Người tiên phong trên tàu Bình Minh 02

07:00 | 26/03/2014

1,881 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Là đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong ngành Dầu khí duy nhất lọt tốp 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013, anh vừa được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn vinh danh, Mai Văn Phương - kỹ sư trưởng bộ phận vận hành nguồn nổ tàu Bình Minh 02 của Công ty Dịch vụ khảo sát và Công trình ngầm (PTSC G&S) luôn tạo cho người đối diện cảm giác giản dị, dễ gần và thân thiện. Tranh thủ thời gian được nghỉ phép “lên bờ”, Mai Văn Phương đã trải lòng mình về những câu chuyện xúc động về nghề đi biển, về những năm tháng được cống hiến trên con tàu huyền thoại: Bình Minh 02.

Năng lượng Mới số 307

Khẳng định sức trẻ

Mai Văn Phương tốt nghiệp hai trường đại học là Đại học Bách khoa TP HCM và Đại học Kinh tế với tấm bằng loại ưu. Ra trường, Phương muốn làm đúng ngành được đào tạo nhưng cơ duyên đưa anh là một trong 20 kỹ sư của Việt Nam được tuyển chọn từ hàng trăm hồ sơ tuyển dụng trong cả nước để làm những người tiên phong trong lĩnh vực khảo sát thăm dò địa chấn 2D trên tàu Bình Minh 02. Phương nhớ lại: “Chúng tôi là những người được tuyển chọn rất kỹ từ những trường đại học có chất lượng đào tạo hàng đầu của cả nước như Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM, Đại học Mỏ - Địa chất... Ngoài kiến thức chuyên môn giỏi, 20 kỹ sư này có trình độ ngoại ngữ tương đối tốt và phải là người có sức khỏe”. Thế rồi, Phương bắt đầu hành trình ra Biển Đông, cùng con tàu địa chấn Bình Minh 02 khảo sát trên vùng biển thềm lục địa nước nhà, tìm dầu cho đất nước.

Mai Văn Phương nhận phần thưởng cao quý tại Văn phòng Chính phủ

Thoáng đấy mà đã hơn 5 năm trôi qua, bây giờ Phương vẫn còn nguyên cảm giác khi nhớ về giai đoạn cực kỳ thử thách và khó khăn, vất vả ấy. Làm việc trong một môi trường vất vả, nguy hiểm, đối diện với bão táp phong ba, say sóng sặc sụa nhưng vẫn phải làm việc. Công việc là thế nhưng khó khăn nhất là phải sinh hoạt trong môi trường đa văn hóa, đa quốc tịch. Kinh nghiệm đi biển của bản thân là con số 0 tròn trĩnh, tiếng Anh còn hạn chế. Toàn bộ nhân sự làm việc trên tàu Bình Minh 02 trong những năm đầu vận hành toàn là người nước ngoài, kể cả bên bộ phận hàng hải và bộ phận địa chấn. Không phải 20 kỹ sư được tuyển dụng vào là được xuống tàu làm việc ngay vì có những điều kiện khó khăn về phòng ngủ và điều kiện sinh hoạt làm việc trên tàu. Chỉ một số ít kỹ sư có trình độ ngoại ngữ giỏi và nền tảng kiến thức chuyên môn tốt được Ban Giám đốc đề cử tiên phong xuống tàu thực tập, thử việc (gọi là vừa học vừa làm). Phương là một trong những kỹ sư bước chân đầu tiên xuống tàu Bình Minh 02 làm việc vào đầu năm 2009.

Thế nhưng, với sức trẻ đầy nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc, niềm đam mê khoa học công nghệ, tinh thần vượt khó, ý chí mãnh liệt dám nghĩ dám làm, và sự tự tin của bản thân đã giúp Phương vượt qua từng thử thách. Phương cho mình là người tỉ mỉ, chu đáo, cẩn thận trong từng công việc. Đặc biệt, Phương rút ra một điều là khi làm việc ở môi trường đa văn hóa thì phải cố gắng xây dựng mối quan hệ thân thiện với những người trong và ngoài bộ phận; khéo léo giao tiếp linh hoạt để đặt câu hỏi đúng thời điểm, đúng người có chuyên môn để học hỏi kinh nghiệm.

