Từ tháp đôi Petronas Malaysia nghĩ về quốc huy năng lượng

Bài 2: Lời Bác dặn và cuộc trường chinh mới

14:31 | 27/05/2025

13,546 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Từ tầm nhìn của Bác Hồ năm 1961 đến bước ngoặt đổi tên, Petrovietnam đang đứng trước cuộc trường chinh thứ hai, vươn mình trên bản đồ năng lượng sạch toàn cầu.
Bài 1: Khi doanh nghiệp nhà nước vươn mìnhBài 1: Khi doanh nghiệp nhà nước vươn mình

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Malaysia tháng 5/2025 đã đánh dấu một bước ngoặt chiến lược không chỉ về hợp tác song phương, mà còn về cách chúng ta nhìn lại chính mình. Giữa những ánh đèn rực rỡ của tháp đôi Petronas, biểu tượng năng lượng và khát vọng quốc gia của Malaysia, tôi đặt ra câu hỏi: Việt Nam đã có một “Petronas của riêng mình” chưa? Và Petrovietnam với sứ mệnh mới khi được định vị lại thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, liệu có thể trở thành “quốc huy kinh tế” như Petronas, ADNOC hay Equinor?.

Cơ hội lịch sử

Ngay sau bài viết thứ nhất được đăng tải, một đồng nghiệp ở Báo điện tử Chính phủ phản hồi tới tôi với sự trân trọng về cách tiếp cận vấn đề trong bài viết và cho biết: Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ hàng chục năm trước đã từng đặt ra mục tiêu đuổi kịp Petronas. Ngày 7/10/2015, cách đây 10 năm, phát biểu tại buổi tiếp hơn 100 nữ công nhân tiêu biểu xuất sắc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về dự Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai doạn 2010-2015 và Chương trình hành động “Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Dầu khí giai đoạn 2012-2015,” Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Petro​Vietnam phải phấn đấu đuổi kịp Petronas của Malaysia về quy mô, trình độ, hệ thống sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Tầm nhìn đã có, khát vọng đã có từ lâu vậy tại sao lại không thể trở thành hiện thực? Hãy so sánh mô hình Petrovietnam và những tập đoàn quốc gia kiểu mới cho thấy nhiều nét tương đồng và Petrovietnam không hề “lép vế” mà đang đứng trước các cơ hội lịch sử.

Bài 2: Lời Bác dặn và cuộc trường chinh mới
Mô hình Petrovietnam và những tập đoàn quốc gia kiểu mới của một số quốc gia trên thế giới

Nếu Petronas là biểu tượng ASEAN, ADNOC là “tài khoản quyền lực” của vùng Vịnh thì Petrovietnam có thể và cần trở thành “trung tâm tích hợp năng lượng xanh của Đông Nam Á lục địa”.

Bệ phóng lịch sử của Petrovietnam không thua kém bất kỳ ai, thậm chí còn có những tố chất mà không tập đoàn nào trên thế giới có được khi mà Tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia Việt Nam của chúng ta ra đời từ tầm nhìn của chủ tịch Hồ Chí Minh và có xuất phát điểm mang trong mình phẩm chất của những người lính Bộ đội Cụ Hồ với tiền thân là Binh đoàn 18.

Petrovietnam không phải là một doanh nghiệp bình thường. Nó là biểu tượng. Từ mũi khoan thăm dò khí ở Thái Bình tới giếng dầu Bạch Hổ những năm 1980, đến những dàn khoan trên Biển Đông, từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đến chuỗi điện - khí - đạm trải dài cả nước, tập đoàn đã đóng vai trò như “bàn tay kiến tạo” trong công cuộc công nghiệp hóa của Việt Nam. Không ngoa khi nói, Petrovietnam là “doanh nghiệp quốc gia mang sứ mệnh lịch sử”.

Bài 2: Lời Bác dặn và cuộc trường chinh mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu ngày 23/7/1959. (Ảnh tư liệu)

Ngay từ thập niên 1950-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về “tìm dầu cho Tổ quốc” trong các cuộc làm việc với Bộ Công nghiệp nặng và các cố vấn Liên Xô.

Ngày 23/7/1959, khi tới thăm Khu công nghiệp dầu khí Baku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Azerbaijan thuộc Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Baku”…

Ngày 27/11/1961, Đoàn Thăm dò Dầu lửa 36 - tiền thân của Liên doanh Vietsovpetro sau này được thành lập. Đây không chỉ là một tổ chức kỹ thuật, mà là kết tinh tầm nhìn chiến lược về phát triển nội lực, xây dựng chủ quyền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng độc lập, dù đất nước khi đó vẫn còn chìm trong khói lửa chia cắt.

