Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung

Bản lĩnh người lính và trí tuệ nhà khoa học dầu khí

15:18 | 03/10/2017

1,903 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
“Dường như duyên nghiệp đã gắn tôi với ngành Dầu khí khi lên đường làm nghĩa vụ quân sự thì được “bổ” về “Binh đoàn Dầu khí 318” đi xây dựng căn cứ tiền đề ngành Dầu khí tại Vũng Tàu. Đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sắp chuyển về Vietsovpetro thì lại được gọi về Viện Dầu khí để nghiên cứu khoa học, cống hiến hết mình cho ngành Dầu khí…”.  

Khúc quân hành người lính

Người chúng tôi đang nhắc đến là TS Nguyễn Hữu Trung, nguyên Ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Hội CCB Tập đoàn), nguyên Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Chủ tịch Hội CCB VPI. Sinh ra ở Nghệ An và lớn lên tại Hà Nội, đến năm 1974, chàng thanh niên hiếu học Nguyễn Hữu Trung vinh dự là 1 trong 200 học sinh ưu tú nhất của Hà Nội được Nhà nước cử sang học tập tại Rumani, Liên Xô và một số nước Đông Âu khác.

Được đào tạo chuyên sâu ở chuyên ngành khoan, khai thác dầu khí, sau 5 năm học tập, rèn luyện chàng sinh viên Nguyễn Hữu Trung trở về nước với tâm hồn phơi phới và đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đi xây dựng đất nước. Nhưng đúng thời điểm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, theo lệnh tổng động viên, Trung khoác balô lên đường bảo vệ đất nước.

ban linh nguoi linh va tri tue nha khoa hoc dau khi
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

Tưởng rằng cái duyên với dầu khí đã hết, nhưng chỉ sau 3 tháng huấn luyện tân binh, Trung được điều động về Binh đoàn 318, đúng vào thời điểm thành lập Binh đoàn Dầu khí (11-7-1980) và lấy cơ sở là Binh đoàn 318 với nhiệm vụ là xây dựng các hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cảng biển, căn cứ hậu cần...) cho Khu Công nghiệp Dầu khí Vũng Tàu. đồng thời thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng trong khu vực Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đây là đơn vị lớn nhất của quân đội được thành lập để hỗ trợ cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Đến năm 1983, khi Binh đoàn 318 được sắp xếp lại nhân sự chuẩn bị chuyển hoàn toàn sang Tổng cục Dầu khí và đổi tên thành Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp Dầu khí, binh nhất Nguyễn Hữu Trung vừa hết thời hạn nghĩa vụ và với khả năng chuyên môn, được đào tạo bài bản nên đã có tên trong danh sách chuyển về Vietsovpetro. Nhưng cũng thời điểm đó Viện Dầu khí đang cần cán bộ chuyên ngành dầu khí nên Trung được Viện trưởng Viện Dầu khí Hồ Đắc Hoài nhận về Viện để làm nguồn nhân sự cho các phòng thí nghiệm dầu khí sơ khai của Viện, sau này đã trở thành nòng cốt của Trung tâm Phân tích xử lý số liệu dầu khí tại TP Hồ Chí Minh, tiền thân của Trung tâm Phân tích Thí nghiệm (VPI-Labs), đơn vị năng động và hoạt động hiệu quả nhất của Viện Dầu khí Việt Nam ngày nay.

Như người lính thầm lặng

TS Nguyễn Hữu Trung nhớ lại: “Mình lúc đó còn trẻ nên hăng hái lắm, xuống đến phòng thí nghiệm là bắt tay ngay vào những công việc đầu tiên như lắp đặt, xây dựng quy trình phân tích, xử lý minh giải tính chất mẫu đất đá và chất lưu dầu, khí. Các quy trình này thực sự đã làm tiền đề cho công tác nghiên cứu khoa học trước khi được hoàn thiện đầy đủ như hiện nay. Thật khó nói hết những khó khăn của những nhà nghiên cứu khoa học khi đó nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu thuộc khối Liên Xô và các nước Đông Âu khác, trong khi lại cần vận hành các phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn hiện đại của Tây Âu”.

Sau hàng chục năm nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng khoa học công nghệ ông Nguyễn Hữu Trung nhận ra rằng, những năm đầu tiên, hầu hết công tác nghiên cứu địa chất, thăm dò tập trung ở vùng Tiền Hải (Thái Bình). Sau này nhận thấy nơi đây tiềm năng dầu khí chỉ dừng ở phạm vi hạn chế, hoạt động tìm kiếm dầu khí của ngành bắt đầu chuyển dịch về phía Nam với các đối tượng tìm kiếm là các bể trầm tích ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam.

