Để NMNĐ Thái Bình 2 vững vàng phát điện thương mại

Bài 1: NMNĐ Thái Bình 2 - An toàn là trên hết

08:04 | 05/01/2023

10,451 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nếu như Dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 trong năm 2022 như một đội bóng dồn tổng lực tấn công với mục tiêu phát điện thì giờ đây đang chuyển đổi “trạng thái mới” là sản xuất điện sao cho an toàn, hiệu quả, phải chú trọng đầy đủ các công tác từ an toàn, vận hành khoa học đến quản trị kinh doanh.

Năm 2022, Dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 đã vượt mốc 3,2 triệu giờ lao động an toàn. Đây là một kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong bối cảnh công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên công trường, trong nhà máy cực kỳ phức tạp và khó khăn.

Bài 1: NMNĐ Thái Bình 2 - An toàn là trên hết
Bên cạnh 2 máy bốc rót than đang hoạt động, máy bốc rót than số 3 của NMNĐ Thái Bình 2 vẫn đang vận hành chạy thử

Tại dự án, bên cạnh các hạng mục trong khu vực nhà máy chính do các nhà thầu Lilama, PVC-MS, DQS… là các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm trong công tác quản lý và thi công xây lắp, có tác phong công nghiệp, ý thức tốt trong thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, còn có sự tham gia của một số nhà thầu khác với lực lượng lao động tự do chưa được đào tạo bài bản về công tác an toàn, ý thức chấp hành và tuân thủ các quy định về an toàn còn chưa tốt, đòi hỏi phải vừa đào tạo, vừa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Quản lý Dự án (QLDA) Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2, ông Nguyễn Quang Thắng - Trưởng phòng An toàn - Sức khỏe - Môi trường (ATSKMT) cho biết, trong quá trình triển khai dự án, nguồn lực cho công tác an toàn có nhiều thách thức như: Thiếu nhân sự an toàn, thiếu các nhân sự có chuyên môn; chi phí dành cho công tác ATSKMT cũng còn hạn chế... Nhận diện được các vấn đề trên, lãnh đạo Ban QLDA/Tư vấn PMC đã có nhiều chỉ đạo đồng thời triển khai đồng loạt nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tổng thầu/nhà thầu phụ trong công tác đảm bảo ATVSLĐ - PCCN tại dự án”.

Được biết, trong những năm qua Ban QLDA đã liên tục chủ động kiện toàn đội ngũ nhân sự làm công tác an toàn; Rà soát, xây dựng Quy trình và hướng dẫn biện pháp đảm bảo AT-PCCN, kiểm soát rủi ro trước khi thi công. Trong đó phải kể đến như hướng dẫn, đào tạo tại công trường về ATSKMT, thường xuyên kiểm tra, đánh giá biện pháp thi công, yêu cầu nhà thầu thực hiện phân tích và kiểm soát các rủi ro trước, trong và sau quá trình thi công, thực hiện nghiêm túc việc xin giấy phép làm việc trong các khu vực có yêu cầu; Đối với lao động người nước ngoài: thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu sử dụng lao động người nước ngoài thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về cấp giấy phép lao động, khai báo tạm trú.

Công tác PCCN, vệ sinh môi trường, xây dựng phương án ứng phó với những tình huống khẩn cấp, kiểm tra định kỳ tại công trường được thực hiện thường xuyên, đồng thời lập biên bản các trường hợp vi phạm quy định để xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Quang Thắng chia sẻ: “Qua kinh nghiệm đúc kết trong quá trình vận hành, sản xuất các NMNĐ trong nước đã đi vào hoạt động, với đặc thù của một đơn vị sản xuất nhiệt điện, nên trong quá trình vận hành nhà máy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn lao động và cháy nổ. Do đó, việc tăng cường các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ - PCCN phải trở thành nhiệm vụ xuyên suốt, hàng đầu, gắn liền với các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy”.

Để công tác ATVSLĐ của NMNĐ Thái Bình 2 hoạt động tốt hơn khi đi vào sản xuất, Ban QLDA đã thành lập bộ máy quản lý công tác ATVSLĐ gồm Hội đồng ATVSLĐ trong đó lãnh đạo Ban làm Chủ tịch Hội đồng, Ban chỉ huy PCCC, ứng cứu trường hợp khẩn cấp, Bộ phận Y tế; Bộ phận An toàn, mạng lưới An toàn vệ sinh viên (ATVSV); Bộ phận Môi trường, Đội PCCC chuyên ngành… để tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng, xuyên suốt các quy định về ATVSLĐ. Đồng thời thành lập mạng lưới ATVSV, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên cũng như sắp xếp lịch trực giám sát an toàn đảm bảo duy trì giám sát trong suốt quá trình làm việc, đồng thời tổ chức xây dựng kế hoạch, đánh giá mức độ rủi ro riêng cho nhóm công việc, trên cơ sở đó bổ sung các biện pháp cần thiết để giảm thiểu - loại trừ mối nguy, rủi ro.

Mặt khác, Ban QLDA cũng đã xây dựng hệ thống văn bản, quy định, quy trình nội bộ liên quan tới công tác ATVSLĐ, tổ chức đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật và kiến thức về ATVSLĐ; Tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, đồng thời đánh giá nguy cơ rủi ro và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động; Tổ chức nơi làm việc hợp lý, đảm bảo ATVSLĐ, PCCN và tổ chức Quản lý bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động. Đặc biệt, Ban QLDA cũng đã tổ chức, vận động và động viên, khen thưởng kịp thời người lao động có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm ATVSLĐ.

Có thể thấy rằng, nhận thức được về những hiểm họa khôn lường nếu để xảy ra các sự cố từ việc để mất an toàn và có đủ biện pháp phòng ngừa, quản trị được rủi ro từ trong đến ngoài nhà máy là căn cơ để NMNĐ Thái Bình 2 bước vào giai đoạn phát điện trong năm 2023.

Kết quả công tác ATSKMT trong năm 2022 đạt được: Toàn Dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 đã vượt được mốc 3,2 triệu giờ an toàn.

Thành Công

Chung tay chăm lo cho người lao động tại NMNĐ Thái Bình 2 Chung tay chăm lo cho người lao động tại NMNĐ Thái Bình 2
Những điểm sáng của PETROCONs trong năm 2022 Những điểm sáng của PETROCONs trong năm 2022
Năm 2022: NMNĐ Thái Bình 2 sản xuất khoảng 400 triệu kWh điện thương phẩm Năm 2022: NMNĐ Thái Bình 2 sản xuất khoảng 400 triệu kWh điện thương phẩm
Thủ tướng chỉ đạo xử lý vướng mắc tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 Thủ tướng chỉ đạo xử lý vướng mắc tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

DMCA.com Protection Status