Bài 2: Lời Bác dặn và cuộc trường chinh mới
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev ký Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô, ngày 19/6/1981. (Ảnh tư liệu)

Từ đó đến nay đã 66 năm, ngành Dầu khí Việt Nam đã đi từ không đến có, đạt được những thành tựu hết sức vẻ vang. Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn gần đây khẳng định: “Chúng ta tự hào và tự tin báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, ngành Dầu khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hiện thực hóa mong ước của Người”.

Từ lời hiệu triệu đó, lớp lớp cán bộ, kỹ sư dầu khí đã ra đời - nhiều người trong số họ sau này trở thành hạt nhân của PetroVietnam.

Từ khát vọng ban đầu của Bác Hồ, ngành dầu khí Việt Nam đã hình thành, tồn tại và trưởng thành trong những giai đoạn đặc biệt: chiến tranh - bao cấp - đổi mới - hội nhập và nay là chuyển dịch xanh.

Petrovietnam không chỉ đóng góp hàng triệu tỷ đồng cho ngân sách, hàng chục triệu tấn dầu cho nền kinh tế, mà còn khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ địa chính trị năng lượng toàn cầu.

Thập niên 1990, khi đất nước còn thiếu điện, thiếu xăng, Petrovietnam bước vào cuộc chơi hạ tầng năng lượng. Trong chuyến thăm Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) vào thập niên 90 của thế kỷ XX, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu: “Sau năm 1991, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ thì Việt Nam nhờ có hai chân trụ vững là dầu khí và nông nghiệp mà đất nước ổn định và phát triển đến ngày nay. Những cú khoan dầu khí đã khơi dậy được tiềm lực kinh tế cho đất nước, góp phần to lớn bảo vệ thể chế, phát triển đất nước”.

Năm 2009, Petrovietnam vận hành Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên, biến Việt Nam từ nước 100% nhập khẩu xăng dầu thành quốc gia có chủ quyền năng lượng từng phần. Giai đoạn 2010 - 2020, trong khi nhiều doanh nghiệp quốc doanh trượt dài vì quản trị yếu kém, Petrovietnam vẫn là điểm sáng khi đóng góp trên 20% ngân sách Nhà nước trong nhiều năm liên tiếp.

Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, thế giới xoay trục. Các tập đoàn dầu khí lớn đang đầu tư hàng chục tỷ USD vào năng lượng tái tạo, pin lưu trữ, carbon capture (thu giữ carbon), công nghiệp hydro. Nếu Petrovietnam không nhanh chóng “thoát vai” khỏi chiếc áo dầu khí truyền thống, họ sẽ bị tụt lại trong chính sân nhà.

Từ tháp Petronas nhìn về tương lai, ôn cố để tri tân khi so sánh với câu chuyện Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, Petrovietnam hôm nay càng cho thấy chúng ta không chỉ có cơ hội lịch sử mà còn có bệ phóng lịch sử to lớn không thua kém bất kỳ tập đoàn nào trên thế giới.

Bài 2: Lời Bác dặn và cuộc trường chinh mới
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/4, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trao quyết định đổi tên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam

Giờ đây, khi bước vào thời kỳ mới đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, Petrovietnam không đơn thuần là người thừa kế tài sản của quá khứ, mà chính là người hiện thực hóa khát vọng của một dân tộc từng “đói dầu nhưng không cúi đầu”, từng “làm chủ kỹ thuật trong bom đạn” và giờ đây muốn “làm chủ vị trí trong chuỗi năng lượng sạch của thế giới”.

Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Khi đặt cạnh Petronas, người bạn đồng niên ra đời chỉ cách nhau một năm (1974 - 1975) - câu chuyện phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) trở thành một trong những ví dụ điển hình về tiềm năng chưa khai phá hết. Trong khi Petronas đã trở thành trụ cột ngân sách quốc gia, thương hiệu toàn cầu và biểu tượng quyền lực mềm của Malaysia, thì Petrovietnam vẫn đang loay hoay thoát khỏi lớp vỏ hành chính hóa để bước vào sân chơi năng lượng quốc tế với tâm thế kiến tạo.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến hai tập đoàn, cùng xuất phát gần như một thời điểm, lại có hành trình phát triển khác biệt rõ rệt đến thế?

