Bài 2: Xóa rào cản, mở hướng phát triển

14:00 | 09/11/2021

6,829 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Khoảng hơn chục năm trước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có Nghị quyết 223 về phát triển nội lực và sử dụng dịch vụ trong ngành. Đây là một Nghị quyết đã làm sống lại các đơn vị làm dịch vụ kỹ thuật dầu khí và phát triển một cách rực rỡ.
Bài 2: Xóa rào cản, mở hướng phát triển
Lớp đảng viên trẻ trên Giàn Hải Thạch-Mộc Tinh

Năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã trở thành đơn vị kinh tế chủ lực của đất nước với quy mô, tổng tài sản lớn nhất trong các ngành kinh tế.

Chỉ tính từ năm 1986 cho tới hết năm 2020, Tổng doanh thu của Tập đoàn đạt trên 390 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 110 tỉ USD, luôn ở trong Top đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước. Nhưng cũng chính vào giai đoạn này, Đảng và Nhà nước đã nhìn ra những vấn đề lớn của Tập đoàn Dầu khí, mà nếu chậm thay đổi phương thức thể chế về quản lý sẽ là rào cản ngăn bước phát triển của Tập đoàn trong tương lai.

Chính vì thế mà Nghị quyết 41 đã ra đời.

Ngày 23/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị "Về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035". Nghị quyết đánh giá: "Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp chủ lực của ngành Dầu khí đã có những bước phát triển vượt bậc, cùng với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp khác trong ngành Dầu khí có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đi đầu trong mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam".

Điểm cực kỳ quan trọng là Nghị quyết đã nêu định hướng phát triển cho Tập đoàn: "Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam theo nguyên tắc kinh tế thị trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường tính chủ động trong quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp".

Nghị quyết 41 cũng nêu ra những bất cập, khiếm khuyết của cơ chế điều hành và những yếu kém của Tập đoàn Dầu khí. Lúc bấy giờ, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí rất vui mừng vì họ biết chắc chắn rằng, một khi Nghị quyết được cụ thể hóa bằng những chủ trương, giải pháp mới thì sẽ tạo được sức mạnh mới cho Tập đoàn.

Nhưng tiếc thay, suốt từ cuối năm 2015 cho tới cuối năm 2020, việc thực hiện Nghị quyết vẫn "giậm chân tại chỗ". Có nhiều lý do để lý giải về sự chậm trễ khi đó. Về nguyên nhân khách quan, do giá dầu giảm tiêu cực suốt 3 năm, rồi từ năm 2020 lại vướng đại dịch COVID-19. Về nguyên nhân chủ quan, từ cuối 2015 cho đến đầu năm 2018, nhiều cán bộ cao cấp của Tập đoàn, trong đó có người đứng đầu và một số đơn vị thành viên mắc sai phạm, bị xử lý trước pháp luật. Chính điều này làm uy tín, danh dự của những người trong ngành dầu khí bị tổn thương. Đó cũng là lý do các Bộ, Ban, Ngành có liên quan tới hoạt động của Tập đoàn "ngần ngại", chưa muốn làm gì quyết liệt để tháo gỡ những "điểm nghẽn".

Tình trạng một số cơ quan, đơn vị có liên quan đến chỉ đạo hoạt động của Tập đoàn Dầu khí chỉ "nói mà không làm" hoặc nói chung chung "thông cảm, chia sẻ, thấu hiểu với những khó khăn của Tập đoàn Dầu khí" là khá phổ biến.

Những gì đang là rào cản đối với sự phát triển của PVN thì ai cũng biết. Chưa khi nào mà trong giai đoạn từ 2017 đến 2019, lãnh đạo Tập đoàn đã phải báo cáo tình hình với tất cả các cấp lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội… Đã phải tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với quy mô lớn để tìm cách tháo gỡ khó khăn, thậm chí là Tạp chí Cộng sản phải đứng ra tổ chức một buổi hội thảo xung quanh các việc "Làm thế nào để đưa Nghị quyết 41 vào thực tiễn?".

