Xí nghiệp Cơ điện: Điểm sáng trong phong trào sáng kiến sáng chế tại Vietsovpetro

00:00 | 24/03/2021

3,400 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong nhiều năm qua, hoạt động sáng kiến - sáng chế, cải tiến kỹ thuật đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Xí nghiệp Cơ điện (XNCĐ) là một trong những điểm sáng, 10 năm trở lại đây, XNCĐ luôn đứng trong top 3 đơn vị dẫn đầu trong Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.
Xí nghiệp Cơ điện (Vietsovpetro): Thách thức và cơ hộiXí nghiệp Cơ điện (Vietsovpetro): Thách thức và cơ hội
Vietsovpetro: Xí nghiệp Cơ điện tổ chức Lễ khánh thành Bộ đo đa pha MPFM chế tạo cho giàn BK-21Vietsovpetro: Xí nghiệp Cơ điện tổ chức Lễ khánh thành Bộ đo đa pha MPFM chế tạo cho giàn BK-21
Vietsovpetro: Xí nghiệp Cơ điện tổ chức Lễ khánh thành các Skids cho BK-21Vietsovpetro: Xí nghiệp Cơ điện tổ chức Lễ khánh thành các Skids cho BK-21
Vietsovpetro: Xí nghiệp Cơ điện tổ chức Hội thảo Khoa học công nghệ năm 2019Vietsovpetro: Xí nghiệp Cơ điện tổ chức Hội thảo Khoa học công nghệ năm 2019
Xí nghiệp Cơ điện: “Điểm sáng” trong phong trào sáng kiến sáng chế tại Vietsovpetro
Lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro kiểm tra sản phẩm Bộ đo đa pha MPFM do Xí nghiệp Cơ điện chế tạo.

Với đặc thù là đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực gia công chế tạo, bảo dưỡng sửa chữa máy móc thiết bị, cùng với định hướng nâng cao nội lực, hạn chế nhập ngoại để tiết giảm chi phí, những năm gần đây XNCĐ luôn chú trọng vào công tác thiết kế, chế tạo các sản phẩm/cụm sản phẩm thiết bị công nghệ, điều khiển, điện, tự động hóa thay thế cho việc nhập khẩu. Đến nay, toàn bộ các cụm điều khiển công nghệ và an toàn (ICSS), Tủ điều khiển và phân phối điện MCC&EMCC, các tủ điều khiển giếng (WHCP), Hệ thống bơm hóa phẩm vào các giếng (CIS) và năm 2020 có thêm sản phẩm mới là cụm đo đa pha MultiPhase Flow Metering skid (MPFM) lắp đặt trên các công trình biển đều là các sản phẩm truyền thống của XNCĐ. Ngoài ra, XNCĐ cũng chú trọng đến các sản phẩm cơ khí chế tạo khác và một số trong đó là sản phẩm của các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của XNCĐ được công nhận năm 2020.

Sáng kiến “Thiết kế chế tạo thanh cần cẩu KEG”

Ngay từ những năm đầu thành lập, Vietsovpetro đã sử dụng những cần cẩu KEG loại 12520 & 8024 do Liên xô cũ sản xuất trên các công trình biển. Tới thời điểm hiện tại, các cẩu này đã được lắp đặt và đưa vào vận hành với tuổi thọ trên 30 năm nên các kết cấu thép, đặc biệt là các thanh cần đã bị gỉ sét ăn mòn, biến dạng... cần được thay thế. Qua thực tế sử dụng cho thấy, trung bình hàng năm Vietsovpetro cần có 1 - 2 thanh cần cẩu KEG mới để thay thế cho các thanh cần cũ, hư hỏng. Các thanh cần này trước đây Vietsovpetro phải nhập về từ Liên bang Nga với giá thành khoảng 298.000 USD/thanh cần (giá nhập năm 1998). Bên cạnh đó thời gian cấp hàng thường kéo dài, nguồn hàng khan hiếm và phụ thuộc vào thời tiết do vận chuyển bằng đường biển. Nhằm phát huy nội lực, từ những năm 2000, Vietsovpetro đã tìm được duy nhất một nhà sản xuất trong nước là Liên hiệp KHKT Nhiệt - Thủy - Khí động Hà Nội có khả năng thiết kế, chế tạo thanh cần cẩu KEG đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, giá thành vẫn còn cao, khoảng 88.936,87 USD/thanh cần.

Trên cơ sở nghiên cứu sâu kết cấu, điều kiện làm việc và công nghệ gia công chế tạo dạng thanh cần cẩu này, trong giai đoạn 2016-2018, các tác giả Trịnh Hoàng Linh, Huỳnh Minh Trung, Trần Công Thiện đã nghiên cứu tính toán thiết kế, lập các bản vẽ chế tạo thanh cần, trình Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt, lập quy trình chế tạo bao gồm các bước gia công; thiết kế, chế tạo các đồ gá phục vụ gia công nhằm tránh biến dạng và đảm bảo chất lượng gia công thanh cần; thiết kế chế tạo trạm thử tải để kiểm tra, thử nghiệm xuất xưởng; tổ chức lắp đặt, thử nghiệm và đưa vào hoạt động thành công 2 thanh cần cẩu hiện đang được lắp đặt tại giàn MSP4 và MSP6 của Vietsovpetro. Toàn bộ quá trình thiết kế, mua sắm, chế tạo, thử nghiệm được Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận, giám sát, phê duyệt và cấp chứng chỉ phù hợp.