Dưới đây là bảng so sánh chi tiết giữaTập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas), nhằm làm rõ lý do vì sao Petronas hiện đang vượt trội hơn PVN về quy mô và hiệu quả hoạt động:

Bài 2: Lời Bác dặn và cuộc trường chinh mới
Bảng so sánh chi tiết giữaTập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas)

Bảng so sánh phần nào đã cho thấy những điểm nghẽn phát triển gồm:

Một là, thể chế pháp lý chưa đồng bộ, chưa “mở cửa” cho năng động thị trường.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất chính là hệ thống luật pháp liên quan đến dầu khí, điện lực, năng lượng tái tạo… hiện vẫn đang phân mảnh, chồng chéo. Việc phát triển những dự án như điện gió ngoài khơi, LNG, hydrogen vốn đòi hỏi sự liên thông giữa nhiều ngành đang gặp rào cản lớn về khung pháp lý, từ quy hoạch, phê duyệt đầu tư đến đấu thầu và ký hợp đồng mua bán điện (PPA).

Trong khi đó, Petronas được trao quyền tự chủ lớn hơn và hoạt động như một “tập đoàn thể chế bán công”, vừa kinh doanh, vừa góp phần hoạch định chính sách quốc gia.

Hai là, mô hình quản trị còn nặng tính hành chính, thiếu tự chủ chiến lược.

Petrovietnam vẫn đang bị ràng buộc bởi cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước truyền thống, thiếu tính linh hoạt về đầu tư, nhân sự, tổ chức bộ máy và phân quyền tài chính. Việc ra quyết định trong hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hay triển khai công nghệ mới thường mất thời gian do cần nhiều tầng phê duyệt.

Trong khi đó, Petronas vận hành với cơ chế CEO - HĐQT chuyên nghiệp, có văn phòng đại diện toàn cầu và được quyền ký kết, tổ chức liên danh quốc tế linh hoạt.

Ba là, quốc tế hóa và thương hiệu còn yếu.

Petronas hiện diện tại hơn 50 quốc gia, từ châu Phi đến châu Mỹ, đầu tư vào nhiều lĩnh vực như lọc hóa dầu, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), hydrogen…

Trong khi đó, hoạt động quốc tế của Petrovietnam mới chỉ dừng lại ở một số thị trường như Nga, Malaysia, Algeria và chưa tạo được chuỗi giá trị tích hợp xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng thiếu những biểu tượng thương hiệu toàn cầu như Petronas Twin Towers hay đội đua F1 Petronas Mercedes.

Bài 2: Lời Bác dặn và cuộc trường chinh mới
Petrovietnam vẫn chưa sở hữu hệ sinh thái đầy đủ từ khảo sát, kỹ thuật, công nghệ turbine, tích trữ năng lượng đến xuất khẩu điện xanh... Ảnh: Quang Hùng

Bốn là, chuyển đổi năng lượng chưa đi vào chiều sâu.

Mặc dù đã có bước tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, Petrovietnam vẫn chưa sở hữu hệ sinh thái đầy đủ từ khảo sát, kỹ thuật, công nghệ turbine, tích trữ năng lượng đến xuất khẩu điện xanh.

Petronas đã thành lập các công ty con chuyên trách năng lượng sạch, đầu tư hàng tỷ USD vào hydrogen, năng lượng mặt trời và logistics carbon. Petrovietnam vẫn đang ở giai đoạn khởi động.

Các giải pháp chiến lược để bứt tốc

Thứ nhất, cần thể chế hóa Petrovietnam như một tập đoàn năng lượng chiến lược quốc gia đặc biệt.

Cần ban hành cơ chế đặc thù cho Petrovietnam, không chỉ với tư cách doanh nghiệp nhà nước mà là “tập đoàn kiến trúc sư năng lượng quốc gia”. Tức là không chỉ làm ra dầu, khí, điện, mà còn được tham gia xây dựng thể chế, hoạch định chính sách và điều phối các liên danh chiến lược quốc tế. Việt Nam nên học theo mô hình “nửa nhà nước - nửa thị trường” của Petronas hoặc Temasek (Singapore).

Thứ hai, nên tái cấu trúc Petrovietnam theo mô hình holdings đa trụ cột - tích hợp xanh và số.

Chuyển PVN từ một khối thống nhất thành nhiều công ty holdings có vai trò rõ ràng: PVN Renewables (điện gió - hydrogen - điện mặt trời), PVN LNG & Logistics, PVN Digital Energy (nền tảng số hóa - dữ liệu - tài chính carbon).

Mỗi công ty cần HĐQT và CEO chuyên biệt, hướng tới IPO từng đơn vị để tăng khả năng huy động vốn quốc tế và năng lực quản trị.

Thứ ba, xây dựng thương hiệu và hiện diện toàn cầu.

Petrovietnam cần thành lập văn phòng đại diện ở các trung tâm năng lượng lớn: Singapore, Geneva, Tokyo, Houston… Đồng thời, khởi động dự án biểu tượng thương hiệu quốc gia - “Petrovietnam Tower”, không chỉ là trụ sở mà là trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư, dữ liệu năng lượng, hội nghị quốc tế tương tự mô hình Petronas Twin Towers.

