Nhiều cơ chế, chính sách cản trở sự phát triển của PVN

07:00 | 07/09/2018

1,077 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
PVN và các đơn vị thành viên đang ở vào thời điểm khó khăn nhất trong quá trình hoạt động của mình.

Trải qua 43 năm xây dựng và phát triển, với bề dày truyền thống lịch sử và sự nỗ lực lớn, TĐ Dầu khí VN (PVN) đã có trong tay khối tài sản đồ sộ cùng lực lượng lao động 60.000 người có trình độ cao, tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ có thể xếp ngang hàng với ngành dầu khí của nhiều nước trên thế giới. Điều này khẳng định năng lực, trí tuệ và bản lĩnh kiên cường của những người đi tìm lửa suốt gần nửa thế kỷ. Đây là tài sản quý giá nhất rất cần được nâng niu, trân trọng và phát huy giá trị….

nhieu co che chinh sach can tro su phat trien cua pvn
Mẫu dầu lấy lên từ mỏ Bạch Hổ

Khủng hoảng kép

Tuy nhiên, hiện PVN và các đơn vị thành viên đang ở vào thời điểm khó khăn nhất trong quá trình hoạt động của mình. Cuối năm 2014 cho đến nay, giá dầu giảm sâu, bất ngờ, địa bàn hoạt động của ngành dầu khí đặc biệt khó khăn, nhiều cơ chế chính sách bất cập gây cản trở cho sự phát triển của ngành dầu khí chưa được tháo gỡ. Bên cạnh đó, một số cán bộ của ngành dầu khí vi phạm pháp luật bị truy tố làm suy giảm lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến tâm lý và việc làm của người lao động…càng đẩy ngành dầu khí đến khủng hoảng kép. Mặc dù PVN đã tập trung tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh tìm kiếm việc làm, thăm dò, phát triển các mỏ mới nên các chỉ tiêu SXKD vẫn hoàn thành và duy trì đội ngũ, giữ vững các hoạt động và đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước. Song một số bất cập trong cơ chế chính sách, trong điều hành vĩ mô cùng Luật Dầu khí và các luật có liên quan đến PVN không được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc đang trở thành rào cản sự phát triển của PVN mà nếu không sớm được tháo gỡ và sửa đổi thì PVN sẽ không phát huy được khối tài sản quý giá để phục vụ cho sự phát triển nền kinh tế của đất nước.

Nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách.

Nhằm lắng nghe và góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập của PVN, đoàn công tác của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã dành 3 ngày làm việc với các đơn vị thành viên của PVN về tình hình thực hiện NQ số 41 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Từ đó, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội sẽ thu thập những kiến nghị để trình ỦB Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp tới vào tháng 10 năm nay.

Với các doanh nghiệp thiết kế, xây lắp của PVN như PV Drilling, PVE, PVC, PTSC, PVFCCo đều có chung kiến nghị sửa đổi các bất cập trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Dầu khí… đang làm cho các doanh nghiệp này thua thiệt, thiếu công bằng khi không đủ tư cách tham gia đấu thầu các dự án và phải làm thuê trên chính đất nước mình. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam vênh với hệ thống pháp luật quốc tế cùng những thủ tục nhiêu khê, phiền hà trong các luật đã làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp…

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC, doanh nghiệp đảm nhận hơn 40 dự án theo phương thức tổng thầu EPC, EPCI và là đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao phục vụ cho thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí, rất có uy tín với các nhà thầu nước ngoài kiến nghị: Nhà nước cần mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp trong nước làm tổng thầu EPC và EPCI và tách các gói thầu ra, phần nào trong nước làm được thì dứt khoát không tổ chức đấu thầu quốc tế. Cần ưu tiên và lựa chọn doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ đặc thù dầu khí đối với các gói thầu do PVN và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư, ưu tiên sử dụng dịch vụ nội bộ…nhằm giúp các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí và chế tạo cơ khí trong nước phát triển.

Cùng quan điểm với ông Lê Mạnh Cường, ông Đỗ Văn Khạnh, Chủ tịch PV Drilling, nhà thầu khoan sở hữu đội ngũ giàn khoan hiện đại mang tầm cỡ quốc tế, song đang lâm vào cảnh thảm hại. Hiện nhiều giàn khoan đang đắp chiếu, không có việc làm hoặc giá cho thuê khoan thấp dưới giá vốn nên kết quả SXKD đang thua lỗ. Theo ông Khạnh: Chính phủ cần ban hành một số cơ chế đặc thù cho PV Drilling như ưu tiên cho phép cung cấp dịch vụ cho công tác khoan và dịch vụ khoan phục vụ công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam để mỗi giàn khoan đều trở thành một tiền tiêu trên biển bảo vệ chủ quyền, lãnh hải của Tổ quốc.

Đại diện các đơn vị của PVN cũng nêu lên những khó khăn trong công tác đầu tư ra nước ngoài, về bảo lãnh chính phủ và thu xếp vốn cho các dự án đầu tư của PVN, về việc bù thuế sản phẩm dự án NM Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đảm bảo nguồn vốn cho PVN thực hiện các mục tiêu chiến lược, có cơ chế phù hợp để PVN có thể hỗ trợ vốn để xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém .…

Hết sức trăn trở về tương lai của ngành dầu khí, ông Lê Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí VN kiến nghị Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cần giám sát việc thực hiện NQ 41 của Bộ Chính trị bởi hành lang pháp lý và cơ chế đặc thù cho hoạt động dầu khí thể hiện rất rõ ở NQ 41. Tuy nhiên sau gần 3 năm triển khai nghị quyết này, việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện phát triển ngành dầu khí còn chậm đã gây khó khăn cho PVN và các đơn vị thành viên. Đặc thù của ngành công nghiệp dầu khí là sự liên kết giữa các chuỗi giá trị, từ thăm dò khai thác, chế biến lọc hóa dầu, đến phân phối tiêu thụ sản phẩm. Vì thế hiệu quả của Tập đoàn phải là hiệu quả tích hợp của chuỗi các khâu công nghệ (các đơn vị thành viên); trong đó cốt lõi là khâu thăm dò khai thác dầu khí.

Trình Quốc hội sửa đổi

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đại diện đoàn công tác cho rằng: Hiện còn những vấn đề chồng chéo trong triển khai Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Dầu khí...Trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều mâu thuẫn giữa luật chuyên ngành và luật tổng hợp. Vì vậy, Uỷ ban đang tìm hiểu và thu thập các ý kiến của doanh nghiệp, của PVN để hoàn thiện báo cáo sơ kết 3 năm triển khai NQ 41 về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí. Theo đó, trong thời gian tới, các bất cập này sẽ được xem xét để trình lên Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp dầu khí.

Hy vọng, những đề xuất, kiến nghị trên của PVN sớm được Quốc hội và các ban ngành quan tâm tháo gỡ, chỉnh sửa giúp cho người lao động dầu khí có thêm dũng khí và niềm tin góp phần đưa ngành dầu khí Việt Nam vững bước đi lên.

Báo Đất Việt

nhieu co che chinh sach can tro su phat trien cua pvnCác sự kiện nổi bật của PVN trong tuần từ 25/8 đến 1/9
nhieu co che chinh sach can tro su phat trien cua pvnĐịnh vị vai trò của ngành Dầu khí
nhieu co che chinh sach can tro su phat trien cua pvnThắp sáng ngọn lửa truyền thống Dầu khí

DMCA.com Protection Status