Sự trì trệ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với PVN điển hình đến mức, phải mất gần 5 năm mới có được Quy chế hoạt động Tài chính mới thay cho Quy chế cũ. Thậm chí, đã có lần mà đồng chí Trần Sĩ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của PVN đã từng thốt lên: "Như thế này, lãnh đạo chủ chốt có thể bị xử lý kỷ luật bất cứ lúc nào vì Tập đoàn hoạt động suốt gần 5 năm mà không có quy chế Tài chính".

Một khó khăn nữa cho Tập đoàn là mang tên "Tập đoàn kinh tế nhà nước" nên lâu nay, PVN không được hoạt động theo Luật Doanh nghiệp một cách đầy đủ; không được tự chủ về tài chính, không được tự chủ về kế hoạch sản xuất, không được tự chủ về các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, không được tự chủ cả về công tác cán bộ… mà tất cả phải phụ thuộc vào kế hoạch từ trên đưa xuống. Rồi nữa, những quy định về đấu thầu, chỉ định thầu, đầu tư ra nước ngoài, liên doanh với nước ngoài… nhiều khi “ trói tay” Tập đoàn Dầu khí, đặc biệt là việc đấu thầu các dự án có yếu tố nước ngoài.

Khoảng hơn chục năm trước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có Nghị quyết 223 về phát triển nội lực và sử dụng dịch vụ trong ngành. Đây là một Nghị quyết đã làm sống lại các đơn vị làm dịch vụ kỹ thuật dầu khí và phát triển một cách rực rỡ. Chính nhờ có Nghị quyết này, PVN đã làm nên những công trình đến bây giờ đang đạt hiệu quả kinh tế cực kỳ cao như Dự án Biển Đông 1, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án Bir Seba ở Algeri và nhiều dự án khác. Nhờ nghị quyết này mà Tập đoàn Dầu khí đã tự đóng được những giàn khoan, giàn khai thác cực lớn như Giàn PVD V, PVD VI, Trung tâm xử lý khí Hải Thạch - Mộc Tinh... Nhưng sau này, nhiều vị lãnh đạo đã “bật đèn đỏ”, yêu cầu phải thực hiện đúng quy định về đấu thầu, chỉ định thầu. Thế là một số đơn vị dịch vụ kỹ thuật dầu khí bị thua thiệt khi đấu thầu có yếu tố nước ngoài. Và điều bi kịch hơn nữa, có những công ty nước ngoài sau khi thắng thầu đã thuê lại đơn vị dầu khí trong nước thực hiện.

Phải đến đầu năm 2021 thì Chính phủ mới thực sự "xắn tay áo", tập trung tháo gỡ các nút thắt cho PVN.

Bài 2: Xóa rào cản, mở hướng phát triển
Hoạt động an sinh xã hội luôn được Đảng ủy PVN quan tâm

Trở lại Nghị quyết 41, điều cốt lõi của Nghị quyết là: "Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển, trong đó quan trọng nhất là: Xây dựng hành lang pháp luật đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhất là về quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; về cơ chế đầu tư ra nước ngoài; về công tác tự tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc thù trong nội bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Và "tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bảo đảm vận hành đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế…"

Như vậy, để thực hiện Nghị quyết, cần phải có các giải pháp là nhanh chóng hoàn thiện thể chế phát triển ngành Dầu khí, bao gồm: Phải sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí; Hoạch định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp để thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển. Phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước về dầu khí; tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dầu khí. Và một giải pháp rất quan trọng là phải xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để phát triển ngành Dầu khí.

Song song với đó là phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. Ngành dầu khí vốn được coi là ngành siêu lợi nhuận nhưng cũng siêu rủi ro. Một mũi khoan không thấy dầu là mất toi hàng chục, thậm chí cả trăm triệu USD. Mà rủi ro đến với công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đâu phải chỉ ở khâu kỹ thuật, mà còn liên quan đến tình tình địa chính trị trên thế giới.

Nhiều Tập đoàn dầu mỏ danh tiếng trên thế giới khi tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam đã mất hàng trăm triệu USD mà chả được lít dầu nào. Theo con số thống kê chưa thật chính xác thì từ năm 1986 cho tới nay, tổng số tiền bị mất mà một số tập đoàn khai thác dầu đã đổ vào tìm kiếm ở vùng thềm lục địa Việt Nam là khoảng 14 tỷ USD.

