Những người bạn, người thầy xứ Bạch Dương

08:00 | 01/05/2016

1,091 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 25-8-1964, tôi về nhận công tác ở Đoàn Địa chất 36, thị xã Hưng Yên. 40 năm sau, ngày 25-8-2004, tôi nghỉ hưu, lúc này tôi vừa tròn 60 tuổi.

Lê Ngọc Thông (Cán bộ hưu trí  PVN - Kỹ sư Địa Vật lý)

Biết bao kỷ niệm vui buồn với ngành nghề, với bạn bè đồng nghiệp chợt ùa về trong tôi khi mốc son kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam đến gần.

Tôi đến với ngành Dầu khí một cách tình cờ. Vào năm 1960-1961, sau khi tốt nghiệp cấp II, tôi thi vào Trường trung cấp Kỹ thuật Địa chất Hà Nội vì nghe nói vào địa chất sướng lắm, vừa được ăn no, vừa được đi đây đi đó, lúc lên rừng, khi xuống biển, rất hợp với tuổi trẻ ưa phiêu lưu mạo hiểm của tôi.

nhung nguoi ban nguoi thay xu bach duong
Các cặp vợ chồng chuyên gia Vaxili, chuyên gia Alex chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ Đoàn 36 tại Xuân Thủy (Nam Định) năm 1981

Ba năm học trong trường, chúng tôi được các thầy Phan Minh Bích, Hồ Đắc Hoài, Tăng Mười giảng dạy về nguồn gốc sinh thành các mỏ dầu, các phương pháp tìm kiếm, thăm dò dầu khí cũng như các phương pháp đánh giá trữ lượng và khai thác dầu khí. Trên thế giới, các công ty dầu khí quốc tế thường sử dụng các phương pháp thăm dò địa vật lý như thăm dò điện, thăm dò địa chấn, thăm dò trọng lực để tìm kiếm, phát hiện các mỏ dầu khí nằm sâu hàng nghìn mét trong lòng đất.

Các phương pháp này lúc đó đang được Đoàn 36 áp dụng ở Đồng bằng sông Hồng. Đoàn Địa chất 36 do ông Bùi Đức Thiệu làm Đoàn trưởng, cán bộ, công nhân viên chỉ vài trăm người, cơ sở vật chất hầu như không có gì. Nhiệm vụ của Đoàn 36 là thăm dò dầu khí ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng…

Những năm tháng giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cuộc sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiếu thốn vô cùng. Từ bánh xà phòng, hộp thuốc đánh răng, bao thuốc lá, gói chè, đến cái kim, sợi chỉ, tất cả đều phân phối và phải mua bằng tem phiếu. Hằng ngày chúng tôi đội mưa, đội nắng, lội bì bõm trên đồng, vừa đói, vừa khát, vừa mệt... khi về đến nhà chưa kịp thay quần áo đã lao ngay vào bếp ăn tập thể. Ngày ấy tiêu chuẩn lương thực của mỗi người là 18kg nhưng chỉ một phần ba là gạo, còn lại là khoai, sắn, bo bo hoặc bột mì.

Ngày ấy, vào những tháng cuối năm, thường gọi là tháng cao điểm, các đơn vị đều phát động phong trào thi đua nước rút nhằm hoàn thành kế hoạch cả năm. Trong một lần đi kiểm tra sản xuất ở công trình cùng với anh Phan Minh Bích, khi đi ngang qua cửa hàng hợp tác xã mua bán ở Thái Bình, tôi nói với anh Bích dừng xe xuống đây nghỉ ngơi một chút. Tôi vào gặp cửa hàng trưởng trình bày lý do và đề nghị cửa hàng bán cho đồng chí “chuyên gia” một tút thuốc lá.

Rất may, cửa hàng trưởng là một cô gái khá xinh có nụ cười má lúm đồng tiền và hàm răng trắng bóng, tôi chỉ tay vào anh Bích đang đi cạnh ôtô và giới thiệu: Kia là đồng chí “chuyên gia Liên Xô” mới sang giúp chúng ta thăm dò dầu khí ở tỉnh nhà. Anh Bích dáng người cao lớn, râu quai nón, mũi thẳng, tóc chải ngược ra phía sau, cặp kính trắng lấp lánh trên khuôn mặt khả ái. Nhìn từ xa trông anh rất giống “chuyên gia Liên Xô”. Nhờ vậy mà cửa hàng trưởng đã đồng ý bán cho “chuyên gia” một tút thuốc lá Điện Biên bao bạc. Với những người nghiện thuốc như tôi và anh Bích, lúc này thuốc lá còn quý hơn một bữa cơm với thịt gà.

Trong quá trình thăm dò dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng, việc thu thập các số liệu địa vật lý như vận tốc sóng, điện trở đất đá… được tiến hành bằng các trạm điện, trạm địa chấn. Trạm máy được đặt trên xe ôtô do Liên Xô giúp. Một hôm, đang tiến hành thu thập số liệu địa vật lý trên đê sông Trà Lý, Thái Bình, tôi nhìn thấy hai chiếc máy bay Mỹ đang bay rất thấp hướng về Biển Đông, to như hai chiếc thuyền. Không kịp suy nghĩ, tôi cầm khẩu súng tiểu liên bắn một loạt đạn đuổi theo máy bay (súng được trang bị để bảo vệ trạm máy). Không ngờ ngay sau đó, chúng quay lại bắn xối xả, chúng tôi nhảy vọt ra ngoài xe, lăn mình xuống triền đê tránh đạn. Thật may mắn làm sao, cả người, xe ôtô và trạm máy đều không việc gì. Nhìn những vết đạn cày sâu trên mặt đê, tôi vô cùng sợ hãi vội vàng đánh xe về, lúc này nhìn mặt ai cũng xanh như tàu lá.