Sự chuyển dịch này khiến các chuyên gia dầu khí tâm huyết như ông Trung bắt buộc phải có tư duy “vươn ra biển lớn”, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu nhiều hơn ở ngoài thềm lục địa phía Nam giàu tiềm năng về dầu khí. Đây cũng là thời mà các hoạt động nghiên cứu, dịch vụ khoa học công nghệ dầu khí của Viện có sự chuyển dịch rõ rệt về phía nam.

ban linh nguoi linh va tri tue nha khoa hoc dau khi
Hội Cựu chiến binh Viện Dầu khí Việt Nam về nguồn tại Khu di tích Tân Trào (Tuyên Quang)

Vì lẽ đó, ông Trung lại tiếp tục con đường học tập gian nan. Năm 1988, ông được cử sang Liên Xô và mất 4 năm làm nghiên cứu sinh về chuyên ngành khai thác thứ cấp, bơm ép nước, gia tăng khả năng thu hồi dầu. Vừa chân ướt chân ráo về nước, tân TS Nguyễn Hữu Trung đã được “lệnh” trở lại miền Nam tham gia đào tạo, xây dựng cơ sở 2 của Viện Dầu khí.

Khi cơ sở 2 và Trung tâm Phân tích Dầu khí phía Nam phát triển ổn định, ông Trung lại ra Hà Nội tiếp tục bắt tay vào công tác nghiên cứu. Thời gian này ông là chủ biên của Đề tài “Bơm ép Polime vào các tầng móng nứt nẻ để gia tăng thu hồi dầu khí” nằm trong cụm công trình khoa học dầu khí: “Phát hiện và khai thác có hiệu quả dầu khí trong đá móng nứt nẻ Granitoid ở thềm lục địa Việt Nam” đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012. Đề tài khoa học này góp phần định hướng về khả năng gia tăng thu hồi dầu cho tương lai, được chứng minh đủ khả năng triển khai trong điều kiện kinh tế - kỹ thuật thuận lợi.

Gương sáng “Trí tuệ Dầu khí”

Nói về các dự án thăm dò khai thác ở nước ngoài, TS Nguyễn Hữu Trung hồ hởi cho biết khá kỹ về cuộc đàm phán với Rusvietpetro về việc nâng cao sản lượng khai thác. Lúc đó, đoàn đàm phán của Nga không đồng ý gia tăng sản lượng nhưng với những luận cứ khoa học đầy thuyết phục, ông cùng các đồng nghiệp đã thuyết phục được các nhà khoa học, lãnh đạo của nước bạn thông qua kế hoạch phát triển mỏ nâng sản lượng thu hồi dầu lên hơn 2 triệu tấn dầu so với kế hoạch phát triển mỏ ban đầu. Như vậy phía Tập đoàn Dầu khí có thêm 1 triệu tấn dầu khai thác. Cả cuộc đàm phán chỉ mất có một buổi sáng nhưng đoàn đàm phán của Việt Nam phải chuẩn bị tới hơn một năm.

Trong lúc vui chuyện, ông Nguyễn Hữu Trung như được khơi dòng bảo: “Dầu vốn sinh ra từ tầng sinh và dịch chuyển đến các “bẫy” tạo nên các tích tụ dầu khí để có thể khai thác thương mại. Tuy nhiên, do phải đi qua rất nhiều đường nên nó sẽ “mắc kẹt” ở nhiều “ngóc ngách” ngay tại tầng sinh. Việc khai thác chúng ngay tại tầng sinh trước đây chưa được đặt ra do các vấn đề kinh tế - kỹ thuật. Nhưng với sự phát triển của công nghệ khai thác cực kỳ hiện đại, ngành Dầu khí đã tiến một bước dài để chứng minh trong thực tế có thể tận thu dầu trong tầng sinh. Đương nhiên chi phí đầu tư sẽ không nhỏ. Kinh tế hay không phụ thuộc rất lớn vào giá dầu, có như vậy nhà đầu tư mới “dám” triển khai được”.

Có một chi tiết khá “lạ” đối với chúng tôi nhưng có lẽ không hiếm đối với những nhà khoa học là hơn 50 tuổi ông Trung mới xây dựng gia đình riêng. Vợ là tham tán thương mại của một nước tại Nam Á mà ông quen được qua các chuyến công tác. Hạnh phúc đến muộn nhưng đủ đầy và viên mãn như một điều kỳ diệu của tạo hóa về một kết thúc có hậu cho những con người đầy tâm huyết, có niềm tin son sắt vào sự nghiệp phát triển đất nước.

TS Nguyễn Hữu Trung từng đảm nhiệm chức vụ Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ VPI, một trong số tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ. TS Nguyễn Hữu Trung nguyên là Ủy viên BCH Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB VPI.

Công Kiên

DMCA.com Protection Status