Ký ức về "nơi khởi nguồn" dầu khí

06:45 | 22/02/2018

2,813 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong chuyến công tác tìm hiểu về lịch sử ngành Dầu khí, tôi tình cờ gặp ông Ngô Văn Kha, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Sông Hồng (PVEP Sông Hồng), một người con Thái Bình đã gắn bó cả cuộc đời với ngành Dầu khí. Những ký ức tuyệt đẹp và không ít trăn trở của ông Kha về “nơi khởi nguồn của ngành Dầu khí” rất đáng để suy ngẫm.

Nơi thắp lên ngọn lửa

ky uc ve noi khoi nguon dau khi
Ông Ngô Văn Kha

Dường như mỗi mảnh đất dù nhỏ đều có “cuộc đời” riêng của nó. Cách đây hơn 50 năm, công cuộc tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Đồng bằng Bắc Bộ được bắt đầu. Công việc chủ yếu là khảo sát, lập bản đồ địa chất. Đây là thời gian những người làm dầu khí hoạt động lặng thầm, theo đúng nghĩa đen. Các lãnh đạo, kỹ sư, công nhân… đều vui vẻ ở trong các gian nhà mái tranh mà cứ hễ mở mắt ra là có thể “ngắm bầu trời”...

Nhiều năm trôi qua, đoàn khảo sát vẫn nhớ lòng tốt của dân khi nổ địa chấn ảnh hưởng ruộng vườn, nứt nẻ nhà cửa. Nhìn chuyên gia, công nhân ai cũng giống ai với đồ đạc lỉnh kỉnh vác sau lưng, lội ruộng. Thật sự, thời chiến gian khổ, nếu không ăn nhà dân, ở nhà dân và chia nhau từng củ khoai, củ sắn thì làm sao có thể làm việc được? Lửa bom của quân thù dội xuống đầu, còn những người làm dầu khí đi tìm lửa dưới lòng đất. Đó là hành trình ròng rã suốt nhiều năm liền trong thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy, nhưng đầy ý chí quyết tâm của những người đi tìm lửa.

Bao nhiêu năm trời, hàng trăm kỹ sư, thợ kỹ thuật dầu khí đã quên mình lao động. Con đường dẫn đến dầu khí của họ bắt đầu từ khi rời trường đại học hay các trường nghề, có những người từ chiến trường trở về… Từ mọi miền của Tổ quốc, mọi miền quê hương, họ tụ về đây làm nên một “gia đình dầu khí”, những con người say mê tìm nguồn năng lượng trong lòng đất cho phát triển đất nước.

ky uc ve noi khoi nguon dau khi
Những chiếc xe đặc chủng gắn thiết bị thăm dò địa chấn tại PVEP Sông Hồng

Ai quên được hằng năm trời bên giàn khoan giữa cánh đồng heo hút gió? Giàn khoan dựng vững chãi trên vùng đất mới “biển bạc” với sóng gió mịt mùng. Những năm chiến tranh, tiếng máy bay Mỹ gầm rít đêm ngày trên bầu trời mà các vỉa dầu khí đang ở đâu đó dưới mảnh đất này vẫn cứ im lặng mãi. Những giàn khoan dựng bên cạnh những xóm làng, thời đó cũng là mục tiêu bắn phá của kẻ thù. Bao tháng, năm dầm mưa, dãi nắng của người làm dầu khí với điều kiện vật chất vô cùng khó khăn của thời bao cấp và trong khói lửa chiến tranh vẫn đang mù mịt trên đất nước. Ai tính được nỗi gian lao, vất vả trên vai áo sạm màu với gương mặt thanh xuân đã gợn lên những tháng ngày thấm trải, dạn dày?...

Rồi, đất cũng không phụ lòng người! Cuối năm 1975, tại Giếng khoan 61 nằm trong khu vực trụ sở của chi nhánh Công ty Dầu khí Sông Hồng tại Thái Bình (xã Đông Cơ, Tiền Hải, Thái Bình) đã phát hiện ra vỉa khí đầu tiên (vỉa T3 của mỏ khí Tiền Hải “C”). Những người chứng kiến, ai quên được ngày vui vỡ trời ấy? Dòng khí phun lên, đuốc được châm vào, cả không gian sáng chói làm ấm lòng những người bao công lao tìm kiếm dầu khí. Những tiếng reo vang lên từ lồng ngực. Những ánh mắt vui cười. Những cái bắt tay chúc mừng nhau. Những tiếng hát cũng được vô tư cất lên. Những gương mặt lấp lánh sáng trong mồ hôi, dầu mỡ cùng bụi đất. Những lán, trại trên cánh đồng Đông Cơ không ngủ. Ánh điện trên giàn khoan cùng với hàng triệu sao trời giữa đêm thâu như hòa trộn với nhau thành một trận mưa sao chào mừng sự kiện trọng đại!

ky uc ve noi khoi nguon dau khi
Hệ thống đồng hồ đo lưu lượng tại Trung tâm Điều phối khí Giếng 61

Hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”

Sau khi phát hiện ra vỉa khí đầu tiên, công tác thăm dò thẩm lượng được triển khai do Công ty Dầu khí I Thái Bình đảm nhiệm. Kết quả mỏ khí Tiền Hải “C” có trữ lượng tại chỗ khoảng 1,3 tỉ m3 khí.

