Thị trường dầu khí thế giới sắp tới sẽ ra sao?

07:00 | 01/04/2013

1,825 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Theo Viện dầu lửa và năng lượng mới (IFPEN), giá dầu sau khi đạt mốc kỷ lục mới trong năm 2012 sẽ vẫn duy trì ở mức giá cao trong năm 2013, nhất là trong bối cảnh địa chính trị gia tăng tại Trung Đông. Tuy nhiên, trong trung hạn, không loại trừ việc giá dầu sẽ giảm nhẹ.

 

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 30/3, IFPEN cho rằng, ba nhân tố tiếp tục tác động tới giá dầu trong năm nay là sự phục hồi tăng trưởng của Mỹ, Trung Quốc và suy thoái tại châu Âu; tình hình địa chính trị căng thẳng liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran và những đe dọa của Israel; sự mất cân bằng giữa nguồn cung và cầu dầu lửa. IFPEN nêu rõ: “Do thiếu tầm nhìn hiệu quả, các thị trường đã dự báo giá dầu năm 2013 ở mức 110 USD/thùng, tức gần bằng giá dầu trung bình trong năm 2012 (112 USD/thùng) - xấp xỉ mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, những biến động của thị trường dầu lửa đang giống với những gì đã từng xảy ra từ năm 2010. Đó là khả năng cuộc tranh cãi giữa Israel và Iran không được giải quyết và kinh tế châu Âu, Mỹ tiếp tục bấp bênh”.   

Việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tái cử tháng 1/2013 đã làm gia tăng đồn đoán về việc nước này tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, khiến thị trường trải qua nhiều căng thẳng. Nếu Israel tấn công, Iran đã nhiều lần đe dọa phong tỏa eo biển Ormuz, nơi 20% lượng dầu của thế giới vận chuyển qua. Hành động này sẽ đẩy giá dầu lên cao. Về mặt kinh tế, cũng có những lo ngại. Trong khi Mỹ và Trung Quốc có thể mang lại tín hiệu tốt lành cho nền kinh tế thế giới thì kinh tế Mỹ vẫn phải giải quyết vấn đề nợ và việc cắt giảm ngân sách sẽ kìm hãm nhịp độ tăng trưởng của nước Mỹ. Về châu Âu, khu vực này cũng vẫn phải vật lộn với tái thúc đẩy tăng trưởng sau khi đã ở bên bờ sụp đổ.   

Về tình hình cung cầu dầu lửa, đang có những dấu hiệu thuận lợi dẫn tới giảm giá dầu. Từ nhiều năm qua, nguồn cung dầu lửa luôn quan trọng hơn nhu cầu và nguồn cung dồi dào đang có xu hướng kéo dài. Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự báo nguồn cung có khả năng tăng vượt trội do năng lực sản xuất gia tăng tại các thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC), mặc dù các hợp đồng cung cấp dầu sẽ tăng trong giai đoạn 2012-2017. Ngoài tiềm năng xuất khẩu dầu của các nước như Brazil hay Venezuela, Mỹ cũng đang tham gia vào quá trình thúc đẩy sản xuất dầu khí đá phiến. Cũng giống với khí đốt, giá dầu lửa chuẩn ở Mỹ (WTI) có xu hướng giảm trong khi giá dầu Brent biển Bắc lại tăng. Tuy nhiên, tác động lớn nhất lại đến từ sự thay đổi cấu trúc thương mại dầu lửa.

Nhập khẩu dầu đang giảm mạnh của Mỹ sẽ có tác động tới thâm hụt thương mại của nước này. Mỹ là nước nhập khẩu dầu và các sẩn phẩm từ dầu chiếm tới 58% tỷ trọng toàn cầu. Theo IEA, đến năm 2020, Mỹ có thể sẽ trở thành nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, trên cả Nga và Arập Xêút. Vậy liệu giá dầu sẽ giảm? Từ nay đến giai đoạn đó, việc gia tăng khai thác dầu đá phiến ở cấp độ quốc tế sẽ có khả năng làm xáo trộn "ván bài" dầu lửa, làm giảm nhu cầu đặt hàng mua dầu, giải tỏa áp lực cho thị trường dầu lửa và giúp thế giới tránh được các cơn sốt dầu.

Theo IFPEN, việc giá dầu giảm xuống mức 90 USD/thùng chỉ có thể xảy ra trong ba trường hợp. Thứ nhất, tình hình kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng - điều không nằm trong kịch bản trọng tâm mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo. Thứ hai, nền kinh tế thế giới ổn định hơn và những căng thẳng tại các khu vực Bắc Phi và Trung Đông cũng giảm thiểu. Thứ ba, sản xuất dầu khí đá phiến tại Mỹ tiến triển nhanh hơn dự báo. Các điều kiện trên hiện tuy chưa hội tụ đủ song không thể loại trừ chúng. IEA cho rằng giá dầu sẽ không giảm một cách nhanh chóng, và có thể sẽ duy trì ở mức trên 110 USD/thùng trong những năm tới do ảnh hưởng từ giá thành sản xuất tăng (số lượng các giếng khoan dầu khí phi quy ước sẽ tăng từ 6% hiện nay lên 17% vào năm 2035) và việc khai thác dầu khí đá phiến dù có tăng thì cũng chỉ đạt 3,5% thị phần sản xuất của thế giới vào năm 2035.   

Nh.Thạch (Theo AP, AFP)

DMCA.com Protection Status