Xây dựng hành lang pháp luật đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho PVN, nhất là về quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; về cơ chế đầu tư ra nước ngoài; về công tác tự tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc thù trong nội bộ. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại PVN, bảo đảm vận hành đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; nghiên cứu phát triển các tổng công ty, công ty chuyên ngành trong lĩnh vực cốt lõi và các lĩnh vực chính đủ mạnh để có thể chủ động, tự thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Xây dựng chính sách giá khí hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và DN, người dân và giữa DN với nhau làm tiền đề để phát triển mạnh mẽ hơn nữa công nghiệp khí Việt Nam.

Một trong những việc cần làm ngay là khẩn trương sửa đổi Luật Dầu khí. Luật Dầu khí năm 1993 có quá nhiều những quy định không còn phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo giữa Luật Dầu khí so với các quy định pháp luật khác.

Luật Dầu khí được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 6/7/1993. Đây là bước khởi đầu hình thành khung pháp lý cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Luật Dầu khí đã qua 2 lần sửa đổi vào năm 2000 và 2008. Nhưng đến nay, khi ngành công nghiệp Dầu khí đã có sự thay đổi toàn diện, nhiều quy định trong Luật Dầu khí hiện hành không còn phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác.

Cũng bởi những quy định không còn phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo, cho nên hoạt động dầu khí gặp nhiều vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải chuẩn hóa lại hệ thống pháp luật, các quy định pháp luật điều chỉnh liên quan đến hoạt động dầu khí, đặc biệt là yêu cầu cấp thiết chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật dầu khí và đối tượng điều chỉnh/áp dụng của Luật này, không chỉ riêng Petrovietnam mà bao gồm tất cả các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư, nhà thầu tham gia hoạt động động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, Tổ trưởng Tổ soạn thảo, quy trình hệ thống thủ tục đầu tư các dự án dầu khí mới theo các quy định pháp luật hiện hành đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho việc triển khai đầu tư, hoạt động tìm kiếm, thăm dò trong giai đoạn tới.

Làm thế nào để đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống? Yêu cầu này được đặt ra ngày càng cấp bách. Thực tế, chúng ta cũng đã thấy mỗi khi có một Nghị quyết của Đảng được ban hành, thì các cấp ủy Đảng đều tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ. Nhưng những vấn đề cốt tử, các chủ trương chiến lược mà Nghị quyết nêu ra thì thực hiện được đến đâu? Nếu không thực hiện được thì lý do vì sao? Tại ai? Ai phải chịu trách nhiệm, thì lại chưa được đánh giá đầy đủ, đúng mức.

60 năm qua, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đi từ Không đến Có, từ chỗ chỉ là người học việc, người làm thuê, nay đã làm chủ được tất cả các công nghệ hiện đại nhất trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; đã xây dựng được chuỗi sản phẩm khép kín từ Tìm kiếm-Thăm dò-Khai thác- Tồn trữ-Vận chuyển-Chế biến sâu... Nhưng, để Tập đoàn Dầu khí phát triển nhanh, bền vững hơn nữa, góp phần quan trọng vào nền kinh tế quốc dân, thì cần có sự phối hợp đồng bộ và chỉ đạo giữa Chính phủ và các Bộ, Ngành để tháo gỡ những gì đang cản trở, trói buộc. Cần có những quyết định mạnh mẽ, "thần tốc" hơn nữa, vì sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam./.

Theo Báo Đảng Cộng sản

Kỳ XVII: Nền tảng cũ, bối cảnh mớiKỳ XVII: Nền tảng cũ, bối cảnh mới
Thu ngân sách 10 tháng đạt 1.221 nghìn tỷ đồngThu ngân sách 10 tháng đạt 1.221 nghìn tỷ đồng
Kỳ VII: Chuyến đi đặc biệt của  “vị tướng dầu khí” Đinh Đức ThiệnKỳ VII: Chuyến đi đặc biệt của “vị tướng dầu khí” Đinh Đức Thiện

DMCA.com Protection Status