Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển (Viện NIPI):

Tạo điều kiện tốt cho cán bộ trẻ

07:19 | 23/03/2013

1,245 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Thời gian qua, Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển thuộc Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro (Viện NIPI) đã mạnh dạn giao các dự án quan trọng cho thế hệ trẻ. Nhân Tháng hành động vì thanh niên, phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Sơn - Viện phó phụ trách Địa chất - Viện NIPI về phát huy sức sáng tạo của thế hệ trẻ trong thời kỳ mới.

PV: Có thể nói, lịch sử hình thành và phát triển của Viện NIPI gắn liền với lịch sử Vietsovpetro. Có thăng, có trầm, nhưng trên hết là sự đóng góp của Viện trong việc nghiên cứu khoa học và đưa ra những chiến lược dài hạn có tính quyết định đến sự phát triển của Vietsovpetro thưa ông?

Ông Phạm Xuân Sơn: Khác các công ty khai thác dầu khí ở Việt Nam chỉ tập trung vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, còn các công tác dịch vụ khác đều thuê các công ty ngoài thực hiện, do hoàn cảnh ra đời khi đất nước còn bị cấm vận nên để thực hiện nhiệm vụ chính là thăm dò và khai thác dầu khí, Vietsovpetro phải tự đảm đương tất cả các hoạt động dịch vụ khác như khoan, địa vật lý giếng khoan, dịch vụ tàu thuyền, cảng biển, xây lắp các công trình biển…

Viện NIPI là đơn vị nghiên cứu của Vietsovpetro nên phải thực hiện các công tác nghiên cứu, tư vấn, thiết kế cho tất cả các hoạt động kể trên. Kết quả của các công trình nghiên cứu của viện là cơ sở không thể thiếu được để hai phía tham gia liên doanh và lãnh đạo Vietsovpetro xác định quy mô phát triển của công ty, lập các kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm, hằng quý và hằng tháng.

Ông Phạm Xuân Sơn - Viện phó phụ trách Địa chất - Viện NIPI

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai của Viện NIPI là tổ chức nghiên cứu và cùng với các đơn vị khác đưa ra các giải pháp thực hiện cũng như giám sát tác quyền tất cả các lĩnh vực sản xuất của Vietsovpetro từ công tác thăm dò, đảm bảo trữ lượng, xây dựng các công trình biển, xây dựng giếng khoan, đến công tác phát triển mỏ.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ sản xuất của Vietsovpetro, Viện NIPI đóng vai trò như là một phòng kỹ thuật tổng hợp, cùng với các đơn vị trực tiếp sản xuất khác giải quyết, khắc phục tất cả các vấn đề phát sinh hằng ngày trong quá trình sản xuất như giải quyết các sự cố bất thường trong quá trình thi công giếng khoan, khai thác, xử lý, thu gom và vận chuyển dầu khí…

PV: Ông có thể cho biết một số đề tài quan trọng mà Viện NIPI đã thực hiện trong thời gian gần đây và kết quả của chúng như thế nào?

Ông Phạm Xuân Sơn: Hằng năm Viện NIPI thực hiện khoảng 40 đề tài nghiên cứu khoa học, gần 30 hồ sơ thiết kế, phân tích từ 6.000 đến 8.000 mẫu đất đá, mẫu dầu, khí, nước các loại, tham gia đề xuất hàng chục giải pháp địa chất - kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới. Ngoài ra Viện còn thực hiện hàng trăm yêu cầu của các đơn vị bạn tham gia giải quyết các công việc sản xuất hằng ngày. Kết quả của các công việc kể trên đã góp phần quan trọng, đáng kể vào việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro. Có thể kể ra một số công trình tiêu biểu mà viện đã thực hiện trong thời gian qua như:

Đề tài “Chính xác hóa cấu trúc địa chất các khu vực tiềm năng và đề xuất chương trình thăm dò giai đoạn 2011-2015 ở Lô 09-1”. Đề tài này được hoàn thành vào cuối năm 2010 và kết quả sau 2 năm thực hiện (2011 và 2012) đã phát hiện ra 3 mỏ dầu mới là Mèo Trắng, Gấu Trắng và Thỏ Trắng, một khu vực chứa dầu mới ở phía nam mỏ Bạch Hổ với tổng trữ lượng thu hồi trên 10 triệu tấn. Hy vọng là con số trên sẽ không dừng lại ở đó trong 3 năm thực hiện còn lại của đề tài;