Mai Văn Phương còn nhớ câu nói của người kỹ sư trưởng trong những ngày đầu lên tàu làm việc: “Cleaning is the basic training” (Tạm dịch là: Vệ sinh, dọn dẹp là công việc cơ bản của người thử việc). Câu nói này thật ý nghĩa và rất đúng cho môi trường làm việc trong ngành Dầu khí. Và nó cũng rất đúng theo nghĩa phương pháp 5S của người Nhật. Vệ sinh để có môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất để người lao động tự hào và thấy thoải mái về nơi làm việc của mình, phòng tránh những tai nạn xảy ra. Theo nghĩa bóng, quan trọng hơn là phải loại bỏ những suy nghĩ hạn chế, những thói xấu trong sinh hoạt, những cái chưa phù hợp để học hỏi những điều tốt đẹp, thích nghi trong môi trường làm việc kỷ luật, chuyên nghiệp, năng động hơn.

Và Phương đã can đảm vượt lên chính mình, tìm được nguồn cảm hứng trong công việc. Dần dần theo năm tháng anh đã khẳng định được khả năng của mình, được đánh giá cao và sự tôn trọng của bạn bè quốc tế bởi tác phong làm việc chuyên nghiệp, sự chịu khó và ham học hỏi. Phương nhớ lại: “Rất nhiều đời Chief Gun (kỹ sư trưởng bộ phận vận hành nguồn nổ) mà tôi từng được làm việc cùng, mỗi người thầy này đã dạy cho tôi rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề nghiệp, để lại trong tôi sự tôn trọng và tình cảm quý mến. Và đến nay khi họ không còn làm việc ở Bình Minh 02 nữa nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, chia sẻ kinh nghiệm”.

Phương là người Việt Nam đầu tiên được thử thách thay thế ca trưởng vận hành nguồn nổ và kỹ sư trưởng của một bộ phận trong địa chấn. Bây giờ Phương đã là kỹ sư trưởng vận hành nguồn nổ trên tàu Bình Minh 02. Công việc của một kỹ sư trưởng của bộ phận là chịu trách nhiệm toàn bộ về mặt kỹ thuật cũng như quản lý nhân sự trong bộ phận mình, đảm bảo toàn bộ thiết bị, máy móc, hệ thống trong điều kiện hoạt động tốt nhất, vận hành suôn sẻ. Ngoài ra anh còn phải quản lý vật tư, nguồn dự trữ cho từng thiết bị đảm bảo đủ cho tàu hoạt động vận hành bình thường. Lên kế hoạch làm việc hằng ngày cho nhân sự trong bộ phận, rà soát và mua vật tư đảm bảo đủ để tàu hoạt động, lập kế hoạch bảo trì bảo dưỡng thiết bị, máy móc theo định kỳ.

Kỹ sư Mai Văn Phương (phải) trong ca làm việc

Trong hơn 2 năm đảm nhận các vị trí công việc trên, Phương liên tục có những sáng kiến kỹ thuật, giải quyết triệt để những vấn về gây thiệt hại nghiêm trọng mà các đời kỹ sư trưởng bộ phận vận hành nguồn nổ trước đây chưa làm được. Kết quả của những cải tiến cho thấy hiệu quả giải quyết vấn đề một cách triệt để, được sự ghi nhận đánh giá rất cao của chính cấp trên quản lý trực tiếp. 

