Vượt sóng trên hòn đảo lưu giữ bao câu chuyện lịch sử - đảo Lý Sơn

09:00 | 19/05/2024

14,320 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nếu như Côn Đảo được biết đến là “địa ngục trần gian” trong những năm tháng chiến tranh, là nơi trăm năm khói hương còn mãi khi ôm ấp máu xương người anh hùng Võ Thị Sáu; hay đảo Phú Quốc đã chứng kiến hàng vạn người lính kiên trung bị giam cầm sau song sắt, thì đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) từ bao đời đã nuôi dưỡng những người con đất Việt ra khơi bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vượt sóng trên hòn đảo lưu giữ bao câu chuyện lịch sử - đảo Lý Sơn

Chuyện về đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

Vùng Sa Kỳ - đảo Lý Sơn của Việt Nam là nơi nhô ra Biển Đông xa nhất. Do vậy, cũng như dân đất liền thời mở cõi, từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX người dân vùng này được chính quyền thời Chúa Nguyễn tín nhiệm giao trọng trách khai khẩn tới đâu quản lý tới đó.

Tới thời vua Gia Long đã chính thức tuyển binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa để lập bản đồ, dựng bia chủ quyền. Theo đó, hàng năm trên đảo sẽ tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra vào tháng 3 Âm lịch hàng năm. Tục lệ này được xem như một cột mốc sống về chủ quyền trong lòng người dân huyện đảo Lý Sơn và vẫn còn duy trì đến ngày nay.

Vượt sóng trên hòn đảo lưu giữ bao câu chuyện lịch sử - đảo Lý Sơn
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm tại huyện đảo Lý Sơn

Vua Gia Long từng đích thân ra đảo Lý Sơn để làm lễ chiêu hồn cho các sĩ tử của hải đội Hoàng Sa. Đó là khởi đầu cho tập tục truyền thống khao lề thế lính Hoàng Sa mà người dân đảo Lý Sơn gìn giữ suốt 200 năm qua.

Nghi lễ này diễn ra bao gồm thuyền cúng, cờ, linh vị và các hình nhân nặn bằng đất sét. Trong thuyền có củi, muối, gạo, mắm…; những thứ mà người lính hải đội Hoàng Sa ngày xưa thường mang theo trong chuyến đi biển. Con thuyền cúng lễ đó sẽ được đưa ra khơi, trôi tự do trên Biển Đông.

Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn

Di tích Âm Linh tự và mộ lính Hoàng Sa (xã An Vĩnh) chính là nơi thờ đội hùng binh Hoàng Sa được xây dựng giữa thế kỷ 17. Di tích nhà thờ Phạm Quang Ảnh và Võ Văn Khiết là nơi thờ tự hai vị đội trưởng đội Hoàng Sa đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các di tích này có giá trị giáo dục to lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc.

Một điểm nhấn trong các cụm di tích ở Lý Sơn là nhà trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được khánh thành vào năm 2010 ở ngay trung tâm huyện. Đây là những đại diện của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ thời chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo Hoàng Sa và lập đội Bắc Hải, phụ trách các đảo xa ở phía nam quần đảo Hoàng Sa (nay là quần đảo Trường Sa). Nhà trưng bày gồm 3 phòng trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật, tranh ảnh có giá trị lịch sử góp phần minh chứng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Linh Trung

Đặc sắc miền di sản Lý SơnĐặc sắc miền di sản Lý Sơn
Quảng Ngãi quy hoạch huyện đảo Lý Sơn trở thành đô thị du lịch biển năng động, đáng sốngQuảng Ngãi quy hoạch huyện đảo Lý Sơn trở thành đô thị du lịch biển năng động, đáng sống
Lý Sơn thu hút khách du lịchLý Sơn thu hút khách du lịch

DMCA.com Protection Status