Việc chế tạo thành công 2 thanh cần cẩu này là cơ sở vững chắc giúp Vietsovpetro hoàn toàn chủ động và kịp thời đáp ứng nhu cầu thay thế các thanh cần của của 33 cần cẩu KEG đang hoạt động trên các công trình biển, chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào bên ngoài. Tổng chi phí chế tạo 2 thanh cần cầu là 118.573 USD, so với giá trị mua mới là 177.874 USD, hiệu quả kinh tế được ghi nhận là 59.301 USD.

Sáng kiến này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng tỏ năng lực của XNCĐ trong việc thiết kế, chế tạo các kết cấu kim loại đòi hỏi cao về kỹ thuật như việc chế tạo thanh cần cẩu KEG, là một cụm chi tiết quan trọng của thiết bị nâng làm việc trên các công trình biển đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đây cũng là tiền đề cho XNCĐ tiếp tục nghiên cứu chế tạo các thanh cần cẩu có kết cấu khác như dạng khung (cho các cần cẩu Favelle Favco, ItalGru…) phục vụ cho nhu cầu không chỉ cho Vietsovpetro mà còn cho các khách hàng khác trong khu vực.

Xí nghiệp Cơ điện: “Điểm sáng” trong phong trào sáng kiến sáng chế tại Vietsovpetro
Lãnh đạo Vietsovpetro và lãnh đạo Xí nghiệp Cơ điện, Xí nghiệp Khai thác dầu khí thực hiện nghi thức khánh thành dự án thiết kế chế tạo thanh cần cẩu KEG.

Sáng kiến “Thiết kế, chế tạo bộ ổ đỡ thủy lực cho tổ hợp bơm điện ngầm trên giàn Hải Thạch”

Các tổ hợp bơm điện ngầm SWLP do Flowservce chế tạo lắp đặt trên giàn Hải Thạch (do Công ty BIENDONG POC điều hành) từ năm 2013 thường xuyên hư hỏng trước thời hạn bảo dưỡng và nguyên nhân chính dẫn đến các hư hỏng sớm là từ bộ ổ đỡ thủy lực. Bộ ổ đỡ thủy lực này là cụm thiết bị quan trọng trong tổ hợp máy bơm điện chìm, được nhà sản xuất Flowserve cung cấp với thời hạn cấp hàng kéo dài thường hơn 6 tháng và giá thành rất cao do là hàng độc quyền.

Trên cơ sở kinh nghiệm được đúc kết nhiều năm trong việc sửa chữa, đại tu các tổ hợp bơm điện chìm ly tâm bơm nước biển, trong đó bao gồm việc chủ động thiết kế, chế tạo hầu hết các phụ tùng thay thế cho các thiết bị bơm này, nhóm tác giả XNCĐ Trịnh Hoàng Linh, Trần Anh Tuấn cùng các đồng tác giả từ BIENDONG POC: TS. Ngô Hữu Hải, TS. Đặng Anh Tuấn, Lý Văn Dao, Nguyễn Trọng Nghiêm, Lê Nhân Thịnh đã tính toán thiết kế, lựa chọn vật liệu và chế tạo thành công, đưa vào sử dụng ổ đỡ thủy lực lắp đặt cho bơm điện ngầm này thay thế việc nhập khẩu cụm ổ đỡ thủy lực chính hãng nhằm chủ động trong sản xuất, nâng cao độ tin cậy làm việc của bơm và tiết giảm chi phí trong việc bảo dưỡng, sửa chữa loại bơm điện ngầm nói trên.

Bộ ổ đỡ thủy lực sau khi chế tạo đã được lắp đặt cho SWLP-B trên giàn PQP Hải Thạch, và đưa vào vận hành ổn định từ tháng 6/2018, đến thời điểm tháng 6/2020 số giờ vận hành đã đạt được là trên 13.000 giờ trong khi các sản phẩm cùng loại do Flowserve chế tạo và cung cấp qua thực tế sử dụng tại BIENDONG POC chỉ đạt tối đa 8.000 giờ. Hiệu quả kinh tế được công nhận sau 1 năm vận hành là 8,84 tỷ đồng, tương đương hơn 380 ngàn USD.

