Cần ứng xử đặc biệt với ngành Dầu khí

09:00 | 09/11/2021

5,709 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền với chiến lược phát triển đất nước, vì vậy cần có cách ứng xử đặc biệt. Đó là nhận định của TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.

PV: Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông đánh giá như thế nào về tình hình thăm dò, khai thác - khâu đầu của ngành Dầu khí hiện nay?

can ung xu dac biet voi nganh dau khi
TS Ngô Thường San

TS Ngô Thường San: Tốc độ suy giảm sản lượng dầu trong những năm gần đây diễn ra rất nhanh, giá dầu thô dao động mạnh ở mức thấp khó dự báo, tạo nhiều bất cập, khiến nguồn tài chính của PVN ngày càng eo hẹp, phần Nhà nước để lại bị giới hạn, không đủ để đầu tư phát triển. Nguồn lực hạn hẹp, phân tán, thiếu thể chế để các doanh nghiệp trong ngành hỗ trợ lẫn nhau nên các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, những điều khoản ưu đãi của Luật Dầu khí sửa đổi 2008 không còn đủ hấp dẫn các nhà dầu tư trong bối cảnh giá dầu biến động, không khuyến khích đầu tư vào các mỏ nhỏ, mỏ cận biên kinh tế và các mỏ đang ở thời kỳ khai thác tận thu hồi.

Do thiếu vốn thăm dò nên xảy ra sự mất cân đối trầm trọng giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác, xảy ra hiện tượng “tiêu lạm vào dự trữ”. Nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực đóng góp sản lượng quan trọng cho PVN sau 20-30 năm khai thác như Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, Lan Tây cung cấp trên 500 triệu tấn dầu quy đổi đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, sản lượng khai thác hiện nay đang suy giảm, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ tận thu hồi dầu, khoan bổ sung để tận khai thác, trong khi các mỏ mới được đưa vào khai thác chậm do thiếu vốn và vướng mắc các thủ tục đầu tư.

Việc thực thi các hợp đồng dầu khí nước ngoài bị chi phối bởi 3 bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, các luật: Đầu tư, Đầu tư công, Xây dựng cơ bản, Quản lý vốn Nhà nước và Nghị định đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí, nên quy trình rắc rối, khó thực hiện, kéo dài, gây nguy cơ rủi ro về pháp lý cho người thực hiện. Đặc thù của hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí là sự rủi ro cao do những bất cập về tiềm năng của lòng đất, an ninh địa chính trị, biến động giá dầu, vì thế không thể điều tiết bởi Luật Xây dựng cơ bản như hiện nay.

can ung xu dac biet voi nganh dau khi
Cụm giàn công nghệ Trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ

PV: Hoạt động thăm dò, khai thác sụt giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao. Ông có thể cho biết, lĩnh vực này đối diện với những thách thức hiện hữu như thế nào?

TS Ngô Thường San: Sự thu hẹp hoạt động thăm dò, khai thác trong nước kéo theo sự sụt giảm khối lượng dịch vụ và sự tăng trưởng không bền vững trong toàn ngành. Dòng tiền “PetroDollars” từ nguồn dầu Việt Nam bị chảy ra nước ngoài khi các doanh nghiệp dịch vụ trong nước “đói” việc. Khi tham gia các hợp đồng ngoài nước thì các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt do các khoản quy định bảo hộ nội địa của nước chủ nhà.

Trong khi đó, những bất cập trong các quy định trong Luật Đấu thầu 2013 dường như đang tạo ưu tiên cho dịch vụ nước ngoài, nhưng lại hạn chế sự phát triển dịch vụ trong nước (chủ yếu của ngành Dầu khí Việt Nam), đặc biệt đối với các công trình do PVN đầu tư.

PV: Ông nhận định thế nào về việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất?

TS Ngô Thường San: Dầu khí không chỉ là ngành năng lượng mà quan trọng là ngành công nghiệp chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và sản phẩm đa dạng cho nhu cầu dân sinh, vì thế cần bảo đảm điều kiện cho sự phát triển ngành hóa dầu trong PVN, cũng như cải thiện chất lượng sản phẩm lọc dầu theo chuẩn quốc tế khi hội nhập. Đó cũng là lý do mà việc nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là sự sống còn sau năm 2020. Vì thế cần có giải pháp về nguồn vốn, trong đó có sự bảo lãnh của Chính phủ.

PV: Rất nhiều khó khăn như vậy, theo ông đâu là tiềm năng và động lực phát triển của PVN trong giai đoạn tới?

