“Việc nghiên cứu các nguồn năng lượng mới là rất quan trọng trong thời gian tới”

21:49 | 04/08/2017

1,335 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 4/8, tại Kỳ họp lần thứ nhất Tiểu ban Hóa – Chế biến Dầu khí, thuộc Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đã nhận định "Việc nghiên cứu các nguồn năng lượng mới là rất quan trọng trong thời gian tới”.

Kỳ họp có chủ đề “Các nguồn năng lượng mới, xu thế phát triển công nghệ mới và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chế biến dầu khí” dưới sự chủ trì của Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng; đồng thời còn có sự tham dự của Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San; Trưởng Ban Chế biến Dầu khí Lê Xuân Huyên và lãnh đạo, cán bộ của các đơn vị khâu sau của Tập đoàn.

Tại kỳ họp, Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết: “Việc nhận diện, nghiên cứu các nguồn năng lượng mới là rất quan trọng trong thời gian tới đối với PVN và các đơn vị thành viên. Chúng ta sẽ phải nghiên cứu về các dạng năng lượng này để có chiến lược phù hợp. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh, việc phát triển, nghiên cứu các nguồn năng lượng mới là tất yếu. Chúng ta không thể đứng ngoài xu thế”.

viec nghien cuu cac nguon nang luong moi la rat quan trong trong thoi gian toi
Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu tại kỳ họp.

Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển khâu sau thuộc Ban Chế biến Dầu khí đã trình bày tham luận về vấn đề “Tổng quan các nguồn năng lượng mới, xu thế phát triển và ảnh hưởng đến định hướng phát triển công nghiệp chế biến dầu khí”. Trong tham luận của mình, ông Lê Thanh Sơn cho biết, các dạng năng lượng tái tạo gồm: thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều... Trong đó, năng lượng mặt trời và năng lượng gió có tốc độ phát triển nhanh nhất. Xu thế phát triển của năng lượng mới, tái tạo là tăng nhanh công suất, tối ưu hóa sản xuất, phát triển công nghệ và mức độ đầu tư ngày càng nhiều.

"Tại Việt Nam, chúng ta có tiềm năng phát triển điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt và thủy triều. Trong chính sách, chiến lược của Việt Nam, Chính phủ khuyến khích phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo. Hợp tác với nước ngoài lắp ráp các thiết bị công nghệ cao, pin mặt trời, điện gió... Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm bớt thị phần của nhiên liệu hóa thạch dầu khí. Trong tương lai, xu hướng phát triển ô tô điện, ô tô chạy pin nhiên liệu hydro sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu xăng dầu cho phương tiện giao thông. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc đầu tư các cơ sở chế biến xăng dầu”, ông Sơn nhấn mạnh.

viec nghien cuu cac nguon nang luong moi la rat quan trong trong thoi gian toi
Toàn cảnh kỳ họp.

Về lĩnh vực lọc hóa dầu, ông Nguyễn Văn Hội, Phó Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho rằng, giải pháp để BSR phát triển bền vững sẽ chia làm 2 nhóm: ngắn hạn; trung và dài hạn. Ở nhóm giải pháp ngắn hạn, là các giải pháp về quản trị, phát triển nguồn nhân lực; triển khai các dự án tối ưu hóa sản xuất, nâng công suất và cuối cùng là cổ phần hóa. Ở nhóm giải pháp trung và dài hạn, là đầu tư kho, cảng, hệ thống phương tiện vận chuyển... để tồn trữ, kinh doanh, phân phối có hiệu quả; đồng thời, phát triển dịch vụ, tăng cường xây dựng thương hiệu, mở rộng đối tượng khách hàng...

Tại kỳ họp, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận về việc đa dạng hóa sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau thông qua tích hợp sản xuất phân bón, methanol; nguồn nguyên liệu, công nghệ mới và Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong tương lai... Các ý kiến, phát biểu này đã góp phần làm rõ hơn bức tranh về các nguồn năng lượng mới và sự ảnh hưởng đến lĩnh vực chế biến dầu khí.

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status