Những đóng góp thiết thực

14:22 | 24/05/2013

434 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, ngày nay, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã thực sự trở thành một tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) hàng đầu của công nghiệp dầu khí Việt Nam với một số lĩnh vực ngang tầm khu vực, có khả năng triển khai nghiên cứu và cung cấp dịch vụ KHCN một cách có hiệu quả cho toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí.

Đầu tàu nghiên cứu và ứng dụng

Được thành lập từ ngày 22/5/1978 trên cơ sở Đoàn Nghiên cứu Địa chất Dầu khí chuyên đề 36B thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam, VPI đã trải qua 35 năm song hành cùng đất nước, cùng ngành Dầu khí Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn của thời kỳ sau chiến tranh, hăng say nghiên cứu, tích cực đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Việc thành lập VPI đã chứng tỏ tầm nhìn xa, nhận thức đúng và kịp thời của thế hệ lãnh đạo ngành đầu tiên đã xác định KHCN phải đi trước một bước và ngành Dầu khí Việt Nam muốn phát triển thì phải có một nền KHCN tiên tiến, hiện đại.

Hiện nay, VPI có 7 trung tâm chuyên ngành: Tìm kiếm - Thăm dò và Khai thác; Phân tích Thí nghiệm; Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ; Chế biến Dầu khí; An toàn - Môi trường; Kinh tế - Quản lý; và Lưu trữ Dầu khí. Các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện trong những năm qua đã góp phần tư vấn xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành, sáng tỏ cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng dầu khí Việt Nam, nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, gia tăng thu hồi dầu, lựa chọn quy trình công nghệ lọc hóa dầu, chế biến khí, giải quyết nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực an toàn và bảo vệ môi trường cũng như kinh tế và quản lý dầu khí...

TS Phan Ngọc Trung, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VPI báo cáo kết quả hoạt động của VPI tại Hội nghị Khoa học - Công nghệ với chủ đề "Trí tuệ Dầu khí Việt Nam - Hội nhập và phát triển bền vững" ngày 22/5/2013

Với vai trò là đơn vị đi đầu thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá trong quản lý và triển khai nghiên cứu và cung cấp dịch vụ KHCN, VPI đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển; ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường liên kết khoa học - đào tạo - ứng dụng, các đề tài gắn kết trực tiếp với hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong chất lượng nghiên cứu, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững của ngành.

Hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các dự án nghiên cứu chung (ENRECA, CoreLab, Idemitsu, JOGMEC/TRC…) với các viện nghiên cứu, tổ chức KHCN đã giúp nâng cao trình độ nghiên cứu và khả năng nắm bắt và ứng dụng công nghệ mới dầu khí thế giới vào trong thực tiễn hoạt động dầu khí nước nhà. KHCN Dầu khí Việt Nam thực sự hội nhập trong sự phát triển chung.

Thành quả nhiều ý nghĩa

Với việc chủ trì và tham gia thực hiện hàng ngàn chương trình, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, bộ, ngành cùng với hợp đồng dịch vụ KHCN từ việc xử lý và minh giải hàng trăm nghìn km tuyến địa chấn 2D, hàng chục nghìn km2 địa chấn 3D, phân tích hàng chục ngàn chỉ tiêu mẫu đất dá, dầu khí tới việc xây dựng hàng chục mô hình địa chất mô phỏng mỏ dầu khí, quy trình công nghệ xử lý chế biến dầu thô và hóa dầu tới việc đề xuất mô hình kinh tế quản lý, chuỗi cung ứng dầu khí, thị trường dầu khí… có thể khẳng định VPI đã đi đầu trong những đóng góp về KHCN cho ngành Dầu khí và cho đất nước.

Điển hình trong đó phải kể đến những đóng góp làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí các bể trầm tích trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam cũng như ở khu vực có dự án ở nước ngoài, phục vụ việc hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới để xây dựng các mô hình địa chất, mô hình mô phỏng mỏ làm cơ sở để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí, đặc biệt đối tượng móng nứt nẻ trước Đệ Tam chứa dầu của Việt Nam.

VPI đã nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và ứng dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR, IOR) bằng bơm tổ hợp hóa vi sinh hóa lý, bơm CO2, nén khí hydrocarbon cho từng đối tượng - mỏ dầu khí, công nghệ nano, nghiên cứu chống ăn mòn, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ khí - điện; Phục vụ hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khâu sau thông qua việc phân tích nhanh chóng, chính xác tính chất dầu khí và sản phẩm dầu khí, tư vấn lập các định hướng phát triển dài hạn (chiến lược) và trung hạn (quy hoạch) cho Nhà nước, Tập đoàn và các công ty thuộc Tập đoàn, lập và thẩm định các dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến dầu khí, tư vấn nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy chế biến dầu khí (lựa chọn nguyên liệu, đánh giá lựa chọn xúc tác, phụ gia và hóa phẩm, tiết kiệm năng lượng, xác định cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường); khảo sát thử nghiệm trên diện rộng để cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học cho Nhà nước ban hành lộ trình áp dụng xăng E5/E10, giải quyết bài toán đầu ra cho các nhà máy sản xuất ethanol của Tập đoàn. Hỗ trợ sản xuất và phân phối đại trà xăng E5: xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về pha chế, tồn trữ, vận chuyển và phân phối xăng pha etanol cho Bộ Công Thương, tư vấn giải pháp cải tạo, chuyển đổi cơ sở hạ tầng xăng dầu hiện hữu cho PETEC và PV Oil; Duy trì thế mạnh đối với các sản phẩm truyền thống về quản lý môi trường (lập cam kết, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc môi trường, đánh giá độc tính sinh thái...), củng cố được vị trí của mình trong lĩnh vực quản lý an toàn (đánh giá rủi ro, môi trường lao động...) và bước đầu phát triển lĩnh vực sức khỏe người lao động (bản đồ tiếng ồn, chuẩn sức khỏe…).

Bên cạnh đó, VPI đã được giao xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch, như “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, “Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025”, “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến 2015 và định hướng đến 2025”, “Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí đến năm 2015, định hướng đến năm 2025”, “Chiến lược tăng tốc phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025”.

Trong giai đoạn sắp tới, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng các đơn vị thành viên phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng tốc phát triển các lĩnh vực cốt lõi với hàng loạt giải pháp về KHCN, con người và quản lý. Để triển khai các giải pháp đột phá về con người, VPI phấn đấu xây dựng thành một học viện, lấy con người làm trung tâm, coi đó là vốn quý nhất để đầu tư, phát triển, trên cơ sở bảo đảm ba giá trị cốt lõi “Đạo đức - Chuyên nghiệp - Trí tuệ”, là nguồn chất xám phục vụ hoạt động cốt lõi của ngành.

Ngân Hà

DMCA.com Protection Status