Sáng kiến “Hoán cải để sử dụng bơm ngầm HT640 với động cơ SM12FT-190-4 thay thế bơm ngầm SU17-750/3/U của giàn Tam Đảo 05"

Theo thiết kế, trên giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 sử dụng 3 bộ bơm điện ngầm SU17-750/3/U kèm động cơ SM12FT-190-4 của nhà sản xuất Andritz để cấp nước cho hệ thống công nghệ và cứu hỏa. Sau hơn một năm làm việc vào năm 2018, các bộ bơm trên không đủ cung cấp nước cho giàn theo yêu cầu thiết kế và các bơm này được chuyển về XNCĐ để đại tu sửa chữa. Khi tháo, kiểm tu bộ bơm này phát hiện phần cánh bơm và cánh dẫn hướng bị mòn, hỏng biến dạng, không thể sửa chữa với lý do: Cánh và vỏ bơm được làm bằng vật liệu đồng CuSn10-C-GS không phù hợp với môi chất nước biển. Riêng động cơ điện chìm SM12FT-190-4 còn tốt, có thể tái sử dụng.

Vào thời điểm này, trên giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 chỉ còn một bơm cũ với tình trạng áp suất, lưu lượng yếu và một bơm của hãng Caprary đã làm việc được 4 tháng, trong trường hợp một trong hai bơm này gặp sự cố thì nguy cơ giàn dừng hoạt động là rất cao.

Trong điều kiện thời gian đặt hàng mua phụ tùng từ nhà sản xuất mất rất nhiều thời gian, và thực tế cho thấy phụ tùng chính hãng cũng chỉ làm việc được thời gian ngắn do vật liệu chế tạo không phù hợp với môi trường biển. Để kịp thời giải quyết vấn đề này, trên cơ sở nghiên cứu các thông số kỹ thuật (lưu lượng, cột áp, công suất động cơ…) của bơm SU17 của Tam Đảo 05 và các loại bơm có sẵn tại XNCĐ, các tác giả Lê Tuấn Minh, Trần Anh Tuấn, Đỗ Thắng đã đề xuất thiết kế, hoán cải để sử dụng phần bơm (HT640) của tổ hợp bơm điện chìm HT640+Q250-453-380 do nhà sản xuất Hayward Tyler chế tạo trước đây được sử dụng cho các Block bơm ép vỉa PPD10.000, 10.000 m3/ngày đêm và đã thanh lý từ lâu do các động cơ điện ngầm Q250-453-380 hỏng không thể sửa chữa, để kết nối vào động cơ điện ngầm SM12FT-190-4 của bơm SU17.

Hai tổ hợp bơm điện chìm hỗn hợp sau hoán cải HT640 + SM12FT-190-4 đã được thử nghiệm tại tất cả các chế độ tại trạm thử bơm với kết quả hoàn toàn tương đương với tổ hợp bơm nguyên thủy, nhờ đó đã kịp thời và nhanh chóng giải quyết được tình trạng thiếu bơm cấp nước cho hệ thống công nghệ và cứu hỏa trên giàn Tam Đảo 05, giảm thiểu nguy cơ dừng giàn, giúp giàn không bị gián đoạn trong sản xuất. Ngoài ý nghĩa quan trọng này, sáng kiến còn mang lại hiệu quả kinh tế dự kiến là 136.464,15 USD.

Ngoài ra, trong năm 2020, XNCĐ còn có nhiều sáng kiến khác được công nhận: Sáng kiến “Thiết kế, chế tạo băng phanh cẩu KEG” giúp XNCĐ nội địa hóa 100% sản phẩm này thay vì phải nhập ngoại từ Liên bang Nga như trước đây, hiệu quả kinh tế mang lại trung bình hàng năm là hơn 40 ngàn USD; Sáng kiến “Thiết kế chế tạo hộp nối cáp ngầm thay thế hộp nối NEXANS” giúp Vietsovpetro luôn chủ động trong việc sửa chữa khi các tuyến cáp ngầm nội mỏ Bạch Hổ và Rồng gặp sự cố. Trong năm 2020, nhờ có các sản phẩm từ sáng kiến này XNCĐ và các đơn vị liên quan đã kịp thời sửa chữa 2 tuyến cáp ngầm RP1-RC6 và RP1-RC1/3, góp phần quan trọng trong việc tiết giảm chi phí chạy máy phát điện bằng dầu diesel trên các công trình biển này.

Những sáng kiến được công nhận trong năm 2020 cũng như trong những năm trước đây của XNCĐ đã và đang khẳng định vị trí trong nhóm 3 đơn vị dẫn đầu trong phong trào sáng kiến sáng chế trong toàn Liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro. Trong đó ghi nhận số lượng đáng kể các sáng kiến thuộc lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm/cụm sản phẩm thay thế các sản phẩm cùng loại mà từ trước đến nay Vietsovpetro phải nhập ngoại. Điều này ngoài việc giúp Vietsovpetro tăng cường nội lực, tiết giảm chi phí, chủ động trong sản xuất còn khẳng định sự năng động, sáng tạo, khát khao chứng tỏ mình của đội ngũ cán bộ kỹ sư XNCĐ nói riêng và tập thể CBCNV XNCĐ nói chung. Đây cũng chính là tiền đề để XNCĐ tiếp tục phát huy phong trào sáng kiến sáng chế, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo nhiều sản phẩm hơn nữa không chỉ phục vụ cho nhu cầu của Liên doanh, còn cho các khách hàng khác trong và ngoài ngành Dầu khí trong tương lai./.

P.V

DMCA.com Protection Status