Ngày 3-7-1981, gia đình những người làm dầu khí sau hơn 20 năm kiếm tìm dầu khí, trụ lại mảnh đất này đã lập nên Xí nghiệp Khai thác khí (nay là Công ty TNHH MTV Dầu khí Sông Hồng - PVEP Sông Hồng, trực thuộc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí - PVEP) từ cái nôi của họ, từ bàn tay, khối óc và sức cháy ngọn lửa của dòng khí công nghiệp đầu tiên.

Những ngày đầu đưa mỏ khí Tiền Hải “C” vào khai thác cực kỳ gian khó vì đây là công việc hoàn toàn mới mẻ đối với những kỹ sư và những người thợ vận hành khai thác một mỏ khí. Các thiết bị khai thác và phục vụ khai thác đều già cỗi, lạc hậu, được tận dụng từ quá trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Đồng bằng Bắc Bộ. Trạm xử lý khí trung tâm được các kỹ sư Việt Nam thiết kế và lắp đặt. Người Việt Nam chưa quen sử dụng loại nhiên liệu mới mẻ này nên những năm đầu đưa mỏ vào khai thác chỉ có một đơn vị tiêu thụ là turbine khí. Sau đó, các cuộc thử nghiệm sử dụng khí làm nhiên liệu đốt các lò công nghiệp sản xuất gạch men, sứ, xi măng trắng, thủy tinh… thành công nên đã hình thành khu công nghiệp ở đây.

ky uc ve noi khoi nguon dau khi
Một trong những van khí của Giếng 61 vẫn còn hoạt động tốt

Năm 1985, những chuyên gia Liên Xô lần lượt rút về nước. Công tác thăm dò dầu khí ở Đồng bằng Bắc Bộ tạm thời kết thúc. Những người ở lại làm công tác khai thác mỏ không nhiều. Số còn lại ra đi đến những vùng đất mới tiếp tục làm công tác kiếm tìm dầu khí, để lại biết bao nhiêu kỷ niệm với mảnh đất “biển bạc” này.

Thấm thoắt đã gần 40 năm kể từ ngày cho dòng khí thương mại đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam (19-4-1981), mỏ khí Tiền Hải “C” đến nay vẫn còn đang tiếp tục khai thác những ngày tháng cuối cùng, dự kiến kết thúc khai thác và thu dọn mỏ vào năm 2019. “Sứ mệnh lịch sử” của Xí nghiệp Khai thác khí thời ấy cơ bản đã hoàn thành.

ky uc ve noi khoi nguon dau khi

Khu vực mỏ khí Tiền Hải “C” và Giếng khoan 61 là công trường lớn đầu tiên và có ý nghĩa lớn, là một địa danh đặc biệt, là nơi khởi nguồn của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Đến nay, ngành Dầu khí đã và đang phát triển rất mạnh, trở thành ngành kinh tế hàng đầu của đất nước mà chưa có một công trình xây dựng nào xứng tầm để lưu lại lịch sử quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Đồng bằng sông Hồng.

Chính vì vậy, với ý nghĩa lịch sử là “cái nôi” của ngành Dầu khí Việt Nam, nơi đây cần được quy hoạch thành Khu lưu niệm của ngành Dầu khí Việt Nam. Đó cũng chính là trách nhiệm, thể hiện sự tri ân, tôn vinh các thế hệ đi trước đã cố gắng, nỗ lực trong công cuộc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Đây sẽ là nơi lưu giữ và bảo quản các hiện vật trong quá trình tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở giai đoạn đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam, đồng thời cũng là nơi giới thiệu giáo dục truyền thống cho thế hệ dầu khí ngày nay.

Đến nay, mỏ khí Tiền Hải “C” đã cung cấp khoảng 700 triệu m3 khí phục vụ phát điện và phát triển công nghiệp gốm, sứ, thủy tinh, gạch ốp lát… tại Thái Bình. Giếng khoan 61 được gọi là “Giếng Tổ” của ngành Dầu khí Việt Nam, có độ sâu hơn 2.400m, bắt đầu khoan vào ngày 3-2-1975.

Bùi Công

DMCA.com Protection Status