Đề tài “Nghiên cứu địa chất và đánh giá tiềm năng các khu vực mở ở Việt Nam và các nước khác và đề xuất khả năng tham gia của Vietsovpetro vào các khu vực này”. Đề tài này được thực hiện hằng năm với mục đích tìm kiếm các khu vực mới, mở rộng vùng hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí cho Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Kết quả của đề tài là cơ sở quan trọng để các phía tham gia liên doanh quyết định đầu tư vào các lô mới trong thời gian vừa qua như 04-1, 04-3, 09-3/11…

Các đề tài “Cập nhật trữ lượng” và “Hiệu chỉnh sơ đồ công nghệ khai thác và xây dựng mỏ” cho 2 mỏ dầu mà Vietsovpetro đang vận hành là mỏ Rồng và mỏ Bạch Hổ. Đây là các đề tài lớn, được thực hiện trong 2 năm 2011 và 2012 với mục đích đánh giá, cập nhật trữ lượng ban đầu, trữ lượng còn lại, dự báo sản lượng, tối ưu hóa quy trình vận hành mỏ cũng như đưa ra các giải pháp khai thác tối ưu nhằm đạt được hệ số thu hồi dầu cao nhất cho 2 mỏ Rồng và Bạch Hổ.

PV: Thưa ông, vừa nghiên cứu để đảm bảo khai thác an toàn các mỏ dầu hiện có, vừa tăng cường công tác thăm dò để đảm bảo trữ lượng và mở rộng vùng hoạt động cho xí nghiệp liên doanh thì trong thời gian qua, theo chúng tôi được biết hoạt động dịch vụ của Viện cũng có nhiều khởi sắc?

Ông Phạm Xuân Sơn: Bên cạnh các công tác chính như vừa nêu trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, xây dựng và khai thác mỏ thì viện đang đẩy mạnh dịch vụ ra bên ngoài. Viện NIPI có những thế mạnh về nghiên cứu, thiết kế và phân tích thí nghiệm mà không có đơn vị nào ở Việt Nam có được nên bên cạnh việc phục vụ tốt cho Vietsovpetro thì phải từng bước tham gia dịch vụ cho các công ty khác. Điều này có nhiều ý nghĩa, một mặt giúp nâng cao khả năng nghiên cứu và thiết kế của các cán bộ kỹ thuật ở các điều kiện địa chất - kỹ thuật khác nhau, đặc biệt là lực lượng cán bộ trẻ, đồng thời làm dịch vụ cũng đã tăng thu nhập đáng kể cho CBCNV, làm cho họ an tâm phục vụ lâu dài cho viện. Năm 2012, thu nhập từ dịch vụ cho các công ty ngoài của Viện đã vượt con số 1,5 triệu USD. Đây là con số bước đầu nhưng rất có ý nghĩa trong việc quảng bá thương hiệu, nâng cao uy tín của một cơ quan nghiên cứu vốn trước đây chỉ phục vụ cho công ty của mình như Viện NIPI.

Thanh niên Phòng Địa chất thăm dò Viện NIPI trao đổi với các chuyên gia nước ngoài

Hiện nay chúng tôi luôn duy trì và tổ chức thường xuyên công tác đào tạo theo 2 giai đoạn: đào tạo cơ bản ban đầu và đào tạo nâng cao. Mỗi năm trung bình tổ chức 15 khóa đào tạo nội bộ và 5 đợt sinh hoạt khoa học công nghệ theo các chuyên ngành. Ngoài ra, cũng phải nhấn mạnh là công việc nghiên cứu và thiết kế hằng ngày chính là môi trường đào tạo tốt nhất cho lực lượng cán bộ nghiên cứu và quản lý. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các vị lãnh đạo của Petrovietnam, lãnh đạo Viesovpetro đã trưởng thành từ Viện NIPI và Viện Dầu khí Việt Nam.

PV: Đó là những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ khoa học, công nghệ, thiết kế… còn vấn đề nhân lực trẻ. Chúng tôi cũng biết rằng, Viện NIPI là một trong những đơn vị ở Viesovpetro có sự đột phá trong sử dụng nhân lực trẻ?

