25 năm giàn Tam Đảo 01: Hành trình khoan... 200 cây số?

07:00 | 09/07/2013

2,378 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Tam Đảo 01 là một trong những giàn khoan tự nâng đầu tiên của Vietsovpetro do Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng quản lý, vận hành và khai thác. Từ những ngày khoan phát hiện dầu trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ, qua 25 năm, giàn đã khoan hàng trăm kilômét xuống lòng đất. Nhân dịp giàn khoan kỷ niệm 25 năm ngày khoan mũi khoan đầu tiên, chúng ta có dịp nhìn lại lịch sử Tam Đảo 01.

1. Tính đến nay, 1/4 thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Tam Đảo 01 đi vào hoạt động với nhiệm vụ chủ yếu là khoan khai thác, khoan thăm dò và sửa chữa các giếng khoan dầu khí, giàn đã phát huy được tính hiệu quả của một giàn khoan tự nâng Việt Nam, thực hiện kế hoạch sản xuất, hoàn thành hàng ngàn mét khoan thăm dò khai thác, tìm ra được hàng chục vỉa dầu mới, thực hiện hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế nước nhà. Đây là một giàn khoan hiện đại bậc nhất Việt Nam được đóng tại Singapore do Xí nghiệp Khoan & Sửa giếng thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro quản lý, vận hành và khai thác. Thiết kế chế tạo khoan biển với độ sâu mực nước 50-70m, chiều dài của giàn 64,2m, chiều rộng 68m, chiều cao thân 8m, khoan với độ sâu của giếng khoan là 6.000m, giàn đã được kéo về mỏ Bạch Hổ bắt đầu sự nghiệp khoan dầu khí vào ngày 18/3/1988.

Giàn khoan Tam Đảo 01

Anh Nguyễn Văn Dũng, Trưởng bộ phận cơ khí của giàn khoan Tam Đảo 01 cho biết, kể từ năm 1988 đến nay, giàn đã thực hiện trên 70 giếng khoan, tổng cộng trên 16 vạn mét khoan sâu trong đó có các giếng khoan thăm dò, khai thác và sửa chữa các giếng khoan đạt chất lượng tốt nâng cao hệ số thu hồi dầu. Có thể nói Tam Đảo 01 từ khi khoan đến giờ có số mét khoan dài nhất, khi tổng kết tổng số mét khoan của Vietsovpetro có chiều dài từ TP HCM ra Hà Nội thì riêng giàn khoan Tam Đảo 01 đã đóng góp số mét khoan từ TP HCM ra đến Phan Thiết.

Hiện nay, khi sản lượng các giếng khai thác của mỏ Bạch Hổ ngày càng sụt giảm thì đòi hỏi tăng khả năng của các giàn khoan ngày càng lớn và trong thời gian qua thi công các giếng chất lượng ngày càng được nâng cao, tốc độ khoan thương mại bình quân tăng từ 1,2 đến 1,4 lần. Anh Dũng cho biết: “Những chỉ tiêu mà giàn khoan Tam Đảo 01 đã đạt được là nhờ thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, phát huy nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, triệt để thực hiện kỹ thuật công nghệ, kỹ luật an toàn sản xuất, áp dụng công nghệ khoan mới của thế giới, trang thiết bị hiện đại, nâng cao hiệu quả, giảm giá thành sản xuất”.

Ngoài ra, giàn khoan Tam Đảo 01 cũng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khó khăn, vất vả khác để có thể hoàn thành những khối lượng công việc lớn của công tác khoan và sửa giếng như nâng hạ di chuyển giàn từ vị trí này sang vị trí khác. Đây là công việc đầy phức tạp và khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, định vị giếng khoan, tàu lai kéo giàn, thời tiết biển và nhất là máy móc thiết bị của giàn ở trong tình trạng làm việc tốt, thao tác vận hành tối ưu. Đặc biệt là ngày 15/5 đến ngày 19/11/1994 giàn khoan Tam Đảo 01 đã thực hiện thành công khoan giếng khoan thăm dò PV - 94 - 2X trên bãi Tư Chính, thềm lục địa Việt Nam đạt chiều sâu 3.500m. Rồi từ ngày 16/4 đến ngày 7/7/2000 khoan thăm dò giếng Hoàng Long 103 - HOL - 1X tại Vịnh Bắc Bộ với chiều sâu của giếng khoan đạt 3.460m. Việc hoàn thành 2 giếng khoan này không những mang nhiệm vụ nghiên cứu thềm lục địa của Việt Nam mà còn mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của đất nước trên Biển Đông. Và trong mấy năm qua, bên cạnh nhiệm vụ chính phục vụ khoan ở vùng Bạch Hổ thì Tam Đảo 01 có các hợp đồng với Bộ Quốc phòng và từng khoan ở vịnh Bắc Bộ, ở Trường Sa góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