Thứ tư, đầu tư mạnh vào R&D và liên kết quốc tế.

Tối thiểu 2 - 3% doanh thu của Petrovietnam phải dành cho R&D và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực hydrogen, năng lượng biển, lưu trữ và số hóa năng lượng. Ngoài ra, cần hợp tác chiến lược với các đại học quốc tế hàng đầu, xây dựng học viện năng lượng quốc gia tương tự Petronas với Đại học UTP.

Thứ năm,nghiên cứu giao Petrovietnam chủ trì liên danh năng lượng khu vực.

Thay vì chờ hợp tác song phương, Petrovietnam có thể chủ động thành lập Liên danh Năng lượng Xanh ASEAN - nơi quy tụ vốn, kỹ thuật, thị trường từ các nước trong khu vực.

Vị thế quốc gia không chỉ đến từ lãnh đạo mà từ kiến trúc thể chế doanh nghiệp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Malaysia, đã thể hiện tầm nhìn về một Việt Nam hội nhập sâu hơn, xanh hơn, có mặt ở những bàn đàm phán lớn hơn.

Nhưng để điều đó không chỉ nằm trên diễn văn, chúng ta cần một lực lượng đủ mạnh để thực thi, điều phối và đại diện. Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam - với những kinh nghiệm từ Petrovietnam chính là “đội hình chủ lực”, không chỉ vận hành giàn khoan, mà vận hành cả chiến lược hội nhập năng lượng quốc gia.

Bài 2: Lời Bác dặn và cuộc trường chinh mới
Từ hôm nay, Petrovietnam không chỉ là “tập đoàn dầu khí Việt Nam” mà phải trở thành “tập đoàn quốc gia kiến tạo tương lai năng lượng Việt Nam. Ảnh: Quang Hùng

Điểm bắt đầu của một kỷ nguyên mới

Chúng ta không cần sao chép Petronas hay ADNOC. Nhưng chúng ta cần học cách mà họ biến doanh nghiệp thành hình hài của chiến lược quốc gia. Petrovietnam khi được tái định danh, tái cấu trúc, trao quyền thể chế, có thể làm được điều đó.

Một quốc gia muốn dẫn dắt không thể chỉ có chính phủ mạnh mà cần có “doanh nghiệp mang tầm vóc quốc gia”. Từ hôm nay, Petrovietnam không chỉ là “tập đoàn dầu khí Việt Nam” mà phải trở thành “tập đoàn quốc gia kiến tạo tương lai năng lượng Việt Nam”.

Petrovietnam không thiếu tiềm lực, không thiếu khát vọng, càng không thiếu nền tảng để vươn tầm. Điều còn thiếu chỉ là một cú huých thể chế đủ mạnh, một chiến lược đủ dài hạn và một không gian vận hành đủ linh hoạt để bứt phá. Và nếu làm được, Petrovietnam không chỉ đuổi kịp Petronas, mà hoàn toàn có thể định vị mình như “kiến trúc sư năng lượng của Đông Nam Á lục địa”.

Từ ngày 24 - 28/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm chính thức Malaysia. Đây không chỉ là chuyến ngoại giao cấp cao sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà là sự kiện định hình chiến lược toàn diện mới trong hợp tác công nghiệp, thương mại giữa hai quốc gia.

Tháp tùng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hiện diện trong mọi hoạt động trọng yếu: từ hội đàm chính thức với Thủ tướng Malaysia Dato' Seri Anwar Ibrahim, tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia, đến các cuộc làm việc với các tập đoàn lớn.

Một trong những điểm sáng lớn nhất là lễ trao Thỏa thuận hợp tác triển khai Dự án điện gió ngoài khơi TDA-02 giữa Petronas (Malaysia), TNB (Malaysia), Sembcorp (Singapore) và hai đối tác Việt Nam là Petrovietnam và PTSC.

Dự án này có công suất 2GW, không chỉ cung cấp điện sạch cho Việt Nam mà hướng tới xuất khẩu điện gió ra khu vực, đặc biệt là Singapore và Malaysia thông qua mạng lưới ASEAN Power Grid.

Việc Bộ Công Thương trực tiếp đàm phán, xúc tiến và thiết kế cơ chế chính sách cho dự án từ nhiều tháng trước thể hiện rõ vai trò chủ động dẫn dắt. Đây không chỉ là một dự án đầu tư, mà là minh chứng cho tầm nhìn “chủ quyền năng lượng” và khả năng kết nối đa phương nội khối ASEAN.

Theo Nguyên Minh/ Báo Công Thương

DMCA.com Protection Status