Bài 4: Nhớ mãi khoảnh khắc lịch sử
TS Ngô Hữu Hải |
Chúng tôi gặp lại TS Ngô Hữu Hải tại Văn phòng Bien Dong POC (một liên doanh giữa Petrovietnam và Gazprom Liên bang Nga) nghe kể về thời khắc lịch sử ông có mặt trên giàn khoan MSP-1 mỏ Bạch Hổ lúc Việt Nam bắt đầu khai thác những thùng dầu thương mại đầu tiên từ giếng khoan BH-1X. Đồng thời, nghe TS Ngô Hữu Hải kề về câu chuyện duyên nghiệp với ngành Dầu khí.
Thời điểm Vietsovpetro khai thác những thùng dầu ở giếng BH-1X phun lên với lưu lượng lớn, TS Ngô Hữu Hải đang đảm nhận chức danh thợ khai thác bậc 4/6 trên giàn khoan khai thác MSP-1 mỏ Bạch Hổ.
Ông nhớ khi khoan xong thì chuẩn bị gọi dòng sản phẩm đưa giếng vào khai thác, nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các anh chị phóng viên ra giàn MSP-1 mỏ Bạch Hổ để chứng kiến khoảnh khắc quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam bắt đầu khai thác những thùng dầu thương mại đầu tiên (First Oil) từ giếng khoan BH-1X. Tuy nhiên các chuyên gia Nga và Việt Nam sau mấy ngày làm việc cật lực nhưng “gọi” lên chỉ thấy váng dầu. Sau một cuộc họp kỹ thuật ngay trên giàn MSP-1, lãnh đạo Vietsovpetro quyết định cho trám cột xi măng ngăn cách vỉa đá móng với các vỉa dầu khác, tiến hành bắn mở vỉa dầu Mioxen và chỉ sau mấy giờ “gọi dòng” liên tục, đúng 9h30 phút ngày 26/6/1986 thì dầu khí phun lên với lưu lượng lớn.
Ông Ngô Hữu Hải nhớ thời điểm dầu phun lên, việc đốt bỏ khí đồng hành trên đuốc phaken thật sự không đơn giản chút nào, vì đơn giản là không ai có kinh nghiệm kể cả các chuyên gia Nga. Hoặc cũng có thể cảm xúc sung sướng vỡ òa làm mọi người luýnh quýnh mà đốt phaken không cháy.
Lúc đó, kỹ sư Nguyễn Hữu Trung - Xưởng phó Xưởng Khai thác dầu, đốc công khai thác dầu Nguyễn Thúc Kháng (sau này là Phó tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro) và một kỹ sư người Nga bắn 5 phát đạn pháo hiệu để “mồi” đuốc liên tục nhưng phaken không cháy. Hết đạn nên đành phải tính đến phương án đốt bằng bùi nhùi. Thế là một thợ khai thác người Azerbaijan (nơi có lịch sử khai thác dầu khí cả thế kỷ) một tay bám vào cầu thang leo từng bước lên phaken một tay cầm bùi nhùi đang cháy để đốt, ngọn lửa mới bùng cháy trên ngọn phaken sáng rực một khoảng trời.
Phát hiện condensat tầng móng Đại Hùng |
Phải khẳng định rằng, những ai có mặt trực tiếp trên giàn MSP-1 vào ngày 26/6/1986 và được vinh hạnh chứng kiến khoảnh khắc dòng dầu khí đầu tiên phun lên đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên trong đời làm dầu khí.
Ngọn lửa bùng cháy trên ngọn đuốc phaken giàn khai thác MSP-1 vào lúc 9h30 phút sáng ngày 26/6/1986, tất cả anh em có mặt trên giàn đều chạy dồn về block số 1, số 2 để chứng kiến ngọn lửa thần kỳ đang bùng cháy trên ngọn đuốc và những giọt dầu thương mại đầu tiên của Tổ quốc được khai thác, cả các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam cùng ôm chầm lấy nhau, vui mừng và hạnh phúc. Anh em đã dùng tay không lấy dầu để ngắm, để ngửi, để nếm xem mùi vị dầu “made in Việt Nam” thế nào. Nhiều người hạnh phúc quá đã lấy dầu bôi vào quần áo, bôi lên mặt trong một tâm trạng vô cùng sung sướng, hạnh phúc vì lần đầu tiên được nhìn thấy, sờ thấy dầu thô Việt Nam.
Về sau này, ông Hải cũng như rất nhiều người khác mới biết, những tấn dầu tìm được trong tầng đá móng từ ngày 6/9/1988 đã góp phần cực kỳ quan trọng trong việc cứu nền kinh tế đất nước và cứu Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro khỏi bị sụp đổ.
Là một trong những chuyên gia hàng đầu về gọi dòng sản phẩm dầu khí, nhưng ông Ngô Hữu Hải nhớ lại: các chuyên gia người Nga và Việt Nam đều không có cơ hội gọi dòng sản phẩm phần móng của giếng BH-1X bởi khi khoan phá cốc xi măng giữa tầng Miocen và tầng móng, dầu phun lên với lưu lượng quá lớn với áp suất 100at, đầu giếng giãn nở 20cm nên các đồng chí lãnh đạo giàn quyết định dùng vòi nước cứu hỏa xả vào đầu giếng, làm nguội đầu giếng để đảm bảo an toàn và cho khai thác ngay cả trong cần khoan lẫn khai thác ngoài cần khoan. Một phương pháp khai thác không có trong sách giáo khoa. Tuy nhiên nhờ vậy mà năm 1988 không những hoàn thành mà còn hoàn thành vượt mức sản lượng khai thác dầu khí trong năm đấy và ai cũng được thưởng vượt mức.