Sau khi bị “máy bay Mỹ bắn trượt” trạm máy, chúng tôi được lệnh tiến quân ra biển. Trong thời kỳ này, Công ty Địa vật lý được giao nhiệm vụ thăm dò dầu khí vùng biển Thái Bình, Nam Định. Lần đầu tiên ngành Dầu khí tiến hành thăm dò trên biển nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về con người và phương tiện thủy. Về con người, chúng tôi là “lính bộ đánh thủy” nên mỗi lần đi biển là một lần say sóng, có những ngày tàu vừa ra khỏi cửa Ba Lạt vài trăm mét đã phải quay vào bờ vì sóng lớn và say sóng.

Vùng biển Xuân Thủy là một vùng biển nông do lượng phù sa của sông Hồng đổ ra biển rất lớn, tạo thành những đầm lầy rộng mênh mông, sú, vẹt mọc xanh rì, là nơi cư trú quanh năm của các loài cò, sếu, bồ nông… có nhiều cồn cát nổi lên trên mặt biển, nhìn từ xa trông giống những chiếc nấm khổng lồ như cồn Thông, cồn Thủ, cồn Vành, cồn Vẹt, cồn Đen…

Chúng tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên, đó là vào khoảng tháng 6-1980, sau khi kết thúc quá trình thu thập các số liệu địa vật lý trên cồn Đen, chúng tôi nghỉ ngơi chờ tàu ra đón về đất liền. Bỗng nhiên trời nổi gió, mưa ập xuống như trút nước, sấm chớp ầm ầm, trời đất mù mịt như muốn nuốt chửng chúng tôi. Chúng tôi chỉ còn biết chui vào gầm xe ẩn nấp. Mưa bão mấy ngày liền, lương thực, thực phẩm hết sạch. Chúng tôi vừa đói, vừa rét, nhìn nhau không biết lấy gì ăn ngoài cát trắng và lũ chuột biển chạy lông nhông trên cồn. Không thể chịu đói được nữa, tôi hô hào anh em đi bắt chuột về ăn. Lũ chuột trên cồn rất dạn với người, nên chỉ mươi phút sau, chúng tôi đã bắt được vài chục con. Chuột ở đây rất béo và sạch vì chúng chỉ ăn tôm, cua, cá do sóng biển xô dạt lên cồn. Cách ăn duy nhất lúc này là cho chuột vào nồi luộc chín. Mặc dù không mắm, không muối, không gia vị nhưng chúng tôi ăn vẫn thấy ngon lành.

Trải qua mấy chục năm thăm dò dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng, vùng biển nông Thái Bình, Nam Định, chúng tôi rút ra được nhiều bài học quý giá giúp cho công tác thăm dò dầu khí ở phía nam sau này được thuận lợi hơn. Một trong những bài học đó là duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Liên Xô. Vì vậy, mỗi khi nói đến sự thành công của ngành Dầu khí, trước hết là phải nói đến sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả của Liên Xô trước đây và của nước Nga ngày nay. Ngoài việc cung cấp các trang thiết bị khoan, các trạm máy thăm dò địa vật lý như trạm điện, trạm địa chấn, máy trọng lực, Liên Xô còn đào tạo hàng trăm kỹ sư, tiến sĩ, công nhân lành nghề và cử các chuyên gia giàu kinh nghiệm về địa chất, địa vật lý sang giúp ngành Dầu khí nước ta từ lúc sơ khai đến khi trưởng thành, lớn mạnh như ngày hôm nay.

Riêng với tôi, những ngày đầu tiên bước vào nghề đã được tiếp xúc, làm việc trực tiếp với chuyên gia Liên Xô. Nhờ vậy tôi đã học được những đức tính cần cù, chịu khó, thận trọng, sáng tạo trong công việc của chuyên gia. Với những người làm nghề dầu khí “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”, những đức tính này là vô cùng quan trọng. Tôi nhớ mãi hình ảnh đồng chí Vaxili, chuyên gia phân tích tài liệu, suốt ngày cặm cụi trên những tấm bản đồ chằng chịt đường cong và chữ số, đồng chí Alex, chuyên gia đứng máy, mình trần, mồ hôi nhễ nhại, lúc đứng, lúc ngồi, luôn tay luôn chân sửa chữa những hư hỏng của trạm máy đảm bảo cho trạm máy hoạt động thường xuyên, liên tục.

Trước khi về nước, vợ chồng chuyên gia Vaxili và vợ chồng Alex cùng chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm những tháng ngày sống và làm việc ở Việt Nam.

Hơn 10 năm sau, trong chuyến đi khảo sát giàn khoan mỏ Bạch Hổ ngoài khơi Vũng Tàu, tôi lại có dịp làm việc cùng với các bạn Nga. Buổi làm việc đã gợi nhớ trong tôi hình ảnh của Vaxili và Alex thuở nào. Và khi màn đêm buông xuống trên giàn khoan, những vần thơ bỗng xuất hiện trong tôi.

“… Và hôm nay giữa mênh mông biển cả

Sóng bạc đầu, chớp nắng cánh hải âu

Tôi gặp các anh trên tháp khoan dầu

Tóc bạc pha sương, da nồng gió biển

Vẫn nụ cười, ánh mắt nước Nga…”

Nụ cười và ánh mắt nước Nga cùng với những câu chuyện trên đây là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời dầu khí của tôi. Tuy nhỏ bé và rất đời thường, nhưng những kỷ niệm ấy vẫn mãi ở trong tôi và sẽ theo tôi đi hết cuộc đời.

Năng lượng Mới 517

DMCA.com Protection Status