Phương có một sáng kiến đã giải quyết vấn đề nổi cộm tồn tại suốt 3 năm từ khi tàu Bình Minh 02 mua về Việt Nam, các kỹ sư trưởng vận hành nguồn nổ người nước ngoài trước đây  cũng loay hoay tìm ra nguyên nhân và phương án giải quyết nhưng chưa thực hiện được triệt để. Đến khi Phương lên thay thế họ, anh đã phân tích, giám sát thật kỹ, tìm ra được chính xác nguyên nhân và đưa ra giải pháp cải tiến phù họp. Cải tiến mang tên: “Giải pháp chống bỏ lines do hỏng solenoid và pigtail trên súng có volume lớn”. Cải tiến giúp công ty giảm thiệt hại trực tiếp ít nhất 15 tỉ đồng/năm. Cải tiến được toàn thể Ban Giám đốc PTSC G&S đánh giá cao và trao giải là một trong những cải tiến có giá trị nhất trong năm của công ty PTSC G&S.

Bên cạnh đó, Phương cũng có thêm một sáng kiến, mang tên “Nâng cao tuổi thọ và hạn chế hư hỏng của Umbilicals”. Cải tiến giúp đơn vị giảm thiệt hại trực tiếp ít nhất 4 tỉ/năm. Theo lý thuyết tính thiệt hại gián tiếp “Nguyên lý tảng băng chìm” thì thiệt hại gián tiếp gấp 4-5 lần thiệt hại trực tiếp. Trong từng đề tài cải tiến chi tiết, Phương có phân tích và đưa ra số liệu cụ thể. Như vậy nếu tính ra thiệt hại gián tiếp hay số tiền mang lại, tiết kiệm cho công ty từ 2 cải tiến quan trọng trên một năm ít nhất vài chục tỉ đồng.

Ngoài các sáng kiến quan trọng trên, Mai Văn Phương có rất nhiều cải tiến để nâng cao tính an toàn khi làm việc, giảm tai nạn và hư hỏng thiết bị. Điển hình như sáng kiến “Thiết kế và thi công để đồng bộ tất cả các nút nhấn khẩn cấp ngừng của các hệ thống thủy lực trên tàu Bình Minh 02”; “Tạo lớp bảo vệ ống khí áp lực cao tại các tời nguồn nổ địa chấn”; “Nâng cao hệ số an toàn cho người vận hành khi làm việc các dãy súng tải nặng treo lơ lửng”. Các cải tiến được triển khai áp dụng rất hiệu quả, mang lại môi trường làm việc an toàn hơn, giúp cho tàu Bình Minh 02 đạt được những điểm đánh giá rất cao và sự hài lòng của khách hàng, nhà thầu trong từng dự án.

Dấu ấn Bình Minh 02

Được làm việc trên con tàu Bình Minh 02 lịch sử, Mai Văn Phương được sống từng giờ phút hạnh phúc khi những kết quả khảo sát được gửi về bờ tiếp tục thẩm định. Nhưng nguy hiểm cũng nhiều. Ấy là hồi Bình Minh 02 bị 3 tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp địa chấn. Lúc đó, Phương cũng như tất cả mọi người đều thấp thỏm lo lắng vì chưa bao giờ phải đối diện với tình huống bất ngờ như vậy. Tuy nhiên, cảm giác đó cũng nhanh chóng trôi qua khi anh em nhận thức được đây là một hành động gây hấn, phá hoại của tàu Trung Quốc. “Với bản lĩnh và kinh nghiệm đi biển lâu năm, dưới sự chỉ đạo của cấp trên, sự quản lý của từng trưởng bộ phận, chúng tôi đã nhanh chóng khắc phục sự cố và đưa tàu tiếp tục làm việc bình thường” - Phương nhớ lại.

