thế, có việc gì có thể làm được lúc trực ca thì anh xung phong làm ngay. Trước khi vào phòng tiếp khách, anh Thanh dừng lại chỗ máy xịt và cầm van xịt quanh người để rũ bụi barite bám đầy người. Ở nhà máy sản xuất hóa phẩm này, vào ngày hè, bụi barite dính với mồ hôi bện thành miếng to trên mặt, trên cổ. Phải thấy và nhiều khi phải lao vào nhà xưởng rồi cũng được xịt bụi như thế mới cảm nhận hết cái vất vả, hăng say làm việc của người lao động DMC.

Anh Trần Thanh đang lai dắt con lăn vào máy cẩu

Anh Trần Thanh sinh 1982 nhưng đã có 12 năm làm việc tại DMC. Tức là anh vào nhà máy khi 20 tuổi. Học nghề điện tại Trường trung cấp Xây dựng công trình Đô Thị (Yên Thường, Gia Lâm) 2 năm, anh Thanh vào công tác tại DMC Miền Bắc. Công việc đầu tiên của anh là công nhân tuyển rửa quặng barite. 6 năm làm một công việc không khiến cho anh nhàm chán và anh thấy không thể làm mãi thế này, cần phải nâng cao tay nghề đã được học để chuẩn bị cho tương lai. Nhưng thời gian ấy, anh ăn tập cùng đội tuyển bóng chuyền của DMC.

Với chiều cao 1m8, Thanh đã chơi cho đội bóng chuyền DMC gần 5 năm và giành được 12 giải trong 14 lần tham dự giải bóng chuyền Báo Lao động tổ chức. Anh cũng là chủ công xuất sắc của DMC tham dự giải Phù Đổng toàn quốc. Anh Trần Việt Hùng, tay chuyền một thời của DMC nhớ lại: “Hồi đó chúng tôi vừa làm, vừa thi đấu. Vui nhưng mình không phải theo chuyên nghiệp nên được vài năm phải lui về đi làm ngay để có đồng lương sinh sống”. Theo anh Hùng, câu lạc bộ bóng chuyền DMC thời điểm 10 năm trước là có tiếng trong ngành Dầu khí và là một trong những đội bóng nghiệp dư mạnh mà cầu thủ kiêm luôn công nhân.

Cái thời vừa làm cầu thủ, vừa làm công nhân đã lùi vào quá khứ nhưng cũng khiến những cầu thủ nghiệp dư như anh Trần Thanh, anh Trần Việt Hùng mong mỏi được chứng kiến những người lao động dầu khí chơi bóng chuyền nhiều hơn nữa. Giải thưởng không quan trọng mà niềm hăng say, cân bằng cuộc sống sau giờ làm việc mới là điều hướng tới.

Sáng tạo trong sản xuất

Từ năm 2007, anh Trần Thanh chuyển sang làm việc tại xưởng Cơ điện và anh phát huy được những kiến thức đã được đào tạo. Năm 2012, anh đã trăn trở cải tiến kỹ thuật mâm giao tách hạt của hệ thống máy nghiền 5R, giúp anh nhận giải thưởng Người lao động DMC tiêu biểu. Anh Thanh nhớ lại: Dây chuyền 5R là hệ thống quan trọng nhất của hệ thống tách hạt. Trong quá trình vận hành thì mâm giao tách hạt mòn giữa mâm trục và hộp số. Anh Thanh thấy đó là nguy cơ mất an toàn máy, khiến máy giảm tuổi thọ và nếu giữ nguyên sẽ giảm năng suất.

Ban lãnh đạo đã tiếp thu ý kiến của anh Thanh và chấp nhận để anh cải tiến. Công việc cải tiến chính là bắt hãm bằng bu lông M24 để khoan thủng mâm giao cũ, xuyên qua mâm giao cũ để tạo thành một khối hãm trục hộp số tách hạt. Tách mâm giao khỏi bị sập. “Khi chưa thay thế, máy nghiền phải dùng bu lông M8 rất nhỏ khiến độ bền không cao và mất an toàn máy” - anh Thanh phân tích.

Nguồn nguyên vật liệu được tận dụng trong xưởng, vì vậy công việc cải tiến của anh Thanh diễn ra khá thuận lợi. Mặc dù nhiều lúc sáng kiến đi vào thế bí nhưng nhờ sức trẻ sáng tạo, chỉ trong vài ngày, người thợ Trần Thanh đã làm chủ được sáng kiến, mang lại hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng cho nhà máy.

Phần thưởng 5 triệu đồng của ban lãnh đạo nhà máy vừa động viên kịp thời công nhân Trần Thanh vừa ghi nhận những sáng tạo của anh đã giúp nhà máy tiết giảm chi phí sản xuất, tận dụng chất xám nội bộ, không phải đi thuê kỹ sư bên ngoài về “bắt bệnh” và sửa chữa.

Trở lại với công việc hằng ngày, công nhân Trần Thanh vẫn làm những công việc hết sức bình dị: sữa chữa, lắp đặt hệ thống điện bán tự động trong Công ty DMC Miền Bắc, trong các nhà xưởng và sửa chữa thiết bị máy móc nghiền, vận hành hệ thống nghiền. Anh bảo: “Làm việc ở DMC đã khá lâu, tôi mong muốn nhà máy luôn ổn định nguồn nguyên liệu, đồng thời đổi mới nâng cao công nghệ để sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn nữa”. Đó không chỉ là mong muốn của anh công nhân điện mà đó còn là trăn trở của ban lãnh đạo Công ty DMC Miền Bắc.

Sau giờ tan ca, Trần Thanh lại trở về với mái ấm nhỏ tại xã Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ngôi nhà 2 tầng khang trang của anh Thanh không phải do tiền vợ chồng anh xây cất mà bố mẹ anh để lại. Anh cười: “Lương tôi thấp, vợ đang thai sản nên tôi phải làm thêm nghề phụ của gia đình: đan lưới thép”.

Bằng sự cần mẫn của một người thợ, sự chịu khó của một người bố trẻ tuổi, anh Thanh nỗ lực mỗi tháng cũng kiếm thêm được 2 triệu tiền lưới thép. “Có bằng đại học, không nỗ lực làm thêm, không có mối quan hệ thì cũng khó kiếm việc em ạ. Tôi cứ tâm niệm, quan trọng là mình có nghề trong tay thì dù làm ở đâu, làm việc gì cũng sẽ kiếm ra thu nhập, nuôi sống bản thân và gia đình” - anh Trần Thanh chia sẻ.

Hình ảnh một công nhân DMC, một người dầu khí hiện ra là thế: chân chất, có tay nghề và rất muốn khẳng định mình bằng những sáng tạo trong công việc. Dù họ có thu nhập còn thấp nhưng không vì thế mà bỏ bê công việc, ngắm nghía vị trí cao hơn ở nơi khác mà muốn được nâng cao tay nghề, muốn đơn vị đổi mới công nghệ để được sáng tạo, được thấy sản phẩm làm ra nhiều, chất lượng cao, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong công ty.

Đức Chính

 

DMCA.com Protection Status