TS Ngô Thường San: Trữ lượng thu hồi hiện tại ở cấp 2P (xác minh và có khả năng) theo thống kê khoảng 700 triệu m3 thu hồi dầu quy đổi, tập trung chỉ riêng và chủ yếu ở các bể truyền thống. Quỹ trữ lượng này có thể bảo đảm an toàn cho quy mô sản lượng hàng năm khoảng 25-28 triệu m3 dầu quy đổi khai thác trong 20-25 năm với điều kiện là việc phát triển và xây dựng mỏ phải bảo đảm tiến độ.

Nguồn thu và tạo vốn đầu tư chủ yếu của PVN trong kế hoạch nhiều năm tới là từ dầu thô và khí đốt khai thác trong nước quy mô mỏ nhỏ (trừ 2 mỏ Cá Voi Xanh và Lô B) điều kiện khai thác khó khăn, rủi ro an ninh lớn, chi phí cao, thời gian đưa mỏ vào khai thác kéo dài 7-9 năm, có khi hơn, đặc biệt với các mỏ khí.

Cùng với đó, công nghiệp khí trong chuỗi giá trị sẽ là động lực phát triển ngành Dầu khí sau năm 2020. Các bể chứa dầu khí vùng nước sâu, xa bờ trên thềm lục địa Việt Nam là đối tượng tiềm năng cho sự phát triển dài hạn của PVN. Nguồn nhân lực kỹ thuật cao, tích lũy nhiều kinh nghiệm của PVN hiện nay là động lực quan trọng để ngành Dầu khí phát triển ổn định.

PV: Là người đứng đầu Hội Dầu khí Việt Nam, một Hội có vai trò quan trọng trong tư vấn, phản biện cho ngành Dầu khí, ông có kiến nghị gì muốn gửi đến các cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện cho ngành Dầu khí vượt qua thách thức, phát triển bền vững?

TS Ngô Thường San: Theo tôi, cần bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí 2008 và các văn bản dưới luật phù hợp với thực tiễn kinh tế dầu khí thế giới, tiềm năng dầu khí trong nước, kích thích đầu tư nước ngoài tận khai thác các mỏ đang suy giảm, nâng cao hệ số thu hồi dầu, đầu tư phát triển các mỏ cận biên kinh tế, các vùng khó khăn nước sâu, xa bờ.

Trong khi chờ sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí, Chính phủ, Bộ Công Thương cần sớm ban hành “quy định tạm thời” mang tính pháp quy bổ sung quy định về phân cấp và xét duyệt trữ lượng nhằm rút ngắn lộ trình xét duyệt và đưa các mỏ dầu, khí vào khai thác sớm; đơn giản hóa quy trình và các thủ tục xét duyệt, có cơ chế ưu đãi (tài chính, thuế) cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước (PVEP) nhằm kích thích phát triển các mỏ nhỏ, cận biên, đầu tư khoa học công nghệ tăng hệ số thu hồi dầu.

Bên cạnh đó, trong Luật Đấu thầu có nhiều điều khoản không phù hợp với đặc thù ngành Dầu khí cần điều chỉnh bổ sung để phát huy nội lực các dịch vụ chuyên ngành trong nước, tạo sức cạnh tranh.

Dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền với chiến lược phát triển đất nước, liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm sự tự chủ về nhiên liệu, nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế như nông nghiệp (phân bón), hóa dầu (nhựa và sản phẩm tiêu dùng chất dẻo), nguyên liệu xuất xứ nội địa cho các ngành dệt may, da giày, các sản phẩm hóa chất…, đặc biệt là động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp ngân sách Nhà nước.

Bất cứ quốc gia nào cũng đều nắm giữ những phần cốt lõi và có Luật Dầu khí cho công ty dầu khí quốc gia của họ, vì dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt nên phải có cách ứng xử đặc biệt riêng đối với nó. Các nước còn xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ hoàn chỉnh cho toàn chuỗi giá trị dầu khí, chứ không riêng lĩnh vực hợp tác đầu tư trong thăm dò, khai thác. Theo tôi, Luật Dầu khí của Việt Nam cũng nên bao trùm, điều chỉnh toàn chuỗi giá trị dầu khí.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Cần bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí 2008 và các văn bản dưới luật phù hợp với thực tiễn kinh tế dầu khí thế giới, tiềm năng dầu khí trong nước, kích thích đầu tư nước ngoài tận khai thác các mỏ đang suy giảm, nâng cao hệ số thu hồi dầu, đầu tư phát triển các mỏ cận biên kinh tế...
can ung xu dac biet voi nganh dau khi Ghi nhận nhiều khó khăn, thách thức với ngành Dầu khí
can ung xu dac biet voi nganh dau khi Định vị vai trò của ngành Dầu khí

Mai Phương

DMCA.com Protection Status