Sau sự kiện đó, tàu Bình Mình 02 được cả nước quan tâm, nhắc đến rất nhiều trên báo chí trong nước và quốc tế. Con tàu đã đi vào huyền thoại, là nhân chứng sống của lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam. Bình Minh 02 là con tàu khảo sát địa chấn 2D đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay được liên doanh với một công ty số một thế giới CGG của Hà Lan trong lĩnh vực khảo sát thăm dò địa chấn trên biển 2D, 3D. Đây là công việc đầu tiên để tìm ra nguồn năng lượng dầu lửa và khí đốt trên biển. Hiện con tàu đang làm việc rất hiệu quả và được đánh giá rất cao từ CGG. Tàu vừa thực hiện thành công liên tiếp 3 dự án ở nước ngoài, được sự đánh giá khen ngợi từ khách hàng khó tính trong ngành nghề, tính an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian tham gia dự án.

Tàu Bình Minh 02 đang làm nhiệm vụ

Tuy nhiên, ít ai biết được nhân sự để vận hành con tàu này như thế nào và thời gian làm việc ra sau trên con tàu vốn quá nổi tiếng này? Nhân sự làm việc trên tàu có khoảng 44 người chia gần như đều nhau làm 2 bộ phận lớn riêng biệt nhưng lại có sự gắn bó chặt chẽ và liên quan trực tiếp với nhau trong công tác thăm dò địa chấn.

Bộ phận hàng hải (Maritime Crew), đứng đầu là thuyền trưởng. Bên dưới thuyền trưởng có 2 bộ phận trực thuộc là Máy trưởng (Chief Engineer) và bộ phận kia là Boong, đứng đầu là Đại phó (Chief Officer). Nhân sự của bộ phận hàng hải này chủ yếu là những người tốt nghiệp từ các trường đại học hàng hải trong nước.

Bộ phận địa chấn (Seismic Crew), đứng đầu là Party Chief. Đây là bộ phận quan trọng, trực tiếp làm công việc thăm dò khảo sát dầu khí. Party Chief là thủ lĩnh cao nhất chịu trách nhiệm toàn bộ công việc thăm dò khảo sát trong từng dự án, làm việc trực tiếp với khách hàng trong việc đảm bảo chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật. Party Chief trực tiếp quản lý 4 bộ phận quan trọng. Bộ phận thứ 1: Vận hành nguồn nổ (Gun Department), đứng đầu là Kỹ sư trưởng vận hành nguồn nổ, chức danh mà Phương đã thay thế được chuyên gia người nước ngoài và làm rất tốt trong suốt hơn 2 năm vừa qua. Bộ phận thứ 2: Thu nhận dữ liệu (Observer Department), họ là những Observers làm việc trực tiếp với cáp địa chấn,  đứng đầu là Chief Observer. Bộ phận thứ 3: Bộ phận định vị (Navigation Department), họ là những Navigators làm nhiệm vụ dẫn đường con tàu đi đúng tuyến, đứng đầu là Chief Navigator. Bộ phận cuối cùng Xử lý tín hiệu (Processing Department) là những người có chuyên môn trong lĩnh vực Địa vật lý, họ được gọi là Processors. Dữ liệu được xử lý sơ bộ trước khi lưu vào băng từ. Băng từ được xem là sản phẩm cuối cùng của công việc khảo sát thăm dò địa chấn trên biển. Các băng từ này được mang về trung tâm minh giải địa chấn, nơi có những chuyên gia đầu ngành phân tích và cho biết kết quả thăm dò cụ thể hơn. Hiện tại chúng ta cũng vinh dự vừa có được 1 người Việt thay thế chuyên gia người nước ngoài, đó là anh Dương Hoài Thanh, kỹ sư trưởng bộ phận này.

Như vậy kỹ sư địa chấn trên tàu làm việc trên 4 bộ phận quan trọng này. Trong công việc mỗi bộ phận đều có những công việc đặc thù khác nhau nhưng công việc 4 bộ phận này liên quan rất chặt chẽ, mật thiết với nhau theo một trình tự. Thông số kỹ thuật hay kết quả làm việc của bộ phận này ảnh hưởng một cách trực tiếp đến các bộ phận khác theo một chuỗi.

