Lao động sáng tạo cần sự đổi mới

11:18 | 27/06/2017

650 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Khoa học công nghệ (KHCN) là động lực then chốt để phát triển nước ta, đặc biệt trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tư tưởng chỉ đạo này được thể hiện nhất quán trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”.  

Bản lĩnh và trí tuệ Dầu khí

Lịch sử phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã chứng minh, động lực phát triển và kết quả mang lại từ nền công nghiệp Dầu khí cho đất nước được dựa trên hiệu quả tiếp thu và ứng dụng sáng tạo những giải pháp và thành quả khoa học và công nghệ tiên tiến thế giới vì thế trong Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN - Petrovietnam), KHCN được xác định là một trong những động lực then chốt để phát triển.

Tuy nhiên, nếu KHCN không có bước đột phá trong sáng tạo - đó là dấu hiệu báo trước sự tụt hậu, mất sức cạnh tranh của nền công nghiệp, đặc biệt trước sức ép hội nhập về hiệu quả và năng suất, trước đòi hỏi cạnh tranh về năng lực trí tuệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Qua phong trào lao động sáng tạo do PVN và Công đoàn Dầu khí Việt Nam phát động trong 5 năm 2012 - 2017 đã có nhiều công trình được hoàn thành; hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Tập đoàn DKVN đã thành lập Giải thưởng Dầu khí để ghi nhận và tôn vinh các tập thể và cá nhân có những công trình tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ dầu khí.

Nhiều sáng kiến sáng chế đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, trong toàn Tập đoàn đã có 1.482 sáng kiến cấp đơn vị trực thuộc làm lợi 5.426 triệu USD và 3.626 tỉ VNĐ; ở cấp Tập đoàn có 30 sáng kiến đã làm lợi 23,95 triệu USD và 2.532 tỉ VNĐ. Toàn bộ các sáng kiến cấp cơ sở đã được áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh, mang lại số tiền làm lợi hơn 2.082 tỉ đồng trong năm đầu tiên áp dụng… đây là minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh của tập thể những người lao động dầu khí.

lao dong sang tao can su doi moi

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao, tập thể các nhà khoa học và công nghệ dầu khí cũng có nhiều thành tựu quan trọng. Trong toàn Tập đoàn có gần 45 công trình đăng ký Giải thưởng Dầu khí về KHCN, trong đó Hội đồng đã xét được 14 công trình để trao Giải thưởng, và có 8 công trình được Tập đoàn chọn để trình lên Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng cấp nhà nước. PVN vinh dự có 3 công trình, cụm công trình tiêu biểu được Nhà nước đánh giá cao, vinh danh và trao 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh, và 1 Giải thưởng Nhà nước về KHCN trong đợt xét thưởng 2016. Các công trình này đã mang lại hiệu quả hàng trăm triệu USD.

Đó là những công trình đánh dấu sự trưởng thành, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong thời gian dài từ khi bắt đầu khai thác những tấn dầu đầu tiên của tập thể các nhà khoa học và công nghệ DKVN. Thông qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua các cấp, gương điển hình tiên tiến được Nhà nước và các cấp, các đoàn thể ghi nhận, khen thưởng. Thành tích đạt được ngày càng có giá trị cao và mang ý nghĩa quan trọng hơn.

Thách thức ở phía trước

Nhưng, nhìn lại thành quả 5 năm qua, vẫn còn có điều gì đó chúng ta chưa thật hài lòng với tầm vóc của PVN - một Tập đoàn kinh tế Nhà nước trụ cột của nền công nghiệp quốc gia, Tập đoàn giàu tiềm lực KHCN và tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn liền với hiệu quả ứng dụng và phát triển KHCN. Có thể nhận thấy một số hạn chế sau:

Trong hoạt động phong trào “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật ” cần được quan tâm đến chiều sâu và chất lượng đặc biệt trong việc đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo và ứng dụng công nghệ mới, cần xem đó là nhiệm vụ chính trị và là đòn bẩy để cải thiện hiệu quả, năng suất lao động và sức cạnh tranh, là nền tảng của sự phát triển bền vững của đơn vị.

Việc nuôi dưỡng nhân tố mới và nhân rộng gương điển hình tiên tiến còn hạn chế, chưa có sự liên kết thực sự giữa các đơn vị để tạo nên hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong toàn Tập đoàn.

Chính sách phát triển và ứng dụng KH&CN tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh chưa tạo được sự bứt phá, chưa thực sự tạo được cơ chế thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là phát huy sức cạnh tranh về năng lực trí tuệ ở đội ngũ trí thức.

Trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng KHCN, chúng ta mới hạn chế ở nghiên cứu, hoặc ứng dụng hiệu quả công nghệ bản quyền nước ngoài vào điều kiện đặc thù của Việt Nam, hoặc mới ở kết quả thực nghiệm, dạng “pilot”, chưa tạo sản phẩm công nghiệp mới, sáng tạo ra công nghệ độc quyền mang thương hiệu Petrovietnam, tăng hàm lượng nội địa hóa với công nghệ và các sản phẩm do Petrovietnam sản xuất có chất lượng quốc tế.

Bất cập trong chiến lược phát triển và cơ chế hoạt động của Viện nghiên cứu KHCN ngành và mối quan hệ với các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ ở các đơn vị thành viên, chưa tạo sự hỗ trợ lẫn nhau, chưa hình thành được sự phân tầng về mục tiêu, quy mô, trình độ và sự kết nối giữa ngắn hạn và trung hạn, dài hạn.

Theo đánh giá tình hình nghiên cứu KHCN ở Việt Nam của các chuyên gia cho thấy, chỉ số sẵn sàng công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 92/140 quốc gia, ở vị trí 106/145 về kinh tế tri thức, mối quan hệ giữa nghiên cứu và ứng dụng còn bất hợp lý, hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế; nhiều đề tài chưa sát thực tế; quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ còn bất cập, cơ chế chính sách còn chưa phù hợp…

Giai đoạn 2016 – 2020 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, khi giá dầu chưa có dấu hiệu hồi phục so với thời kỳ trước 2015, sản lượng và trữ lượng dầu khí trong nước ngày càng giảm, giá thành thăm dò và khai thác tấn dầu khí càng tăng, hoạt động thăm dò khai thác thu hẹp, hậu quả là hoạt động dịch vụ dầu khí cũng bị giảm theo trong lúc tiềm lực tài chính, năng suất lao động và sức cạnh tranh đặc biệt về sức sáng tạo và năng lực trí tuệ còn thấp.

Đổi mới theo chiều sâu

Vậy trước những khó khăn bất cập đó làm thế nào để nền công nghiệp dầu khí Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững tương xứng với một doanh nghiệp Nhà nước đầu tàu, phù hợp với tiềm năng và không tụt hậu so với các tập đoàn dầu khí khu vực?

Nghị quyết Hội nghị BCH TW lần 5 khóa 12, tháng 6/2017 đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả chung cho các doanh nghiệp Nhà nước.

Ở đây chúng tôi muốn đề cập khía cạnh riêng về “lao động sáng tạo trong KHCN”. Làm thế nào để KHCN tiếp tục trở thành động lực bứt phá cho sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Thứ nhất, về phát triển và nâng hiệu quả phong trào “Lao động sáng tạo” theo chiều sâu. Trong lĩnh vực sáng kiến cải tiến kỹ thuật, song song với việc tăng hiệu quả sử dụng dây chuyền công nghệ, thiết bị, từng bước chuyển sang hướng sáng chế, chế tạo các phụ tùng thay thế, tăng lượng nội địa hóa với sản phẩm mới chất lượng cao trình độ quốc tế. Trong lĩnh vực KHCN, song song với việc chú ý đến hiệu quả sử dụng công nghệ đang hoạt động, tăng hàm lượng đổi mới công nghệ, từng bước chuyển sang nghiên cứu phát triển công nghệ thông minh tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Có nghĩa chuyền từ R++ sang R&D và từ R&D sang RD&P smart (research, development and smart production).

Thứ hai, cần tạo hiệu ứng lan tỏa của các Giải thưởng “Lao động Sáng tạo” và “Giải thưởng Dầu khí về KHCN” trong lực lượng lao động, đặc biệt trong giới khoa học kỹ thuật trẻ. Thay đổi về nhận thức đối với các Giải thưởng này - không chỉ là hình thức vinh danh mà là biểu tượng động lực để phấn đấu, là một chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ mới và là chỉ số nói lên giá trị kinh tế trí thức của đơn vị trong Tập đoàn.

Thứ ba, cần nghiên cứu cấu trúc lại hệ thống KHCN trong Tập đoàn về mục tiêu, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động, quản lý, tạo sự liên thông, hiệu quả hơn trong sử dụng tích hợp các nguồn lực, phát triển công nghệ và sản phẩm có sức cạnh tranh về giá trị trí tuệ.

Ngô Thường San

(Hội Dầu khí Việt Nam)

DMCA.com Protection Status