Ông Phạm Xuân Sơn: Công tác nghiên cứu đòi hỏi người có kinh nghiệm, đặc biệt công tác nghiên cứu địa chất và khai thác mỏ càng đòi hỏi người có kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm có được không phải do anh làm nhiều năm mà anh phải làm nhiều việc. Nếu đào tạo theo kiểu từ chương, cầm tay chỉ từng việc một thì không bao giờ mình có được lực lượng vừa trẻ vừa có kinh nghiệm và theo kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ được. Chính vì vậy để cho lực lượng cán bộ nghiên cứu trẻ tích lũy kinh nghiệm không có cách nào khác phải giao việc, giao đề tài cho họ thực hiện. Lãnh đạo Viện, các phòng, ban chuyên môn của Viện trong thời gian gần đây đã mạnh dạn giao các công việc nghiên cứu và thiết kế quan trọng cho lực lượng trẻ. Chưa kể với sự phát triển nhanh của khoa học - công nghệ như hiện nay, với khả năng tiếp thu nhanh, nhạy bén với cái mới của lực lượng trẻ thì xác suất đưa ra các ý tưởng mới, tạo nên đột phá ở lực lượng này là cao hơn rất nhiều. Trong công tác nghiên cứu thì kinh nghiệm và đột phá đều rất quan trọng.

PV: Thực tế đó được kiểm nghiệm tại Viện NIPI? Ông có thể nói thêm về một số công trình ở Viện do lực lượng cán bộ trẻ đảm nhận đã thành công?

Ông Phạm Xuân Sơn: Một số phần việc trong công tác thiết kế trước đây do người nước ngoài ở viện đảm nhận hoặc phải thuê các công ty nước ngoài, còn hiện nay lực lượng cán bộ kỹ thuật trẻ của Việt Nam đã từng bước đảm đương hết. Các công trình cập nhật trữ lượng, hiệu chỉnh sơ đồ công nghệ khai thác và xây dựng các mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng là những công trình lớn, huy động hầu như toàn bộ nhân lực của viện, trong đó lực lượng trẻ đã đóng vai trò chính ở một số khâu quan trọng như lập mô hình địa chất, tính toán trữ lượng, dự báo sản lượng, thiết kế giếng khoan và tính toán hiệu quả kinh tế của dự án.

Xu hướng này còn thể hiện rõ hơn ở khối địa chất thăm dò. Công trình “Chính xác hóa địa chất các khu vực tiềm năng và đề xuất chương trình thăm dò giai đoạn 2011-2015 ở Lô 09-1” mà tôi nêu ở trên với kết quả đã phát hiện ra 4 khu vực chứa dầu mới trong 2 năm 2011 và năm 2012 do một tập thể tác giả rất trẻ thực hiện. Trưởng nhóm lúc ấy mới 36 tuổi, các thành viên còn lại đều chỉ trên dưới 30 tuổi.

PV: Thưa ông, bên cạnh hoạt động sản xuất thì hoạt động đoàn cơ sở của Viện NIPI được đánh giá rất hiệu quả chứ không chỉ đơn thuần đoàn chỉ là nơi sinh hoạt ngoại khóa như nhiều người vẫn nghĩ?

Ông Phạm Xuân Sơn: Chúng tôi quán triệt tư tưởng là phong trào đoàn phải lôi kéo thanh niên tham gia vào hoạt động xã hội bên cạnh hoạt động sản xuất. Thông qua các hoạt động nghiên cứu và sản xuất, các hoạt động thực tiễn, các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ vào kinh doanh sản xuất, bảo vệ môi trường; các hoạt động tình nguyện chung tay vì cộng đồng; đảm nhận các công trình thanh niên, phần việc thanh niên… sẽ bồi dưỡng và rèn luyện đoàn viên, giáo dục chính trị tư tưởng, hoài bão, lý tưởng cho đoàn viên, trang bị nhận thức, sự hiểu biết về mục tiêu, lý tưởng Đảng, định hướng cho đoàn viên động cơ phấn đấu vào Đảng.

Hiện nay, ngoài mặt trái của cơ chế thị trường thì sự tha hóa biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng đã có tác động trực tiếp đến tinh thần phấn đấu rèn luyện trở thành đảng viên của một số ít thanh niên trong đơn vị. Do đó việc bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhất là trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phải là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong công tác lãnh đạo tổ chức đoàn và phong trào thanh niên của Đảng ủy và chính quyền. Quan trọng là những việc này phải thông qua các hoạt động thực tiễn chứ cứ nói lý thuyết suông thanh niên phải sống như thế này sống như thế kia thì báo chí - truyền thông nói nhiều rồi, giờ là hành động cụ thể mới ăn sâu vào suy nghĩ của các bạn được. Những hoạt động thiết thực như phong trào góp đá xây dựng Trường Sa, đóng góp xây nhà tình nghĩa, tặng quà trẻ em nghèo nhân dịp tết Trung thu, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ nhân ngày 27/7, vừa mang lại những đóng góp thiết thực cho xã hội, cho cộng đồng và quan trọng hơn là lôi kéo thanh niên xa rời những nơi không lành mạnh.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thiên Thanh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status