Tàu Bình Minh 02 hoạt động liên tục 24/24. Các kỹ sư địa chấn ở từng bộ phận làm việc theo ca 12 giờ liên tục. Có 2 ca làm việc: Ca ngày làm từ 12h trưa đến 12 giờ đêm, ca đêm làm việc từ 12 giờ đêm đến 12 giờ trưa ngày hôm sau. Mỗi chuyến đi biển kéo dài 5 tuần liên tục (trước đây là 6 tuần). Tuy vất vả trăm đường nhưng Phương và đồng nghiệp luôn đề cao trách nhiệm cá nhân, luôn hoàn thành nhiệm vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao và được đối tác tin cậy. Sắp tới, nhiệm vụ của tàu Bình Minh 02 phải vươn mình ra vùng nước sâu, xa bờ ở Biển Đông. Phương xác định, thành công trong lao động sáng tạo hôm nay chưa phải là đích cuối cùng mà chỉ là bước đệm để anh và đồng nghiệp hoàn thành những nhiệm vụ phức tạp phía trước mà thôi.

DANH SÁCH 10 GƯƠNG MẶT TRẺ TIÊU BIỂU VIỆT NAM 2013

1. PGS.TS. Lê Anh Vinh - Phó trưởng phòng Khoa học - Quan hệ quốc tế - Học viện Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2013; Huy chương Bạc Toán quốc tế; Huy chương Vàng Toán Châu Á - Thái Bình Dương; nhận bằng Tiến sĩ của Đại học Havard năm 27 tuổi.

2. Đại úy Mai Hoàng - Phó trưởng Công an huyện Vân Hồ - tỉnh Sơn La. Anh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

3. Vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên - Thượng úy, Trung tâm Thể dục Thể thao QP4, Quân khu 9; Kiện tướng bơi lội quốc tế, Đội tuyển bơi lội Quốc gia. Tổng cộng năm 2013 đạt 39 huy chương quốc tế các loại tại các giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á tại Hàn Quốc, Đại hội thể thao trẻ châu Á, SEA Games 27.

4. Lại Văn Điệp - Giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ Mỹ nghệ người tàn tật; Xã Vũ Ninh - Kiến Xương - Thái Bình. Hiện là giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ với doanh thu mỗi năm khoảng 4 tỉ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động trong đó một nửa là người khuyết tật, đạt thu nhập 3,5 - 4 triệu/tháng.

5. Nguyễn Đăng Quang - Học sinh chuyên ngành Piano - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Em đã tham gia cuộc thi “Âm nhạc Quốc tế” tại Val Tidone lần thứ 13 tại Picenza, Italia và giành giải Nhất bảng B bộ môn Piano cho lứa tuổi dưới 15.

6. Mai Văn Phương - Kỹ sư trưởng bộ phận vận hành nguồn nổ tàu Bình Minh 02, Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và Công trình ngầm PTSC - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Là kỹ sư trưởng người Việt Nam đầu tiên trong 20 kỹ sư đầu tiên của Việt Nam được tuyển chọn làm việc trên tàu khảo sát địa chấn 2D Bình Minh 02.

7. Nguyễn Sỹ Luận - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Bình Minh; Xã Phù Tế, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Sở hữu trang trại VAC diện tích 70.000 m2, kinh phí đầu tư hơn 30 tỉ đồng, hằng tháng cung ứng hàng trăm tấn lợn hơi, đạt lợi nhuận 3 tỉ/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 45 lao động.

8. Nguyễn Dương Kim Hảo - Học sinh lớp 6/8 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã thiết kế bảng điều khiển thông minh giúp người sử dụng tắt các thiết bị điện khi đã ra ngoài.

9. Bùi Quang Tú - Lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đoạt Huy chương Vàng hai kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và Quốc tế năm 2013.

10. Đặng Quốc Khánh - Thượng úy, Đội phó Đội Phòng chống tội phạm ma túy, Đồn biên phòng Hạnh Dịch - Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An.


Đức Chính

 

DMCA.com Protection Status