Thật tuyệt vời, với chiều dài tầng chứa dầu trong đá móng lên đến 1.300m, diện tích rộng khoảng 60km2, trữ lượng 500-600 triệu tấn dầu, riêng dầu trong móng mỏ Bạch Hổ nếu khai thác khoảng 60% thì đạt được 360 triệu tấn dầu, giá dầu dao động từ 70 USD-100 USD/thùng thì đã đóng góp khoảng 60 tỉ USD cho nền kinh tế đất nước.
Theo TS Ngô Hữu Hải, dầu trong tầng đá móng hiện chiếm đến 90% trữ lượng của dầu khí Việt Nam (mỏ Bạch Hổ, Đông Nam Rồng, Diamond, Đại Hùng…). Tuy nhiên, giờ nhìn lại, những người làm trong ngành Dầu khí như TS Ngô Hữu Hải thấy rằng, nếu ở mỏ Bạch Hổ thực hiện phương pháp bơm ép nước duy trì áp suất vỉa thành công và có hệ số khai thác cao, sản lượng khai thác cao, nhưng phương pháp này khi áp dụng một số mỏ khác như mỏ Sư Tử Đen thì không đem lại kết quả như kỳ vọng.
Rút kinh nghiệm từ mỏ Sư Tử Đen, khi làm Tổng giám đốc Hoàng Long - Hoàng Vũ JOC, khai thác dầu trong đá móng mỏ Cá Ngừ Vàng, ông Ngô Hữu Hải đã cùng anh em kỹ sư đã không bơm ép nước liên tục mà bơm ép theo chu kỳ hợp lý... và thực tế thành công, mỏ đã cho hệ số thu hồi khai thác cao, tổng sản lượng khai thác mỏ cao hơn, lâu hơn. Nhắc đến mỏ Cá Ngừ Vàng, TS Ngô Hữu Hải vẫn nhớ như in kỷ niệm thời điểm thực hiện First Oil nhiều chuyên gia trong ngành Dầu khí cảnh báo chỉ sau 3 năm sẽ hết dầu, hủy mỏ. Tuy nhiên, thực tiễn đã minh chứng, với các giải pháp khoa học, hợp lý, HL-HV JOC khai thác mỏ Cá Ngừ Vàng trên 10 năm và vẫn còn rất nhiều dầu.
Nói về mỏ Đại Hùng (nơi ông Ngô Hữu Hải làm chánh kỹ sư, giám đốc giai đoạn 1999-2005) thì đúng là chuyện có một không hai và có lẽ còn phải dành nhiều giấy mực để viết về câu chuyện lịch sử của mỏ dầu này.
Một mỏ dầu do tư bản (do BHP của Úc, sau đó là Petronas của Malaysia điều hành) bán lại cho phía Việt Nam chỉ 1USD vào thời điểm giá dầu thế giới cực thấp chỉ 9 USD 20 cent/thùng (19/5/1999). Tuy nhiên, chỉ sau 4 năm Đại Hùng đã tạo nên kỳ tích có thời điểm giá dầu lên 147 USD/thùng.
Trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam đến nay, Đại Hùng vẫn là một câu chuyện huyền thoại khi giá trị mua được 1USD và tính đến nay đã mang lại hơn 1 tỉ USD lợi nhuận. Bên cạnh giá trị kinh tế mang lại lớn, đảm bảo hiệu quả đầu tư cao, Đại Hùng còn là trường đại học lớn cho nhiều lứa kỹ sư, công nhân ngành Dầu khí Việt Nam. Nhiều kỹ sư đã có những sáng kiến - sáng chế rất giá trị với ứng dụng khoa học công nghệ cao từ thực tiễn ở Đại Hùng. “Nếu PVEP là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới thì ngay sau đó cần đề nghị phong tặng ngay mỏ Đại Hùng là Anh hùng Lao động” - TS Ngô Hữu Hải khẳng định.
Kể ra, TS Ngô Hữu Hải là người có duyên và may mắn với nghề tìm kiếm và khai thác dầu khí khi lần thứ nhất được trực tiếp tham gia, chứng kiến sự kiện lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam, khai thác thùng dầu thương mại đầu tiên vào 9h30 phút ngày 26/6/1986 từ giếng dầu BH-1X giàn khai thác MSP-1 mỏ Bạch Hổ thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Lần may mắn thứ hai là ông được trực tiếp tham gia và chứng kiến sự kiện tìm ra dầu ở tầng đá móng tại mỏ Bạch Hổ năm 1988. Và sau này ông được trực tiếp tham gia khai thác thùng dầu thương mại đầu tiên từ nhiều mỏ trong nước và thế giới như mỏ Cá Ngừ Vàng (Hoan Vu JOC) mỏ Tê Giác Trắng (Hoang Long JOC), mỏ Bir Seba ở Algieria…
TS Ngô Hữu Hải chân thành tâm sự: “… chỉ cần tôi còn sống khỏe mạnh thì sẽ không bao giờ quên được những khoảnh khắc lịch sử ấy”.
(Xem tiếp kỳ sau)
Bài 3: Vietsovpetro tin trong tầng đá móng có dầu |
Bài 2: Sự kiên nhẫn làm nên kỳ tích |
Bài 1: "Mệnh lệnh" của trái tim |
Thiên Thanh
-
[Video] Lắp đặt thành công Khối thượng tầng giàn BK-23, mỏ Bạch Hổ
-
Vietsovpetro hạ thủy thành công khối thượng tầng giàn BK-23, mỏ Bạch Hổ
-
[Video] Dòng khí đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ được đưa vào bờ - Nền móng cho phát triển lĩnh vực công nghiệp khí Việt Nam
-
Công tác EOR tại Vietsovpetro: Tận thu nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ trong lòng đất