2. Để có thể hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ được giao thì tập thể cán bộ lãnh đạo giàn đã không ngừng áp dụng công nghệ khoan tiên tiến của thế giới để Tam Đảo 01 luôn được đổi mới. Vì thế, giàn đã được bảo dưỡng đại tu lớn 2 lần ở Singapore, 2 lần trong nước, lắp đặt 3 máy bơm khoan có công suất lớn, trang bị người máy tháo vặn cần khoan, hệ thống TopDriver, thay 4 máy diesel và máy phát điện có công suất lớn hơn 1,5 lần cho mỗi máy. “Đặc biệt là trong đợt bảo dưỡng vừa qua, lần đầu tiên giàn khoan Tam Đảo 01 sửa chữa về đúng thời hạn. Máy móc thiết bị sau khi kiểm tra đã hoạt động bình thường. Và số cán bộ trẻ theo giàn khi đi sửa chữa cũng học hỏi được rất nhiều”, anh Dũng cho biết thêm. Vì thế, trong 25 năm qua, giàn khoan Tam Đảo 01 luôn bảo đảm tốt nhất kế hoạch mà Xí nghiệp Khoan & Sửa giếng đã giao.

Trong những thành tích chung của giàn khoan Tam Đảo 01 thì phải kể đến thành tựu “nội địa hóa” cán bộ trên giàn. Từ chỗ phụ thuộc vào các chuyên gia Nga, nay cán bộ công nhân Việt Nam trên giàn khoan Tam Đảo 01 đã phát huy tính năng động, nắm bắt được kỹ thuật khoa học tiên tiến và hiện nay lực lượng lao động của người Việt Nam đã chiếm 92% nhân lực của giàn. Không những thế, nhiều cán bộ Việt Nam đã trưởng thành từ Tam Đảo 01 nay nắm giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng ở Vietsovpetro và các đơn vị lớn trong ngành Dầu khí.

Với những thành tích mà tập thể cán bộ, công nhân viên giàn khoan Tam Đảo 01 đã hoàn thành xuất sắc trong 25 năm qua, giàn đã được Đảng và Nhà nước công nhận tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1996, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Công Thương, Liên doanh Vietsovpetro và nhiều hình thức khen thưởng khác.

Trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập vừa qua, tập thể cán bộ, công nhân viên giàn khoan tự nâng Tam Đảo 01 quyết tâm lập nhiều thành tích hơn nữa, hết mình lao động hăng say trên công trình, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phát huy tính sáng tạo của mỗi cán bộ công nhân viên, thực hiện hoàn thành xuất sắc kế hoạch của xí nghiệp giao, để đem về nhiều hơn nữa dòng dầu làm giàu Tổ quốc.

Trò chuyện với anh Nguyễn Văn Dũng về giàn khoan Tam Đảo 01, ấn tượng hơn nữa là một mô hình tổ chức rất nền nếp, có nền tảng, từ thế hệ đầu tiên xây dựng giàn đến hôm nay, cứ thế phát huy: “Nói vậy chứ những người mới về giàn sẽ cảm thấy áp lực vì phải theo guồng máy làm việc nghiêm túc nhưng sau một thời gian ai nấy rồi cũng thấy thoải mái, an tâm công tác. Kể cả chỗ ăn, ở và điều kiện sinh hoạt thì giàn khoan Tam Đảo 01 là đứng đầu trong các giàn khoan của Vietsovpetro”.

Xúc cảm của anh Nguyễn Văn Dũng cũng là cảm xúc của bao nhiêu thế hệ đã và đang làm ở giàn khoan Tam Đảo 01: “Cũng trên 20 năm rồi và tôi sẽ gắn bó trọn đời với Vietsovpetro. Giờ tôi vẫn 15 ngày ở biển và 15 ngày ở bờ. Cũng quen rồi. Tuy nhiên, dù đã quen nhưng môi trường ở giàn khoan vẫn luôn áp lực. Áp lực tình cảm cũng có một phần, sống xa đất liền như vậy mà, may là giờ có điện thoại nên cũng đỡ nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ đất liền”.

Nghe anh nói mà tôi cứ háo hức một lần được ra giàn khoan để biết nhiều hơn về sự vất vả của các anh, để hiểu nhiều hơn sự cơ cực của nghề đi tìm vàng đen cho đất nước. Và có lẽ để trân quý hơn những con người nặng tình với giàn khoan, với biển, với sóng, với gió nhưng cũng thi vị, tình cảm dạt dào với sứ mệnh được trao.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status